www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
06:56 CDT Thứ sáu, 29/03/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 99

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 96


Hôm nayHôm nay : 8742

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 857217

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 19078412

Trang nhất » Tin Tức » Tin Tức » Tôn Giáo

Đại nghịch bất đạo trầm trọng tại Ấn Độ - linh mục đánh Giám Mục của mình

Thứ bảy - 20/03/2021 11:23
Tin thế giới

Tin thế giới

Đức Cha Pius Thomas D'Souza của giáo phận Ajmer đã thuật lại việc ngài bị tấn công bởi Cha Varghese Palappallil, là người hiện đang chờ Tòa Thánh giải quyết vụ tố cáo lạm dụng tính dục.

1. Đại nghịch bất đạo trầm trọng tại Ấn Độ - linh mục đánh Giám Mục của mình

Một linh mục Công Giáo của giáo phận Ajmer, hiện đang phải đối mặt với cáo buộc lạm dụng tình dục, đã tấn công giám mục của mình, cha tổng đại diện đã cho biết như trên.


Trong thông báo đề ngày 9 tháng 3, Cha Cosmos Shekhawat, linh mục tổng đại diện của giáo phận Ajmer cho rằng cuộc tấn công “rất đáng tiếc” đã diễn ra ngay tại Tòa Giám mục hai ngày trước đó.

Đức Cha Pius Thomas D'Souza của giáo phận Ajmer đã thuật lại việc ngài bị tấn công bởi Cha Varghese Palappallil, là người hiện đang chờ Tòa Thánh giải quyết vụ tố cáo lạm dụng tính dục.

Thông báo bày tỏ tình đoàn kết của giáo phận với Đức Cha và bảo đảm với ngài lời cầu nguyện của các tín hữu.

Đức Cha D'Souza, Giám Mục thứ sáu của giáo phận Ajmer từ ngày 19 tháng Giêng năm 2013 đến nay, cho biết ngài đã bị tấn công khi đang ăn trưa vào ngày 7 tháng 3. Khi ngài chuẩn bị đứng dậy sau bữa ăn lúc 1 giờ chiều, Cha Palappallil đã đến phòng ăn.

“Vì anh ấy là linh mục của giáo phận nên tôi đã ngồi xuống đợi và anh ấy đến ngồi gần tôi”, vị giám mục giải thích: “Không để mất thời gian, vị linh mục bắt đầu tranh luận về trường hợp bị cáo buộc lạm dụng tính dục từ một phụ nữ đã có gia đình. “Tôi đã giải thích với cha ấy rằng tôi không liên quan gì đến vụ việc này vì nó đang chờ giải quyết ở Rôma, theo các thủ tục của Giáo luật và tôi không chống lại cha ấy.”

Cha Palappallil sau đó bật dậy và bắt đầu tấn công vị giám mục.

“Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì thì anh ta đã giáng cho tôi một cú thật mạnh vào mặt gần mắt. Kính của tôi rơi xuống đất. Trước khi tôi có thể nắm bắt được tình hình, cha ấy đã giáng cho tôi một cú nữa vào cổ”, Đức Cha D'Souza nghẹn ngào nói.

Trong lúc đó, một linh mục khác là Cha Henry Moras đến ăn trưa và vội vàng chạy đến giải cứu cho vị giám mục.

“Đau quá không thể đứng được, tôi tiếp tục ngồi trên ghế của mình,” vị giám mục nói và cho biết thêm rằng kẻ tấn công ngài liên tục yêu cầu ngài phải bổ nhiệm đến một giáo xứ khác với hiệu lực ngay lập tức.

“Tôi đã nói với Cha Varghese rằng hãy đợi cho đến khi vụ kiện cáo buộc tình dục kết thúc, một lần nữa, cha ấy lại giáng một đòn vào ngực và nâng bổng chiếc ghế của tôi lên”.

Cha Moras phải nhào vào ôm vị giám mục trước khi ngài bị quật xuống đất.

