www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
18:21 CDT Thứ năm, 28/03/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 79

Máy chủ tìm kiếm : 13

Khách viếng thăm : 66


Hôm nayHôm nay : 16244

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 843938

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 19065133

Trang nhất » Tin Tức » Bạn đọc viết

Tản mạn về Phục Sinh (3)

Thứ hai - 13/04/2015 08:22
Chúa Phục Sinh

Chúa Phục Sinh

Một giải đáp ở đây là nhớ lại rằng cả Thánh Gioan lẫn Thánh Mátthêu đều không tuyệt đối bác bỏ việc ba người phụ nữ tới ngôi mộ hôm đó. Các ngài chỉ không nhắc tới con số 3 trong khi Thánh Máccô nhắc tới. Thánh Gioan đặc biệt muốn tập chú vào Maria Magđalêna và có thể thấy nhắc tới những người khác là điều không cần thiết. Ngoài ra, việc Thánh Máthêu và Thánh Máccô nhắc đến một thiên thần không nên bị coi là tuyệt đối bác bỏ 2 thiên thần của Thánh Luca và của Thánh Gioan.

IV. Sắp xếp lại câu truyện Phục Sinh

Đọc các trình huật khác nhau về Phục Sinh trong bốn Tin Mừng, trong Công Vụ và trong các Thư của Thánh Phaolô, ta không khỏi thấy có nhiều sai biệt trong chi tiết, nhiều chi tiết khá quan trọng, nhất là trong các lần hiện ra vào ngày thứ nhất.

1. Các sai biệt

Sau đây là một số sai biệt:

(1). Bao nhiêu phụ nữ tới ngôi mộ vào sáng hôm đó, một (Ga 20:21), hai (Mt 28:1) hay ba (Mc 16:1)?

(2). Magđalêna một mình đi gặp Phêrô và Gioan (Ga 20) hay một số phụ nữ đi gặp các môn đệ (Mt 28; Mc 16)?

(3). Họ nhìn thấy bao nhiêu thiên thần ở đó vào sáng hôm đó, một (Mt 28:2; Mc 16:5) hay hai (Lc 24:4; Ga 20:12)?

(4). Các phụ nữ chạy tới gặp các môn đệ khác và kể cho các ngài hay những gì mình thấy (Mt 28:8; Lc 24:9) hay họ không nói gì vì sợ (Mc 16:8)?

(5). Chúa Giêsu gặp họ đầu tiên ở Galilê (Mc 16:7; Mt 28:9) hay ở Giêrusalem (Ga 20; Lc 24:36)?

(6). Trong các tông đồ, có phải Người hiện ra đầu tiên với Phêrô (Lc 24:34), tất cả 11 tông đồ cùng một lúc (Mt 28:16) hay 11 tông đồ trừ Tôma?

(7). Chúa Giêsu hiện ra với họ trong một căn phòng (Ga 20:19) hay trên một đỉnh núi (Mt 28:16)?

(8). Cuối cùng, Chúa Giêsu lên trời vào ngay Chúa Nhật Phục Sinh (Lc 24:50-53; Mc 16:19) hay 40 ngày sau (Cv 1:3, 9)?

2. Các giải thích

Đức Ông Charles Pope của Tổng Giáo Phận Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn giải thích như sau về những sai biệt trên:

(1). Bao nhiêu phụ nữ tới ngôi mộ vào sáng hôm đó, một (Ga 20:21), hai (Mt 28:1) hay ba (Mc 16:1)? Và họ nhìn thấy bao nhiêu thiên thần ở đó vào sáng hôm đó, một (Mt 28:2; Mc 16:5) hay hai (Lc 24:4; Ga 20:12)?

