www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
08:58 CDT Thứ năm, 28/03/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 86

Máy chủ tìm kiếm : 10

Khách viếng thăm : 76


Hôm nayHôm nay : 7249

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 834943

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 19056138

Trang nhất » Tin Tức » Bạn đọc viết

Các Giám Mục Đức chia rẽ đối với chỉ thị mới của Tòa Thánh về việc tái cấu trúc giáo xứ

Thứ bảy - 01/08/2020 11:08
Nhà thờ

Nhà thờ

Theo CNA, chỉ thị mới của Toà Thánh về giáo xứ đã nhận được một sự tiếp đón lẫn lộn tại Đức. Điểm nhấn của chỉ thị là: giáo xứ phải trở thành trung tâm truyền giảng Tin Mừng và chỉ có các linh mục mới lãnh đạo công việc chăm sóc mục vụ tại các giáo xứ.

Riêng đối với cuộc tranh luận về vai trò của giáo dân trong Giáo Hội Đức, các Giám Mục nước này đã chào đón chỉ thị của Tòa Thánh bằng cả lời khen lẫn chỉ trích.

Các nhận định của các Giám Mục tiếp theo quyết định của Tòa Thánh hồi tháng Sáu nhằm chặn đứng kế hoạch của giáo phận Trier dự định giảm số các giáo xứ của họ từ 800 xuống còn 35.

Theo tường trình của Hãng tin CNA Deutsch, Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki của Cologne nói rằng ngài “biết ơn” chỉ thị của Tòa Thánh.

Trong một tuyên bố ngày 22 tháng 7, Đức Hồng Y Woelki cám ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô về “nhiều gợi ý cho việc đánh thức nhiệt tình truyền giáo của Giáo Hội”.

Ngài viết “Đồng thời, văn kiện nhắc nhở chúng ta các chân lý nền tảng của đức tin, những chân lý mà đặc biệt ở Đức, đôi khi chúng ta quên mất vì quá quan tâm đến bản thân mình. Không phải chúng ta ‘tạo nên’ Giáo Hội, và cũng không phải là Giáo Hội ‘của chúng ta’, nhưng là Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô. Chính Chúa tạo lập nên Giáo Hội và với Giáo Hội là các bí tích và chức linh mục thừa tác”.

“Ở đây, Đức Phanxicô đã chỉnh sửa mọi điều, nhưng không như một trách mắng hay biện pháp kỷ luật, mà như một khuyến khích để ta hoàn toàn tin dựa vào Chúa Kitô để trở thành một Giáo Hội truyền giáo một lần nữa”.

Nhưng Đức Cha Franz-Josef Bode của Osnabrück, phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, mô tả chỉ thị như một “chiếc thắng mạnh mẽ ngăn chặn việc động viên và đánh giá cao việc phục vụ của giáo dân”.

Trong một bản tuyên bố ngày thứ Tư, Đức Cha Bode cho rằng chỉ thị này cho thấy một “hoán cải trở về với việc giáo sĩ hóa”. Ngài cho hay: chỉ thị làm các Giám Mục “hoàn toàn ngỡ ngàng”. Ngài lấy làm tiếc khi Rôma không “tiếp xúc trước với các thực tại địa phương” hay tỏ ra quan tâm hơn đối với quan niệm đồng nghị (synodality) “rất được nại đến”.

Ngài bảo “tôi sợ các qui tắc đó, bất chấp có thể có tính bó buộc như thế nào, sẽ không hữu hiệu nếu chúng lỗi thời quá lâu so với thực tại rất nhiều”.

Ngài bênh vực việc dẫn nhập “các mô hình lãnh đạo” mới vào giáo phận của ngài, các mô hình minh nhiên bao hàm việc giám sát các giáo xứ bởi giáo dân. Ngài nhận định rằng theo chỉ thị, việc này chỉ có thể được phép trên căn bản tạm thời, khẩn cấp, nhưng ngài nói thêm “tôi có ý kiến: nhu cầu này sẽ hiện hữu vĩnh viễn ở nhiều nơi trên đất nước chúng ta”.

Ngài bảo: “Chẳng may, chỉ thị này là một chiếc thắng mạnh mẽ đối với việc động viên và đánh giá cao các thừa tác vụ của giáo dân đến nỗi tôi rất lo ngại đối với việc làm thế nào chúng ta tìm được các Kitô hữu dấn thân dưới những điều kiện như thế và làm cách nào chúng ta có thể tiếp tục đồng hành và nâng đỡ tốt các nhân viên mục vụ của chúng ta”.

