www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
11:17 CDT Thứ năm, 28/03/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 72

Máy chủ tìm kiếm : 7

Khách viếng thăm : 65


Hôm nayHôm nay : 9397

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 837091

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 19058286

Trang nhất » Tin Tức » Suy niệm

Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 12– 18/10/2016: Câu chuyện Lòng Ðầy Miệng Mới Nói Ra

Thứ ba - 18/10/2016 10:41
Suy niệm

Suy niệm

Người ta thường bảo: “Lòng đầy miệng mới nói ra” hay “Văn tức là người”. Hai câu nói này có thể áp dụng rất đúng vào vị thánh Giáo Hội mừng kính ngày 18 tháng 10 hàng năm. Đó là thánh Luca, thánh sử.

1. Hãy sống chân thật đừng gian dối

Để theo Chúa, điều quan trọng là không gian dối, không giả hình giả bộ. Vì sự giả hình làm cho chúng ta nói rất nhiều mà làm không bao nhiêu. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng 14 tháng 10 tại nhà nguyện thánh Marta.


Trong bài Tin Mừng trong ngày, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy cẩn thận với “men Pharisêu”, đó là thói đạo đức giả. Có thứ men tốt và có loại men xấu. Thứ men tốt là loại men mà Chúa Giêsu có lần ví Nước Thiên Chúa giống như nắm men. Men ấy phát triển tốt và làm cho bột thành bánh. Nhưng men xấu thì không như vậy.

Tôi nhớ hồi còn bé, bà tôi làm bánh. Bà tán bột ra rất mỏng, sau đó bà bỏ vào dầu ăn để chiên, cái bánh phồng lên rất to, mà bên trong chẳng có gì… Khi chúng tôi ăn mới biết cái bánh ấy rỗng. Bà nói với chúng tôi: Cái này trông thế mà giả, nhìn thì đẹp mà thực chất thì chẳng có gì. Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta: Hãy coi chừng men Pharisêu vì đó là men đạo đức giả.

Đạo đức giả có nghĩa là chúng ta chỉ cầu nguyện với Chúa bằng những lời ngoài miệng mà lòng thì ở xa Ngài. Có những người đạo đức giả theo kiểu nói một đàng làm một nẻo. Có những người đạo đức giả theo kiểu giả bộ: có vẻ tốt và lịch sự nhưng thực tế thì nham hiểm. Chúng ta nhớ tới cách vua Herode tiếp đón ba Vua từ Phương Đông. Bên ngoài Herode tỏ ra lịch sự mà bên trong thì sợ hãi mất quyền. Bên ngoài Herode nói là: Các vị hãy đi và khi gặp Hài Nhi thì hãy quay trở lại báo tin để tôi cũng đến bái lạy Người. Nhưng kì thực Herode muốn tìm để giết Hài Nhi. Kẻ đạo đức giả sống hai mặt. Chúa Giêsu nói với các luật sỹ và biệt phái rằng: các ông nói mà không làm.

Chúng ta thử xét lại bản thân xem mình đang để cho loại men tốt hay men xấu phát triển? Tôi làm việc này với tinh thần nào? Tôi cầu nguyện với tinh thần nào? Tôi giải quyết các vấn đề với tinh thần nào? Với tinh thần xây dựng? Hay tinh thần chia rẽ? Điều quan trọng là đừng lừa gạt, đừng nói dối, mà hãy nói thật.

Trẻ thơ nói thật bao nhiêu phần trăm! Trẻ thơ không bao giờ nói dối. Các bé không bao giờ nói những thứ trừu tượng, các bé nói cụ thể: con làm cái này, con làm cái kia, con làm cái nọ. Rất cụ thể. Trước Thiên Chúa và trước người khác, trẻ thơ luôn nói những điều cụ thể. Tại sao? Tại vì trong các bé có thứ men tốt, làm cho các bé lớn lên giống như sự lớn mạnh của Nước Trời. Cũng thế, Chúa ban cho chúng ta, cho tất cả chúng ta Chúa Thánh Thần và ơn sáng suốt, để chúng ta biết phát triển loại men nào, và biết hành động theo sự thúc đẩy của men nào. Tôi là người trung tín, trong suốt, hay tôi là người đạo đức giả?