Một giải đáp ở đây là nhớ lại rằng cả Thánh Gioan lẫn Thánh Mátthêu đều không tuyệt đối bác bỏ việc ba người phụ nữ tới ngôi mộ hôm đó. Các ngài chỉ không nhắc tới con số 3 trong khi Thánh Máccô nhắc tới. Thánh Gioan đặc biệt muốn tập chú vào Maria Magđalêna và có thể thấy nhắc tới những người khác là điều không cần thiết. Ngoài ra, việc Thánh Máthêu và Thánh Máccô nhắc đến một thiên thần không nên bị coi là tuyệt đối bác bỏ 2 thiên thần của Thánh Luca và của Thánh Gioan.

Một giải đáp khác là đơn giản thừa nhận sự sai biệt trong các trình thuật nhưng nhấn mạnh sự kiện này là: con số phụ nữ và con số thiên thần không phải là trọng điểm. Trọng điểm là ngôi mộ được khám phá ra không có xác chôn bởi một hoặc vài phụ nữ và họ được chỉ thị thông báo cho các môn đệ điều mình thấy và nghe.

(2) Thánh Mátthêu (28:8) và Thánh Luca (24:9) viết rằng các phụ nữ đi và kể cho các môn đệ về ngôi mộ trống nhưng Thánh Máccô (16:8) viết rằng họ sợ nên không nói gì. Điều này đúng nhưng trong các câu tiếp theo (Mc 16:10), Maria Magđalêna quả có kể cho các tông đồ nghe. Thay vì mâu thuẫn với các vị khác, Thánh Máccô có thể muốn nói thêm chi tiết về sự sững sờ của các phụ nữ, đến nỗi thoạt đầu họ không nói được gì, nhưng sau đó, họ có cho các tông đồ hay.

(3) Thánh Máccô (16:7) và Thánh Mátthêu (28:9) cho biết, theo chỉ thị của thiên thần, Chúa Giêsu sẽ gặp họ tại Galilê, nhưng Thánh Luca (24:36) và Thánh Gioan (Ga 20) mô tả các lần hiện ra đầu tiên ở Giêrusalem. Về sai biệt này, ta cần nhớ rằng các tin mừng không được viết như những cuốn lịch sử theo thứ tự thời gian. Các soạn giả tin mừng chọn lựa các biến cố trong số nhiều điều Chúa Giêsu nói và làm và có thể cũng đã thay đổi thứ tự. Thánh Gioan (20:30; 21:25) minh nhiên tuyên bố rằng trình thuật của ngài có tính lựa lọc. Do đó, ta không nên kết luận rằng tin mừng nào cũng hoàn toàn chi tiết hóa mọi cuộc hiện ra sau phục sinh. Quả tình Thánh Máccô và Thánh Mátthêu chỉ nhắc đến các lần hiện ra ở Galilê. Như thế, các trình thuật này chỉ bao gồm các lời thiên thần chỉ thị phải trẩy đi Galilê vì các ngài không có ý định mô tả các lần hiện ra ở nơi khác. Nói cách khác, ta có thể suy đoán rằng các chỉ thị của thiên thần có thể có nhiều chi tiết hơn và bao gồm cả việc sẵn sàng gặp Chúa Giêsu đầu tiên ở Giêrusalem. Tuy nhiên, Thánh Mátthêu và Thánh Máccô bỏ qua các chi tiết này trong các trình thuật của mình vì các ngài không có ý định bao gồm các lần hiện ra ở Giêrusalem trong các trình thuật của mình. Điều này rất có thể không làm vừa lòng ý niệm của chúng ta về các trình thuật lịch sử: ta muốn được trình thuật mọi chi tiết. Nhưng, Sách Thánh vốn không ghi chép lịch sử theo lối ấy. Đúng hơn Sách Thánh lọc lựa trình thuật nào có liên quan tới lịch sử nhưng không tường trình nó cách thấu đáo. Cũng nên lưu ý: Thánh Mátthêu và Thánh Máccô không rõ ràng về khung thời gian của các cuộc hiện ra. Tuy nhiên, Thánh Luca và Thánh Gioan xác định lần hiện ra đầu tiên ở Giêrusalem và rõ ràng cho biết ngày ấy cũng là ngày Chúa sống lại. Do đó, ta có lý để kết luận rằng các cuộc hiện ra đầu tiên diễn ra ở Giêrusalem và các lần hiện ra sau đó diễn ra tại Galilê. Nói cách khác, các cuộc hiện ra ở Giêrusalem không hề mâu thuẫn với các cuộc hiện ra ở Galilê. Đúng hơn, chúng chỉ thêm các chi tiết mà Thánh Mátthêu và Thánh Máccô, vì lý do riêng, quyết định không bao gồm. Một kết luận như thế tuy có tính suy đoán, nhưng có thể giúp ta thấy rõ các trình thuật tuyệt đối không mâu thuẫn với nhau.

