Tin Vui Việt
Trang thông tin điện tử để tìm hiểu về Đạo Công Giáo.Mong rằng qua trang Tin Vui Việt này sẽ giúp Quý Vị hiểu hơn về đời sống đạo.Nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn tác động để mỗi người nhận ra Thiên Chúa là Chân, Thiện, Mỹ.bbttinvuiviet
Đang truy cập :
9
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 8
Hôm nay :
2257
Tháng hiện tại
: 47694
Tổng lượt truy cập : 4967657
“Hãy yên ủi, hãy an ủi dân Ta, Thiên Chúa anh em phán” (Is 40: 1). Bài đọc thứ nhất trong Chúa nhật thứ hai mùa Vọng bắt đầu với những lời này của tiên tri Isaia. Những lời ấy giống như một lời mời, thực ra là một mệnh lệnh, luôn có tính thời sự, được gửi đến các mục tử và những nhà thuyết giáo của Giáo hội. Hôm nay chúng ta muốn ghi khắc lời mời gọi này trong lòng và suy gẫm về lời công bố an ủi nhất mà đức tin nơi Chúa Kitô mang lại cho chúng ta.
“Sự thật vĩnh cửu” thứ hai mà hoàn cảnh đại dịch đã làm nổi lên là sự bất ổn và tạm bợ của vạn vật. Mọi thứ đều là tạm bợ: sự giàu có, sức khỏe, sắc đẹp, thể chất… Đó là điều mà chúng ta luôn phải đối mặt. Để nhận ra điều này chỉ cần so sánh bất kỳ hình ảnh nào ngày hôm nay - của chúng ta hoặc của bất kỳ nhân vật nổi tiếng nào - với những tấm ảnh hồi hai mươi, hay ba mươi năm về trước. Bị lắc lư bởi nhịp sống, chúng ta không chú ý đến điều này, chúng ta không cần luận bàn sâu xa hơn về điều đó cũng đủ để rút ra các kết luận cần thiết.
Và kìa, đột nhiên, tất cả những gì chúng ta cho là hiển nhiên đã để lộ ra mặt mong manh của nó, giống như một tảng băng bạn đang vui vẻ trượt trên đó đột nhiên vỡ ra dưới chân bạn và bạn bị chìm trong dòng nước băng giá. Như Đức Thánh Cha đã nói trong buổi ban phép lành “urbi et orbi” đáng nhớ hôm 27 tháng 3: “Cơn bão này làm lộ rõ tính dễ bị tổn thương của chúng ta và phơi bày ra những quả quyết sai lầm và vô dụng mà trên đó chúng ta đã xây dựng lịch trình hàng ngày, các dự án, các thói quen, và những ưu tiên của chúng ta”.
Cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới mà chúng ta đang trải qua có thể là một cơ hội để chúng ta khám phá với một sự nhẹ nhõm trong lòng rằng, dù thế nào đi chăng nữa, vẫn còn một điểm vững chắc, một nền tảng kiên cố nào đó, hay đúng hơn là một tảng đá để chúng ta có thể xây dựng cuộc sống của mình trên trái đất này. Từ Phục sinh - tiếng Do Thái gọi là Pesach - có nghĩa là vượt qua / quá cảnh, và tiếng Latinh gọi là transitus. Từ này, như thế, gợi lên một cái gì đó “đang trôi qua” và “thoáng qua”, do đó, nó là một cái gì đó khá tiêu cực. Thánh Augustinô đã cảm nhận được khó khăn này và giải quyết vấn đề theo một cách thức khai sáng. Ngài giải thích rằng sống theo kinh nghiệm Phục sinh thực sự có nghĩa là vượt qua / thay đổi, nhưng là “vươn đến những gì không trôi qua”; nó có nghĩa là “vượt ra khỏi thế giới, để không trôi qua cùng với thế giới.” Vượt qua bằng trái tim, trước khi vượt qua bằng cơ thể của bạn!
Theo định nghĩa, vĩnh cửu là điều “không bao giờ trôi qua”. Chúng ta phải tìm lại niềm tin vào thế giới bên kia. Đây là một trong những đóng góp mà các tôn giáo có thể cùng nhau thực hiện trong nỗ lực tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn và huynh đệ hơn. Nó làm cho chúng ta hiểu rằng chúng ta đang đồng hành cùng nhau trên con đường hướng đến một quê hương chung, nơi không có sự phân biệt về chủng tộc hay quốc tịch. Chúng ta không chỉ chia sẻ lộ trình, mà còn chia sẻ đích điểm. Giữa những quan niệm và bối cảnh rất khác nhau, sự thật này là chung cho tất cả các tôn giáo lớn, ít nhất là những tôn giáo độc thần. “Ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin là có Thiên Chúa và tin Người là Đấng ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người.” (Dt 11: 6). Đây là cách Thư gửi các tín hữu Do Thái tổng hợp cơ sở chung - và là mẫu số chung tối thiểu - của mọi tín ngưỡng và mọi tôn giáo.
