www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
07:00 EDT Thứ bảy, 20/04/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 69


Hôm nayHôm nay : 5276

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 496869

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 19643064

Trang nhất » Tin Tức » Tin Tức » Giáo huấn

Đức Phanxicô: Ba điều các gia đình cần nhớ khi bắt đầu năm Phụng Vụ mới giữa đau thương của đại dịch

Thứ ba - 01/12/2020 22:26
Tin thế giới

Tin thế giới

Chúa Nhật 29 tháng 11 là Chúa Nhật đầu tiên của năm Phụng vụ. Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Vọng với bài Tin Mừng sau theo Thánh Máccô:

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu và khác hành hương tụ tập trên quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói:


Hôm nay là Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Vọng, một năm phụng vụ mới bắt đầu. Trong đó, Giáo hội đánh dấu thời gian trôi qua với việc kỷ niệm các sự kiện chính trong cuộc đời của Chúa Giêsu và câu chuyện về ơn cứu độ. Khi làm như vậy, với tư cách là Mẹ, Giáo Hội soi sáng đường đời của chúng ta, hỗ trợ chúng ta trong công việc hàng ngày, và hướng dẫn chúng ta đến cuộc gặp gỡ cuối cùng với Chúa Kitô. Phụng Vụ hôm nay mời gọi chúng ta sống “mùa quan trọng” đầu tiên trong một năm Phụng Vụ, là Mùa Vọng. Mùa Vọng chuẩn bị chúng ta cho Mùa Giáng sinh, và do đó Mùa Vọng là một thời điểm mong đợi và là thời gian của niềm hy vọng. Một thời để kỳ vọng và hy vọng.

Thánh Phaolô (x. 1 Cr 1: 3-9) cho biết đối tượng mà chúng ta mong đợi. Đó là gì? Thưa: là “Sự tỏ hiện của Chúa” (câu 7). Thánh nhân mời gọi các Kitô hữu ở Côrinhtô và cả chúng ta ngày nay, hãy tập trung chú ý vào cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Đối với một Kitô hữu, điều quan trọng nhất là liên tục gặp gỡ Chúa, gần gũi với Chúa. Khi quen với việc gần gũi với Chúa của sự sống, chúng ta chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ, để được ở bên Chúa cho đến muôn đời. Và cuộc gặp gỡ chung cuộc này sẽ đến vào ngày tận thế. Nhưng Chúa đến mỗi ngày, để với ân sủng của Ngài, chúng ta có thể hoàn thành những việc lành phúc đức trong cuộc sống của chúng ta và trong cuộc sống của tha nhân. Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa-đang- đến, đừng quên điều này: Thiên Chúa là Thiên Chúa đang đến, là Đấng liên tục đến. Sự chờ đợi của chúng ta sẽ không làm Ngài thất vọng! Chúa không bao giờ thất vọng. Có lẽ Ngài còn khiến chúng ta phải chờ đợi, Ngài còn khiến chúng ta phải đợi một lúc trong bóng tối để sự mong đợi của chúng ta chín muồi, nhưng Ngài không bao giờ làm chúng ta thất vọng. Chúa luôn đến, Ngài luôn ở bên cạnh chúng ta. Đôi khi Ngài không tỏ hiện chính mình, nhưng Ngài luôn đến. Ngài đã đến vào một thời điểm chính xác trong lịch sử và trở thành một phàm nhân để gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Lễ Chúa Giáng Sinh tưởng nhớ sự quang lâm lần đầu tiên của Chúa Giêsu trong lịch sử nhân loại; và Ngài sẽ đến vào thời cánh chung như một vị thẩm phán phổ quát; nhưng Ngài đến mỗi ngày để thăm dân Ngài, thăm mọi người nam nữ đón nhận Ngài trong Lời Chúa, trong các Bí tích, trong anh chị em của họ. Kinh Thánh cho chúng ta biết Chúa Giêsu đang ở trước cửa và gõ vào cửa nhà chúng ta hằng ngày. Người đang ở cánh cửa trái tim của chúng ta. Ngài đang gõ cửa. Anh chị em có biết lắng nghe Chúa là Đấng đang gõ cửa, Đấng đang đến thăm anh chị em hôm nay, Đấng đang gõ cửa trái tim anh chị em một cách khắc khoải, với một ý tưởng, với một sự linh hứng không? Ngài đã đến Bết-lê-hem, Ngài sẽ đến vào ngày tận thế, nhưng hằng ngày Ngài vẫn hằng luôn đến với chúng ta. Hãy cẩn thận, hãy nhìn vào những gì anh chị em cảm thấy trong lòng khi Chúa đang gõ cửa.