(4) Trong số các tông đồ, Chúa Giêsu hiện ra với Thánh Phêrô trước nhất (Lc 24:34), tất cả 11 tông đồ cùng một lúc (Mt 28:16), hay 11 tông đồ trừ Tôma (Ga 20:24)? Phần chắc là Chúa Giêsu hiện ra với Thánh Phêrô trước nhất dù không có trình thuật trực tiếp nào nói về việc hiện ra này trong Sách Thánh. Tin Mừng Luca có nhắc tới việc này: Ngay lúc ấy, họ (hai môn đệ trên đường Emmau) đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: "Chúa sống lại thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon" (24:33-34). Thánh Phaolô cũng ghi lại điều đó: "Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Ðồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non" (1Cor 15: 5-8). Thành thử, Thánh Phêrô chắc chắn là người đầu tiên được Chúa hiện ra. Câu trích dẫn thư Thánh Phaolô vừa rồi cũng giúp ta nhớ lại rằng các trình thuật Tin Mừng luôn có tính lựa lọc cả đối với việc tường trình các lần hiện ra sau phục sinh. Do đó, khi đọc các trình thuật khác nhau, ta chỉ nhận được một phần của bức tranh toàn diện (xem Ga 20:30). Theo Thánh Phaolô, có những cuộc hiện ra với Thánh Phêrô, với 5 trăm môn đệ, và với Thánh Giacôbê. Chi tiết của các lần hiện ra này ta được tự do tưởng nghĩ. Điều này cũng có nghĩa ta không nên coi các trình thuật của Thánh Gioan và của Thánh Mátthêu, như đã được trích dẫn trên đây, là mâu thuẫn. Các trình thuật đó chắc chắn nói tới những lần hiện ra khác nhau.

(5) Chúa Giêsu hiện ra với họ trong một căn phòng (Ga 20:19) hay trên đỉnh núi (Mt 28:16)? Một lần nữa, ta không nên đặt hai bản văn này ở thế mâu thuẫn nhau. Phần chắc, chúng mô tả các lần hiện ra khác nhau. Vì khung thời gian của Thánh Gioan cho biết rõ ràng rằng các lần hiện ra ở thượng lầu diễn ra ngay trong Chúa Nhật Phục Sinh, nên ta có thể coi những cuộc hiện ra đó diễn ra trước nhất. Còn lần hiện ra ở trên đỉnh núi là ở Galilê và khung thời gian không rõ, nên có thể xẩy một hai ngày hay một hai tuần lễ sau.

(6) Chúa Giêsu lên trời ngay Chúa Nhật Phục Sinh (Lc 24:50-53; Mc 16:19) hay 40 ngày sau (Cv 1:3,9)? Thoạt nhìn, các bản văn của Thánh Luca và của Thánh Máccô xem ra muốn ngụ ý rằng việc lên trời xẩy ra cùng ngày với biến cố phục sinh. Tuy nhiên, đọc kỹ ta sẽ thấy: chúng khá mơ hồ về khung thời gian. Thánh Máccô bắt đầu đoạn dẫn tới việc lên trời bằng chữ “sau đó”. Bao lâu sau lần hiện ra trước không chắc chắn. Đoạn văn của Thánh Luca cũng mơ hồ như thế về thời gian. Tuy nhiên, Công Vụ (1:3,9), cũng do Thánh Luca viết, thì nói rất rõ ràng rằng thời gian xẩy ra việc lên trời là 40 ngày sau. Như thế, không nên coi Công Vụ đi ngược lại các trình thuật Tin Mừng; nó chỉ cung cấp các chi tiết không có trong các trình thuật ấy mà thôi. Vả lại, nếu nhận Thánh Luca là tác giả của cả Tin Mừng mang tên ngài và Công Vụ, thì làm sao ngài lại mâu thuẫn với chính ngài được?

