www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
15:53 CDT Thứ năm, 28/03/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 77

Máy chủ tìm kiếm : 6

Khách viếng thăm : 71


Hôm nayHôm nay : 13806

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 841500

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 19062695

Trang nhất » Tin Tức » Suy niệm

Hát mãi bài tình ca Thập giá

Thứ hai - 09/01/2017 03:12
Hát mãi bài tình ca Thập giá

Hát mãi bài tình ca Thập giá

Nếu sáng nay, cùng với bước chân của anh em tiến vào cung thánh để đón nhận hồng ân linh mục, cộng đoàn đã hát bài ca nhập lễ với những câu : “Đôi môi con con đây xin Lời Cha đốt cháy đêm ngày. Cho con trung thành ca hát bài tình Chúa yêu con”, thì điều ước nguyện của cả dân Chúa dành cho anh em cũng chính là : anh em hãy biến cuộc đời linh mục của anh em thành lời ca tuyệt vời nhất, lời ca thánh thiện nhất ..."

 Bài chia sẻ lễ tạ ơn mừng các tân chức Linh Mục 4-1-2017
 
 (Xh 3,2-6.10-12-34,8-9.28 ; Dt 2,14-18-4,14-16 ; Ga 13,1-14)
 
 Dẫn nhập 
 
 Kính thưa cộng đoàn,
 
 Sáng nay, toàn thể giáo phận và cả ngoài giáo phận, hân hoan và long trọng cử hành Thánh lễ phong chức linh mục cho 9 thầy Phó Tế, mà giờ đây, trước mặt chúng ta là 9 tân linh mục, thuộc linh mục đoàn giáo phận Qui Nhơn và thuộc hàng giáo sĩ của Hội Thánh Công Giáo.
 
 Không biết có ai trong chị em đem lòng phen bì không ?
 
 Vì cũng là bí tích do Chúa Kitô thiết lập, mà sao những người lãnh bí tích Truyền Chức lại được Giáo Hội đề cao ghê gớm ! Chẳng hạn Thánh lễ sáng nay, có tới 3 Giám Mục, trên 1 trăm linh mục đồng tế. Quá ư long trọng. Trong khi đó, có đôi hôn nhân nào trong chúng ta được cử hành bí tích Hôn Phối được như thế đâu ! Không lẽ bí tích Hôn Phối không quan trọng và cần thiết bằng bí tích Truyền Chức Thánh sao ?
 
 Tôi nghĩ không hẵn là như thế. Bằng chứng là có một giai thoại kể rằng, khi Đức Thánh Giáo Hoàng Pio X đăng quang, các chức sắc quan trọng đến chúc mừng và hôn nhẫn của vị tân Giáo hoàng. Mẹ của Đức Thánh Pio cũng được lên hôn nhẫn chúc mừng. Khi đến trước mặt, Đức Pio đưa nhẫn ra để mẹ người hôn. Bà cố đã không vội hôn mà liền cũng đưa tay có chiếc nhẫn lên và mĩm cười nói : “Không có chiếc nhẫn nầy thì không có chiếc nhẫn kia đâu à nhen !”…
 
 Điều đó muốn nhấn mạnh với chúng ta : bí tích nào do Chúa Kitô thiết lập cũng đều quan trọng hết. Tuy nhiên, Giáo Hội có lý do để “ưu ái” bí tích truyền Chức; và đây là nhũng lý do ấy, những lý do mà cứ mỗi lần có lễ phong chức hay tạ ơn hồng ân thánh chức, chúng ta lại được một lần nhắc nhớ, suy niệm, bởi vì có liên quan đến phần rỗi đời đời của mỗi người chúng ta.
 
 1. Linh mục, một sự cần thiết tuyệt đối trong nhiệm cục cứu rỗi :
 
 Để diễn tả điều nầy, ĐGH G.P II đã có những lời đầy xác tín trong tông huấn “Pastores dabo vobis” :
 
 “ Một cách đặc biệt, nếu không có linh mục, Giáo Hội sẽ không thể nào thực thi được sự vâng phục cơ bản vốn nằm ngay giữa lòng cuộc sống và sứ mệnh của Giáo Hội trong lịch sử, sự vâng phục đối với lệnh truyền của Chúa Giê-su : “Các con hãy ra đi, hãy chiêu tập môn đệ từ khắp muôn dân” (Mt 28, 19) và “hãy làm việc nầy mà nhớ đến Ta” (Lc 22, 19). Lệnh truyền ấy có nghĩa là lệnh truyền loan báo Tin mừng và hằng ngày cử hành hy lễ Mình và Máu Người đã trao hiến và đỗ ra cho nhân loại được sống”.
 
