www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
00:42 CDT Thứ sáu, 29/03/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 91

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 89


Hôm nayHôm nay : 668

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 849143

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 19070338

Trang nhất » Tin Tức » Suy niệm

Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 18/06 - 24/06/2015: Câu chuyện Anh em là Đền Thờ Thiên Chúa

Thứ tư - 24/06/2015 19:47
Suy niệm

Suy niệm

Để giải phóng khỏi những đam mê của thế gian, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, chúng ta phải có một trái tim khiêm tốn khước từ tất cả các cuộc xung đột và những trận chiến. Đây là tiếng ồn của thế giới ngoại giáo và tiếng ồn của ma quỷ, nhưng trái tim của chúng ta phải có hòa bình nếu chúng ta muốn làm chứng cho đức tin của mình mà không cần gây ra những tai tiếng hay những lời chỉ trích.

 
1. Giải phóng con tim chúng ta để chào đón Thiên Chúa

Kitô hữu phải học biết cách tự giải phóng mình khỏi “tiếng ồn ào và những đam mê thế gian” để có thể nhận được ân sủng của Thiên Chúa trong trái tim mình. Đó là trọng tâm bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta hôm thứ Hai 15 tháng Sáu.

Trình bày những suy tư trên lá thư thứ hai của Thánh Phaolô gửi các tín hữu Côrintô, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng Chúa ban cho chúng ta ân sủng của Ngài cách nhưng không và chúng ta phải sẵn sàng, ngay bây giờ, để đón nhận được hồng ân của Ngài. Chúng ta cần phải chuẩn bị tâm hồn chúng ta ngõ hầu chúng ta không “đón nhận ân sủng của Thiên Chúa một cách vô ích”. Chúng ta lắng nghe lời Chúa để chúng ta có thể tiếp đón Lời Ngài, chứ không phải là gây ra những tai tiếng bởi hành vi phản-Kitô của chúng ta.



Đức Thánh Cha nhận xét cay đắng rằng quá thường khi chúng ta nghe người ta nói về những Kitô hữu đi lễ ngày Chúa Nhật nhưng sau đó hành xử như những người ngoại đạo, gây tai tiếng nơi những người khác. Nhưng Đức Thánh Cha đặt ra câu hỏi chúng ta nên đón nhận Chúa vào lòng chúng ta như thế nào? Bằng cách giải phóng mình khỏi tất cả các tiếng ồn và những đam mê không đến từ Thiên Chúa và bằng cách loại bỏ tất cả những điều gây bất an trong tâm trí chúng ta. Đức Thánh Cha nói trong Phúc Âm theo Thánh Matthêu, Chúa Giêsu đã giải thích với chúng ta phải làm thế nào để lật nhào não trạng “mắt đền mắt” của chúng ta và sẵn sàng đưa nốt má bên kia cho những người có hành vi sai trái với chúng ta.

Để giải phóng khỏi những đam mê của thế gian, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, chúng ta phải có một trái tim khiêm tốn khước từ tất cả các cuộc xung đột và những trận chiến. Đây là tiếng ồn của thế giới ngoại giáo và tiếng ồn của ma quỷ, nhưng trái tim của chúng ta phải có hòa bình nếu chúng ta muốn làm chứng cho đức tin của mình mà không cần gây ra những tai tiếng hay những lời chỉ trích. Trở lại với những lời của Thánh Phaolô, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng chúng ta phải giữ con tim mình sẵn sàng cho Thiên Chúa qua tất cả “những chịu đựng, ưu phiền, khó khăn, gian truân, đánh đập, bắt bớ, ngược đãi, vất vả, canh thức, và chay tịnh”.

Làm thế nào chúng ta có thể có thể làm được những điều này, Đức Thánh Cha nêu câu hỏi? Như Thánh Tông Đồ Phaolô giải thích, đó là thông qua “sự khiết tịnh, kiến thức, sự nhẫn nại, và lòng nhân ái”, và bằng cách duy trì một tinh thần thánh thiện. Đức Giáo Hoàng kết luận rằng khiêm tốn lòng tốt và sự kiên nhẫn là những dấu chỉ của những người dán mắt nhìn vào Thiên Chúa và mở rộng trái tim ra với Ngài.



2. Thần học về sự nghèo khó

Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 16 tháng Sáu tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư của ngài về vị trí của sự nghèo khó trong Tin Mừng, và nói rằng Tin Mừng trở nên không thể hiểu được nếu sự nghèo khó bị lấy khỏi Tin Mừng, và thật là vô lý khi chụp mũ “cộng sản” cho những linh mục có một mối quan tâm mục vụ cho người nghèo.