Nói tóm lại, ta buộc phải nhận rằng các sách Tin Mừng không ghi chép lịch sử theo lối có hệ thống và tuyệt đối theo thứ tự thời gian như người hiện đại chúng ta. Nhưng quả chúng có ghi lại lịch sử, và ta phải chấp nhận các chứng cớ và trình thuật chúng cung cấp. Nhưng từ đó rút ra một khung thời gian chính xác cũng như mô tả chi tiết theo đúng thời gian của chúng là điều bất khả. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu cẩn thận các bản văn, ta vẫn có thể làm được đôi điều trong khía cạnh này.

3. Sắp xếp lại

Sau khi đưa ra một số tạm gọi là giải thích như trên, Đức Ông Charles Pope cố gắng dựa vào suy nghĩ bản thân của một mục tử, chứ không hẳn một học giả Thánh Kinh, để đề xuất một sắp xếp lại, theo thứ tự thời gian, các biến cố chung quanh việc phục sinh của Chúa Giêsu cho có trình tự thống nhất.

(1). Buổi sáng ngày thứ nhất

A. Sáng sớm, một nhóm phụ nữ, trong đó có bà Maria Magđalêna, đến mộ để hoàn tất các phong tục chôn cất Chúa Giêsu (Mt 28:1; Mc 16:1; Ga 20:1).

B. Họ được báo động khi thấy cửa mộ bị mở ra.

C. Bà Maria Magđalêna chạy đi tìm ông Phêrô và ông Gioan để báo cho các ông về việc kẻ trộm lấy mất xác Thầy (Ga 20:2).

D. Các phụ nữ còn lại gặp một thiên thần; thiên thần này loan báo cho họ hay Chúa Giêsu đã sống lại và các bà phải cho các môn đệ biết điều ấy (Mc 16:5; Lc 24:4; Mt 28:5).

E. Thoạt đầu, họ rất sợ, nên đã rời khỏi mộ không dám nói gì với ai (Mc 16:8).

F. Lấy lại can đảm, họ quyết định tới gặp các Tông Đồ (Lc 24:9; Mt 28:8).

G. Trong khi ấy, ông Phêrô và ông Gioan đi ra mộ để điều tra lời kể của Bà Maria Magđalêna. Bà này theo họ trở lại mộ và đã đến đó trước khi họ rời khỏi. Ông Phêrô và ông Gioan khám phá ra ngôi mộ trống dù không gặp thiên thần nào. Ông Gioan tin việc phục sinh. Kết luận của ông Phêrô không được ghi lại.

H. Các phụ nữ khác đã tường thuật điều các thiên thần truyền cho các tông đồ. Ông Phêrô và ông Gioan chưa trở về và các tông đồ kia, thoạt đầu, không tin câu truyện của các phụ nữ (Lc 24:9-11).

I. Maria Magđalêna, còn nấn ná ở lại mộ, sùi sụt khóc và lo sợ. Lần này, nhìn vào mộ, bà thấy hai thiên thần; các vị thắc mắc không hiểu tại sao bà khóc. Lúc đó, Chúa Giêsu, từ đàng sau, tiến lại phía bà. Không nhìn thẳng vào Chúa Giêsu, bà nghĩ người này là người làm vườn. Rồi Người gọi tên bà, và bà, vì nhận ra tiếng Người, nên quay lại và thấy Người. Tràn ngập niềm, bà toan ôm lấy Người (cuộc hiện ra thứ nhất) (Ga 20:16).