Đối với các Kitô hữu, đức tin vào sự sống đời đời không dựa trên những lập luận triết học về sự bất tử của linh hồn. Nó dựa trên một sự kiện chính xác, đó là sự phục sinh của Chúa Kitô, và lời hứa của Ngài: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14: 2-3). Đối với chúng ta, các Kitô hữu, sự sống đời đời không phải là một phạm trù trừu tượng, mà là một con người. Nó có nghĩa là sống với Chúa Giêsu, “làm nên một thân thể” với Người, chia sẻ sự sống của Đấng Phục sinh trong sự sung mãn và niềm vui sự sống của Chúa Ba Ngôi: “Cupio dissolvi et esse cum Christo”, như thánh Phaolô đã nói với dân thành Philípphê thân yêu: “Tôi khao khát được rời bỏ cuộc sống này và ở với Đức Kitô” (Pl 1:23).
Một sự lu mờ niềm tin
Chúng ta có thể tự hỏi điều gì đã xảy ra với chân lý Kitô về sự sống đời đời. Trong những thời đại như thời của chúng ta, bị chi phối bởi vật lý và vũ trụ học, những người theo thuyết vô thần đưa ra trên hết là thái độ phủ nhận sự tồn tại của một đấng sáng tạo ra thế giới; vào thế kỷ 19, họ thích bác bỏ đời sau. Hegel đã tuyên bố rằng “những người theo đạo Thiên Chúa làm lãng phí năng lượng dành cho trái đất”. A dua theo lời chỉ trích này, Feuerbach và đặc biệt là Marx đã chống lại niềm tin vào một cuộc sống sau khi chết, cho rằng điều đó dẫn đến thái độ xa lánh những dấn thân trên trần thế. Ý tưởng về sự tồn tại của cá nhân trong Chúa đã được thay thế bằng sự tồn tại trong chủng loại và trong xã hội tương lai. Dần dà, từ “vĩnh cửu” không chỉ bị nghi ngờ, mà còn bị lãng quên và chìm vào im lặng.
Trào lưu thế tục hóa (secularization) sau đó đã đưa quá trình này đến chỗ hoàn thành và làm điều đó mạnh đến mức thậm chí ngày nay rất là bất tiện để tiếp tục nói về sự vĩnh cửu giữa những người có học thức, là những người cố theo cho kịp thời đại. Thế tục hóa là một hiện tượng phức tạp trong sự bất nhất của nó. Nó có thể được dùng để đề cập đến quyền tự quyết của các vấn đề trần thế và sự tách biệt giữa Nước Trời và vương quốc của Caesar, và theo nghĩa này, nó không những không chống lại Tin Mừng, mà còn tìm thấy trong Tin Mừng một trong những cội nguồn sâu xa nhất của nó. Mặt khác, từ thế tục hóa cũng có thể được dùng để chỉ một tập hợp các thái độ xã hội thù địch với tôn giáo và đức tin. Theo nghĩa này, thuật ngữ chủ nghĩa thế tục (secularism) là thích hợp hơn. Chủ nghĩa thế tục có cùng mối tương quan với thế tục hóa như mối tương quan giữa chủ nghĩa khoa học và tính chính xác khoa học, hay như mối tương quan giữa chủ nghĩa duy lý đối với tính hợp luận lý.
Ngay cả trong những giới hạn như vậy, các khía cạnh nhiều mặt của thế tục hóa xuất hiện trong nhiều lĩnh vực như thần học, khoa học, đạo đức học, khoa diễn giải Kinh thánh, và các biểu hiện của văn hóa và đời sống thường nhật. Tuy nhiên, ý nghĩa nguyên thủy của nó chỉ có một và rất rõ ràng. “Thế tục hóa”, cũng giống như “chủ nghĩa thế tục”, bắt nguồn từ thuật ngữ saeculum mà trong ngôn ngữ hàng ngày tối hậu là dùng để chỉ thời điểm hiện tại – theo Kinh Thánh đó là “thời gian dài hiện tại – l’eone attuale”, đối lập với vĩnh cửu – là thời gian bất tận tương lai, hay “saeculum saeculorum”, nghĩa là “thời của mọi thời, sự sống đời đời”, như Kinh thánh gọi. Theo nghĩa này, chủ nghĩa thế tục là một từ đồng nghĩa với chủ nghĩa đời tạm (temporalismo, temporalism), trong đó giản lược thực tại trong chiều kích trần thế của nó mà thôi. Điều đó nhắm đến sự sụp đổ triệt để của chiều kích vĩnh hằng.
