www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
15:03 EDT Thứ năm, 25/04/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 59

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 58


Hôm nayHôm nay : 9733

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 584872

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 19731067

Trang nhất » Tin Tức » Tin Tức » Giáo huấn

Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Hội nghị liên tôn quốc tế về tình huynh đệ của nhân loại, Abu Dhabi, 4/2/2019

Thứ hai - 04/02/2019 18:35
Abu Dhabi, Đài tưởng niệm vị lập quốc

Abu Dhabi, Đài tưởng niệm vị lập quốc

Kẻ thù của tình huynh đệ là một thứ chủ nghĩa cá nhân được diễn dịch thành những mong muốn khẳng định bản thân và phe nhóm riêng mình trên những người khác.

Ngày 4 tháng 2 năm 2019

As-salāmu alaykum! Bình an ở cùng anh em!

Tôi chân thành cảm ơn Thái tử Mohammed bin Zayed Al Nahyan và Tiến sĩ Ahmad Al-Tayyib, Đại Imam của Đại Học Al-Azhar, vì những lời chào của chư vị. Tôi biết ơn Hội đồng trưởng lão về cuộc gặp gỡ vừa qua tại Đại Đền Thờ Hồi giáo Vua Zayed.

Tôi thân ái gởi lời chào đến các nhà chức trách dân sự và tôn giáo và ngoại giao đoàn. Cho phép tôi cũng chân thành cám ơn các bạn vì sự chào đón nồng nhiệt mà các bạn đã dành cho tôi và phái đoàn của tôi.

Tôi cũng cám ơn tất cả những người đã góp phần để chuyến đi này có thể thực hiện được và những người đã làm việc với sự tận tâm, nhiệt tình và chuyên nghiệp cho sự kiện này: các nhà tổ chức, những người trong Văn phòng Nghi Lễ, các nhân viên an ninh và tất cả những người đã đóng góp theo nhiều cách khác nhau “trong hậu trường”. Một lời cám ơn đặc biệt xin được gởi đến ông Mohamed Abdel Salam, cựu Cố vấn của Đại Imam.

Từ đất nước của các bạn, suy nghĩ của tôi hướng đến tất cả các quốc gia trên bán đảo này. Tôi xin gửi lời chào thân ái nhất đến họ, trong tình bạn và lòng quý trọng.

Với tấm lòng biết ơn Chúa, trong năm kỷ niệm tám thế kỷ cuộc gặp gỡ giữa Thánh Phanxicô Assisi và Quốc vương al-Malik al Kāmil, tôi đã đón lấy cơ hội được đến đây như một tín hữu khao khát hòa bình, như một người anh em tìm kiếm hòa bình với những người anh em khác. Chúng ta hiện diện ở đây để mong muốn hòa bình, thúc đẩy hòa bình, và trở thành công cụ của hòa bình.

Logo của chuyến viếng thăm này mô tả một con chim bồ câu với một nhánh ô liu. Đó là một hình ảnh gợi lại một câu chuyện - có trong các truyền thống tôn giáo khác nhau - về trận lụt đại hồng thủy. Theo tường thuật của Kinh thánh, để bảo vệ loài người khỏi họa diệt vong, Thiên Chúa đã bảo ông Nô-ê đi vào con tàu cùng với gia đình. Ngày nay, chúng ta cũng vậy, khi nhân danh Thiên Chúa, để bảo vệ hòa bình, chúng ta cần phải cùng nhau trở thành một gia đình trong một con tàu có thể lướt qua biển thế gian đầy giông bão này: đó là con tàu của tình huynh đệ.

Điểm xuất phát là sự thừa nhận rằng Thiên Chúa là nguồn gốc của một gia đình nhân loại. Người là Đấng Tạo Dựng muôn loài và tất cả nhân loại chúng ta. Người muốn chúng ta sống như anh chị em với nhau, trong ngôi nhà chung của sáng tạo mà Người đã ban cho chúng ta. Tình huynh đệ được thiết lập ở đây nằm ở những căn cội của nhân loại chung của chúng ta, như “một ơn gọi được bao gồm trong kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa”. [1] Điều này cho chúng ta biết rằng tất cả mọi người đều có nhân phẩm như nhau và không ai có thể là chủ tể hay nô lệ của người khác.