J. Chúa Giêsu sai bà trở về gặp các tông đồ, cho họ biết nên chuẩn bị để Người hiện ra sau đó cùng ngày (Ga 20:17).

K. Các phụ nữ khác đã từ giã các tông đồ và có thể đang trên đường về nhà. Lúc đó, Chúa Giêsu hiện ra với họ (Mt 28:9) sau khi đã sai Maria Magđalêna đi. Người cũng sai họ trở lại với các tông đồ để báo cho họ hay Người đã sống lại và Người sẽ gặp các ông (cuộc hiện ra thứ hai).

(2). Buổi chiều và buổi tối ngày thứ nhất

A. Chiều cùng ngày, trên đường đi Emmau, hai môn đệ đang suy nghĩ những gì họ nghe đồn về việc Người sống lại, thì Chúa Giêsu từ đàng sau bước tới, nhưng họ không nhận ra Người. Chúa Giêsu mở lời trước tiên với họ, giảng giải cho họ, rồi vào băn ăn với họ và cử hành Phép Thánh Thể, nhờ đó, mắt họ mở ra và họ nhận ra Người trong lúc bẻ bánh (cuộc hiện ra thứ ba) (Lc 24:13-30).

B. Hai môn đệ trở về Giêrusalem tối hôm đó và tới gặp 11 tông đồ. Thoạt đầu, các tông đồ không tin họ giống như các ngài đã không tin các phụ nữ (Mc 16:13). Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục kể lại những gì họ đã trải qua. Vào một lúc nào đó, ông Phêrô rời khỏi các tông đồ khác (có thể đi dạo chăng?). Và Chúa Giêsu hiện ra với ông (cuộc hiện ra thứ tư) (Lc 24:34; 1Cor 15:5); ông thông tri cho 10 tông đồ kia và lúc này họ tin. Nhờ thế, các môn đệ làng Emmau (lúc đó vẫn còn nấn ná với các tông đồ) được các tông đồ cho biết (có thể xin lỗi nữa) quả thực Chúa Giêsu đã sống lại (Lc 24:34).

C. Gần như cùng một lúc, Chúa Giêsu hiện ra với một nhóm nhỏ các tông đồ và hai môn đệ làng Emmau (cuộc hiện ra thứ năm). Ông Tôma vắng mặt (dù Tin Mừng Luca hàm ý cho là hiện ra với nhóm “mười một”, nhưng có thể đây chỉ là một cách chỉ chung nhóm tông đồ). Các ông “kinh hồn bạt vía” nhưng Chúa Giêsu làm các ông an lòng và dùng Sách Thánh mà giảng giải (Lc 24: 36 tt).

D. Có một số tranh luận về việc liệu Người có hiện ra với họ lần thứ hai trong đêm hôm đó hay không. Trình thuật Gioan có một dữ kiện khá khác với trình thuật Luca về cuộc hiện ra vào tối Chúa Nhật đầu tiên. Đây là một dữ kiện khác về cùng một trình thuật hay hoàn toàn về một câu truyện khác hẳn? Không ai có thể nói được. Tuy nhiên, vì dữ kiện quá khác nên ta có thể coi đây là (cuộc hiện ra thứ sáu) (Ga 20:19 tt) dù có phần chắc nó là một với cuộc hiện ra thứ năm.

(3) Tạm ngưng

A. Không có dữ kiện Thánh Kinh nào cho thấy Chúa Giêsu hiện ra với họ trong tuần lễ ấy nữa. Trình thuật phục sinh sau đó viết rằng “tám ngày sau” tức Chúa Nhật kế tiếp.

B. Ta biết rằng các tông đồ có nói với ông Tôma rằng họ đã được thấy Chúa nhưng ông khước từ không tin (Ga 20:24).

C. Các tông đồ có bồn chồn hay không về việc Chúa Giêsu không hiện ra mỗi ngày? Ta không biết, Tân Ước hoàn toàn im lặng không cho biết việc gì đã xẩy ra trong thời gian gián đoạn này.

