www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
07:36 EDT Thứ ba, 19/03/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 124


Hôm nayHôm nay : 9388

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 626920

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 18848115

Trang nhất » Tin Tức » Đức Mẹ

Đức Maria, Niềm Ơn Phúc và Hy Vọng trong Chúa Kitô (2)

Thứ năm - 01/10/2015 18:24
Mẹ Fatima

Mẹ Fatima

Câu trả lời của Maria, dậy bảo các người tớ "hãy làm những gì Người bảo" (Gioan 2: 5) thực là không lường trước. Mẹ không phải là người cầm đầu bữa tiệc (Xc. 2:8). Vai trò của Mẹ lúc ban đầu là Mẹ Chúa Giêsu cũng đã thay đổi tận gốc. Mẹ trở thành một tín hữu trong cộng đoàn chờ ơn cứu chuộc. Từ giây phút này trở đi, Mẹ hoàn toàn phó thác mình vào đấng Thiên sai cứu chuộc và vào lời Người.

(tiếp phần 1...)
 
 Mẹ Maria trong tin mừng theo Gioan
 
 22. Tiền ngôn tin mừng theo Gioan đã không nhắc nhở đến Maria cách minh nhiên. Tuy nhiên, cần tìm hiểu nhiều điểm đáng lưu tâm nơi vai trò của Mẹ trong lịch sử cứu chuộc, bằng cách đặt Mẹ vào mạch văn các chân lý thần học, mà vị thánh sử đã diễn đạt khi khai mở tin mừng nhập thể. Điểm nhấn mạnh thần học giây phút thần thiêng của chương trình cứu độ, mà Mát-thêu và Lu-ca đã bầy tỏ khi Chúa giáng sinh, đã cùng song song với tự ngôn theo Gioan, khi Gioan nhấn mạnh ân sủng và ý muốn tiền định của Chúa; qua đó, tất cả những ai sinh ra trong đời sống mới, sinh ra "không bởi máu huyết, không bởi ý người phàm, không bởi ý đàn ông, nhưng bởi Chúa (Gioan 1:13). Đây là những lời được áp dụng ngay cả cho việc chính Chúa giáng sinh.
 
 23. Gioan ghi nhận sự hiện diện của Mẹ Maria, Mẹ Chúa nơi hai biến cố quan trọng trong cuộc đời công khai của Chúa, lúc khởi đầu (tiệc cưới Cana) và kết thúc (thập giá). Mỗi biến cố là một giờ cần thiết: giờ đầu, sự hiện diện của Mẹ mờ nhạt bên ngoài; nhưng đó chính là dấu chỉ báo trước cho giờ sau với sự tham dự sâu thẳm hơn trong nội tâm. Gioan đưa ra vai trò nổi bật trong tin mừng của mình, biến cố tiệc cưới Cana (Gioan 2: 1-12). Gioan coi đó như khởi sự (arche) các dấu chỉ của Chúa Giêsu. Biến cố nhấn mạnh đến rượu mới mà Chúa biến từ nước, cho thấy tiệc cưới cánh chung của Thiên Chúa với dân Ngài và tiệc cưới thiên sai của nước trời. Câu truyện trước hết nhằm mang một sứ điệp Kitô: Chúa Giêsu mặc khải vinh quang thiên sai của Người cho các môn đệ, và họ đã tin vào người (2:11)
 
 24. Phần đầu câu truyện nhắc đến sự hiện diện của "Mẹ Đức Giêsu": Mẹ đóng vai trò nổi bật khi câu truyện lần lần tỏ hiện. Mẹ hình như được mời và hiện diện riêng rẽ chứ không cùng với "Chúa Giêsu và các môn đệ của Người" (Gioan 2: 1-2); Chúa Giêsu, lúc ban đầu, xuất hiện như một phần tử trong gia đình Mẹ của Người. Trong cuộc đàm thoại giữa hai Mẹ con khi hết rượu, hình như Chúa từ chối lời xin của Mẹ, nhưng cuối cùng, Người nhận lời.
 
 Tuy nhiên, bài đọc này đưa dẫn chúng ta đến một dấu chỉ suy tư sâu xa hơn nữa. Theo lời của Mẹ "họ hết rượu rồi," Gioan đã không muốn nhắm đến đám cưới thiếu thốn, cho bằng niềm mong ước ơn cứu chuộc của dân tộc thuộc về giao ước cũ, là những người có nước thanh tẩy, nhưng thiếu rượu vui mừng của nước trời thiên sai. Trong câu trả lời, Chúa Giêsu bắt đầu bằng câu hỏi về liên hệ của Chúa với Mẹ mình ("việc gì giữa bà và tôi?") cho thấy cách mặc nhiên rằng đến lúc cần thay đổi giao ước này. Chúa đã không gọi Đức Maria là Mẹ, nhưng dùng chữ bà (Xc. Gioan 19:26). Đức Giêsu đã không chỉ thấy liên hệ của Người với Mẹ Maria đơn thuần trên khía cạnh con người.
 
 25. Câu trả lời của Maria, dậy bảo các người tớ "hãy làm những gì Người bảo" (Gioan 2: 5) thực là không lường trước. Mẹ không phải là người cầm đầu bữa tiệc (Xc. 2:8). Vai trò của Mẹ lúc ban đầu là Mẹ Chúa Giêsu cũng đã thay đổi tận gốc. Mẹ trở thành một tín hữu trong cộng đoàn chờ ơn cứu chuộc. Từ giây phút này trở đi, Mẹ hoàn toàn phó thác mình vào đấng Thiên sai cứu chuộc và vào lời Người.
 
 Những kết quả của mối tương giao mới cho thấy thay đổi theo thứ tự những nhân vật chính vào cuối câu truyện: "Sau đó, Người đi xuống Capernaum cùng với Mẹ và với anh chị em của Người cũng như với các môn đệ" (2: 12). Trình thuật tiệc cưới Cana khai mở bằng cách đặt Chúa Giêsu trong gia đình Mẹ Maria, Mẹ Người; từ nay trở đi, Mẹ Maria là một thành viên trong "đoàn thể Giêsu," là môn đệ của Chúa. Đọc đoạn văn này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn vai trò của Mẹ Maria: giúp cho các môn đệ đến với Chúa Giêsu Kitô, và "làm những gì Người bảo."
 
 26. Gioan, lần thứ nhì nói về sự hiện diện của Mẹ Maria vào thời điểm quyết định của sứ vụ thiên sai nơi Chúa Giêsu, lúc tử nạn (19: 25-27). Đứng cùng với các môn đệ dưới chân thập giá, Mẹ Maria chia sẻ đau khổ của Chúa Giêsu, là đấng mà vào cuối đời đã nói những lời đặc biệt với Mẹ "Thưa bà, đây là con bà," và với người môn đệ yêu quý "đây là Mẹ con." Chúng ta thực không thể không cảm động khi thấy ngay cả đến giây phút cuối cuộc đời, Chúa Giêsu vẫn còn lo lắng cuộc đời của me, cho thấy tình yêu con thảo với Mẹ hiền.
 