Chúng ta không thể tôn vinh Đấng Tạo Hóa mà không trân trọng sự thánh thiêng của mỗi người và của mỗi cuộc sống con người: mỗi người đều quý giá như nhau trong mắt của Thiên Chúa, là Đấng không nhìn vào gia đình nhân loại với một ánh mắt ưu tiên người này loại trừ người khác, nhưng với một ánh mắt nhân từ bao gồm tất cả mọi người. Khi chúng ta nhìn nhận mỗi con người đều có các quyền như nhau là chúng ta tôn vinh danh Chúa trên trái đất này. Như thế, nhân danh Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, mọi hình thức bạo lực phải bị lên án không chút do dự, bởi vì chúng ta báng bổ danh Chúa một cách nghiêm trọng khi chúng ta sử dụng danh ấy để biện minh cho sự thù hận và bạo lực đối với anh chị em mình. Không có bạo lực nào có thể được biện minh nhân danh tôn giáo.

Kẻ thù của tình huynh đệ là một thứ chủ nghĩa cá nhân được diễn dịch thành những mong muốn khẳng định bản thân và phe nhóm riêng mình trên những người khác. Mối nguy hiểm này đe dọa tất cả các khía cạnh của cuộc sống, ngay cả đặc ân bẩm sinh cao nhất của con người, là sự cởi mở với siêu việt và lòng đạo đức. Lòng đạo đức chân chính bao gồm yêu mến Chúa với tất cả trái tim và yêu mến người lân cận như chính mình. Do đó, hành vi tôn giáo cần liên tục được thanh tẩy khỏi cơn cám dỗ liên tục tái diễn là đánh giá những người khác như các kẻ thù và đối thủ. Mỗi hệ thống niềm tin được kêu gọi để vượt qua sự phân chia giữa bạn bè và kẻ thù, ngõ hầu có thể đưa ra viễn ảnh thiên đàng, nơi đón nhận mọi người một cách bình đẳng không phân biệt đối xử.

Tôi muốn bày tỏ sự đánh giá cao về sự dấn thân của quốc gia này đối với lòng bao dung và việc bảo đảm tự do thờ phượng, để đương đầu với chủ nghĩa cực đoan và thù hận. Ngay cả quyền tự do cơ bản là được tuyên xưng niềm tin của mình cũng được đề cao - quyền tự do này là một yêu cầu nội tại đối với sự nhìn nhận chính mình của con người - chúng ta cần phải cảnh giác sao cho tôn giáo không thể bị công cụ hóa và phủ nhận chính nó khi cho phép bạo lực và khủng bố.

Tình huynh đệ chắc chắn “cũng bao hàm sự đa dạng và khác biệt giữa anh chị em, mặc dù họ được liên kết với nhau bởi huyết thống và có cùng bản chất và phẩm giá”. [2] Tôn giáo đa nguyên là một biểu hiện của điều này; trong bối cảnh như vậy, thái độ đúng đắn không phải là sự đồng nhất bắt buộc cũng không phải là sự đánh đồng cá mè một lứa. Những gì chúng ta được kêu gọi trong tư cách các tín hữu là dấn thân cho phẩm giá bình đẳng của tất cả mọi người, nhân danh Đấng Giàu Lòng Thương Xót đã tạo ra chúng ta và vì danh Người sự hòa giải các cuộc xung đột và tình huynh đệ trong sự đa dạng cần phải được tìm kiếm. Ở đây tôi muốn tái khẳng định niềm tin của Giáo Hội Công Giáo rằng: “Chúng ta không thể thực sự kêu cầu Thiên Chúa, Cha của tất cả, nếu chúng ta từ chối đối xử trong tình anh em với bất kỳ người nào, được tạo ra như hình ảnh của Thiên Chúa.” [3 ]

Tuy nhiên, chúng ta phải đối mặt với nhiều vấn nạn khác nhau: làm thế nào chúng ta có thể chăm sóc lẫn nhau trong một gia đình nhân loại? Làm thế nào chúng ta có thể nuôi dưỡng một tình huynh đệ không phải là lý thuyết mà được chuyển dịch thành một tình anh em đích thực? Làm sao sự bao gồm người khác có thể thắng thế được trước khuynh hướng loại trừ người ta nhân danh phe nhóm của riêng mình? Nói tóm lại, làm thế nào các tôn giáo có thể là những kênh của tình huynh đệ chứ không phải là những rào cản của sự phân cách?

