www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
06:35 CDT Thứ ba, 19/03/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 129

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 128


Hôm nayHôm nay : 9357

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 626889

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 18848084

Trang nhất » Tin Tức » Thắc mắc

Vấn đề linh mục đồng tế trong lễ tang và lễ cưới

Thứ ba - 07/02/2017 22:03
Thánh lễ

Thánh lễ

Đồng tế có nghĩa là một vài hay nhiều linh mục cùng đâng lễ chung với giám mục hay với một linh mục khác làm chủ tế (celebrant). Việc này rất thông thường và hợp pháp trong Giáo Hội khắp mọi nơi, vì không có khoản giáo lý hay giáo luật nào ngăn cấm hay hạn chế việc đồng tế. Ngược lại, giáo luật nói rõ là “chỉ những tư tế (giám mục, linh mục) được truyền chức hữu hiệu mới được phép dâng thánh lễ, tức cử hành bí tích Thánh Thể” mà thôi, và “các tư tế có thể đồng tế Thánh lễ” (x. giáo luật số 900 & 902).

  Xin cha giải thích trường hợp có thật sau đây:
Trong một tang lễ cử hành bên Việt Nam gần đây, linh mục chủ tế (chánh xứ) không cho một vài linh mục trong tang gia đồng tế , khiến các vị này phải đứng ở cuối nhà thờ. Quan tài cũng không được phép mang vào trong nhà thờ. Sau lễ, linh mục chánh xứ (chủ tế) giao cho một giáo dân tiễn đưa linh cữu ra nghĩa trang và cử hành nghi thức hạ huyệt. Tang gia rất bất mãn về việc này.
Nhưng cũng ở nhà thờ này, tuần sau có một bà già giầu có qua đời, quan tài được mang vào trong nhà thờ và có tới 32 linh mục đồng tế.  !
Như vậy, luật lệ ra sao ? (một giáo dân từ Mỹ về dự lễ tang tại VN).

  Trả lời: Tôi thật ngạc nhiên khi đọc câu hỏi trên. Nhưng trước hết, xin được nói về vấn đề đồng tế và nghi thức an táng của Giáo Hội. 
 
I- Vấn đề đồng  tế (Concelebration).

Đồng tế có nghĩa là một vài hay nhiều linh mục cùng đâng lễ chung với  giám mục hay với một linh mục khác làm chủ tế (celebrant). Việc này rất thông thường và hợp pháp trong Giáo Hội khắp mọi nơi, vì không có khoản giáo lý hay giáo luật nào ngăn cấm hay hạn chế việc đồng tế. Ngược lại,  giáo luật nói rõ là “chỉ những tư tế (giám mục, linh mục) được truyền chức hữu hiệu mới được phép dâng thánh lễ, tức cử hành bí tích Thánh Thể” mà thôi, và “các tư tế có thể đồng tế Thánh lễ” (x. giáo luật số 900 & 902).

Trong thực hành, việc đồng tế này thường xảy ra khi có số đông linh mục gặp nhau trong các dịp tĩnh tâm, hay hội họp, hội thảo. Hay trong những dịp trong đại như tham dự lễ truyền chức của tân Giám mục hay linh mục, hoặc trong ngày lể Dầu (Chrism Mass) thứ năm Tuần Thánh. Trong những dịp này, các linh mục trong giáo phận thường qui tụ quanh giám mục để đồng tế, cầu nguyện cho các tân chức hay để lập lại lời cam kết phục vụ của mình (Renewal of priestly service). Ngoài ra, khi có một linh mục qua đời thì các linh mục trong giáo phận cũng đồng tế cầu nguyện trong lễ an táng và làm riêng 3 lễ nữa để cầu cho người quá cố vì tình anh  em trong linh  mục đoàn. Sau hết, khi song thân của một linh mục qua đời thì các linh mục quen biết cũng được khuyên đến đồng tế để tỏ tình thân liên đới giữa anh em linh mục. Đây là truyền thống ở khắp nơi trong Giáo Hội liên quan đến việc đồng tế của các linh mục.