 Bài đọc này lần nữa mời gọi chúng ta đến ý tưởng điển hình và mang tính cách toàn diện của văn mạch theo Gioan. Lời trăn trối của Chúa Giêsu trước khi chết, khai mở sự hiểu biết vượt trên sự hiểu biết lần đầu dành cho Mẹ Maria và cho "người môn đệ yêu quý" như những cá nhân. Tương quan giữa "bà" và "môn đệ" liên hệ chặt chẽ với căn tính của giáo hội. Tại một nơi khác, Gioan, người môn đệ yêu quý, xuất hiện như môn đệ khuôn mẫu của Giêsu. Người môn đệ này luôn gần gũi với thầy, không bao giờ lìa bỏ thầy, là đối tượng Chúa yêu thương và là chứng nhân trung tín (13: 25; 19: 26, 20: 1-10, 21: 20 - 25). Hiểu biết các từ ngữ và ý nghĩa về môn đệ tính, những lời của Giêsu khi gần tử nạn, đã biểu dương vai trò từ mẫu của Mẹ trong giáo hội, và khuyến khích cộng đoàn môn đệ nhận Mẹ là Mẹ tinh thần của mình.
 
 27. Sự hiểu biết đầy đủ từ ngữ "bà" cũng mời gọi giáo hội liên tục nhớ lời trăn trối của Chúa, và mời gọi mỗi môn đệ lo lắng cho giáo hội là Mẹ. Một cách mặc nhiên, nơi đây có lẽ là hình ảnh Maria-Evà: Như người phụ nữ đầu tiên, rút ra từ xương sườn ông Adong (Sách thế ký 2:22, LXX), và là Mẹ của chúng sinh (Sáng thế ký 3: 20) thì người phụ nữ, "bà" Maria, trên bình diện tinh thần, cũng là Mẹ của mọi người, nhận lãnh sự sống đời đời từ nước và máu chẩy ra từ cạnh sườn (tiếng Hy lạp là pleura, tức là sườn) của Đức Kitô (19: 34), và từ Thánh Linh, Đấng thở hơi trên lễ vật toàn thắng (19: 30, 20: 22, Xc. 1 Gioan 5: 8)
 
 Từ những bài đọc mang tính dấu chỉ và toàn bộ như vậy, hình ảnh về giáo hội, về Mẹ Maria và về môn đệ tính liên kết với nhau. Maria, như một Israel nhân cách hóa, bây giờ sinh ra cộng đoàn Kitô hữu (Xc. Is, 54: 2, 66: 7-8) như khi xưa Mẹ đã sinh ra Đấng Thiên sai (Xc. Is 7: 14). Khi nhìn đến văn mạch của Gioan về Maria trong tiến trình khai mở và kết thúc sứ vụ của Chúa Giêsu theo ánh sáng này, thì thực khó có thể nói về giáo hội mà không nhớ đến Mẹ Maria, Mẹ Chúa cứu thế, như là đấng đại biểu tượng và đấng mà Chúa muốn mọi người trở thành.
 
 Người nữ trong Khải Huyền 12.
 
 28. Trong mạch văn ngôn ngữ đầy những hình ảnh Thánh Kinh, tiên kiến (seer) của khải huyền diễn tả một viễn kiến dấu chỉ trên thiên đàng liên quan đến người phụ nữ, con rồng và con của phụ nữ. Trình thuật chương 12 Khải huyền cho người đọc nhận ra chiến thắng chung cuộc của người tôi trung Chúa vào thời gian họ bị bách hại và bị thử thách ở thời điểm cánh chung. Theo tiến trình lịch sử, ẩn tượng của người phụ nữ dẫn đưa đến nhiều giải thích khác nhau. Đa số các vị nghiên cứu thần học đều đồng ý, ý nghĩa căn bản của hình ảnh người phụ nữ mang tính cách tập hợp: dân Chúa, dù đó có thể là dân Israel, hoặc là giáo hội của Chúa Kitô, hoặc cả hai. Hơn nữa, văn phong trình thuật của tác giả gợi ý "trọn vẹn bức ảnh" của người phụ nữ chỉ được nhận ra vào phần cuối cuốn sách, khi giáo hội chiến thắng của Chúa Kitô trở nên Tân Giêrusalem chiến thắng (Khải huyền 21: 1- 3). Những khó khăn hiện tại của cộng đồng mà tác giả đang sống xuất hiện trong khung cảnh toàn bộ lịch sử, một khung cảnh mà nơi đó các tranh chấp tiếp tục diễn ra giữa người trung tín và kẻ thù của họ, giữa thiện và ác, giữa Thiên Chúa và quỷ Satan. Hình ảnh dòng dõi người con nhắc nhở chúng ta sự tranh chấp trong Sáng thế ký 3: 15 giữa con rắn và người phụ nữ, giữa dòng dõi con rắn và dòng dõi người phụ nữ (12)
 
 29. Nhìn nhận lối giải thích này làm căn bản cho chương 12 của sách Khải huyền về giáo hội, phải chăng người ta còn có thể áp dụng, như lối giải thích thứ hai, về Mẹ Maria nữa chăng? Bản văn không minh nhiên đồng hóa người phụ nữ với Mẹ Maria. Bản văn đề cập đến người phụ nữ như là Mẹ của "trẻ nam, là người sẽ cai trị mọi dân tộc với gậy sắt," một lời trích dẫn từ thánh vịnh 2 áp dụng vào đấng thiên sai cũng như vào dân trung tín của Chúa trong Tân ước (Xc. Do Thái 1: 5; 5: 5; TĐCV 13: 33 với Khải huyền 2: 27).
 
 Theo chiều hướng đó, một số vị giáo phụ nghĩ đến hình ảnh của Mẹ Chúa Giêsu khi đọc chương này (13). Khi chú tâm đến vị trí của sách khải huyền trong toàn bộ kinh thánh, là nơi mà nhiều hình ảnh Thánh Kinh hòa lẫn với nhau, người đọc hy vọng sẽ tìm ra các giải thích rõ rệt hơn, theo văn mạch chương 12, nhắm đến cá nhân hoặc tập thể. Những giải thích này sẽ soi sáng vị thế của Mẹ Maria và của giáo hội trong chiến thắng chung cuộc của đấng Thiên sai.
 