2. Câu chuyện Lòng Ðầy Miệng Mới Nói Ra

Kính thưa quý vị và anh chị em

Người ta thường bảo: “Lòng đầy miệng mới nói ra” hay “Văn tức là người”. Hai câu nói này có thể áp dụng rất đúng vào vị thánh Giáo Hội mừng kính ngày 18 tháng 10 hàng năm. Đó là thánh Luca, thánh sử.

Chúng ta không có được những sử liệu để biết về cuộc đời của thánh Luca ngoài danh hiệu thánh Phaolô nói về ngài: “Luca, vị y sĩ rất thân mến của chúng tôi...”. Vì thế, chúng ta phải tìm hiểu về con người của thánh Luca qua hai tác phẩm ngài biên soạn, nhất là qua sách Phúc Âm, thường được trao tặng những biệt hiệu sau đây:

1. Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của Lòng Thương Xót: Thánh Luca đặc biệt nêu bật lòng ưu ái và sự kiên nhẫn của Chúa Giêsu đối với những tội nhân và những kẻ đau khổ. Ngài luôn mở rộng đôi tay để đón nhận họ: những người xứ Samaria, những kẻ bị bệnh phong hủi, những người thu thuế, những kẻ phạm tội công khai, những người nghèo cũng như các mục đồng thất học.

Ngụ ngôn về người phụ nữ ngoại tình, về một con chiên lạc, một đồng tiền bị đánh mất, về đứa con hoang đàng và người trộm lành chỉ được ngòi bút của thánh Luca ghi lại rất linh động và xúc tích.

2. Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của Ơn Cứu Rỗi phổ quát và đại đồng: Chúa Giêsu dang rộng đôi cánh tay, chết treo trên thập giá là cho tất cả mọi người. Trong luồng tư tưởng này, thánh Luca ghi lại gia phả của Chúa Giêsu ngược lại đến nguyên tổ Ađam chứ không phải chỉ ghi lại Chúa Giêsu là con vua Ðavit, con ông Abraham như thánh sử Matthêu. Và trong lúc Chúa Giêsu hoạt động rao giảng Tin Mừng, nhiều người dân không phải là Do Thái cũng được Ngài ân cần tiếp đón và thi ân.

3.Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của những người nghèo, trong đó những người đơn sơ, nhỏ bé, đóng một vai trò quan trọng, như: ông Giacaria và bà Ysave, Ðức Maria và thánh Giuse, những người mục đồng, ông Simêon và bà góa Anna.

4. Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của sự cầu nguyện và của Chúa Thánh Thần: Luca thường mở đầu đoạn Phúc Âm với lời ghi nhận: “Chúa Giêsu đang cầu nguyện” và Thánh Thần mang Giáo Hội đến chỗ hoàn hảo cuối cùng.

5. Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của niềm vui: thánh Luca thành công trong việc phác họa hình ảnh Giáo Hội sơ khai tràn đầy niềm hân hoan vì cảm nghiệm được mầu nhiệm Phục Sinh, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và Ơn Cứu Rỗi.

Mừng lễ kính thánh Luca, chúng ta hãy cùng nhau đọc đoạn cuối của Phúc Âm, gồm những dòng có thể so sánh như chiếc gạch nối liên kết sách Phúc Âm với sách Tông Ðồ Công Vụ để diễn tả một sinh hoạt rất quan trọng của Giáo Hội và của mọi tín hữu Kitô: “Ðoạn Chúa dẫn các môn đệ đi về phía làng Bêtania. Chúa giơ tay chúc phúc cho họ. Ðang khi Chúa phán, Chúa rời khỏi họ mà lên trời. Các môn đệ thờ lạy Chúa rồi trở về Giêrusalem, lòng đầy hân hoan. Họ có mặt luôn luôn trong đền thờ để ca tụng và cảm tạ Thiên Chúa”.

Dõi theo gương của các môn đệ tiên khởi của Chúa Giêsu, chúng ta hãy luôn dâng lời ca tụng và cảm tạ Thiên Chúa.

3. Không thể “sống đạo kiểu ngụy trang” chỉ trọng vẻ bề ngoài

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta làm việc thiện với lòng khiêm tốn, tránh lối phô trương hình thức. Đó là điều Đức Thánh Cha nhấn mạnh trong bài giảng sáng 11 tháng 10 tại nhà nguyện thánh Marta. Đức Thánh Cha cảnh báo lối sống đạo kiểu ngụy trang ngụy tạo. Ngài nói rằng con đường của Thiên Chúa là con đường của khiêm nhường.