 Trong sinh hoạt mục vụ nói chung của Giáo Hội, có một điều dễ nhận ra đó là : nơi nào thiếu vắng linh mục, nơi đó bị thiệt thòi rất nhiều và không thể phát triển một cách sinh động, phong phú, nếu không nói là sẽ có nguy cơ suy thoái, biến chất. Bởi vì, trong nhịp sống đức tin của Dân Chúa, có những cử hành, những sinh hoạt mà ngoài linh mục không ai có thể đảm nhận được. 
 
 Cũng chính vì sự cần thiết nầy mà Thánh Gioan Kim Khẩu cho rằng: “Các linh mục đã nhận được một quyền năng mà Thiên Chúa đã không ban cho các Thiên thần, hoặc tổng lãnh Thiên thần … Từ trời cao, Thiên Chúa phê chuẩn tất cả những gì các linh mục làm dưới đất.”.
 
 Trong khi đó, để nhấn mạnh sự cao cả và cần thiết của đôi bàn tay linh mục được xức dầu thánh hiến, có một giai thoại kể rằng :
 
 Một thầy dòng Phanxicô hỏi thánh Phanxicô Assisi: “Anh Phanxicô, anh sẽ làm gì khi biết vị linh mục đang cử hành thánh lễ đã có ba bà vợ bé?” Phanxicô, không mảy may xúc động, đã trả lời, “Khi đến lúc lên rước lễ, tôi sẽ tiến lên nhận Mình thánh Chúa từ những bàn tay đã đưọc xức dầu của vị linh mục.”
 
 Thánh Phanxico trả lời như thế là cố ý xác định giá trị và sự cần thiết của bí tích truyền chức thánh được trao ban cho con người, cho dù con người có mõng dòn, yếu đuối. Đó cũng chính là điều khẳng định của Công Đồng Trentô trước những kẻ hồ nghi về việc chính Đức Kitô thiết lập bí tích truyền chức : “Nếu ai nói rằng Đức Kitô không có phong chức linh mục cho các tông đồ khi nói « các con hãy làm việc này mà nhớ đến ta » thì phải vạ tuyệt thông.”
 
 Trong khi đó thánh linh mục Gioan Maria Vianey, vị quan thầy của các linh mục, các cha sở, thường hay nói rằng “chức linh mục thật là cao trọng, người ta chỉ hiểu được chức linh mục ở trên thiên đàng, vì nếu ở dưới đất mà hiểu được, người ta sẽ chết mất; chết không phải vì sợ hãi, nhưng bởi vì yêu mến”.
 
 Nếu phân tích thêm đâu là những lý do về sự cần thiết của thiên chức linh mục, hay nói cách khác, nếu tìm hiểu thử : linh mục, ông là ai mà được coi trọng như thế, ắt chúng ta sẽ gặp thấy nhiều câu trả lời hàm chứa trong những định nghĩa như :
 
 - Linh mục là người của Thiên Chúa.
 
 - Linh mục là người “nối dài Chúa Kitô.
 
 - Linh mục là trung gian giữa Thiên Chúa và loài người.
 
 - Linh mục là một Ki-tô khác (Alter Christus)
 
 - Linh mục người tôi tớ phục vụ…
 
 2. Linh mục người nối dài Chúa Ki-tô :
 
 Trong những câu định nghĩa đó, có lẽ định nghĩa của ĐGH G.P. II trong tông huấn “Pastores dabo vobis” : “linh mục, người nối dài Đức Ki-tô” sẽ cho chúng ta thấy rõ căn tính của người linh mục : “Như vậy, các linh mục được mời gọi nối dài sự hiện diện của Đức Ki-tô, vị Mục tử duy nhất và tối cao, bằng cách noi theo lối sống của Ngài và bằng cách làm sao cho mình như thể được Ngài xuyên thấu ngay giữa đàn chiên được giao phó cho mình. …Do sự kiện linh mục thông phần vào việc “xức dầu” và vào “sứ vụ” của Đức Ki-tô, linh mục có khả năng nối dài kinh nguyện, lời nói, hy lễ và hoạt động của Ngài trong Giáo Hội” (Pastores dabo vobis 15) 
 
 Cũng trong chiều kích đó, nhưng để làm bật nổi hồng ân cao cả của chức linh mục và sự đáp trả thế nào cho xứng với ơn trọng nầy nầy nơi các thừa tác viên thánh chức, Thánh Grê-gô-ri-ô thành Na-di-a-nô khi còn là một linh mục trẻ đã kêu lên :
 
 “…Tôi biết chúng ta là thừa tác viên của ai, chúng ta ở địa vị nào, chúng ta hướng về ai. Tôi biết Thiên Chúa cao cả và con người yếu đuối, và biết cả sức lực của con người. Vậy linh mục là ai ? Là người bảo vệ chân lý, được đứng chung với các thiên thần, cùng ca hát với tổng lãnh thiên thần, mang lễ vật lên bàn thờ thiên quốc, chia sẻ chức tư tế với Đức Ki-tô, canh tân vạn vật, phục hồi hình ảnh Thiên Chúa trong vũ trụ, tái tạo thế giới cho trời mới đất mới; nói cho cùng, ngài được thần hoá và thần hoá kẻ khác”(Sách GL GH 1589).
 