Gia đình nhân loại và sự can đảm của lòng vị tha

Nếu chúng ta tin vào sự tồn tại của gia đình nhân loại, thì gia đình ấy phải được chăm sóc. Như trong mọi gia đình, điều này xảy ra trên tất cả thông qua một cuộc đối thoại hàng ngày và hiệu quả. Điều này giả định rằng việc có bản sắc riêng phải được trân trọng chứ không buộc phải từ bỏ để làm hài lòng người khác. Nhưng đồng thời, nó đòi hỏi sự can đảm của lòng vị tha, [4] liên quan đến sự thừa nhận đầy đủ người khác và quyền tự do của người ấy, và hệ quả là cam kết hành xử sao cho các quyền cơ bản của người khác luôn được khẳng định, ở mọi nơi và bởi mọi người. Không có tự do, chúng ta không còn là con cái của gia đình nhân loại, mà là nô lệ. Một phần của tự do đó, mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây, là tự do tôn giáo. Nó không bị giới hạn trong việc tự do thờ phượng nhưng phải tiến xa hơn để có thể nhìn thấy người kia thực sự là anh chị em, là con cái của chính gia đình nhân loại của tôi, mà Thiên Chúa đã cho được tự do và vì thế, không định chế nào của con người có thể ép buộc, ngay cả bằng cách nại đến danh Thiên Chúa.

Đối thoại và cầu nguyện

Sự can đảm của lòng vị tha là trung tâm của cuộc đối thoại, dựa trên sự chân thành của các ý hướng. Đối thoại trong thực tế bị phương hại bởi định kiến, là điều làm tăng khoảng cách và sự nghi ngờ: chúng ta không thể tuyên bố tình huynh đệ và sau đó hành động một cách ngược lại. Theo một tác giả hiện đại, “Một người lừa dối chính mình và lắng nghe lời dối trá của mình sẽ đi đến mức không còn có thể phân biệt được sự thật trong anh ta, hoặc xung quanh anh ta, và vì vậy mất hết sự tôn trọng đối với bản thân và người khác”. [5]

Trên hết, cầu nguyện là điều cần thiết: lời cầu nguyện với ý định chân thành vừa hóa thân thành lòng can đảm vị tha vì danh Chúa, vừa giúp thanh tẩy tâm hồn khỏi tự quy hướng vào chính mình. Lời cầu nguyện của con tim phục hồi tình huynh đệ. Do đó, “đối với tương lai của cuộc đối thoại liên tôn, điều đầu tiên chúng ta phải làm là cầu nguyện và cầu nguyện cho nhau vì chúng ta là anh chị em với nhau! Không có Chúa, không có gì là có thể; có Ngài, mọi thứ trở nên có thể! Cầu xin cho lời cầu nguyện của chúng ta - mỗi người theo truyền thống của riêng mình – tùng phục hoàn toàn thánh ý Chúa, là Đấng muốn tất cả những người nam nữ nhận ra họ là anh chị em với nhau và sống như vậy để tạo thành một gia đình nhân loại vĩ đại trong sự hài hòa của sự đa dạng”. [6]

Không có lựa chọn nào khác: chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng tương lai hoặc sẽ không có tương lai nào cả. Cách riêng, các tôn giáo không thể từ bỏ nhiệm vụ cấp bách là xây dựng những cầu nối giữa các dân tộc và các nền văn hóa. Đã đến lúc các tôn giáo nên tích cực hơn, với lòng can đảm và táo bạo, không định kiến, để giúp gia đình nhân loại tăng cường khả năng hòa giải, mở rộng tầm nhìn của hy vọng và con đường hòa bình cụ thể.

[1] Đức Bênêđíctô XVI, Diễn từ trước các tân Đại sứ cạnh Tòa thánh, ngày 16 tháng 12 năm 2010.

[2] Thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới, 1 tháng Giêng năm 2015, 2.

[3] Công Đồng Vatican II, Tuyên bố về mối quan hệ của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo - Nostra Aetate, 5.

[4] x. Diễn từ trước các tham dự viên tại Hội nghị quốc tế vì hòa bình, Trung tâm hội nghị Al-Azhar, Cairo, 28 tháng 4 năm 2017.

[5] F. M. Dostoyevsky, Anh em nhà Karamazov, II, 2.

[6] Diễn từ trong buổi tiếp kiến chung dành cho hội nghị liên tôn, ngày 28 tháng 10 năm 2015.

[7] X. Terence, Heautontimorumenos (Người tự tra tấn mình) I, 1, 25.

(Còn tiếp...)

Source:Vatican News

Tác giả bài viết: J.B. Đặng Minh An dịch

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Tin Vui Việt

Trang thông tin điện tử để tìm hiểu về Đạo Công Giáo.Mong rằng qua trang Tin Vui Việt này sẽ giúp Quý Vị hiểu hơn về đời sống đạo.Nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn tác động để mỗi người nhận ra Thiên Chúa là Chân, Thiện, Mỹ.bbttinvui

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Chúng ta nên làm gì để nhiều người biết Thiên Chúa hơn ?

Cầu nguyện.

Đi lễ.

Sống bác ái.

Loan báo Tin Mừng.

Chu toàn nhiệm vụ hằng ngày.