(4) Một tuần sau, Chúa Nhật thứ hai

A. Chúa Giêsu lại hiện ra (cuộc hiện ra thứ bẩy) khi các tông đồ đang hội họp. Lần này, ông Tôma cùng hiện diện với họ. Người mời gọi ông Tôma tin và giờ đây, ông tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa và là Thiên Chúa (Ga 20:24-29).

(5). Tạm ngưng

A. Các tông đồ nhận được chỉ thị phải trở về Galilê (Mt 28:10; Mc 16:7) nơi họ sẽ thấy Chúa Giêsu. Như thế, họ phải dành mấy ngày trong tuần lễ để vượt đoạn đường 60 dặm lên phía Bắc.

(6). Một thời gian sau

A. Khung thời gian của cuộc hiện ra kế tiếp khá mơ hồ. Thánh Gioan chỉ nói: “Sau đó”. Có thể sau mấy ngày hay một tuần không chừng. Khung cảnh là Biển Hồ Galilê. Không đủ 12 tông đồ hiện diện. Họ đi đánh cá, và Chúa Giêsu gọi họ từ bờ hồ. Họ lên bờ và gặp Người (cuộc hiện ra thứ tám). Thánh Phêrô có cuộc thảo luận cảm động với Chúa Giêsu trong cuộc hiện ra lần này và được ủy nhiệm chăm sóc đoàn chiên của Chúa Kitô (Ga 21).

B. Cuộc hiện ra với hơn 500 người. Không có trình thuật nào về cuộc hiện ra này cả, tuy hiện ra với số thật đông người. Chỉ có Thánh Phaolô nhắc qua tới nó (1Cor 15:6) (cuộc hiện ra thứ chín). Cuộc hiện ra này diễn ra ở đâu? Hiện ra thế nào? Phản ứng với nó ra sao? Ta không biết. Chứng tỏ một lần nữa Thánh Kinh không phải là sách lịch sử theo nghĩa qui ước. Đúng hơn, nó là một câu truyện lựa lọc những điều đã xẩy ra, chứ không kể hết mọi chi tiết (xem Ga 20:30).

C. Cuộc hiện ra với ông Giacôbê. Cả ở đây, ta cũng không có mô tả nào về cuộc hiện ra này, chỉ căn cứ vào lời Thánh Phaolô cho biết quả nó có xẩy ra (1Cor 15:7) (cuộc hiện ra thứ mười). Khung thời gian không rõ. Chỉ biết xẩy ra sau khi Chúa Giêsu đã hiện ra với hơn 500 người và trước lần hiện ra cuối cùng với các tông đồ.

(7). Phần còn lại của 40 ngày

A. Chắc chắn Chúa Giêsu còn tiếp tục có những cuộc hiện ra khác với các môn đệ. Thánh Luca chứng tỏ điều này trong Công Vụ khi ngài viết tại 1:3: Có nhiều bằng chứng cho thấy sau cuộc khổ hình, Người cho họ thấy Người bằng cách hiện ra với họ trong 40 ngày, và nói với họ về Nước Thiên Chúa.

B. Trong thời gian trên, có lẽ có một lần hiện ra như đã được Thánh Mátthêu (Mt 28: 16tt) và Thánh Máccô (Mc 16:14tt) ghi lại. Lần hiện ra này diễn ra trên “ một đỉnh núi ở Galilê”. Thánh Máccô viết thêm: họ đang nằm ở bàn ăn. Vì thế, ta có thể gọi lần hiện ra này là (cuộc hiện ra thứ mười một). Chính ở lần hiện ra này, Chúa Giêsu trao nhiệm vụ lớn cho họ. Dù bản văn của Thánh Máccô xem ra muốn hàm ý rằng Chúa Giêsu lên trời từ đỉnh núi này, nhưng một kết luận như thế có hơi vội vã vì Thánh Máccô chỉ muốn nói rằng Chúa Giêsu chỉ lên trời “sau khi đã nói với các ông” (Mc 16:19).