“Anh ta tấn công tôi như thể anh ta đã lên kế hoạch trước”, Đức Cha D'Souza than thở và lấy làm buồn là vụ tấn công diễn ra ngay giữa Mùa Chay.


Source:Matters India

2. Đức Tổng Giám Mục Naumann nói: Đạo Công Giáo mâu thuẫn của Biden gây hiểu lầm và hoang mang

Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann của tổng giáo phận Kansas City ở tiểu bang Kansas cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Atlantic rằng có một vấn đề nghiêm trọng là Ông Joe Biden trong khi xưng mình là người Công Giáo lại công khai ủng hộ các hành động mâu thuẫn với các giáo huấn của Giáo Hội như vấn đề phá thai.

“Tôi muốn bảo vệ người dân của mình khỏi bị lừa. Đức Tổng Giám Mục Naumann nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Atlantic xuất bản vào ngày 14 tháng 3. Những hành động của ông ta, ngay bây giờ, thực sự gây hiểu lầm”, Đức Cha Naumann nói “Chúng thực sự tạo ra sự nhầm lẫn cho mọi người về những gì Giáo hội tin và dạy”.

“Rõ ràng, tổng thống không tin những gì chúng tôi tin về sự thánh thiêng của cuộc sống con người, nếu không ông ấy đã không thực hiện những hành động như hiện nay. Chưa hết, ông ta vẫn tiếp tục lãnh nhận Bí tích Thánh Thể”, vị tổng giám mục nói.

“Chúng tôi không thể đánh giá tâm hồn ông ta. Nhưng chúng tôi coi hành động này là một tội ác nghiêm trọng về mặt đạo đức”.

Ngài so sánh việc rước Thánh Thể với một tuyên xưng đức tin “về tất cả những gì Giáo Hội Công Giáo thánh thiện tin tưởng, giảng dạy và công bố, là những gì đã được Thiên Chúa mạc khải”.

Điều này làm cho hành vi của Biden trở thành một “điểm gây lầm lạc”.

Đối với Đức Tổng Giám Mục Naumann, hành động này của ông Joe Biden là một thách thức đối với chứng tá của Giáo hội.

“Từ trước đến nay, chúng tôi chưa từng thực sự phải đối mặt với một loại thách đố trong đó chúng tôi có một vị tổng thống là người Công Giáo dấn thân, nhưng lại là người đóng vai trò mâu thuẫn với hầu hết các giáo huấn nền tảng về luân lý của chúng tôi,” Đức Tổng Giám Mục nói và than thở rằng Biden có những hành động trái ngược với niềm tin và suy nghĩ của người Công Giáo, và khi bị chất vấn, Biden hoặc thư ký báo chí của ông ta lại một lần nữa mô tả ông ta là “một người Công Giáo sùng đạo”.

“Cho dù ông ta có ý định hay không, ông ấy về cơ bản nói với mọi người, ‘Bạn có thể vừa là một người Công Giáo tốt vừa có thể làm những điều tương tự’”, Đức Cha Naumann nói.

Biden đã từng ủng hộ một số giới hạn về tài trợ phá thai nhưng chính quyền của ông đã mạnh mẽ chống lại các hạn chế phá thai và Tu chính án Hyde, là chính sách giúp hạn chế hầu hết các khoản tài trợ liên bang cho việc phá thai.

Đức Tổng Giám Mục Naumann nhận định rằng có “một sự nghiêm trọng đạo đức tương tự” giữa việc thực hiện phá thai hoặc hỗ trợ ai đó phá thai và một số chính sách ủng hộ phá thai của Biden, như chấm dứt Tu chính án Hyde.

“Chúng rõ ràng không phải là những thứ giống hệt nhau. Nhưng ông ấy chính thức hợp tác trong việc phá thai bằng hành động của mình. Ông ta làm cho việc phá thai trở nên dễ dàng, quảng bá nó, thậm chí giúp trả tiền cho nó. Ông ta còn muốn buộc mọi người khác cũng phải làm điều này, ngay cả khi nó vi phạm lương tâm của họ”.