Riêng về lễ tang và lễ cưới thì tùy nơi, tùy giám mục địa phương quyết định có cho đồng tế hay không, (ở Mỹ, không có ai cấm hay giới hạn việc này). Nếu có sự hạn chế hay cấm ở đâu thì chắc là vì muốn tránh những ganh đua có tính thế tục trong những hoàn cảnh này chứ không phải vì có giáo lý hay giáo luật nào đòi buộc.. Nói rõ hơn, không có giáo luật hay luật phụng vụ nào cấm linh mục đồng tế trong lễ tang của giáo dân hay lễ cưới cả. Nếu có nơi nào cấm,  chắc vì muốn tránh những lạm dụng, như  gia đình  này quen biết nhiều linh mục nên có đông cha đồng tế làm cho tang gia hay chủ hôn  được hãnh diện với cộng đoàn giáo xứ địa phương. Ngược lại, gia đình khác, vì  không quen biết nhiều linh mục nên có ít hay không có cha nào đồng tế,  khiến họ cảm thấy buồn tủi , thua thiệt. Đây chắc là lý do chính khiến có sự giới hạn hay ngăn cấm đồng tế trong các dip lễ cưới, lễ tang như nghe nói  bên ViệtNam.

Tuy nhiên, nếu đã vì lý do này mà ngăn cấm thì phải áp dụng đồng đều cho mọi người, và mọi trường hợp, không phân biệt giầu nghèo, sang hèn, quen thân hay xa lạ.. Cụ thể, không thể thiên vị cho người sang giầu, thân quen được có giám mục chủ tế và nhiều cha đồng tế, nhưng lại  bất công, vô cảm, áp dụng cứng nhắc luật cấm đồng tế đối với người nghèo cô thân cô thế hay không quen thân cha xứ, mặc dù trong gia đình họ có con cháu là linh mục muốn đồng tế trong lễ tang của thân nhân!. Như vậy, rõ ràng đây là sự bất công tồi tệ và gương xấu về phân biệt đối xử trong Giáo Hội địa phương. Nhưng cần nhấn mạnh là Nước Thiên Chúa và phần rỗi linh hồn của con người không hề dính dáng gì đến tiền bạc, danh dự trần thế, và cảm tình cá nhân
Xin  nhớ kỹ điều này để đừng ai lầm tưởng rằng hễ thân quen, được có giám mục và nhiều linh mục đồng tế, có nhiều người danh vọng đưạ đám, và dâng nhiều tiền cho cha xứ  và cho các cha đồng tế, thì linh hồn sẽ mau được lên Thiên Đàng. Lên hay không trước hết phải nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô, cộng với thiện chí của người quá cố khi còn sống đã quyết tâm đi tìm Chúa và sống theo đường lối của Ngài hay không. Nếu đã khước từ Thiên Chúa trong suốt cuộc sống này, thì sau khi chết, dù có được Đức Thánh Cha dâng lễ, và có hàng trăm hồng y,  giám mục, linh mục đồng tế thì cũng vô ích mà thôi. Ngược lại, nếu đã sống tốt lành ở đời này, thì dẫu không có linh mục nào đồng tế (hay không được đồng tế vì thiên vị bất công)  và cho dù xác có bị phân biệt đối xử để nằm ở ngoài cửa nhà thờ,  thì cũng không hề thiệt thòi gì trước mặt Chúa khi Người công minh và nhân từ xét xử. Chắc chắn như vậy.

Vần đề có nhiều hay ít linh mục dâng lễ và  đồng tế chỉ là vinh dự trước mặt người đời mà thôi chứ không ảnh hưởng gì đến sự thưởng phạt đời đời cho ai, vì Thiên Chúa rất nhân từ và công bằng đối với mọi người.  Nói thế không có nghĩa là không cần xin lễ và cầu nguyện cho kẻ chết. Ngược lại, rất cần thiết nhưng phải hiểu và tin chắc điều này:  sự cầu nguyện và mọi việc lành khác chỉ có ích cho những linh hồn đã ra đi trong ơn nghĩa Chúa nhưng đang còn phải “tạm trú” ở nơi gọi là luyện tội (Purgatory) để được thanh luyện một thời gian trước khi được hưởng Thánh Nhan Chúa trên Thiên Đàng.( x. SGLGHCG, số 1030-32). Nhưng vì không ai biết được số phận đời đời của một người vừa lìa trần, nên ta cứ phải cầu nguyện, xin dâng thánh lễ và làm việc lành để cầu cho kẻ chết.

Việc ban phát và áp dụng những việc lành  này cho ai là quyền của Chúa, chiếu theo lượng từ bi và công minh tuyệt đối của Ngài. 
 