Hiển nhiên, Chúa Giêsu cũng đã bảo họ trở lại Giêrusalem, ít nhất cũng vào khoảng cuối thời kỳ 40 ngày. Ở đó, họ sẽ tham dự Lễ Ngũ Tuần. Ta có thể tưởng tượng còn nhiều cuộc hiện ra thường xuyên nữa với những giáo huấn liên tục, vì Thánh Luca ghi lại rằng Chúa Giêsu “ở lại với họ”. Phần lớn những lần hiện ra và giáo huấn này đã không được ghi lại. Trong Công Vụ, Thánh Luca viết rằng: Và trong khi ở với họ, Người dặn các ông không được rời Giêrusalem, nhưng phải đợi lời hứa của Chúa Cha, một lời hứa được Người cho hay “các con đã nghe từ Thầy, là Gioan rửa bằng nước, nhưng ít ngày nữa, các con sẽ được rửa bằng Chúa Thánh Thần” (Cv 1:4).

(8). Lần hiện ra cuối cùng và lên trời:

A. Sau 40 ngày hiện ra và giáo huấn, ta có trình thuật sau cùng về cuộc hiện ra sau hết (cuộc hiện ra thứ mười hai) theo đó, Người dẫn họ tới một nơi gần Bethany, dặn dò họ lần sau cùng là chờ đợi ở Giêrusalem cho tới khi Chúa Thánh Thần được sai tới. Và rồi Người được nâng lên trời ngay trước mặt họ (Lc 24:50-53; Cv 1:1-11).

Đó là trình tự rất có thể có và theo thứ tự thời gian của các cuộc hiện ra sau phục sinh, một tổng hợp nhằm gom lại mọi dữ kiện và trình bày chúng theo một thứ tự hợp luận lý. Dĩ nhiên, ta không thể chờ mong một trình thuật Thánh Kinh hoàn toàn viết theo một khung thời gian và trình tự hợp luận lý, vì các bản văn Thánh Kinh vốn chủ yếu không có ý định này.

Như trên đã nói, Sách Thánh là các trình thuật có lọc lựa, dựa trên câu truyện hơn là theo phương thức viết lịch sử ngày nay, một phương thức có tính báo chí. Sách Thánh thường thu thập các lời nói và việc làm của Chúa Giêsu quanh một chủ đề thần học nào đó, hơn là theo một dòng thời gian chính xác. Các sách Tin Mừng không có ý tường thuật thấu đáo mọi điều Chúa Giêsu nói và làm trong hết mọi chi tiết chính xác của chúng (xem Ga 20:30; 21:25). Đúng hơn, các soạn giả Tin Mừng chọn lựa những gì phù hợp với mục tiêu thần học của họ.

Tuy nhiên, dù biết thế, ta vẫn phải biết rõ rằng các sách Tin Mừng đều là các trình thuật lịch sử, theo nghĩa chúng thuật lại những điều Chúa Giêsu thực sự nói và làm (xem Dei Verbum số 19).

Tác giả bài viết: Vũ Văn An

Nguồn tin: vietcatholic

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Liên hệ

Tinvuiviet.net kính chào Quý vị và các bạn. Chúng tôi luôn mong nhận được bài vở cộng tác của mọi người. Xin cám ơn.   Liên hệ: Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: bbttinvui@gmail.com. Chân thành cảm ơn Quý vị và các bạn đã ghé thăm site. Kính chúc Quý vị và các...

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Trong Mùa Chay bạn làm gì để tỏ lòng sám hối ?

Ăn chay. Hãm mình.

Bác ái, chia sẻ.

Hoán cải đời sống, đi xưng tội.

Năng tham dự thánh lễ.

Cầu nguyện nhiều hơn.