Trong bài đọc Một, kể về cách thức Thánh Phaolô tổ chức việc quyên góp trong Giáo Hội Côrintô, cho Giáo Hội tại Jerusalem, nơi các thành viên đang phải đối diện với khó khăn lớn về tài chính. Đức Thánh Cha Phanxicô đã lưu ý rằng, ngày hôm nay cũng vậy, “nghèo đói” luôn luôn là “một từ gây ra những nhục mạ”. Quá thường là khi thấy một linh mục nói quá nhiều về nghèo đói, một giám mục nói nhiều về cảnh bần hàn, Kitô hữu này, nữ tu nọ nói về những người nghèo thì người ta ồ lên chắc là họ có một chút cộng sản, phải không? Không, trái lại hoàn toàn. Sự nghèo khó được nhắc đến tại trung tâm của Tin Mừng. Nếu chúng ta bỏ nghèo khó khỏi Tin Mừng, không ai có thể hiểu bất cứ điều gì về thông điệp của Chúa Giêsu.”

Thánh Phaolô khi nói với Giáo Hội Côrintô, đã làm nổi bật sự giàu có thực sự của họ là gì. Anh em rất giàu về mọi thứ như đức tin, lời nói, nhận thức, sự chân thành, và tình yêu mà chúng tôi đã dạy cho anh em”. Thánh Tông Đồ khuyên “vì anh em giàu có như thế, anh em cũng hãy giàu có về lòng quảng đại trong dịp lạc quyên này”

“Nếu anh chị em giàu có trong con tim, giàu có tuyệt vời về lòng nhiệt thành và lòng bác ái, giàu có Lời Chúa và sự hiểu biết Thiên Chúa - hãy để sự giàu có này chạm được đến túi tiền của anh chị em - và đây là một nguyên tắc vàng: khi niềm tin không đi kèm với lòng quảng đại, thì đó không phải là một đức tin chân chính. Đó là một nguyên tắc vàng mà Thánh Phaolô nói ở đây ‘Anh em giàu có như thế, anh em cũng hãy giàu có về lòng quảng đại trong dịp lạc quyên này’. Đây là điều tương phản giữa sự giàu có và nghèo đói. Giáo Hội Jerusalem đang nghèo, đang gặp khó khăn kinh tế, nhưng rất giàu, bởi vì Giáo Hội giữ kho tàng sứ điệp Tin Mừng. Giáo Hội Giêrusalem nghèo này đã làm giàu cho Giáo Hội Côrintô với sứ điệp Tin Mừng; đã trao ban sự giàu có của Tin Mừng.” 

Hãy để sự nghèo khó của Chúa Kitô làm giàu chúng ta

Tiếp tục diễn giải về Thánh Phaolô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi tất cả chúng ta hãy theo gương của Giáo Hội Côrintô, là Giáo Hội nơi mà các thành viên đã có một thỏa thuận tuyệt vời về của cải vật chất và rất nhiều điều, là Giáo Hội nghèo nếu không được loan báo Tin Mừng, nhưng làm giàu cho Giáo Hội Jerusalem, ngõ hầu giúp trong việc xây dựng Dân Chúa. Đây là nền tảng của “thần học về nghèo đói”: Đức Giêsu Kitô, Đấng đã rất giàu có với sự phong phú của Thiên Chúa - đã tự làm cho mình ra nghèo hèn, Ngài hạ mình xuống vì chúng ta. Đó là ý nghĩa của mối phúc thật thứ nhất: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”, nghĩa là làm mình nghèo đi để cho mình được làm giàu bởi sự nghèo khó của Chúa Kitô, là ước ao làm giàu với những giàu có của Chúa Kitô chứ không phải là những thứ khác. 

“Khi chúng ta giúp đỡ người nghèo, chúng ta không đơn thuần là làm công việc của một cơ quan trợ giúp ‘theo cách Kitô Giáo’. Trợ giúp người khác là một việc thiện và nhân bản. Đó là một công việc tốt, và cao quý. Nhưng đó không phải là tinh thần nghèo khó mà Thánh Phaolô ao ước nơi chúng ta và đã rao giảng cho chúng ta”. Tinh thần nghèo khó Kitô Giáo là tôi trao ban ra chính mình, chứ không phải là cái dư thừa, còn sót lại - Tôi cho đi thậm chí những thứ tôi đang rất cần cho chính bản thân mình, bởi vì tôi biết rằng người nghèo được tôi trao tặng làm phong phú tôi. Tại sao người nghèo làm phong phú tôi? Bởi vì chính Chúa Giêsu đã nói với chúng ta rằng Ngài là người nghèo.”