 Suy niệm Thánh Kinh
 
 30. Chứng nhân Thánh Kinh nhắc nhở tín hữu muôn đời sẽ gọi Mẹ Maria "có phúc"; người phụ nữ Do Thái khiêm hạ, con gái Israel sống trong hy vọng công chính cho người nghèo túng, người trinh nữ Chúa chúc phúc và tuyển chọn làm Mẹ đồng trinh của Con Ngài qua sự bao phủ của Thánh Thần. Chúng ta chúc tụng Mẹ là "tôi tớ Đức Chúa Trời." Chúa là Đấng ban cho Mẹ ơn đồng thuận trong tiến trình làm trọn chương trình cứu chuộc của Chúa, trong tâm tình người Mẹ suy niệm mọi sự trong lòng, người tỵ nạn đi tìm nơi tạm dung trên miền đất lạ, người Mẹ bị đau đớn khi thấy con bị đánh đập, và người phụ nữ Chúa Giêsu uỷ thác trông coi các môn đệ. Chúng ta hiệp nhất với Mẹ và với các môn đệ khi họ cùng cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần xuống trên giáo hội, trên gia đình cánh chung vừa chào đời. Và chúng ta cũng có thể nhìn thoáng thấy trong Mẹ định mệnh sau cùng của dân Chúa chia sẻ chiến thắng với con Mẹ trên quyền lực thần dữ và sự chết.
 
 B. Mẹ Maria trong truyền thống Kitô giáo
 
 Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong truyền thống chung cổ thời
 
 31. Trong giáo hội thuở sơ khai, người ta nhắc đến những suy tưởng về Mẹ Maria khi giải thích và bảo toàn truyền thống tông đồ. Tông truyền này tập trung nơi Chúa Giêsu. Chứng tá thời giáo phụ nói về Mẹ Maria như "Đấng cưu mang Thiên Chúa" (Theotokos) dựa theo suy niệm Thánh Kinh và nghi thức cử hành Kitô giáo. Các khai triển về Mẹ dần dần tăng theo thời gian qua các tranh cãi Kitô học sơ khai. Dựa trên các tranh cãi nghiêm trọng của năm thế kỷ đầu, và kết luận của nhiều Công đồng đại kết, suy tư về vai trò của Mẹ Maria trong tiến trình Chúa Kitô nhập thể đã hòa nhập trọn vẹn với một đức tin chính thống nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng là Thiên Chúa thật và là người thật.
 
 32. Để bảo vệ ý tưởng tin rằng Đức Kitô có bản tính và thân xác con người thật, và cũng để chống lại thuyết "Ảo tưởng" (Docetism), giáo hội sơ khai đã nhấn mạnh đến sự kiện Chúa sinh ra từ cung lòng Mẹ Maria. Chúa không chỉ "xuất hiện giống như" người; Chúa không từ trời xuống thế với "thân xác trời", cũng không phải ngài chàl đời bằng cách "chỉ đi qua" Mẹ Người. Thực tế, Maria sinh hạ con trai của mình bằng chính bản thân mình.
 
 Với thánh Ignatio thành Antioch (+110) và Tertullian (+225), thì Chúa Giêsu là con người thật cách trọn vẹn vì Người "thực sự" sinh ra bởi Mẹ Maria. Lời tuyên xưng của kinh tin kính Nicene-Constantinople (381) viết "Người đã nhập thể bởi Chúa Thánh Thần và bởi đức trinh nữ Maria, và đã làm người." Định nghĩa của Công đồng Chalcedon (451) tái khẳng quyết kinh tin kính này, nhấn mạnh "Chúa Giêsu cùng bản tính với Đức Chúa Cha theo thiên tính, và cùng bản tính với chúng ta theo nhân tính." Kinh tin kính theo thánh Athanasio còn tuyên xưng cách cụ thể hơn qua lời "Chúa là người, cùng bản tính với Mẹ mình." Cả hai tôn giáo Anh giáo và Công giáo Roma khẳng quyết như vậy.
 
 33. Để bảo vệ thiên tính đích thực của Người, giáo hội sơ khai đã nhấn mạnh tiến trình thụ thai đồng trinh của Mẹ Maria khi cưu mang Chúa Giêsu. Theo các giáo phụ, sự thụ thai do Chúa Thánh Thần, đã minh chứng nguồn gốc và căn tính thần thiêng của Người, đấng sinh ra bởi Mẹ, là con đời đời của Thiên Chúa.
 
 Các vị giáo phụ Đông và Tây -như thánh Justinô (+150), Ireneus (+202), Anathasio (+373), và Ambrosio (+397)- khai triển lời dậy dỗ của tân ước bằng những hạn từ dùng trong Xuất hành chương 3 (Mẹ Maria là đại biểu tượng của một "Evà đồng trinh"), và trong Isaia (7: 14) (Mẹ làm trọn lời hứa của tiên tri và sinh hạ đấng "Thiên Chúa ở cùng chúng tôi"). Các vị đã dùng tiến trình thụ thai đồng trinh bảo vệ cho thiên tính Chúa cứu thế và danh dự của Chúa Giêsu. Như kinh tin kính các tông đồ tuyên xưng: Chúa Chúa Giêsu Kitô "thụ thai nhờ Chúa Thánh Thần, và sinh ra từ cung lòng Đức Maria." Cả hai tôn giáo Anh giáo và Công giáo Roma cùng khẳng quyết như vậy.
 
 34. Danh xưng Mẹ Maria Theotokos (Đấng cưu mang Thiên Chúa) chính thức nhắc nhở việc bảo vệ giáo lý chính thống của ngôi vị Đức Kitô hiệp nhất. Người ta đã dùng danh xưng này trong các giáo đoàn miền Alexandria, ít nhất là vào thời gian có bè rối Arius. Vì Chúa Giêsu Kitô "là Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật" như Công đồng Nicea (325) tuyên tín, các giáo đoàn này quyết định phải gọi Mẹ của Người, Chúa Giêsu, là Mẹ Thiên Chúa.
 
 Tuy nhiên, các nhà thờ dưới ảnh hưởng của Antioch, đang khi lưu tâm đến sự đe dọa của chủ thuyết Apolinaris (14) về nhân tính trọn vẹn của Đức Kitô, đã không nhận tước hiệu này ngay tức khắc. Cuộc tranh luận diễn ra giữa Cyril thành Alexandria (444) và Nestorius (455) thượng phụ giáo chủ thành Constanstinople, người được huấn luyện theo trường phái Antioch, cho thấy vấn đề cốt tuỷ về danh hiệu Mẹ Maria chính là sự hiệp nhất của ngôi con, Đức Kitô.
 
 Công đồng thành Ephesô (431) dùng từ ngữ Theotokos (người cưu mang Chúa; tiếng La tinh là Deipara) minh xác sự duy nhất của ngôi vị Đức Kitô bằng cách nhận định rằng Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa nhập thể (15). Căn bản đức tin vấn đề này diễn đạt cách chính xác hơn trong định nghĩa theo Công đồng Chalcedon: "Một và cùng chính người con... thiên tính được sinh ra từ Đức Chúa Cha muôn đời; về sau, vì chúng ta và vì ơn cứu rỗi của chúng ta, nhân tính đã sinh ra làm người từ Mẹ Maria đồng trinh Theotokos." Dựa trên định nghĩa của Công đồng Ephêsô và Chalcedon, giáo hội Anh giáo và Công giáo Roma cùng nhau tuyên xưng rằng Mẹ Maria là Theotokos.
 