Ngài cũng bênh vực “Con đường Đồng nghị” gây tranh cãi của Giáo Hội Đức, một phương thức đem lại với nhau các giáo dân và Giám Mục để thảo luận 4 chủ đề lớn: cách thực thi quyền hành trong Giáo Hội; nền luân lý tính dục; chức linh mục; và vai trò phụ nữ.

Ngài nói: “điều này làm cho ‘Con đường Đồng nghị’ ở Đức càng cần thiết hơn, vì chính những vấn đề giáo hội học này đang gặp nguy cơ, vấn đề việc ‘tham gia vào Giáo Hội’ phải như thế nào, vấn đề phải hiểu thừa tác vụ linh mục ra sao và nó phải hiện hữu như thế nào, và vấn đề nữ giới và nam giới phải cùng nhau lên khuôn Giáo Hội ra sao. Chỉ có Con đường Đồng nghị mới có thể là câu trả lời cho thách thức Rôma này”.

Đức Cha Peter Kohlgraf của Mainz cho rằng chỉ thỉ này đại biểu cho một cuộc “can thiệp” vào thừa tác vụ Giám Mục của ngài, một cuộc can thiệp ngài “không thể nào chấp nhận một cách dễ dàng”.

Trong một bản tuyên bố hôm thứ Tư, ngài nói rằng chỉ thị nghi vấn các kế hoạch nhằm gom các giáo xứ trong giáo phận ngài như là thành phần của dự án có tên “Con đường Đồng nghị”.

Ngài giải thích: từ đầu, “Con đường Đồng nghị” được quan niệm như “Con đường Tâm linh”. Ngài cho biết “vấn đề tâm linh chính là làm thế nào để sứ điệp Tin Mừng có thể được đem ra sống và công bố trong các điều kiện của thời nay. Điều này bất khả nếu không chịu nhìn rõ ‘các dấu chỉ thời đại’ và giải thích chúng trong tinh thần Tin Mừng”.

Ngài không vui khi mọi việc gom giáo xứ đều đòi phải được Tòa Thánh chấp thuận; vì theo ngài, Tòa Thánh chắc chắn sẽ bác bỏ mọi kế hoạch bổ nhiệm giáo dân quản trị các giáo xứ được gom lại.

Ngài nói “các giám đốc hành chánh được chúng tôi dự hoạch có lẽ không thích đáng theo các ý niệm của Rôma”. Ngài tỏ ý quan tâm đối với việc các linh mục trong giáo phận ngài sẽ bị tràn ngập bởi vấn đề hành chánh.

Matthias Kopp, phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Đức, nói rằng các Giám Mục sẽ nghiên cứu cẩn thận văn kiện của Tòa Thánh và sẽ thảo luận nó trong kỳ họp sắp tới.

Đức Hồng Y Kasper ủng hộ văn kiện của Tòa Thánh

Trong khi đó, theo Catholic News Service, trên trang mạng domradio.de ở Cologne, Đức Hồng Y Walter Kasper cho rằng “việc phê phán ở Đức hoàn toàn không nắm được trọng điểm của chỉ thị, tức việc hoán cải công việc mục vụ để nó có tính truyền giáo”

Đức Hồng Y Kasper, người chịu trách nhiệm về các liên hệ đại kết tại Tòa Thánh trong nhiều năm, nói rằng các chương đầu tiên của văn kiện và phần tóm lược nhắc một cách sâu rộng tới trách nhiệm chung của toàn thể cộng đoàn giáo xứ. Ngài cho rằng việc nhấn mạnh tới trách nhiệm của linh mục chánh xứ là điều hợp pháp về phương diện thần học.

Ngài cho biết ngài biết ơn nhận định của Tòa Thánh vì việc tranh luận không thôi về việc độc thân, phong chức phụ nữ, các toán lãnh đạo..., bất chấp trả lời ra sao, vẫn dẫn đến sự kiện không người trẻ nào biết họ can dự vào điều gì nữa khi quyết định theo đuổi ơn gọi linh mục”.

Từng là Giám Mục giáo phận Rottenburg-Stuttgart từ năm 1989 tới năm 1999, Đức Hồng Y Kasper nói tiếp “nếu chúng ta không thành công tái tạo bầu khí chấp nhận, nhìn nhận, ý nghĩa và vẻ đẹp của ơn gọi linh mục tại các giáo xứ... thì chúng ta nên quên đi mọi cuộc cải tổ khác”.

Ngài nhấn mạnh việc văn kiện thừa nhận rằng những nhiệm vụ không nội tại của chức linh mục có thể được ủy thác cho giáo dân. Ngài giải thích: “trong nền văn hóa làm ăn hiện nay, khỏi cần phải nói rằng các nhân viên ấy không hề chỉ là các phụ tá hay người tiếp nhận mệnh lệnh. Điều này đặc biệt đúng đối với Giáo Hội, nơi trách nhiệm có đặc tính bản vị, nói theo Kinh Thánh, là chứng từ bản vị, chứ không thể nấp đàng sau các cơ cấu và nhóm lãnh đạo nặc danh”.