Tự do của người Kitô hữu đến từ Chúa Giêsu, chứ không đến từ những việc chúng ta làm. Đức Thánh Cha khai triển bài giảng của Ngài từ bài đọc trích thư của thánh Phaolô, sau đó Ngài hướng sự tập trung vào bài đọc Tin Mừng.

Hôm nay Chúa Giêsu trách người biệt phái vì họ chỉ tập trung vào cái bề ngoài mà quên mất đức tin. Chúa Giêsu kêu mời chúng ta chấp nhận sự công bình đến từ Thiên Chúa. Lúc ấy, người biệt phái trách Chúa vì Chúa chưa rửa tay trước khi ăn.

Đáp lại họ, Chúa Giêsu nói rất mạnh: các ông chỉ làm sạch bên ngoài chén đĩa, còn trong lòng các ông thì đầy tham lam gian ác. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu lặp đi lặp lại rất nhiều lần: nội tâm các ông đầy bất công và bị nô lệ. Họ bị nô lệ vì họ không đón nhận công bình đến từ Thiên Chúa, thứ công bình mà Chúa Giêsu trao ban.

Nơi khác của Tin Mừng, Chúa Giêsu còn mời gọi chúng ta cầu nguyện nơi kín đáo để không phô trương. Có những người ăn chay với vẻ mặt phiền não. Những người sống bề ngoài như thế, họ đã cầu nguyện và chay tịnh để được người ta khen tặng. Tuy nhiên, Chúa chỉ cho chúng ta con đường của khiêm nhường.

Không có lối sống đạo kiểu ngụy tạo. Điều quan trọng là chính tự do mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta từ sự cứu chuộc của Người, từ tình yêu và niềm vui mà Người trao cho chúng ta từ nơi Chúa Cha.

Đó là tự do nội tâm. Với tự do ấy bạn làm việc tốt cách kín đáo, không khua chiêng đánh trống cho người ta biết. Con đường đích thực của Chúa Giêsu là thế: khiêm nhường và chịu sỉ nhục. Thánh Phaolô nói với các tín hữu Philipphê về gương khiêm nhường của Chúa Giêsu: Người đã tự hạ mình và từ bỏ chính mình. Đó là cách duy nhất để chúng ta ra khỏi sự ích kỷ, tham lam, ngạo mạn, hư danh, gian manh. Thế nhưng, có những người sống đạo kiểu tô vẽ kiểu ngụy tạo: bên ngoài thì có vẻ thế này mà bên trong lại thế khác. Chúa Giêsu dùng một hình ảnh rất mạnh: các ông giống như những cái mộ tô vôi, bên ngoài thì đẹp đẽ mà bên trong đầy xương người chết và hôi hám.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa để chúng ta không sống đạo theo kiểu giả hình, mà sống đạo theo con đường khiêm nhường của Chúa. Chúng ta có thể làm nhiều điều tốt đẹp, nhưng nếu chúng ta không khiêm tốn, chúng ta không sống theo lời Chúa Giêsu dạy và những điều tốt ấy không phải là để phục vụ, những điều tốt ấy không có giá trị cứu độ mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Con đường cứu độ, con đường cứu chuộc của Chúa là con đường của khiêm nhường và chịu sỉ nhục, vì bạn không bao giờ có được sự khiêm nhường mà lại không phải chịu biết bao nhục nhã. Chúng ta thấy Chúa Giêsu chịu sỉ nhục trên thánh giá.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa để chúng ta không sống đạo kiểu giả hình… để chúng ta sống tốt lành cách khiêm tốn, để chúng ta trao tặng cách nhưng không những gì chúng ta đã lãnh nhận nhưng không, đó là tự do nội tâm. Nguyện xin Người gìn giữ tự do nội tâm của mỗi người chúng ta. Chúng ta cùng cầu xin ơn ấy.

4. Ba nét làm nên căn tính người Kitô hữu

Các Kitô hữu luôn cảm thấy rằng họ cần được tha thứ và bằng cách này họ gặp gỡ Thiên Chúa. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng 13 tháng 10 tại nhà nguyện thánh Marta. Đức Thánh Cha phác họa chân dung người Kitô hữu tốt lành, đó là người phải luôn cảm nhận nơi bản thân mình phúc lành của Chúa và không ngừng làm việc thiện.