 Các lễ nghi cử hành kính Mẹ Maria theo truyền thống cổ thời
 
 35. Vào những thế kỷ đầu, hiệp thông trong Đức Kitô, bao gồm cả sự hiện diện sống động của các thánh như là một phần không thể thiếu trong cảm nghiệm tinh thần của các cộng đoàn giáo hội (Heb. 12: 1, 22-24; Rv. 6: 9-11; 7; 8: 3-4). Từ "đám mây nhân chứng" Mẹ đấng cứu thế xuất hiện với một vị thế đặc biệt. Các chủ đề dựa trên Thánh Kinh và lòng sùng kính dành cho Mẹ Maria dần dần phát triển, biểu lộ sự hiểu biết sâu xa về vai trò của Mẹ trong mầu nhiệm cứu chuộc nhân loại. Các chủ đề này nhìn Mẹ như người đối tác của Evà và khuôn mẫu của giáo hội. Người Kitô hữu nồng nhiệt tôn vinh những chủ đề về Mẹ tại các buổi cầu nguyện chung hoặc riêng.
 
 36. Nhiều nhà chú giải Thánh Kinh vui mừng khi tìm ra hình ảnh đượm mầu nữ tính từ Thánh Kinh khi suy niệm ý nghĩa của giáo hội và của Mẹ Maria. Các vị giáo phụ, ngay từ thời gian đầu như Justinô tử đạo (150) và Ireneus (202) khi suy tư các bản văn như Xuất hành 3 và Lu-ca 1: 26-38, đã khai triển phản đề Adong mới, Evà mới. Cũng như Evà liên hệ với Adong khi phạm tội, thì Mẹ Maria cũng liên kết với con Mẹ khi chiến thắng kẻ thù xưa (Xc. Sáng thế ký 3: 15, và giải thích vide supra số *4): "người trinh nữ" Evà không vâng phục dẫn đưa đến sự chết; trinh nữ Maria vâng phục dẫn đưa đến ơn cứu chuộc. Evà mới chia sẻ chiến thắng với Adong mới vượt trên tội và thần chết.
 
 37. Các giáo phụ cũng trình bầy Mẹ Maria, Mẹ đồng trinh như khuôn mẫu thánh thiện của trinh nữ thánh hiến. Các ngài cũng dần dần trình bầy rằng Mẹ đã luôn "giữ mình đồng trinh."(16) Trong suy tư này, trinh trắng không chỉ hiểu như sự vẹn toàn thể lý, mà còn là sự cởi mở nội tâm, sự vâng phục và một niềm trung tín với Đức Kitô. Những đặc điểm đó là khuôn mẫu cho đặc tính môn đệ Kitô và nẩy sinh hoa trái thiêng liêng.
 
 38. Với sự hiểu biết giáo phụ đó, đồng trinh của Mẹ Maria liên hệ mật thiết với đời sống thánh thiện của Mẹ. Mặc dầu một vài vị chú giải thuở sơ khai nghĩ rằng Mẹ Maria không hoàn toàn khỏi tội (17), Augustinô (430) minh xác rằng thật khó để có thể kể Mẹ mang bất cứ một tội nào.
 
 "Chúng ta phải không kể đến đức thánh trinh nữ Maria là đấng mà tôi muốn nói rằng, khi chúng ta bàn về tội, thì không thể áp dụng cho Mẹ, vì vinh quang Thiên Chúa. Từ Chúa, chúng ta biết ân sủng tràn đầy chiến thắng tội. Hồng ân Chúa, trong những trường hợp đặc biệt, khiến cho Mẹ là đấng đã vinh dự cưu mang Thiên Chúa, không có bất cứ một tội nào" (De Natura et Gratia 36, 42)
 
 Các vị giáo phụ khác từ Đông và Tây, dựa trên lời chào của sứ thần (Lu-ca 1: 38) ủng hộ quan điểm Mẹ Maria đầy ân sủng từ trong lòng thân mẫu, theo chương trình quan phòng trước của Thiên Chúa dành cho Mẹ, là Mẹ Đấng cứu thế. Cho đến thế kỷ thứ 5, các giáo phụ ca tụng Mẹ là tạo vật mới: tinh tuyền, vô tội "thánh thiện nơi thân xác cũng như tâm hồn" (Theodotus of Ancyra, bài giảng 6, 11 trước năm 446). Đến thế kỷ thứ VI, giáo hội Đông phương dành tước hiệu panaghia ("Trọn thánh") cho Mẹ.
 
 39. Sau những tranh luận Kitô học tại hai Công đồng Ephêso và Chalcedon, lòng sùng kính Mẹ Maria càng nở hoa. Khi thượng phụ thành Antioch từ chối tước hiệu Theotokos dành cho Mẹ, đại đế Leo I (457-474) truyền cho thượng phụ Constanstinople đưa tên hiệu này vào kinh nguyện thánh thể Đông phương. Đến thế kỷ thứ VI, tưởng nhớ Mẹ Maria là "đấng cưu mang Thiên Chúa" đã trở thành toàn cầu trong các kinh nguyện thánh thể dùng cho cả Đông cũng như Tây phương (trừ giáo hội Assyria Đông phương)
 
 Các bản văn và hình ảnh cử hành đời sống thánh thiện của Mẹ Maria xuất hiện trên nhiều thi văn và ca nhạc phụng vụ, như Akathist, tụng ca, có lẽ xuất hiện sau Công đồng Chalcedon, và vẫn dùng hát trong các nhà thờ Đông phương bây giờ. Truyền thống cầu nguyện với Mẹ Maria và chúc tụng Mẹ sau đó dần dần triển khai. Song song với sự triển khai này, từ thế kỷ thứ 4 tại Đông phương, người ta cầu khẩn xin Mẹ phù trì.
 
 40. Sau Công đồng Ephesô, nhiều giáo hội bắt đầu sùng kính Mẹ Maria. Giáo dân cử hành lễ trọng kính Mẹ vào những ngày đặc biệt tại nhà thờ. Từ lòng sùng mộ chung, và dần dần được giáo hội địa phương chấp nhận, các lễ kính Mẹ Maria hoài thai, sinh nhật Đức Mẹ (8 tháng 9), dâng mình (21 tháng 11), về trời (15 tháng 8) trở nên phổ biến. Những lễ này phản ảnh sự tưởng nhớ các biến cố trong cuộc đời Chúa Cứu thế theo nghi thức phụng vụ. Những sự sùng mộ và lễ kính đã dựa trên nền tảng Thánh Kinh cũng như trên ngoại thư về cuộc đời khi Mẹ còn trẻ và khi Mẹ "về trời".
 