Chúng ta nhận thức rõ rằng cuộc sống được tạo nên bởi những thăng trầm, bởi ánh sáng và bóng tối. Mỗi người trong chúng ta đều trải qua những giây phút thất vọng, thất bại và lạc lõng. Hơn nữa, hoàn cảnh chúng ta đang sống, được đánh dấu bởi đại dịch, gây ra những lo lắng, sợ hãi và chán nản ở nhiều người; chúng ta có nguy cơ rơi vào bi quan, có nguy cơ rơi vào trong khép kín và thờ ơ. Chúng ta nên phản ứng như thế nào khi đối mặt với tất cả những điều này? Thánh Vịnh hôm nay gợi ý: “Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa, bởi Người luôn che chở phù trì. Vâng, có Người, chúng tôi mừng rỡ, vì hằng tin tưởng ở Thánh Danh Người.” (Tv 33: 20-21). Nói cách khác, một tâm hồn đang chờ đợi, đang trông đợi Chúa một cách tự tin, sẽ khiến chúng ta tìm thấy được sự an ủi và can đảm trong những giờ phút tăm tối của cuộc đời. Điều gì làm nảy sinh lòng can cảm và sự tự tin này? Những điều ấy đến từ đâu? Thưa: Chúng được sinh ra từ hy vọng. Và đó là hy vọng không ta làm thất vọng, đức cậy dẫn chúng ta tiến về trước, trong khi trông đợi cuộc gặp gỡ với Chúa.

Mùa Vọng là một tiếng gọi hãy hy vọng liên tục: Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử để dẫn dắt nhân loại đến mục tiêu cuối cùng và dẫn chúng ta đến sự viên mãn của lịch sử, là chính Chúa, Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử nhân loại, Ngài là “Chúa ở cùng chúng ta”, Thiên Chúa không ở đâu xa, Ngài luôn ở với chúng ta, đến mức Ngài thường gõ cửa trái tim chúng ta. Chúa đi bên cạnh nâng đỡ chúng ta. Chúa không bỏ rơi chúng ta; Ngài đồng hành với chúng ta qua những biến cố của cuộc đời để giúp chúng ta khám phá ý nghĩa của cuộc hành trình, ý nghĩa của cuộc sống hàng ngày, để cho chúng ta can đảm khi chúng ta bị nản lòng hoặc khi chúng ta phải chịu đau khổ. Giữa những giông tố của cuộc đời, Thiên Chúa vẫn luôn dang cánh tay ra với chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi những mối đe dọa. Điều này thật là đẹp! Trong sách Đệ Nhị Luật, có một đoạn văn rất hay, trong đó vị tiên tri nói với dân chúng rằng: “Có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người hay không?” (Đnl 4:7) Không có một quốc gia nào được như thế cả, chỉ chúng ta mới có ân huệ này là được Chúa ở cùng chúng ta. Chúng ta trông đợi Thiên Chúa, chúng ta hy vọng rằng Ngài mạc khải Ngài cho chúng ta, nhưng Ngài cũng hy vọng rằng chúng ta mở lòng chính mình ra với Ngài!

Xin Mẹ Maria Rất Thánh, người phụ nữ hằng mong đợi Chúa đến, đồng hành với chúng ta trong những bước đầu tiên trong năm phụng vụ mới này và giúp chúng ta chu toàn nhiệm vụ môn đệ của Chúa Giêsu đã được Thánh Tông đồ Phêrô chỉ ra. Và nhiệm vụ ấy là gì? Thưa: là giải thích niềm hy vọng trong chúng ta với thế giới (x. 1 Pt 3:15).

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp:

Anh chị em thân mến,

Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi của tôi với những người dân Trung Mỹ, nơi bị ảnh hưởng bởi những cơn bão mạnh. Đặc biệt, tôi nhớ đến Đảo San Andrés, Providencia, và Santa Catalina, cũng như bờ biển Thái Bình Dương ở phía bắc Colombia. Tôi cầu nguyện cho tất cả các quốc gia đang phải gánh chịu hậu quả của những thảm họa này.

Tôi xin gửi lời chào nồng nhiệt tới anh chị em, những tín hữu của Rôma, và những người hành hương từ nhiều quốc gia khác nhau. Đặc biệt, tôi gửi lời chào đến những người, rất tiếc là với số lượng rất hạn chế, đã đến nhân dịp lễ tấn phong cho các Tân Hồng Y diễn ra vào chiều qua. Chúng ta hãy cầu nguyện cho 13 thành viên mới của Hồng Y Đoàn.

Xin chúc tất cả các bạn một ngày Chúa Nhật và một hành trình Mùa Vọng đầy may mắn. Chúng ta hãy cố gắng mang lại những điều tốt đẹp ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn mà đại dịch đang áp đặt lên chúng ta: chúng ta cần tỉnh táo hơn, thận trọng và tôn trọng những người có thể gặp khó khăn, và cần những lời cầu nguyện trong gia đình, với sự đơn sơ. Ba điều này sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều: tỉnh táo hơn, kín đáo và tôn trọng những người có thể gặp khó khăn, và rất quan trọng, một số khoảnh khắc cầu nguyện trong gia đình, với sự đơn sơ. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Hãy tận hưởng bữa trưa của bạn và xin chào tạm biệt.

Source:Holy See Press Office

Tác giả bài viết: J.B. Đặng Minh An dịch

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Tin Vui Việt

Trang thông tin điện tử để tìm hiểu về Đạo Công Giáo.Mong rằng qua trang Tin Vui Việt này sẽ giúp Quý Vị hiểu hơn về đời sống đạo.Nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn tác động để mỗi người nhận ra Thiên Chúa là Chân, Thiện, Mỹ.bbttinvui

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Chúng ta nên làm gì để nhiều người biết Thiên Chúa hơn ?

Cầu nguyện.

Đi lễ.

Sống bác ái.

Loan báo Tin Mừng.

Chu toàn nhiệm vụ hằng ngày.