Tất cả những điều này đã có một tác động rõ ràng đến đức tin của các tín hữu. Chính đức tin này, từ lúc đó, đã trở nên nhút nhát và rụt rè. Lần cuối cùng chúng ta nghe ai đó giảng về cuộc sống vĩnh cửu là khi nào? Nhà triết học Kierkegaard đã rất chí lý: “Cuộc sống đời sau đã biến thành một trò đùa, một nhu cầu không chắc chắn đến mức không những không còn được tôn trọng mà thậm chí không còn được xem xét. Người ta thậm chí còn cười cợt khi nghĩ rằng đã có lúc ý tưởng này định hình toàn bộ cuộc sống.” Chúng ta tiếp tục nói trong Kinh Tin Kính: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”, nhưng không thực sự đánh giá cao tầm quan trọng của những lời đó. Sự sụp đổ của chiều kích vĩnh cửu có ảnh hưởng tương tự đối với đức tin Kitô như tác động của cát trên một ngọn lửa: nó làm ngọn lửa tắt ngúm.
Đâu là hậu quả thực tế của tình trạng lu mờ ý tưởng về sự vĩnh cửu? Đề cập đến ý định của những người không tin vào sự sống lại từ trong kẻ chết, Thánh Phaolô nói: “Chúng ta hãy ăn uống, vì ngày mai chúng ta chết” (1Cor 15:32). Khi bị xuyên tạc, mong muốn tự nhiên được sống muôn đời trở thành một sự thèm khát, hay đúng hơn là một sự điên cuồng, muốn được sống cho đã, nghĩa là sống cho thoải mái, ngay cả khi, nếu cần, thì người khác phải trả giá cho điều đó. Toàn bộ trái đất trở thành những gì Dante Alighieri đã từng mô tả về nước Ý vào thời của ông như “một cái sàn đập lúa nhỏ kích động mạnh sự dã man của chúng ta.” Một khi chiều kích vĩnh hằng đã sụp đổ, nỗi đau khổ của con người dường như tăng lên gấp đôi một cách phi lý và không có biện pháp khắc phục. Thế giới trông giống như “một đống kiến đang vỡ vụn”, hay như “hình vẽ của một con sóng trên bờ biển bị xóa bởi con sóng tiếp theo.”
Niềm tin vào vĩnh cửu và phúc âm hóa
Đức tin vào sự sống đời đời là một trong những điều kiện giúp cho việc truyền giáo có thể thực hiện được. Như thánh Phaolô Tông đồ viết: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. […] Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.” (1Cor 15: 14 và 19). Sự công bố về sự sống vĩnh cửu là sức mạnh và sự can đảm trong việc rao giảng Kitô Giáo. Chúng ta hãy xem những gì đã xảy ra trong việc rao giảng Kitô Giáo lúc đầu. Ý tưởng lâu đời nhất và phổ biến nhất trong các tà giáo Hy Lạp và La Mã là cuộc sống thực tại sẽ kết thúc bằng cái chết; sau đó chỉ có một cuộc sống như ấu trùng, trong một thế giới bóng tối, không có hình dạng và màu sắc. Khi đang cận kề cái chết, hoàng đế La Mã Hadrian đã tự nói với mình những lời nổi tiếng trong văn bia trên lăng mộ của ông như sau:
Linh hồn nhỏ bé, nhẹ nhàng và trôi dạt, khách và bạn đồng hành của thân xác tôi, bây giờ bạn sẽ ở dưới đây trong những nơi xanh xao vàng vọt, trơ trọi và trần trụi; ở đó bạn sẽ từ bỏ vai trò cũ của bạn. Nhưng hãy còn một lúc nữa, chúng ta hãy cùng nhau ngắm nhìn những bờ biển quen thuộc này, nhìn những vật thể mà chắc chắn chúng ta sẽ không còn nhìn thấy nữa.