 Lễ mừng Mẹ hoài thai bắt đầu tại phương Đông vào cuối thế kỷ thứ 7, rồi phát triển tại giáo hội Tây phương qua miền nam Anh quốc vào đầu thế kỷ 11. Lễ này, song song với lễ Chúa nhật truyền tin, cũng như với lễ hoài thai của thánh Gioan tiền hô, dựa trên lòng sùng mộ chung từ thế kỷ thứ 2 theo truyền thống giảng dậy của thánh tông đồ Gia cô bê.
 
 Lễ Đức Mẹ về trời xuất hiện vào hậu bán thế kỷ thứ 6, nhưng trước đó, các truyền thuyết về cuối đời của Mẹ đã rộng rãi phổ biến. Tại Tây phương, lễ mang ảnh hưỏng nhất về chủ đề này tên là Transitus Mariae (Mẹ di chuyển). Tại Đông phương, lễ có tên dormition (Mẹ thiếp đi) nghĩa là Mẹ chết nhưng cũng có nghĩa là Mẹ về trời. Tại Tây phương, người ta thường dùng từ ngữ linh hồn và xác lên trời, nhấn mạnh rằng Mẹ về trời, nhưng cũng có nghĩa rằng Mẹ đã chết.
 
 Niềm tin Mẹ về trời dựa trên lời hứa phục sinh và trên sự xác tín Mẹ là đấng Theotokos và"trọn đời đồng trinh." Niềm tin đó, cùng với các sự xác tín Mẹ đã sinh ra Đấng Sự Sống, cần liên kết với cuộc chiến thắng của Người Con trên cái chết, và liên kết với vinh quang của thân thể Chúa là giáo hội.
 
 Các tiến triển trong giáo lý và lòng sùng mộ Mẹ Maria thời Trung cổ.
 
 41. Lòng sùng mộ và các lễ dành cho Mẹ Maria khiến cho một số đông vị giảng thuyết nhắc nhở nhiều đến Mẹ trong bài giảng. Qua bài giảng, nhà giảng thuyết đào sâu Thánh Kinh, tìm tòi các khuôn mẫu và lý do, soi sáng vị thế của đức trinh nữ trong nhiệm cuộc cứu độ. Thời trung cổ, người ta chú tâm đến nhân tính của Đức Kitô qua việc lưu tâm nhân đức gương mẫu của Mẹ, thí dụ như Thánh Bernard nhiều lần nhắc nhở nhân đức của Mẹ trong bài giảng. Suy niệm cuộc đời của cả Chúa Kitô và Mẹ Maria ngày càng trở nên phổ thông và phát triển cao độ, dẫn đüa đến các sùng kính khác như kinh mân côi và nghệ thuật thánh. Tranh vẽ, điêu khắc và kiếng mầu vào thời hậu và Đại trung cổ phản ảnh rộng rãi lòng sùng kính này.
 
 42. Vào những thế kỷ trên, có nhiều chuyển biến thần học về Mẹ Maria. Các thần học gia thời Đại trung cổ khai triển suy tư giáo phụ nhìn Mẹ như "khuôn mẫu" của giáo hội, và là Evà mới, khi liên kết với Chúa Kitô trong tiến trình cứu chuộc. Trọng tâm của những suy tư nơi người tín hữu vào thời điểm này chuyển từ một Maria, đại diện cho giáo hội trung tín, và một nhân loại được cứu rỗi, sang một Maria, người thông truyền ân sủng Đức Kitô cho giáo dân.
 
 Các thần học gia Tây phương khai mở một hệ thống đức tin về chính Đức Kitô dựa trên quyền của Mẹ. Đa số các phần trong giáo lý này bàn luận sự thánh thiện và ơn được thánh hóa của Mẹ Maria. Các vấn nạn trên, không những chịu ảnh hưởng của nền thần học kinh điển về ân sủng và tội nguyên tổ, mà còn chịu ảnh hưởng từ các giả thuyết liên quan đến sự sinh sản và liên hệ giữa hồn với xác. Thí dụ, nếu Mẹ Maria được thánh hóa trong lòng của Mẹ Ngài (thánh Isave), thì Gioan tiền hô và Jeremia còn hoàn hảo hơn; các nhà thần học nghĩ rằng giây phút quan trọng của sự thánh hóa nơi Mẹ, cần được định đoạt theo sự hiểu biết đương thời vào lúc "linh hồn" của Mẹ hoài thai trong thân xác.
 
 Những phát triển thần học của phương Tây về ân sủng và tội lỗi đặt ra vấn nạn khác: Làm cách nào Mẹ Maria không vướng tội nào, kể cả tội nguyên tổ, mà không ngăn trở vai trò Chúa Kitô là đấng cứu chuộc mọi người? Những suy tư chuyên môn khác dẫn đüa đến cuộc thảo luận căng thẳng, về cách nào Chúa Kitô cứu chuộc đã ban ân sủng trước, gìn giữ Mẹ Maria khỏi tội nguyên tổ? Hệ thống lý luận thần học do thánh Thomas Aquinô viết trong cuốn Tổng luận thần học, và Duns Scotus lý luận cách tế nhị trong nhiều cuộc tranh luận, đã bàn về vấn đề phải chăng Mẹ Maria vô nhiễm ngay từ lúc mới hoài thai.
 
 43. Thời hậu trung cổ, thần học kinh điển mạnh mẽ phát triển và tách biệt khỏi trường phái suy niệm tâm linh. Các nhà thần học kinh điển, nhằm tạo nên vị thế của riêng mình, càng ngày càng ít tìm nguồn gốc nơi các chú giải Thánh Kinh, đã đưa ra suy luận riêng; trong khi đó, các nhà "danh xưng học" (nominalist) (19) lại tìm hiểu xem điều gì được thể hiện nhờ uy quyền và ý muốn tối thượng của Thiên Chúa. Với niềm tin tôn giáo bình dân, Mẹ Maria xuất hiện như vị trung gian giữa Chúa và con người, và như người có quyền làm phép lạ, một quyền xuất phát từ đấng thần linh. Đương nhiên, niềm sùng kính bình dân này ảnh hưởng không ít trên ý kiến thần học của những người sinh ra và lớn lên trong thời đại đó, và trên những ai chú tâm nghiên cứu lòng sùng kính dành cho Mẹ Maria của thời trung cổ.
 
 Từ thời Cải cách cho đến Ngày nay.
 