Tinh thần khó nghèo Kitô Giáo không phải là một ý thức hệ

Khi một người cho đi một cái gì đó, không chỉ từ những thứ dư thừa của mình, để cung cấp cho một người nghèo, cho một cộng đồng nghèo, người đó được phong phú hóa. Chúa Giêsu hoạt động nơi những ai thực hiện điều này, chính vào lúc người ấy thực thi điều đó, và Chúa Giêsu hoạt động nơi người nghèo, là những người làm phong phú cho người đã trao tặng cho mình.

“Đây là thần học về sự khó nghèo: Tinh thần khó nghèo là trung tâm của Tin Mừng; nó không phải là một ý thức hệ. Đó là một mầu nhiệm của Chúa Kitô, Đấng đã tự hạ mình xuống, Đấng đã tự bần cùng hóa mình để làm giàu cho chúng ta. Vì vậy, thật là dễ hiểu tại sao mối phúc đầu tiên trong Tám Mối Phúc Thật là ‘Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó’. 

Là người nghèo trong tinh thần có nghĩa là đi trên con đường này của Chúa, con đường khó nghèo của Chúa, Đấng đã tự hạ mình xuống đến mức trở thành bánh cho chúng ta, trong hy tế này. Ngài tiếp tục hạ mình vào lịch sử của Giáo Hội, trong việc tưởng niệm cuộc thương khó của Ngài, và qua việc tưởng niệm những sỉ nhục của Ngài, tưởng niệm sự nghèo hèn của Ngài, qua bánh này Ngài làm cho chúng ta nên giàu có”

3. Câu chuyện Anh em là Đền Thờ Thiên Chúa

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Thành phố Côrinthô là một thành phố ăn chơi của người Hy Lạp. Thánh Phaolô đã từ Athen đến Côrinthô trong chuyến hành trình truyền giáo thứ hai của ngài. Ngài cư ngụ ở đó khoảng 18 tháng, vừa làm việc vừa giảng dạy cho họ. Sau khi rời họ, ngài đã nghe biết những chuyện không hay xảy ra giữa họ vì có những vị thầy hay tiên tri giả đã dạy họ những điều sai lầm và gây chia rẽ. Đồng thời cũng có những gương mù về luân lý nơi họ, nên ngài đã viết thư này cho họ từ Êphêxô vào khoảng năm 57 để nhắc lại các giáo huấn của ngài, để khuyên bảo và để cảnh cáo họ. Trong chương này Thánh Phaolô nhắc nhở tín hữu Côrinthô rằng họ là Đền Thờ của Thiên Chúa.

Thánh Phaolô viết như sau:

Theo ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi đặt nền móng như một kiến trúc sư lành nghề, còn người khác thì xây trên nền móng đó. Nhưng ai nấy phải coi chừng về cách mình xây cất. Vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giê-su Ki-tô

Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Chúng ta không tạo ra được dù một sợi tóc trên đầu mình, nhưng ngày nay có nhiều trào lưu cho rằng thân xác của một người là thuộc về người ấy và như thế người ấy có “nhân quyền” để sử dụng thân xác mình tùy ý.

Nhưng thánh Phaolô cảnh cáo: anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và ai xúc phạm Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy.

Có nhiều cách để xúc phạm đến Đền Thờ của Thiên Chúa. Người Do Thái đã biến Đền Thờ thành nơi buôn bán. Và Chúa Giêsu đã nổi giận đến nỗi Người phải lấy dây thắt thành roi để đánh đuổi họ và lật đổ bàn ghế của họ. Ngày nay có nhiều nơi cũng dùng Thánh Đường để buôn thần bán thánh, nhưng cách xúc phạm thông thường nhất là phạm đến Đền Thờ trong tâm hồn và thân xác của mỗi người và của tha nhân.

Thánh Phaolô nói: “Anh em không biết rằng thân xác anh em là chi thể của Đức Kitô sao? Tôi sẽ lấy chi thể của Đức Kitô mà làm nó thành chi thể của một gái điếm sao? Không đời nào! Anh em không biết rằng ăn ở với một gái điếm là nên một thân xác với cô ta sao? Vì có lời rằng ‘cả hai sẽ nên một thân xác’. 