Đức Tổng Giám Mục Naumann nhắc lại tuyên bố vào tháng 11 năm 2019 của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ gọi phá thai là “vấn đề tối nghiêm trọng của thời đại chúng ta”.

“Nó tấn công đời sống con người vô tội trong tình trạng dễ bị tổn thương nhất. Nó xảy ra trong bối cảnh gia đình và tấn công mối quan hệ quý giá nhất của con người: đó là quan hệ giữa một người mẹ và một hài nhi. Và trước số lượng tăng chóng mặt các ca phá thai - người ta không thấy có vấn đề trước số lượng sinh mạng bị hủy hoại”.

Tờ Atlantic hỏi Đức Tổng Giám Mục Naumann rằng liệu ngài có tin rằng các giám mục Công Giáo nên cảnh cáo một cách rộng rãi hơn các viên chức ủng hộ phá thai không được rước lễ và nên cấm các linh mục cho họ rước lễ.

“Tôi tin rằng chúng tôi có nghĩa vụ trong tư cách là các mục tử phải cố gắng làm việc vì thiện ích thiêng liêng của họ. Nếu một thành viên trong cuộc sống công cộng đang làm những điều trái với đạo đức, thì tôi hoặc mục tử của họ cần giúp họ nhận thức được mức độ nghiêm trọng của việc họ đang làm”.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 13 tháng 2 với Catholic World Report, Đức Tổng Giám Mục Naumann nhấn mạnh trách nhiệm của các giám mục trong việc sửa sai Biden khi cần thiết.

“Mặc dù mọi người đã trao cho vị tổng thống này quyền lực và thẩm quyền, nhưng ông ấy không thể định nghĩa thế nào là một người Công Giáo và thế nào là giáo huấn đạo đức Công Giáo”, ngài nói, đồng thời cảnh báo rằng Biden đang “chiếm đoạt vai trò của các giám mục và khiến mọi người bối rối”.

“Tổng thống nên ngừng tự nhận mình là một người Công Giáo sùng đạo, và thừa nhận rằng quan điểm của ông ấy về việc phá thai là trái với giáo huấn đạo đức Công Giáo”, Đức Cha Naumann nói với Catholic World Report. “Sẽ là một cách tiếp cận trung thực hơn từ ông ta khi nói rằng ông ta không đồng ý với Giáo hội của mình về vấn đề quan trọng này và rằng ông ta đã hành động trái với giáo huấn của Giáo hội”.
Source:Catholic News Agency

3. Tuyên bố của Đức Hồng Y Charles Bo về tình trạng của Miến Điện sau khi hàng trăm người đã bị giết

Hôm Chúa Nhật 14 tháng 3 là ngày cầu nguyện cho Miến Điện, một ngày sau đó, Đức Hồng Y Charles Bo, là Tổng Giám Mục Yangon và cũng là chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã có bài phát biểu sau.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Anh chị em thân mến:

Trước tiên, tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến anh chị em vì những lời cầu nguyện của anh chị em cho Miến Điện vào lúc này. Hôm qua chính thức là Ngày Cầu nguyện Toàn cầu hàng năm cho Miến Điện, và hôm nay những người bạn của tôi trong CSW đã tổ chức sự kiện này để gắn kết mọi người lại với nhau, để suy ngẫm và cầu nguyện cho người dân Miến Điện. Tôi không thể ở bên anh chị em 'trực tiếp' do chênh lệch múi giờ, nhưng tôi rất biết ơn vì anh chị em đã cho tôi cơ hội để gửi thông điệp này.