 44. Một phản ứng mạnh mẽ thời Cải cách vào đầu thế kỷ 16, là phản ứng chống lại các thực hành biểu lộ lòng sùng kính, coi Mẹ Maria như đấng trung gian song song với Chúa Kitô, hoặc trong vài trường hợp, thay thế cả cho Người. Các loại tôn kính quá đáng như vậy, đôi khi xuất hiện cùng với ý tưởng nhìn Chúa Kitô như vị thẩm phán khó tính hoặc vị cứu chuộc khó khăn, bị Erasmus và Thomas More chỉ trích nặng nề. Nhóm Cải cách mạnh mẽ bài bác các tôn kính trên. Cùng với các chương trình tái đón nhận nhận Thánh Kinh tận nguồn như căn bản nền tảng cho tiến trình mặc khải thánh, còn có sự kiện nhóm Cải cách (tức là Tin Lành) tái đón nhận nhận niềm tin, Chúa Kitô là đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người. Điều này khiến cho người ta loại bỏ các quá trớn chung quanh việc sùng kính Mẹ Maria. Nhưng đồng thời, nó cũng dẫn đến tình trạng mất đi một vài giá trị tích cực khi tôn kính, và làm giảm giá trị vị thế của Mẹ trong đời sống giáo hội.
 
 45. Trong hoàn cảnh đó, các người Cải cách Anh giáo vẫn tiếp tục nhận đức tin truyền thống từ thời giáo hội sơ khai liên quan đến Mẹ Maria. Quan niệm mang tích cách tích cực của họ liên quan đến lời giáo huấn về Mẹ Maria khi nhắm đến vai trò của Mẹ lúc Chúa nhập thể: Cao điểm vai trò của Mẹ là đấng Theotokos, bởi vì vai trò này được cả Thánh Kinh cũng như truyền thống cổ thời chấp nhận. Theo truyền thống cổ thời của giáo hội và của các nhà Cải cách như Martin Luther, các người Cải cách Anh giáo như Latimer (Works, 2: 105), Cranner (Works, 2: 60; 2: 88) và Jewel (Works 3: 440-441) nhìn nhận rằng Mẹ Maria "luôn đồng trinh." Theo Augustinô, họ cũng miễn cưỡng nếu phải nói rằng Mẹ Maria có tội. Điểm ưu tư căn bản, là cần nhấn mạnh Chúa Kitô chắc chắn không có tội, và mọi người, kể cả Mẹ Maria, đều cần đấng Cứu thế (Xc. Lu-ca 1: 47). Chương IX và XV xác quyết tình trạng tội lỗi chung của nhân loại. Những chương này không quả quyết cũng không chối bỏ việc Mẹ Maria có thể miễn trừ khỏi tội nhờ ân sủng. Cần ghi nhận, trong sách Cầu Nguyện Chung, phần Nhập lễ và tiền tụng của lễ giáng sinh diễn tả Mẹ Maria như một trinh nữ vẹn toàn.
 
 46. Từ năm 1561, lịch giáo hội Anh giáo (sau đó là Sách Cầu nguyện chung 1662) đã có 5 lễ liên hệ với Mẹ Maria: Mẹ hoài thai, Mẹ chào đời, Truyền tin, Mẹ thăm viếng bà thánh Isave và Mẹ dâng mình. Tuy nhiên, không có lễ Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời (Aug 15). Anh giáo không có lễ này không hẳn là vì không thấy nguồn gốc trong Thánh Kinh, mà với Anh giáo, nếu làm như vậy, thì đã tán dương Mẹ Maria theo cung cách tán dương Chúa Kitô. Phụng vụ Anh giáo, như trong cách sách Cầu Nguyện chung (in các năm 1549, 1559, 1662) diễn tả, khi nhắc đến Mẹ Maria, thì chú tâm đến vai trò của Mẹ là đấng "trinh nữ toàn vẹn," là Đấng mà người Con từ bản thể đó đã nhận bản tính con người. (Xc. Chương II)
 
 Dù lòng sùng kính dành cho Mẹ Maria có giảm thiểu vào thế kỷ 16, các sự kính nhờ Mẹ chuyển cầu và ban ơn, vẫn tiếp tục kéo dài qua việc đọc Magnificat trong kinh chiều, cũng như việc dâng hiến các nhà thờ cổ và nguyện đường lên Mẹ. Vào thế kỷ 17, các văn gia như Lancelot Andrewes, Jeremy Taylor va Thomas Ken canh tân truyền thống giáo phụ, khiến tín hữu đương thời tri ân hơn vai trò của Mẹ trong các kinh nguyện và trong nhà thờ. Thí dụ, Andrewes trong sách Preces Privatae đã mượn các phụng vụ Đông phương khi ông "tưởng nhớ đấng thánh và vô nhiễm, hơn là đấng Mẹ Thiên Chúa và trọn đời đồng trinh Maria." Sự canh tân này kéo dài đến thế kỷ sau, và phong trào Oxford tiếp tục dùng trong thế kỷ 19.
 
 47. Trong giáo hội Công giáo Roma, giáo lý và lòng sùng kính dành cho Mẹ Maria tiếp tục phát triển tuy có đôi phần yếu sau Công đồng Trent (1545-1563). Cũng một phần, các buổi tranh luận, bài bác giáo lý giữa Tin lành và Công giáo ảnh hưởng đến việc này. Là người Công giáo Roma cũng đồng nghĩa với lòng sùng kính Mẹ Maria. Lòng sùng kính sâu xa và rộng rãi dành cho thần học Maria vào thế kỷ 19 và tiền bán thế kỷ 20 đóng góp nhiều vào định nghĩa tín điều vô nhiễm nguyên tội (1854), tín điều linh hồn và xác lên trời (1950).
 
 Mặt khác, các chỉ trích về thần học Maria cũng bắt đầu nổi lên trong và vượt trên giáo hội Công giáo Roma, khiến cho một tiến trình tái đón nhận (rereception) khởi sự. Sự tái đón nhận này lộ rõ trong Công đồng Vatican II, khi, dựa trên các văn bản và hiểu biết Thánh Kinh, nguồn giáo phụ và phụng vụ đương thời, và mối ưu tư về hiệp nhất, đã quyết định không soạn một tài liệu riêng về Mẹ Maria, nhưng đưa ra một giáo lý về Mẹ trong Hiến chế bàn về giáo hội Lumen Gentium (1964). Nói cho rõ hơn, các công nghị viên công đồng đã đưa tài liệu này vào chương cuối khi bàn đến cuộc hành trình cánh chung của giáo hội (Chương 8)
 
 Công đồng có ý muốn giải thích cách cẩn thận cả hai vai trò của đức trinh nữ Maria trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể và trong thân xác huyền nhiệm, cũng như các bổn phận của đoàn dân được cứu chuộc dành cho Đấng Cưu mang Thiên Chúa, tức là Mẹ đức Kitô và Mẹ của nhân loại, nhất là Mẹ các tín hữu (Chương 54). Lumen Gentium kết luận bằng cách gọi Mẹ Maria là dấu chỉ ân phúc và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành (chương 68-69). Các công nghị viên nghiêm chỉnh chống lại các sự quá khích, bằng cách trở lại nguồn giáo phụ; và đặt sự sùng kính cũng như giáo điều về Mẹ Maria trong mạch văn Kitô học và giáo hội học.
 