Phá thai cũng là một hình thức xúc phạm nặng nề đến Đền Thờ Thiên Chúa. Không những xúc phạm, mà còn phá hủy những Đền Thờ nhỏ bé của Thiên Chúa, tước quyền Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên các thai nhi ấy theo hình ảnh của Ngài và đã truyền chính hơi thở của Ngài vào chúng.

Linh hồn cũng là Đền Thờ Thiên Chúa. Chúng ta xúc phạm đến Đền Thờ này bằng cách xúi dục người khác phạm tội, làm dịp cho người khác phạm tội, làm gương mù cho người khác, nhất là trẻ em (x. Mt 18:6; Mc 9:42; Lc 17:2), hay làm lơ không nhắc nhở khi mình có trách nhiệm. Có nhiều người nghĩ rằng mình không làm hại ai là đủ rồi. Thật ra những người có trách nhiệm giáo dục và hướng dẫn người khác, như các linh mục, các phụ huynh, các thầy cô… mà lơ là bổn phận của mình, cũng là xúc phạm đến Đền Thờ của Thiên Chúa vì mình không chu toàn bổn phận bảo trì và xây dựng những ngôi Đền Thờ mà Thiên Chúa đã trao cho mình.

Ngoài ra, Thánh Phaolô cũng có ý nói đến những người rao truyền những lạc thuyết trong dân làm cho họ xa lìa những giáo huấn chân chính. Nhiều khi chúng ta không có ý giảng dạy sai lầm, nhưng vì không chịu học hỏi, hoặc vì dạy theo ý mình chứ không theo giáo huấn của Hội Thánh, chúng ta cũng trở thành những người rao truyền lạc thuyết. Cho nên, những ai dạy Giáo Lý phải luôn luôn tâm niệm như Đức Kitô rằng: “Giáo huấn của Tôi không phải là của chính Tôi, nhưng là của Ðấng đã sai Tôi…. Ai giảng dạy theo ý mình, thì tìm vinh quang cho chính mình. Nhưng ai tìm vinh quang cho Ðấng đã sai mình, người đó là người chân thật, và nơi người đó không có điều gì gian dối” (Ga 7:16-19).

4. Chúng ta là những người yếu đuối cần cầu xin sức mạnh để tha thứ

Kitô hữu phải hiểu rằng họ không thể thăng tiến trong đời sống Kitô mà không có ơn phù trợ của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 18 tháng Sáu tại nhà nguyện Santa Marta. Ngài ghi nhận rằng, nếu chúng ta muốn cầu nguyện cho nên, chúng ta phải sẵn sàng tha thứ cho những người anh em của chúng ta. Trọng tâm bài giảng của Đức Thánh Cha đã xoay quanh ba chủ đề là sự yếu đuối, cầu nguyện, và tha thứ.

Suy tư của Đức Thánh Cha được khởi đầu với sự nhấn mạnh rằng tất cả chúng ta đều có một yếu điểm nào đó mà “tất cả chúng ta phải chịu sau vết thương của tội nguyên tổ.”

Nếu không có ơn phù trợ của Thiên Chúa, chúng ta không thể thăng tiến.

Ngài lặp lại rằng chúng ta yếu đuối “chúng ta chìm sâu trong tội lỗi, chúng ta không thể đi tới nếu không có sự giúp đỡ của Chúa”

“Ai tin rằng mình là mạnh mẽ, ai tin rằng mình có khả năng bằng sức riêng của mình, người ấy là ngây thơ, và cuối cùng vẫn chỉ là một con người bị đánh bại bởi quá nhiều yếu điểm người đó mang trong mình: sự yếu đuối đó khiến chúng ta phải kêu cầu ơn phù trợ của Thiên Chúa vì như chúng ta vừa cầu nguyện ‘với sự yếu đuối của chúng con, chúng con chẳng làm được gì nếu không có ơn phù trợ của Chúa’. Chúng ta không thể thăng tiến trong đời sống Kitô của chúng ta mà không có sự giúp đỡ của Chúa, vì chúng ta là những con người yếu đuối. Và ai đang trên đường thì hãy cảnh giác để đừng vấp ngã bởi vì người ấy yếu đuối”.

