www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
10:44 CDT Thứ năm, 28/03/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 77

Máy chủ tìm kiếm : 12

Khách viếng thăm : 65


Hôm nayHôm nay : 8901

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 836595

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 19057790

Trang nhất » Tin Tức » Bạn đọc viết

Tại Florence, năm thứ “duy” bị Đức Phanxicô phê phán

Thứ tư - 11/11/2015 08:50
Pope Francis

Pope Francis

Ngày 10 tháng 11, trong Đại Hội Công Giáo Ý lần thứ năm tổ chức ở Florence, với chủ đề “Tân Chủ Nghĩa Nhân Bản Trong Chúa Giêsu Kitô”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói chuyện với các tín hữu tụ họp tại Nhà Thờ Chính Tòa của Thành Phố.

Ngài nói với họ rằng tìm giải pháp cho các cơn bệnh và các vấn nạn của Giáo Hội dựa vào “chủ nghĩa duy bảo thủ và chủ nghĩa duy quá khích” là điều hoàn toàn vô dụng. Ngài cũng cảnh cáo chống lại một đức tin “giam mình trong chủ nghĩa duy chủ quan”. 

Ngài nhấn mạnh rằng cả chủ nghĩa duy Pêlagiô (Pelagianism), một ly giáo bác bỏ tội nguyên tổ, lẫn chủ nghĩa duy ngộ đạo (Gnosticism), một chủ nghĩa bác bỏ thần tính của Chúa Kitô, đều là những cám dỗ sẽ đánh bại chủ nghĩa nhân bản Kitô Giáo chân thực. 

Theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chủ nghĩa duy Pêlagiô “thúc đẩy Giáo Hội đừng khiêm nhường, đừng vị tha và đừng được hưởng phúc. Và nó làm thế với bộ dạng của một chủ nghĩa tốt lành”. Nhưng ngài cho hay: một phương thức như thế, chỉ “đem ta tới chỗ tin tưởng vào các cơ cấu, các cơ quan, tới việc đặt kế hoạch hoàn hảo vì nó hoàn toàn trừu tượng”. 

Và theo ngài, “nó cũng dẫn ta tới chỗ tiếp nhận một phong thái kiểm soát, cứng ngắc, vụ luật. Luật mang đến cho phe Pêlagiô sự an toàn để cảm thấy mình ở thế thượng phong hơn, có hướng đi chính xác hơn. Đó là sức mạnh của nó, chứ không phải ánh sáng từ hơi thở Chúa Thánh Thần”. 

Đức Giáo Hoàng nói tiếp: “Khi đương đầu với những căn bệnh hay vấn nạn của Giáo Hội, điều hoàn toàn vô dụng là đi tìm giải pháp nơi chủ nghĩa duy bảo thủ và chủ nghĩa duy quá khích, trong việc phục hồi các tập quán và những hình thức lỗi thời, vô nghĩa cả về mặt văn hóa”. 

Ngài nói thêm rằng tín lý Kitô Giáo “không phải là một hệ thống khép kín, hết khả năng tạo ra các câu hỏi, các bận tâm, nhưng nó sống động, làm người ta không yên, sinh động hóa người ta. Gương mặt của nó không cứng nhắc, cơ thể nó động đậy và phát triển, da thịt nó mềm mại: đó là da thịt của Chúa Giêsu Kitô”. 

Theo Đức Phanxicô, “việc cải tổ Giáo Hội, mà Giáo Hội thì semper reformanda (luôn cần cải tổ), là điều hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa duy Pêlagiô”. Ngài nói rằng việc cải tổ này không được hoàn tất nhờ thay đổi cơ cấu, mà có nghĩa là “được tháp nhập và bén rễ vào Chúa Kitô, tự để ta được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Rồi mọi sự khác đều khả hữu cùng với óc khéo léo và óc sáng tạo của ta”. 

Cám dỗ thứ hai sẽ đánh bại chủ nghĩa nhân bản Kitô Giáo là cơn cám dỗ của chủ nghĩa duy ngộ đạo. “Nó dẫn ta tới chỗ tin tưởng vào lối suy luận rõ ràng, hợp luận lý học, nhưng không còn nhìn ra sự mềm mại của da thịt anh chị em mình”. 

Trích dẫn tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, ngài bảo: sự quyến rũ của chủ nghĩa duy ngộ đạo “là sự quyến rũ của một đức tin tự khóa mình vào chủ nghĩa duy chủ quan, một chủ nghĩa chỉ ảnh hưởng ‘tới một kinh nghiệm nào đó hay một số ý niệm và một số tín liệu nào đó nhằm an ủi và soi sáng, nhưng cuối cùng giam hãm người ta trong các suy nghĩ và cảm quan của họ’”.

Đức Giáo Hoàng nói thêm: “sự khác nhau giữa tính siêu việt Kitô Giáo và bất cứ hình thức duy tâm linh ngô đạo nào đều nằm trong mầu nhiệm Nhập Thể. Không đem ra thực hành, không đưa Lời vào thực tại, là xây nhà trên cát, là ở mãi trong các ý niệm lý thuyết và sẽ thoái hóa thành những thân mật không sinh hoa trái, khiến cho năng động tính của Lời thành vô sinh”. 