 3. Hai chiều kích căn bản của đời linh mục :
 
 Những ý nghĩa mang chiều kích thần học đó phần nào cho chúng ta nhận ra sự cần thiết và cao cả của hồng ân thánh chức để mến yêu hơn, trân trọng hơn và cầu nguyền nhiều hơn cho các tân chức. Nhưng còn hơn thế nữa, chính bàn tiệc Lời Chúa hôm nay sẽ rọi sáng mầu nhiệm linh mục cách sâu sắc và thâm thúy, vừa để củng cố thêm nềm tin của chúng ta vào huyền nhiệm thánh chức, vừa để các tân chức hôm nay xác tín hơn về con đường và sứ mệnh cao cả mà các anh em sắp sửa lên đường thực hiện.
 
 Trước hết, bài đọc 1 với các trích đoạn sách Xuất Hành, cho chúng ta một cái nhìn gần như toàn bộ cuộc đời của Mô-sê, nhà lãnh đạo và tư tế vĩ đại của Cựu ước, được tóm gọn với 2 chiều kích : Đối diện với Thiên Chúa – Liên đới với anh em.
 
 Thật vậy, Mô-sê, nhân vật trung tâm của cựu ước, đã thể hiện vai trò “Người của Thiên Chúa” qua hai chiều kích trên như một chứng từ đầy bi kịch và thách đố : Cô độc với Thiên Chúa : Mô-sê đã đối diện, đã gặp gỡ, đã chuyện trò thân mật, đã lãnh nhận thánh ý, đã chuyển cầu cho dân trong hoang mạc, trên núi Si-nai, trong truớng tao phùng, trên mọi bước đường trong hoang mạc…và ngay khi chết, “Ông đã chết theo ý định của Gia-vê trong xứ Moab” (Đnl 34,5) . Nhưng Mô-sê luôn là người của dân, đòng hành với dân, luôn đứng về phía dân, can thiệp cho dân, và sau cùng đã chết ngoài hứa địa cùng với thế hệ dân mà ông đã dẫn đưa về từ Ai cập.
 
 Hai chiều kích cuộc đời của Mô-sê Cựu ước đó đã hiện thực sống động nơi một con người trong số đoàn dân hậu duệ của ông : Giê-su Na-da-rét, Người mà lịch sử dân chúa sẽ xưng tụng là Đấng Ki-tô, Người mà tác giả thư Do Thái trong Bài đọc 2 quả quyết : “Trong mọi sự, Ngài đã trở nên giống anh em mình, để trở thành vị Thượng tế lo việc Thiên Chúa, vừa biết xót thương vừa trung tín, cốt để lo tạ tội cho dân” (Dt 2, 17). Chính Người đã đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa để trở nên vị Thượng Tế cô độc với Thiên Chúa, đứng về phía Thiên Chúa, đồng thời, Người cũng đã thể hiện một cách trọn vẹn sự liên đới với mọi người qua hành động tự nguyện dâng hiến con người của mình làm lễ tế để kéo tình thương tha thứ cho Dân Chúa.
 
 Đó cũng chính là hai chiều kích cơ bản cuộc đời của mọi linh mục : thuộc về Thiên Chúa và thuộc về dân Chúa. Một linh mục mà để mất đi đời sống cầu nguyện, thường xuyên đối diện với Thiên Chúa, gặp gỡ Ngài trong thinh lặng nguyện cầu, thì chắc chắn sẽ thất bại trong tương quan với cộng đoàn, với anh em với công việc mục vụ. Cũng vậy, khi linh mục chỉ đi tìm hư danh, hưởng thụ, vị kỷ, không sẵn sàng để cho đi và phục vụ, chắc chắn sẽ đánh mất cả tình yêu Thiên Chúa lẫn con người, để trở thành một tên Giuđa Is-ca-ri-ốt lầm lũi đi về phía của bóng đêm tăm tối.
 
 Bài Tin Mừng của Thánh Gioan hôm nay tường thuật một dấu chỉ đặc biệt của Chúa Giêsu liên quan đến bí tích Thánh Thể và Truyền Chức : Rửa chân.
 
 Thật vậy, chính trong khung cảnh bí tích Thánh Thể và bí tích Truyền Chức, Chúa Ki-tô tha thiết gọi mời các “tân linh mục” mà Ngài vừa trao ban thánh chức hãy “quỳ xuống để rửa chân cho nhau”, hãy “yêu thương và phục vụ”.
 