 48. Chẳng bao lâu sau Công đồng, khi lòng sùng kính dành cho Đức Mẹ bỗng dưng đi xuống mà không ai tiên liệu trước, đức giáo hoàng Phaolo VI Công bố tông huấn Marialis Cultus (1974) giúp mọi người không hiểu lầm các ý muốn của Công đồng và cũng để nâng cao lòng sùng kính dành cho Mẹ Maria cách thích hợp. Tông huấn này về vai trò Mẹ Maria trong sách cập nhật hóa nghi thức phụng vụ Roma cho thấy Mẹ Maria không bị "xuống cấp" qua các canh tân phụng vụ, nhưng nên áp dụng lòng sùng kính đó cách thích hợp, với mục đích hướng chiều về Chúa Kitô khi đọc kinh nguyện chung của giáo hội.
 
 Đức giáo hoàng cũng nhìn đến Mẹ Maria là "tấm gương của đời sống tinh thần mà giáo hội cần sống và và cử hành các nhiệm tích thần linh" (chương 16). Mẹ là khuôn mẫu cho toàn thể giáo hội, nhưng cũng là "thầy dậy đời sống tinh thần của mọi người Kitô hữu" (chương 21). Theo đức giáo hoàng Phaolo VI, sự canh tân chính đáng lòng sùng kính dành cho Mẹ Maria cần hoà nhập với giáo điều về Thiên Chúa, về Đức Kitô và về giáo hội. Lòng sùng kính dành cho Mẹ Maria cần hòa hợp với Thánh Kinh và với phụng vụ của giáo hội; cần nhậy cảm với ưu tư của các Kitô hữu khác, và phải chuẩn y trọn vẹn nhân vị của người phụ nữ nơi đời sống công cộng cũng như đời sống riêng tư. Đức giáo hoàng cảnh giác những sai lầm khi đề cao qúa đáng hoặc lãng quên lòng sùng kính này. Sau cùng, ngài khuyến khích đọc kinh truyền tin và lần hạt mân côi như cách sùng kính truyền thống xứng hợp với điều lệ mới.
 
 Năm 2002, đức giáo hoàng Gioan Phaolo II tái xác định mục tiêu hướng chiều về Chúa Kitô qua kinh mân côi bằng đề nghị 5 chục kinh mầu nhiệm "Sự Sáng" dựa trên các biến cố phúc âm tường thuật sứ vụ công khai của Chúa Kitô giữa khoảng thời gian Người chịu nghi thức rửa và tử nạn. Kinh mân côi, đức giáo hoàng nói, dù tập trung vào vai trò của Mẹ Maria, trọng tâm vẫn là lời cầu nguyện hướng về Chúa Kitô (Rosarium Virginis Mariae, 1) (18)
 
 49. Mẹ Maria có một vai trò nổi bật trong các nghi thức canh tân phụng vụ Anh giáo suốt thế kỷ 20. Trong hầu hết các sách kinh nguyện Anh giáo, tên Mẹ Maria được nhắc đi nhắc lại nơi kinh nguyện thánh thể. Hơn thế nữa, ngày 15 tháng 8 đã trở thành một lễ chính, được cử hành và phổ biến cách rộng rãi, chúc tụng Mẹ Maria qua bài đọc Thánh Kinh, nhập lễ và kinh tiền tụng riêng. Người ta cũng canh tân các lễ khác liên hệ với Mẹ Maria. Các lễ hội này xử dụng nhiều nguồn phụng vụ khác nhau. Nhìn đến các sách được chuẩn y và đem ra áp dụng theo nghi thức Anh giáo, sự phát triển này thực đáng giá.
 
 50. Các sự phát triển trên cho thấy vào những thập niên vừa qua, sự tái đón nhận (rereception) vai trò của Mẹ Maria khi thờ phượng chung và tập thể đã diễn ra trong toàn giáo hội Anh giáo liên hiệp. Đồng thời, trong Lumen Gentium (chương 8) và tông huấn Marialis Cultus, giáo hội Công giáo cũng cố gắng đặt niềm sùng kính Mẹ Maria trong văn mạch Thánh Kinh và truyền thống cổ truyền chung. Điều này tạo ra nơi giáo hội Công giáo một sự tái đón nhận những giáo huấn dành cho Mẹ Maria. Việc tái xét (revision) lịch và bài đọc dùng trong giáo hội, nhất là trong phụng vụ liên quan đến lễ kính dành cho Mẹ Maria, biểu lộ rõ ràng tiến trình tái đón nhận các chứng từ Thánh Kinh về vị thế của Mẹ trong đức tin và đời sống giáo hội. Các cuộc đối thoại đại kết đã góp phần vào tiến trình tái đón nhận này của hai giáo hội.
 
 51. Thánh Kinh cùng dẫn đưa chúng ta chúc tụng và ngợi ca Mẹ Maria là tôi tớ Chúa, là Đấng được chuẩn bị theo ơn quan phòng thánh thiêng làm Mẹ Chúa cứu thế của chúng ta. Lời đáp trả của Mẹ, khi thực thi chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa, trong giây phút trọng đại thưa lời xin vâng của một tín hữu cho lời đáp trả xin nhận của Thiên Chúa. Mẹ đứng đó như khuôn mẫu thánh thiện, vâng phục và trung tín thay mặt cho mọi người Kitô hữu. Là người nhận Lời trong tim và trong thân xác, và sinh hạ Lời trong cuộc đời, Mẹ Maria đích thực thuộc về truyền thống ngôn sứ.
 
 Chúng tôi đồng ý trong đức tin của chúng tôi rằng Mẹ Maria là Theotokos. Cả hai giáo hội chúng tôi là những người thừa kế của một truyền thống phong phú đã nhìn nhận Mẹ Maria luôn đồng trinh, và nhìn đến Mẹ như một Tân Evà và khuôn mẫu của giáo hội. Chúng tôi hiệp ý trong kinh nguyện và trong lời ca tụng Mẹ Maria, đấng muôn đời sẽ ngợi khen Mẹ diễm phúc. Chúng tôi cử hành các lễ nghi về Mẹ và vinh quang Mẹ trong ơn hiệp thông với các thánh. Chúng tôi đồng ý rằng Mẹ Maria và các thánh cầu nguyện cho toàn thể giáo hội (Xc. thêm chương D). Tóm lại, chúng tôi thấy Mẹ Maria liên kết đến mức không thể tách rời với đức Kitô và với giáo hội. Trong khi nghiên cứu rộng thêm về vai trò của Mẹ Maria, giờ đây chúng ta hãy cùng quy hướng về thần học của hy vọng và ân sủng.
 
 (còn tiếp...)
 