Ngược lại, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh ba cảm quan hay tình cảm cần thiết đối với chủ nghĩa nhân bản Kitô Giáo, ba cảm quan vốn nói lên “tâm tư Chúa Giêsu Kitô”. Ngài liệt kê chúng là đức khiêm nhường, vô vị lợi, tức không bị ảnh hưởng bởi các động lực vị kỷ, cũng không mưu cầu tư lợi bản thân mà là quyền lợi của người khác, và được hưởng phúc, được hưởng niềm vui của Tin Mừng.

Đức Phanxicô cho hay: “sống gần gũi người ta và cầu nguyện là hai chìa khóa để sống chủ nghĩa nhân bản Kitô Giáo” nghĩa là “được lòng dân, khiêm nhường, đại lượng, hạnh phúc”. 

Theo ngài “mất tiếp xúc với dân trung thành của Thiên Chúa, ta sẽ mất cả nhân loại và không đi tới đâu hết”. 

Ngài nói thêm: “ta chỉ có thể nói tới chủ nghĩa nhân bản bằng cách khởi đi từ tính trung tâm của Chúa Giêsu, khám phá nơi Người các đặc điểm của gương mặt con người chân chính. Và khởi đi từ việc chiêm ngắm gương mặt của Chúa Giêsu chịu chết và sống lại, một gương mặt vốn tái tạo nhân tính ta, một nhân tính vốn tan nát vì gian khổ đời người hay bởi tội lỗi mà ra. Ta không nên thuần hóa sức mạnh của gương mặt Chúa Kitô”.

Ngài nói rằng gương mặt là “hình ảnh sự siêu việt của Người” nhưng thêm rằng ở đây ngài không muốn “vẽ ra một hình ảnh trừu tượng về ‘tân chủ nghĩa nhân bản’, một ý niệm nào đó về con người, mà muốn trình bầy một cách đơn sơ một cố đặc điểm của chủ nghĩa nhân bản Kitô Giáo vốn là các tâm tư tình cảm của Chúa Giêsu Kitô. Đây không phải là các cảm giác chóng qua có tính trừu tượng mà đúng hơn biểu thị cho một sức mạnh ấm áp nội tâm giúp chúng ta có thể sống và đưa ra các quyết định”. 

Đức Giáo Hoàng đề cao các Mối Phúc là các mối “giúp chúng ta sống cuộc sống Kitô hữu về phương diện thánh thiện. Chúng rất vắn, đơn giản nhưng thực tiễn. Xin Chúa ban cho ta ơn thánh để hiểu điều đó, hiểu sứ điệp của Người!”. 

Ngài khuyên các tín hữu Ý “luôn tiếp nhận tinh thần của những nhà thám hiểm vĩ đại”, không sợ sệt trước “các biên giới và sóng cả”. Hãy trở nên một Giáo Hội “tự do và cởi mở trước các thách đố của hiện tại, không bao giờ ở thế phải chống chế vì sợ mất một điều gì đó. Và hãy gặp gỡ người ở đường phố, theo con đường của Thánh Phaolô: ‘với người yếu, tôi trở thành người yếu, để được lòng người yếu. Tôi đã trở nên mọi sự cho mọi người để bằng đủ mọi cách tôi cứu được một số’ (1 Cor 9:22)”.

Ngài cũng nhấn mạnh thêm rằng điều quan trọng là phải “luôn nhớ rằng” sẽ “không có chủ nghĩa nhân bản đích thực nào mà lại không cung cấp tình yêu làm sợi dây nối kết các hữu thể nhân bản”, bất kể sợi dây này có “bản chất liên ngã, thân mật, xã hội, chính trị hay tri thức”.

“Điều trên đặt căn bản trên nhu cầu đối thoại và gặp gỡ, để cùng với người khác, xây dựng một xã hội dân chính”. 

Trong bài nói chuyện, Đức Giáo Hoàng nói đùa với các người tham dự rằng ngài sẽ không trình bầy với họ một danh sách dài gồm nhiều cơn cám dỗ: “không như 15 điều tôi trình bầy với Giáo Triều Rôma” (Xem Diễn Văn với Giáo Triều Rôma, 22 tháng 12, 2014).

Tác giả bài viết: Vũ Văn An

Nguồn tin: vietcatholic

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Liên hệ

Tinvuiviet.net kính chào Quý vị và các bạn. Chúng tôi luôn mong nhận được bài vở cộng tác của mọi người. Xin cám ơn.   Liên hệ: Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: bbttinvui@gmail.com. Chân thành cảm ơn Quý vị và các bạn đã ghé thăm site. Kính chúc Quý vị và các...

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Chúng ta nên làm gì để nhiều người biết Thiên Chúa hơn ?

Cầu nguyện.

Đi lễ.

Sống bác ái.

Loan báo Tin Mừng.

Chu toàn nhiệm vụ hằng ngày.