II- Nghi thức an tang kẻ chết:

Theo  Sách  các Nghi Thức Tang lễ ( Ordo Exsequiarum) được Đức Thánh Cha Phaolô VI ký và Thánh Bộ Phụng Tự  công bố cho thi hành  trong toàn Giáo Hội, từ ngày 01 tháng 6 năm 1970, thì chỉ có những qui định sau đây :

-  Nghi thức canh thức cầu nguyện ở nhà quàn (Vigil  for the deceased at Funeral Home)
-  Nghi thức đón linh cữu ở cuối nhà thờ (làm phép với  nước thánh trên áo quan và phủ khăn trắng lên sau đó)  sau đó linh cữu đươc đưa vào trong nhà thờ để cử hành lễ tang. Không có chỗ nào nói phải để quan tài ở ngoài nhà thờ.
-  Lễ tang
-  Nghi thức tiễn đưa cuối lễ trong nhà thờ.
-  Nghi thức hạ huyệt ở ngoài nghĩa trang.

Chủ sự các nghi thức này là thừa tác viên (Minister) tức là linh mục (nếu có thánh lễ) hoặc phó tế nếu chỉ có nghi thức đón và tiễn đưa. Như vậy, không có chỗ nào nói đến thừa tác viên giáo dân (lay minister) được chủ sự nghi thức nào cả.

Tuy nhiên, trừ thánh lễ an táng, các nghi thức còn lại không phải là bí tích, nên trong trường hợp thiếu linh mục hay phó tế, thì chắc một giáo dân có thể được ủy quyền để chủ sự như nghe nói đang áp dụng ở nhiều nơi bên ViêtNam. Có lẽ vì thế  mà người ta đã  nghe truyền tai nhau cụm từ “ Lễ nghi của ông trùm” ở một vài nơi bên nhà ?

Nhưng điều quan trọng phải nói ở đây là nếu vì lý do gì (vệ sinh ???) mà quan tài không được mang vào trong nhà thờ, cũng như không có linh mục tiễn đưa ra nghiã trang, khiến một giáo dân phải thay thế,  thì luật  này cũng phải được áp dụng đồng đều cho mọi người, mọi trường hợp mới có công bằng. Nghĩa là không thể bên trọng bên khinh, cho người này được mang xác vào nhà thờ còn người  kia phải nằm ở ngoài cửa, gây tủi buồn, bất mãn cho tang gia. Lại  nữa, dù có luật địa phương (không phải giáo luật)  không cho linh mục đồng tế trong tang lễ, nhưng từ chối không cho cả linh mục thân nhân của người chết được đồng tế thì thực là quá khắt khe, thiếu bác ái  và tương kính trong hàng linh mục. Việc đồng tế, trong trường hợp này, không phải là chuyện phô trương, thiện vị, khiến gây buồn bực hay bì tị cho các gia đình không được mời linh mục đồng tế. Đây là việc chính đáng phải thông cảm cho phép vì tình cảm gia đình trong mọi nền văn hóa, nhất là truyền thống văn hóa của người Việt.

Tóm lại,, nếu  chỉ áp dụng luật (tự biên tự diễn) cho những người cô thân cô thế, hay không quen thân hoặc “ biết điều” với cha xứ, nhưng lại ngang nhiên dễ dãi cho những người giầu có, quyền chức, danh vọng hay thân quen, thì Giáo Hội không còn là nơi dành cho hết mọi người không phân biệt mầu da, tiếng nói, và giai cấp xã hội muốn đến phụng thờ Thiên Chúa nữa. Ngược lại, đã trở thành nơi buôn thần bán thánh, dành cho những người có tiền có danh đến nhởn nhơ khi sống và phô trương sau khi chết !

Như vậy, làm sao Giáo Hội  chứng  nhân được cho Chúa Kitô khó nghèo, công minh và đầy nhân ái với hết mọi người, trong mọi hoàn cảnh ?  Xã hội đã đầy rẫy bất công, tha hóa và không có tình người,  vậy nếu người tông đồ của Chúa cũng hành xử không hơn gì những kẻ vô đạo, chỉ  ham mê tiền bạc danh lợi phù phiếm, thì thuyết phục được ai tin những lời rao giảng của mình nữa?

Tác giả bài viết: Lm. Px. Ngô Tôn Huấn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Liên hệ

Tinvuiviet.net kính chào Quý vị và các bạn. Chúng tôi luôn mong nhận được bài vở cộng tác của mọi người. Xin cám ơn.   Liên hệ: Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: bbttinvui@gmail.com. Chân thành cảm ơn Quý vị và các bạn đã ghé thăm site. Kính chúc Quý vị và các...

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Chúng ta nên làm gì để nhiều người biết Thiên Chúa hơn ?

Cầu nguyện.

Đi lễ.

Sống bác ái.

Loan báo Tin Mừng.

Chu toàn nhiệm vụ hằng ngày.