Thiên Chúa Cha chọn mỗi người chúng ta, Ngài yêu thương chúng ta và đặt tên cho chúng ta. Thiên Chúa gọi mời từng người chúng ta, chứ không theo kiểu một đám đông không biết ai vào ai. Chúng ta được Thiên Chúa chọn và đặt niềm mong ước. Chúng ta cứ thử nghĩ về các đôi hôn nhân mong đợi những em bé chào đời: Không biết em bé ấy sẽ thế nào? Cười nói làm sao? Thiên Chúa là Cha đang đặt niềm mơ ước vào mỗi người chúng ta, cũng giống như những bậc cha mẹ đặt hy vọng vào người con sắp chào đời. Điều này mang lại cho chúng ta một nền tảng vững chãi. Thiên Chúa Cha quý mến bạn, chính bạn, chứ không phải là một đám người, không, Ngài thương mến từng người chúng ta. Đây là nền tảng và cơ sở cho mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta nói với Cha chúng ta, Đấng yêu mến chúng ta, Đấng chọn chúng ta, Đấng đặt tên cho mỗi người chúng ta.

Đương nhiên, khi người Kitô hữu không cảm nhận được rằng, mình được Thiên Chúa là Cha chọn, thì họ cảm thấy họ thuộc về cộng đoàn cũng giống như thuộc về một Fan hâm mộ câu lạc bộ bóng đá vậy. Fan hâm mộ thì chọn một đội bóng và thuộc về đội ấy. 

Các Kitô hữu được Thiên Chúa chọn lựa và đặt niềm hy vọng. Khi sống như thế, chúng ta luôn cảm thấy trong lòng niềm an ủi lớn lao, chúng ta không còn cảm giác lạc lõng. Điều thứ hai của người Kitô hữu được chúc phúc, là đang cảm nhận được ơn tha thứ. Một người dù là nam hay nữ mà không có kinh nghiệm về ơn tha thứ, thì chưa phải là người Kitô hữu theo đúng nghĩa.

Tất cả chúng ta được tha thứ với cái giá máu của Chúa Kitô. Nhưng chúng ta đã được tha thứ điều gì? Hãy nhớ lại một chút về những gì tệ hại và xấu xa mà bạn đã làm. Không phải là những gì mà bạn của bạn, láng giềng của bạn, người thân của bạn làm, mà là những gì chính bản thân bạn đã làm. Những điều xấu nào bạn đã làm trong cuộc đời? Chúa đã tha thứ tất cả những điều ấy: Và đây, tôi được chúc phúc, tôi là một Kitô hữu. Như thế, nét đầu tiên của người Kitô hữu là: chúng ta được chọn, được Thiên Chúa đặt hy vọng, được Ngài đặt tên, được Ngài thương mến. Nét thứ hai là: chúng ta được Thiên Chúa thứ tha.

Nét thứ ba, người Kitô hữu là người luôn bước trên đường hướng tới sự hoàn thiện, hướng tới cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô Đấng cứu chuộc chúng ta.

Bạn không thể hiểu được kiểu Kitô hữu mà lại dậm chân tại chỗ. Người Kitô hữu phải luôn hướng về phía trước, phải tiến bước. Có những người giống như nhân vật trong dụ ngôn, khi nhận được nén bạc từ ông chủ thì đi chôn giấu vì sợ thất bại vì sợ hãi ông chủ. Người ấy không bước đi và làm cho cuộc sống bế tắc. Người Kitô hữu thì luôn bước trên hành trình tiến về phía trước, và không ngừng cố gắng làm việc thiện.

Như thế, đây là tóm lược nét căn tính của người Kitô hữu: chúng ta được chúc phúc, vì được Chúa chọn, vì được Chúa tha thứ, và vì chúng ta đang tiến bước. Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng của Người, đó là ban cho chúng ta căn tính của người tín hữu Kitô.

Nguồn tin: vietcatholic

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Tin Vui Việt

Trang thông tin điện tử để tìm hiểu về Đạo Công Giáo.Mong rằng qua trang Tin Vui Việt này sẽ giúp Quý Vị hiểu hơn về đời sống đạo.Nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn tác động để mỗi người nhận ra Thiên Chúa là Chân, Thiện, Mỹ.bbttinvui

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Chúng ta nên làm gì để nhiều người biết Thiên Chúa hơn ?

Cầu nguyện.

Đi lễ.

Sống bác ái.

Loan báo Tin Mừng.

Chu toàn nhiệm vụ hằng ngày.