Chúng ta thậm chí còn non yếu cả trong đức tin. “Tất cả chúng ta đều có đức tin. Chúng ta đều muốn thăng tiến trong đời sống Kitô, nhưng nếu chúng ta không ý thức về sự yếu đuối của mình, cuối cùng rồi chúng ta cũng hoàn toàn bị đánh bại.” Có một lời cầu nguyện đẹp nói lên điều này: “Lạy Chúa, con biết rằng trong sự yếu đuối của con, con còn có thể làm được gì nếu không có ơn phù trợ của Ngài”.

Lời cầu nguyện của chúng ta không cần có quá nhiều từ

Đức Thánh Cha sau đó đã chuyển sang những suy nghĩ của ngài về “cầu nguyện”. Ngài nhận định rằng Chúa Giêsu, đã dạy chúng ta cầu nguyện, “nhưng không phải như một người ngoại đạo” là người nghĩ rằng họ sẽ được lắng nghe nếu họ nói tràng giang đại hải. Đức Thánh Cha nhắc nhớ câu chuyện bà mẹ ông Samuel là người đã xin Thiên Chúa ban ơn cho có một con trai, và cầu nguyện đơn giản bằng cách mấp máy đôi môi mình. Một tư tế có mặt ở đó, nhìn thấy bà và tin rằng bà đang say rượu và mắng bà.

“Bà ấy chỉ mấp máy đôi môi mình vì bà không thể nói. .. Bà xin cho có một đứa con trai. Bà cầu nguyện bằng cách đó, trước mặt Chúa. Đó là lời cầu nguyện tốt đẹp vì chúng ta biết rằng Thiên Chúa là thiện hảo và biết rõ tất cả chúng ta và biết những điều chúng ta cần, chúng ta nên bắt đầu lời cầu nguyện bằng một từ là: 'Cha'; đó là một từ ngữ nhân loại, chắc chắn rồi, nhưng từ đó mang lại cho chúng ta sự sống. Tuy nhiên, trong lời cầu nguyện, chúng ta chỉ có thể nói từ đó với sức mạnh của Chúa Thánh Thần.”

Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta hãy bắt đầu cầu nguyện với sức mạnh của Chúa Thánh Thần là Đấng đang cầu nguyện trong chúng ta, cầu nguyện một cách đơn giản. Với trái tim rộng mở trước sự hiện diện của Thiên Chúa Đấng là Cha, và hiểu những điều chúng ta cần ngay cả trước khi chúng ta nói về những điều ấy”.

Sự tha thứ là một sức mạnh rất lớn, một ân sủng từ Chúa

Cuối cùng, Đức Thánh Cha đề cập đến sự tha thứ, và nhấn mạnh cách thức Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Ngài rằng nếu họ không tha thứ cho những lỗi lầm của người khác, Cha trên trời sẽ không tha thứ cho họ.

“Chúng ta chỉ có thể cầu nguyện cho nên, và gọi Thiên Chúa là ‘Cha’ nếu trái tim của chúng ta bình an với những người khác, với các anh em của chúng ta. Tuy nhiên có người sẽ nói ‘Nhưng mà thưa cha, người này đã làm điều này với tôi, còn người kia đã làm điều nọ với tôi’. Hãy tha thứ tất cả. Hãy tha thứ như Chúa đã tha thứ cho anh chị em. Và như thế, sự yếu đuối chúng ta mang trong mình, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa trong lời cầu nguyện trở thành sức mạnh bởi vì tha thứ là một sức mạnh rất lớn. Ta cần phải mạnh mẽ để tha thứ, nhưng sức mạnh này là một ân sủng mà chúng ta phải nhận từ Chúa vì chúng ta là những người yếu đuối không thể cậy dựa vào sức riêng của mình”.

5. Lòng tham làm băng hoại và là cội rễ của nhiều cuộc chiến

Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo về các tác động băng hoại của lòng tham và não trạng lo thu tích của cải cho mình. Ngài nói rằng chúng là gốc rễ của chiến tranh và chia rẽ trong gia đình. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng tại nhà nguyện Santa Marta sáng thứ Sáu 19 tháng Sáu. 

Cảm hứng từ bài phúc âm trong ngày, trong đó Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ đừng lo thu tích kho tàng trên trái đất nhưng hãy hướng về những sự trên trời. Đức Thánh Cha đã trình bày một số những suy tư trên nhiều nguy hiểm gây ra bởi sự tham lam của cải và tham vọng của con người. Ngài nói các tật xấu này kết thúc trong hư vô và sự nô dịch trái tim chúng ta. Thay vì tích lũy của cải cho bản thân, chúng ta nên sử dụng nó cho thiện ích chung.