 Các anh em tân linh mục thân mến,
 
 Anh em chịu chức giữa những ngày hoan vui của Giáng Sinh vẫn còn kéo dài và đang trong thời tiết chuẩn bị đón Xuân sang. Chắc chắn, trong lòng của mỗi anh em đang rộn rã và dâng trào niềm hạnh phúc, niềm tri ân cảm tạ, niềm hân hoan thánh thiện của hồng ân Thánh chức ; quả thật, anh em đang thấy và đang cảm nhận một “mùa xuân linh mục”, như cách cảm nhận của linh muc Nguyễn Mạnh Tăng viết tặng một tân linh mục qua mấy câu thơ :
 
 Ôi linh mục, Mùa Xuân Thánh lễ,
 
 Mùa xuân muôn đời, muôn thế hệ say mơ,
 
 Mùa xuân tinh tuyền không chút bợn nhơ,
 
 Ôi Mùa xuân nở bông hoa tình ái…
 
 Nhưng mùa xuân đời linh mục lại là mùa xuân Thánh lễ, mùa xuân Hy tế, mùa xuân của yêu thương-phục vụ quên mình, của hy sinh và từ bỏ, của máng cỏ Bê-lem và thập giá đồi Sọ.
 
 Nếu sáng nay, cùng với bước chân của anh em tiến vào cung thánh để đón nhận hồng ân linh mục, cộng đoàn đã hát bài ca nhập lễ với những câu : “Đôi môi con con đây xin Lời Cha đốt cháy đêm ngày. Cho con trung thành ca hát bài tình Chúa yêu con”, thì điều ước nguyện của cả dân Chúa dành cho anh em cũng chính là : anh em hãy biến cuộc đời linh mục của anh em thành lời ca tuyệt vời nhất, lời ca thánh thiện nhất, lời ca yêu thương phục vụ trọn hảo nhất, một lời ca cao vút giống như giọng ca của một loài chim mang tên “chim gai” (Thornbird) mà nữ văn sĩ người Úc, Colleen Mc Cullough đã dựa vào huyền thoại đó để viết cuốn tiểu thuyết cùng tên hay sau đó người Pháp đã chọn một tiêu đề khác : Những con chim ẩn mình đợi chết (Les oiseaux se cachent pour mourir). Huyền thoại “Những con chim gai” được người ta lưu truyền như thế nầy :
 
 Có một loài chim chỉ hót lên một lần trong cả đời nó. Tiếng hót đó ngọt ngào hơn bất cứ sinh vật nào trên trái đất nầy. Ngay khi vừa rời tổ, loài chim ấy đi tìm ngay một thứ cây có những cành đầy gai nhọn và tiếp tục bay mãi, không chịu ngơi nghỉ, cho đến khi tìm được mới thôi. Sau đó nó cất tiếng hót trên những cành cây hoang dại, rồi lao thẳng vào cây gai dài nhất và nhọn nhất. Cây gai xuyên thủng qua ngực. Giữa cơn hấp hối, một tiếng hót vút cao, thánh thót hơn cả tiếng hót của sơn ca, hoạ mi. Tiếng hót tuyệt vời đánh đổi bằng cả cuộc sống. Trời đất ngừng đọng lại để lắng nghe; còn Thượng đế trên cao thì mĩm cười. Bởi rằng sự tuyệt vời chỉ có được bằng niềm đau vô tận ấy…
 
 Kính thưa cộng đoàn, hình như con đường đến với chức linh mục và cuộc đời để sống chức linh mục gần cũng giống như loài “chim gai” đó. Giọng hát càng cao, càng hay, thì trái tim càng rỉ máu. Vị linh mục Giêsu đã để để lại bài ca tuyệt thế khi chấp nhận trái tim bị đâm thâu trên đồi Sọ ; và hôm nay, đang có những chàng trai cũng đang tiếp bước theo sau để hát bài tình ca thập giá đó.
 
 Chúng ta hãy cầu nguyện để các anh em tân linh mục hôm nay “trung thành hát mãi bài tình ca yêu thương, tình ca thập giá”. Amen.
 
  

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Trương Đình Hiền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Liên hệ

Tinvuiviet.net kính chào Quý vị và các bạn. Chúng tôi luôn mong nhận được bài vở cộng tác của mọi người. Xin cám ơn.   Liên hệ: Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: bbttinvui@gmail.com. Chân thành cảm ơn Quý vị và các bạn đã ghé thăm site. Kính chúc Quý vị và các...

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Trong Mùa Chay bạn làm gì để tỏ lòng sám hối ?

Ăn chay. Hãm mình.

Bác ái, chia sẻ.

Hoán cải đời sống, đi xưng tội.

Năng tham dự thánh lễ.

Cầu nguyện nhiều hơn.