 CHÚ THÍCH
 
 12. Số 4. Văn bản Hebrew (tức là Do thái cổ) Sáng thế ký 3:15 nói đến mối thù giữa con rắn và người phụ nữ, giữa dòng dõi con rắn và dòng dõi người phụ nữ. Đại danh từ (hu') khi nói về người đạp con rắn "Ông ta sẽ đánh dập đầu mày" dùng từ ngữ giống đực. Còn bản dịch LXX tiếng Hy lạp mà giáo hội cổ thời dùng, thì lại dùng từ ngữ autos, không để chỉ dòng dõi, nhưng nhắm đến người nam -có thể là Đấng Mesia- sinh ra bởi người phụ nữ. Bản phổ thông (Vulgate) dịch sai đọan văn này ipsa conteret caput tuum (bà ta sẽ đạp dập đầu mày). Đại danh từ (ipsa chỉ giống cái- chú thích của người dịch) này khiến một số người giải thích là để chỉ Mẹ Maria, và trở thành truyền thống trong giáo hội La-tinh. Bản tân phổ thông (Neo-Vulgate, 1986) trở về nguyên gốc, dùng đại danh từ giống dở ipsum trong văn bản như sau semen illius: "Inimicitias ponam inter te et mulierem et semen tuum et semen illius; ipsum conteret caput tuum, et tu conteres calcaneum eius."
 
 13. Số 5. Xin coi Epiphanius of Salamis (+402), Panarion 78, 11; Quadvuldeus (+454) Sermones de Symbolo III, I, 4-6; Oecumenius (+c. 550) Commentarius in Apocalypsin 6.
 
 14. (Apolinaris làm giám mục thành Laodicea bên Syria khoảng năm 361. Ông này chủ trương rằng nhân tính và thiên tính của Chúa không thể cùng chung sống trong một thân xác. Cho nên, Chúa có thân xác thật nhưng linh hồn và trí khôn của Người là thần linh. Luận cứ bị Công đồng Constantinople lên án (381). Chúa là đấng có trọn vẹn hai bản tính trong một ngôi vị.)
 
 15. Số 6. Công đồng long trọng chuẩn y nội dung bức thư thứ hai của Cyril gửi cho Nestorius: "Không phải đức Trinh nữ thánh sinh ra người thường, sau đó Ngôi Lời ngự vào; chúng tôi muốn nói rằng: kết hợp với thân xác trong lòng, Ngôi Lời đã sinh ra trong thân xác...Vì vậy, các thánh giáo phụ đã có can đảm để nói rằng Đức trinh nữ thánh là Theotokos (DA 251)
 
 16. Số 7. Văn kiện Tome de Leo (chú giải của người dịch: Tome de Leo là bức thư của đức giáo hoàng Leo gửi cho Flavian vào năm 449. Thư này được công đồng Chalcedon chuẩn nhận), đang khi đóng vai trò quan trọng giúp các tuyên ngôn công đồng Chalcedon, đã tuyên tín rằng Đức Kitô "chịu thai do Chúa Thánh Thần trong lòng Trinh nữ Maria, Đấng đã sinh ra Người mà không mất đi đồng trinh, cũng như Mẹ đã mang thai Người mà không mất đi đồng trinh" (DS 291). Tương tự, Athanasius nói trong De Virginitate (Le Muséon 42: 244, 248) về "Đức Maria đã... đồng trinh cho đến cuối (thành khuôn mẫu) cho mọi người đến với Mẹ" xc. John Chrysostom (+407) "Bài giảng về Mat-thêu 5, 3. Công đồng chung đại kết đầu tiên đã dùng từ ngữ Aeiparthenos (semper virgo -luôn luôn đồng trinh- chú giải của người dịch) là công đồng thứ nhì nơi thành Constanstinople (553). Định nghĩa này đã mặc nhiên trong các văn bản cổ thời phương Tây về Mẹ Maria virginitas as ante partum, in partu, post partum (chú giải của người dịch: Mẹ Maria đồng trinh trước, đang khi và sau khi). Truyền thống này xuất hiện đều đặn trong giáo hội Tây Phương từ thời thánh Ambrose về sau. Như thánh Augustinô đã viết: "Mẹ chịu thai Người khi là cô gái đồng trinh, mẹ sinh hạ đồng trinh, và Mẹ tiếp tục đồng trinh" (Sermo 51, 18; xc Sermo 196, 1)
 
 17. Số 8. Ireneous phê bình mẹ đã "khá vội vã" tại Cana khi "tìm cách đẩy con Mẹ làm phép lạ trước giờ của Người" (Adv. Haer III, 16, 7); Origen khi nói đến sự hồi hộp trong đức tin dưới chân thánh gía, "như vậy Mẹ cũng mang một vài tội mà vì thế Chúa Giêsu phải chết" (Hom. In Lc 17, 6). Các ý tưởng tương tự như vậy cũng có trong sách của Tertullian, Ambrose và John Chrysostom.
 
 18. Số 9. Theo truyền thống, người ta có thể tìm thấy những văn bản như trên vào thời xa xưa như trong Sub tuum praesidium: Văn bản này vẫn còn dùng trong truyền thống phụng vụ Hy Lạp. Các văn bản tương tự như vậy cũng thấy trong phụng vụ Ambrosia, Roman, Byzantine và Coptic. Bản dịch tiếng Anh phổ thông là: "Chúng con chạy đến cùng Mẹ xin cầu bầu, lậy Mẹ Thiên Chúa; xin thương nhìn đến các nhu cầu khẩn thiết của chúng con, chữa chúng con khỏi các nguy hiểm, lậy Đấng đồng trinh vinh quang và thánh thiện."
 
 19. (Danh xưng học là một triết thuyết thời trung cổ nhằm đã kích nhóm realists (khái niệm học). Nhóm khái niệm cho rằng các vật thể trong thế giới đã hiện diện trong tâm não trước đó rồi. Thí dụ khi chúng ta nói cái bàn, thì khái niệm về cái bàn đã có sẵn trong đầu. Những người này chịu ảnh hưởng của Plato. Nhóm danh xưng học chủ trương ngược lại. Nhóm này cho rằng khi nói đến cái bàn là hiểu cái bàn hiện tại chứ không khái niệm gì trước cả.)

Tác giả bài viết: Lm. Anthony Đào Quang Chính

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Tin Vui Việt

Trang thông tin điện tử để tìm hiểu về Đạo Công Giáo.Mong rằng qua trang Tin Vui Việt này sẽ giúp Quý Vị hiểu hơn về đời sống đạo.Nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn tác động để mỗi người nhận ra Thiên Chúa là Chân, Thiện, Mỹ.bbttinvui

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Trong Mùa Chay bạn làm gì để tỏ lòng sám hối ?

Ăn chay. Hãm mình.

Bác ái, chia sẻ.

Hoán cải đời sống, đi xưng tội.

Năng tham dự thánh lễ.

Cầu nguyện nhiều hơn.