Miến Điện ngày nay đang ở trong một chương khác của bóng tối, đổ máu và đàn áp. Sau một thập kỷ cải cách và mở cửa, trong đó - mặc dù có nhiều thách thức và những đám mây bão tố trên đường - chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã nhìn thấy mặt trời bắt đầu mọc trên vùng đất xinh đẹp của chúng tôi và viễn cảnh - dù mong manh hay dễ chao đảo – đã xuất hiện trong một bình minh mới dân chủ, tự do, hòa bình và công lý. Tuy nhiên, ngày nay chúng tôi đã bị đẩy lùi lại hơn một thập kỷ, quay trở lại cơn ác mộng của cảnh quân đội đàn áp, tàn bạo, bạo lực và độc tài.

Kể từ sau cuộc đảo chính vào ngày 1 tháng 2, chúng ta đã chứng kiến lòng dũng cảm, sự dấn thân và sự sáng tạo đáng kinh ngạc của nhân dân chúng ta, thể hiện trên khắp đất nước trong các cuộc biểu tình hàng nghìn người hết ngày này sang ngày khác của họ. Họ đã thể hiện quyết tâm không cho phép nền dân chủ và tự do vốn khó khăn lắm mới giành được, và hy vọng hòa bình của họ bị đánh cắp. Đó là một cảnh ngoạn mục và một nguồn cảm hứng tuyệt vời. Ý thức thống nhất và đoàn kết trong sự đa dạng - với những người thuộc các sắc tộc và các tôn giáo khác nhau đến với nhau vì cùng một mục đích - là điều đáng chú ý.

Nhưng điều đó đã phải đối mặt với những viên đạn, những trận đòn, đổ máu và đau buồn. Rất nhiều người đã bị giết hoặc bị thương trên đường phố của chúng tôi, và hàng ngàn người đã bị bắt và mất tích.

Và ở các tiểu bang sắc tộc của chúng tôi, bao gồm cả những nơi mà các thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết cách đây vài năm, quân đội lại một lần nữa tấn công dân thường, khiến hàng nghìn người phải di dời và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo vốn đã tồn tại nhưng giờ đây còn nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, trong những thời kỳ đen tối, và tăm tối này, chúng ta nghe thấy tiếng Chúa kêu gọi Giáo hội tiếp tục là nhân chứng, là công cụ cho công lý, hòa bình và hòa giải, là tay chân của Ngài trong việc trợ giúp người nghèo và những người đang phải sợ hãi, để chống lại hận thù bằng tình yêu.

Chúng ta nghe thấy giọng nói đó trong sách Tiên Tri Isaia 65: 17-21, bài đọc đầu tiên trong phụng vụ Thánh lễ của Giáo Hội Công Giáo trên khắp thế giới ngày hôm nay. “Ðây Thiên Chúa phán: ‘Này Ta tác tạo trời mới, đất mới; người ta sẽ không còn nhớ lại dĩ vãng, và cũng sẽ không bận tâm đến dĩ vãng nữa. Nhưng các ngươi hãy hân hoan và nhảy mừng cho đến muôn đời trong các việc Ta tác tạo, vì đây Ta tác tạo một Giêrusalem hân hoan và một dân tộc vui mừng. Ta sẽ hân hoan ở Giêrusalem, sẽ vui mừng nơi dân Ta, và từ đây người ta sẽ không còn nghe tiếng khóc lóc và than van nữa. Ở đó sẽ không còn trẻ nhỏ chết yểu... Họ sẽ xây cất nhà cửa và cư ngụ ở đó, sẽ trồng nho và ăn trái nho’”.

Hay những lời đầu tiên của Thánh Vịnh 29 mà chúng ta đọc hôm nay: “Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con”.

Hay bài Tin Mừng hôm nay - theo Thánh Gioan - kể câu chuyện về một quan chức trong triều mà Chúa Giêsu đã gặp ở Cana, Galilê, có con trai bị bệnh và xin Chúa Giêsu chữa cho. Chúa Giêsu nói: “Hãy về nhà, con trai của ông sẽ sống”.