Hơn nữa, Đức Hồng Y Kasper còn lý luận rằng chỉ thị này thực sự ngăn cản “chủ nghĩa độc đoán tân giáo sĩ trị” từ trên đi xuống bằng cách bảo đảm rằng các Giám Mục không đơn giản muốn sắp đặt lại, muốn bãi bỏ hay gom các giáo xứ ra sao mặc lòng, không cần phải giải trình. Thay vào đó, mục đích của chỉ thị là buộc các vị phải tuân theo các tiêu chuẩn và thủ tục “hợp hiến” và chấp pháp được.

Một mong chờ không đúng nơi Đức Phanxicô

Nghĩ cho cùng, theo nhà bình luận Andrea Gagliarducci, những người phản đối chỉ thị có những mong chờ không thực tiễn nơi Đức Phanxicô. Họ mong chờ một cuộc cách mạng trong văn kiện trên, nhưng tìm không thấy. Đó là nét nghịch lý của triều Giáo Hoàng Phanxicô.

Theo Gagliarducci, khi Đức Phanxicô nói chuyện, ngài hay nuôi dưỡng niềm kỳ vọng rằng vị Giáo Hoàng “đến từ tận cùng thế giới” sẽ thay đổi nền móng của Giáo Hội, nhưng “khi đụng tới vấn đề qui tắc, Đức Giáo Hoàng Phanxicọ đích thực mới được tỏ hiện”.

Riêng đối với vai trò giáo dân, nhất là nữ giới, Đức Phanxicô “chỉ nói đến việc tham dự của họ vào sinh hoạt của Giáo Hội và việc phục vụ cộng đồng. Ngài không bao giờ nói đến việc giáo dân thay thế các linh mục”.

Gargliarducci cho rằng đây không phải lần đầu tiên phe cấp tiến ngã lòng về động thái của triều Giáo Hoàng Phanxicô. Họ vốn ngã lòng với các tông huấn Amoris Laetitia và Querida Amazonia, cả hai đều là các tông huấn hậu thượng hội đồng và đầy những chờ mong đem đến cách mạng. Cách mạng này không bao giờ xẩy ra cả. Ít nhất không xẩy ra như ý người ta mong muốn.

Trong Amoris Laetitia, việc mở ra khả thể cho phép người ly dị tái hôn rước lễ chỉ nằm trong một ghi chú. Và tông huấn này phần lớn nhấn mạnh đến việc biện phân hay phân định, một chủ đề xưa như chính Giáo Hội.

Querida Amazonia, trái với các kỳ vọng, không nhắc chi tới linh mục có vợ, vì đó không phải là trọng tâm các cuộc thảo luận của Thượng Hội Đồng. Mục tiêu của văn kiện là nhìn ra và dành phẩm giá cho một thực tại chuyên biệt, Vùng Toàn Amazonia, củng cố và nâng cao lục địa Châu Mỹ Latinh.

Các văn kiện này sống trong một căng thẳng không thôi giữa thần học linh hứng và việc áp dụng các qui tắc. Sự căng thẳng này khó mà xoay xở và có nguồn gốc từ sau Công Đồng Vartican II. Đức Bênêđíctô XVI, chẳng hạn, trong lá thư gửi tín hữu Ái Nhĩ Lan đã nhận định rằng các quan niệm sai lầm tạo nên việc phớt lờ các qui tắc, và việc phớt lờ này dẫn đến việc không giải quyết được nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục.

Đức Phanxicô thực tiễn hơn. Ngài sống trong hiện tại. Ngài không lưu ý tới khuôn khổ khái quát. Ngài tìm cách đẩy mạnh một cách thực tiễn cuộc hoán cải mục vụ. Mọi cố gắng của ngài nhắm mục đích này.

Tác giả bài viết: Vũ Văn An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Liên hệ

Tinvuiviet.net kính chào Quý vị và các bạn. Chúng tôi luôn mong nhận được bài vở cộng tác của mọi người. Xin cám ơn.   Liên hệ: Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: bbttinvui@gmail.com. Chân thành cảm ơn Quý vị và các bạn đã ghé thăm site. Kính chúc Quý vị và các...

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Trong Mùa Chay bạn làm gì để tỏ lòng sám hối ?

Ăn chay. Hãm mình.

Bác ái, chia sẻ.

Hoán cải đời sống, đi xưng tội.

Năng tham dự thánh lễ.

Cầu nguyện nhiều hơn.