Lòng tham gây ra băng hoại và hủy diệt

“Cuối cùng giàu có không mang đến cho chúng ta an ninh bền vững. Thay vào đó, nó có xu hướng làm giảm giá trị của anh chị em. Và điều này xảy ra trong gia đình – rất nhiều gia đình bị chia rẽ. Đi xa hơn, tham vọng có thể phá hủy và làm hư hỏng chúng ta, và cũng là nguồn gốc của các cuộc chiến tranh. Hiện có rất nhiều cuộc chiến tranh trên thế giới ngày nay vì lòng tham quyền lực và của cải của chúng ta. Chúng ta cũng phải nghĩ đến cả những cuộc chiến trong lòng của chúng ta. Chúa nói: ‘Hãy cảnh giác chống lại sự tham lam bất cứ loại nào’ bởi vì tham lam không dừng lại, nó cứ đi tới, tiếp tục tiến về phía trước. .. nó giống như một chuyến bay gồm nhiều chặng, cánh cửa mở ra và hư danh ùa vào - người ta nghĩ mình là quan trọng, tin tưởng mình là mạnh mẽ. .. và sau đó niềm tự hào ập đến. Và cùng với nó là tất cả các tệ nạn. Chúng là những bước tiếp theo của cái bước đầu tiên là lòng tham mong muốn tích lũy của cải.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô thừa nhận rằng thật không phải dễ dàng gì cho một nhà cầm quyền hoặc một chính trị gia sử dụng các nguồn lực cho thiện ích chung với một lòng trung thực như một vị thánh.

“Chúa thực sự chúc phúc cho một người khi ban cho người ấy sự giàu có, khi Người làm cho người ấy trở thành một quản trị viên những của cải trần thế vì thiện ích chung và vì lợi ích của tất cả mọi người, không phải chỉ cho một mình người đó. Và không phải dễ dàng để trở thành một quản trị viên trung thực bởi vì luôn luôn có sự cám dỗ của lòng tham, và ước muốn trở thành quan trọng. Thế giới của chúng ta dạy anh chị em điều này và nó sẽ đưa đường dẫn lối cho chúng ta đi trên con đường ấy. Chúng ta phải suy nghĩ về những người khác và nhận ra rằng những gì tôi sở hữu là vì lợi ích của người khác và [khi giã từ thế giới này] tôi không thể mang đi với tôi bất cứ thứ gì tôi đang có đây. Nhưng nếu tôi, như một quản trị viên, sử dụng những gì Chúa ban cho tôi vì thiện ích chung, điều này sẽ thánh hoá tôi, sẽ làm cho tôi thành một vị thánh.

Đừng đùa với lửa

Đức Giáo Hoàng nói chúng ta thường nghe nhiều lời hối tiếc từ những người dành trọn cuộc sống mình để thu tích tài sản, nhưng cuối cùng họ nhấn mạnh rằng những kho tàng duy nhất chúng ta nên thu tích chính là những gì có giá trị trong “túi xách tay của Thiên Đàng”.

“Thật khó khăn, nó giống như đùa với lửa! Rất nhiều người muốn làm thanh thản lương tâm bằng cách bố thí và trao ra cho những gì thừa thãi. Đây không phải là một quản trị viên: công việc của người quản trị là trao ra cả những cái cần thiết cho chính bản thân mình chứ không chỉ là những thứ dư thừa cho những người khác, cho đi tất cả. Quản trị của cải có nghĩa là liên tục tước bỏ tư lợi của mình và không tin rằng những của cải thế gian này sẽ cứu độ chúng ta. Tích lũy sự giàu có là tốt nhưng chỉ nên tích lũy những thứ có giá trị trong 'túi xách tay của Thiên Đàng’. Đó là nơi mà chúng ta nên lưu trữ!

Nguồn tin: vietcatholic

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Liên hệ

Tinvuiviet.net kính chào Quý vị và các bạn. Chúng tôi luôn mong nhận được bài vở cộng tác của mọi người. Xin cám ơn.   Liên hệ: Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: bbttinvui@gmail.com. Chân thành cảm ơn Quý vị và các bạn đã ghé thăm site. Kính chúc Quý vị và các...

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Chúng ta nên làm gì để nhiều người biết Thiên Chúa hơn ?

Cầu nguyện.

Đi lễ.

Sống bác ái.

Loan báo Tin Mừng.

Chu toàn nhiệm vụ hằng ngày.