Trong ba đoạn này, chúng ta nghe thấy thông điệp hy vọng là trọng tâm của đức tin của chúng ta - và chúng tôi, Giáo hội ở Miến Điện, giữ vững thông điệp đó. Chúng tôi sẽ cầu nguyện và làm việc cho một Miến Điện mới được sinh ra từ thảm kịch hiện tại này, một Miến Điện nơi thực sự mọi con người đều có phần như nhau ở đất nước này và quyền bình đẳng đối với các quyền tự do cơ bản, một Miến Điện nơi tôn vinh sự đa dạng về sắc tộc và tôn giáo và nơi chúng ta tận hưởng hòa bình thực sự, một Miến Điện nơi những người lính bỏ súng xuống, lùi lại sau quyền lực và làm những gì mà một đội quân đúng nghĩa phải làm là bảo vệ chứ không phải là tấn công người dân. Một Miến Điện mà Thiên Chúa nói - như Chúa Giêsu đã nói với người cha có đứa con sắp chết trong Phúc âm - “Con ông sẽ sống. Cháu sẽ được sống”. Một Miến Điện vươn lên trở lại từ đống tro tàn.

Làm sao chúng ta đạt được điều đó? Thưa: Bằng đức tin, lời cầu nguyện, tình yêu, đối thoại và lòng can đảm. Bằng cách nói lên sự thật, công lý, tự do, hòa bình và dân chủ.

Và vì vậy chúng tôi cần lời cầu nguyện của anh chị em hơn bao giờ hết.

Xin hãy cầu nguyện cho viễn kiến này của Miến Điện.

Xin hãy cầu nguyện cho những người hiện đang gặp nguy hiểm, đang ẩn náu, di dời, bị cầm tù, bị thương hoặc đau buồn.

Xin hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo của phong trào dân chủ của chúng tôi - cho Aung San Suu Kyi và các đồng nghiệp của bà - và cho các nhà lãnh đạo của các quốc gia dân tộc và tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo.

Và xin hãy cầu nguyện cho Tướng Min Aung Hlaing và quân đội, như Chúa đã hoán cải tâm hồn Saolô trên con đường tới Damascus, Ngài sẽ thay đổi trái tim của họ, khiến họ lùi lại và ngăn họ đưa Miến Điện đi sâu hơn vào con đường xung đột, đàn áp và phá hủy.

Xin hãy cầu nguyện - ngay cả bây giờ, sau tất cả những gì chúng ta đã trải qua trong sáu tuần qua - cho kết quả của cuộc bầu cử, trong đó ý chí của người dân được thể hiện rất rõ ràng, được tôn trọng và để Miến Điện tiến tới một con đường dân chủ thực sự, được tháp tùng bởi đối thoại, hòa giải, công lý và hòa bình.

Xin hãy cầu nguyện trong khi Miến Điện, trong Mùa Chay này, một lần nữa phải bước vào cuộc hành trình lên đồi Canvê và Golgotha trong thực tạo, một cuộc hành trình mà chúng tôi đã thực hiện trong suốt bảy thập kỷ qua, để chúng tôi trong tư cách là một quốc gia vẫn có thể sớm nhìn thấy sự hồi sinh của mình, là Lễ Phục sinh của chúng tôi.

Xin Chúa phù hộ cho anh chị em.
Source:Archdiocese of Yangon
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Tin Vui Việt

Trang thông tin điện tử để tìm hiểu về Đạo Công Giáo.Mong rằng qua trang Tin Vui Việt này sẽ giúp Quý Vị hiểu hơn về đời sống đạo.Nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn tác động để mỗi người nhận ra Thiên Chúa là Chân, Thiện, Mỹ.bbttinvui

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Chúng ta nên làm gì để nhiều người biết Thiên Chúa hơn ?

Cầu nguyện.

Đi lễ.

Sống bác ái.

Loan báo Tin Mừng.

Chu toàn nhiệm vụ hằng ngày.