Trong đời mình, Hadrian đã có những ngôi nhà sang trọng xây cho riêng mình – chúng ta chỉ cần ghé thăm Villa Adriana ở Tivoli là thấy rõ. Một người được như vậy mà đã chua chát như thế thì viễn cảnh này thậm chí còn gây thất vọng biết bao cho những người bình thường. Để làm phần mộ của chính mình, ông đã xây dựng Lăng mộ Hadrian, mà ngày nay gọi là Castel Sant”Angelo, nhưng ông hoàn toàn nhận thức được rằng điều này sẽ không thay đổi số phận của ông khi trôi dạt tới “những nơi xanh xao vàng vọt, trơ trọi và trần trụi”Tôi không nói rằng chúng ta xứng đáng có cuộc sống đời sau, cũng không nói rằng luận lý học chứng minh điều đó cho chúng ta; Tôi đang nói rằng chúng ta cần điều đó - cho dù chúng ta có xứng đáng với điều đó hay không, và chỉ có như thế. Tôi đang nói rằng những gì chỉ là nhất thời không làm tôi thỏa mãn, trong tôi khao khát vĩnh cửu, và nếu không có nó, tôi thờ ơ với mọi thứ khác và mọi thứ khác không có gì khác biệt đối với tôi. Tôi cần cuộc sống vĩnh cửu, tôi thực sự rất cần! Không có nó thì không còn niềm vui trong cuộc sống và những thú vui cuộc sống không còn gì để nói với tôi nữa. Thật quá dễ dàng để nói: “Bạn chỉ cần sống và hài lòng với cuộc sống”. Thế nhưng, đối với những người không bằng lòng thì sao?
Và chính ông cũng nói thêm rằng không phải chỉ có những người khao khát sự vĩnh cửu mới cho thấy họ coi thường thế giới và cuộc sống trần thế, mà thực tế là cả những người không khao khát điều đó cũng vậy: “Tôi yêu cuộc sống đến nỗi mất nó dường như là điều khốn nạn nhất đối với tôi trong tất cả những cái khốn nạn. Những người tận hưởng cuộc sống ngày qua ngày và không quan tâm đến việc liệu họ có mất đi tất cả hay không thì họ không thực sự yêu thích cuộc sống mình”. Thánh Augustinô đã nói điều khá tương tự: “Sống tốt có ích lợi gì nếu người ta không thể sống mãi mãi?” Một trong những nhà thơ của chúng ta đã tuyên bố: “Mọi thứ, trên thế giới đều là hư không ngoại trừ sự vĩnh cửu”. Đối với những người đương thời của chúng ta, những người nuôi dưỡng nhu cầu vĩnh cửu này trong sâu thẳm trái tim của họ, mà có lẽ không dám thú nhận nó ngay cả với chính mình, chúng ta có thể lặp lại những gì Thánh Phaolô đã nói với dân chúng thành Nhã Điển: “Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị.” (x. Cv 17:23).Thế giới này mang trong mình con người tâm linh mới, được tạo dựng theo thánh ý Chúa, cho đến khi anh ta được sinh ra trong thế giới hoàn hảo không hư nát, một khi anh ta đã được hình thành, tạo dáng và hoàn thiện ở đây. Như một phôi thai, khi tồn tại trong một hiện sinh tối tăm và trôi giạt, người đó được thiên nhiên chuẩn bị để sống trong ánh sáng. Điều tương tự cũng xảy ra với các vị thánh […]. Tuy nhiên, đối với một phôi thai, cuộc sống tương lai hoàn toàn là tương lai: không có tia sáng nào chạm được đến phôi thai, không có bất cứ điều gì liên quan đến cuộc sống này chạm được đến nó. Đối với chúng ta thì không phải như vậy, vì thế giới tương lai đã và đang được đổ vào, và trộn lẫn với thế giới hiện tại […]. Vì vậy, các thánh không chỉ mới bắt đầu chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu, mà còn sống và làm việc ngay trong đó.
Có một câu chuyện ngắn minh họa sự so sánh này giữa quá trình mang thai và khi sinh nở mà tôi xin mạn phép kể lại bằng tất cả sự đơn giản của nó.Tác giả bài viết: J.B. Đặng Minh An dịch
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Trang thông tin điện tử để tìm hiểu về Đạo Công Giáo.Mong rằng qua trang Tin Vui Việt này sẽ giúp Quý Vị hiểu hơn về đời sống đạo.Nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn tác động để mỗi người nhận ra Thiên Chúa là Chân, Thiện, Mỹ.bbttinvuiviet