www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
01:43 CDT Thứ sáu, 29/03/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 98

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 96


Hôm nayHôm nay : 1667

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 850142

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 19071337

Trang nhất » Tin Tức » Tin Tức » Tôn Giáo

Diễn biến vụ tấn công bôi lọ Đức Giáo Hoàng bằng fake news, kẻ nào là thủ phạm?

Thứ tư - 13/01/2021 19:32
Tin thế giới

Tin thế giới

Đức Thánh Cha cũng dành một phần trong thông điệp gần đây nhất của mình, “Fratelli tutti,” để đề cập đến các phương tiện truyền thông xuyên tạc. Ngài lưu ý rằng Internet được đánh dấu bằng “các mạch đóng kín”, và “tính chất ẩn danh”, “tạo điều kiện cho việc lan truyền tin tức giả và thông tin sai lệch”.

1. Chỉ dẫn cho ngày Thứ Tư Lễ Tro trong bối cảnh đại dịch coronavirus của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích

Thứ Tư Lễ Tro năm nay sẽ rơi vào ngày 17 tháng Hai. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã công bố một chỉ dẫn vào ngày 12 tháng Giêng, hướng dẫn các linh mục đọc công thức xức tro một lần cho tất cả mọi người có mặt, thay vì cho từng người.


Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích Công văn số 17/21

Chỉ dẫn cho ngày Thứ Tư Lễ Tro trong bối cảnh đại dịch coronavirus của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích

Việc xức tro trong thời gian xảy ra đại dịch

Vị Linh mục đọc lời nguyện làm phép tro. Ngài rảy nước thánh lên tro, không nói gì cả. Sau đó, ngài nói với tất cả những người hiện diện chỉ một lần duy nhất công thức như được ghi trong Sách Lễ Rôma, áp dụng công thức ấy cho tất cả mọi người nói chung:

“Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”, hoặc “Ta là thân cát bụi, sẽ trở về với cát bụi”.

Sau đó, vị Linh mục rửa tay, đeo khăn che mặt và xức tro cho những ai đến với mình, hoặc nếu thích hợp, ngài sẽ đến với những người đang đứng tại chỗ. Vị Linh mục lấy tro và rắc lên đầu mỗi người mà không nói gì cả.

Từ Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, ngày 12 tháng Giêng năm 2021.

Đức Hồng Y Robert Sarah

Tổng trưởng

Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche

Tổng Thư Ký

 


Source:Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích

2. Đan Mạch bài trừ Hồi Giáo cực đoan nhưng Công Giáo lãnh đủ trước hết

Một phát ngôn viên của Giáo Hội Công Giáo Đan Mạch cho biết dự thảo luật yêu cầu tất cả các bài giảng phải được dịch sang tiếng Đan Mạch sẽ gây ác cảm và làm tổn hại đến tự do tôn giáo. Luật này được nữ thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen ủng hộ và tích cực vận động như một cách thế để bài trừ các trào lưu khủng bố.

“Luật này chủ yếu nhắm vào người Hồi giáo - những người ủng hộ dự luật nói rằng họ muốn ngăn chặn các xã hội song song và những thứ được rao giảng mà không ai khác hiểu được những điều đó, và có thể được sử dụng để cực đoan hóa và kêu gọi khủng bố,” Sơ Anna Mirijam Kaschner, tổng thư ký và nữ phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Bắc Âu, nói.

Tất cả các cộng đoàn giáo hội hay phi giáo hội, các cộng đoàn Do Thái, mọi thứ chúng ta có ở Đan Mạch - 40 cộng đồng tôn giáo khác nhau - sẽ bị nghi ngờ chung bởi luật này. Có điều gì đó đang xảy ra ở đây và đang phá hoại nền dân chủ,” sơ nói với đài phát thanh Dom có trụ sở tại Köln.

Luật này dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận vào tháng Hai tại quốc hội Đan Mạch.

Sơ Kaschner cho biết luật sẽ yêu cầu các cộng đồng tôn giáo, bao gồm cả Giáo Hội Công Giáo, phải dịch và công bố mọi bài giảng bằng tiếng Đan Mạch. Nói thí dụ, một linh mục Việt Nam giảng cho các giáo dân Việt thì cố nhiên ngài nói bằng tiếng Việt, nhưng nói xong, ngài phải dịch ra tiếng Đan Mạch và công bố bản dịch ấy.

Điều đó đặt ra “những thách thức lớn về tài chính và nhân lực”, Sơ Kaschner cảnh báo và nói thêm rằng những người soạn thảo luật này dường như không biết rằng các bài giảng hình thành “chỉ một phần rất nhỏ” trong các hoạt động tôn giáo.

Sơ Kaschner nói: “Nếu bạn thực sự muốn giải quyết các vấn đề về ngôn từ và thái độ thù địch đối với nhà nước dân chủ, thì tốt hơn hết là bạn nên thể hiện sự đánh giá cao đối với các cộng đồng tín ngưỡng đã cam kết hòa nhập.

Sơ nói: “Luật này chỉ là luật mới nhất trong một loạt các biện pháp kiểm soát lâu dài của nhà nước. “Nó sẽ không có hậu quả gì đối với các cộng đồng tôn giáo Hồi giáo cực đoan, vì họ thậm chí không được công nhận ở đây, nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến các cộng đồng nhỏ hơn, bao gồm cả Giáo Hội Công Giáo.”

Đất nước này là nơi sinh sống của 270,000 tín đồ Hồi giáo, với hơn 100 đền thờ Hồi giáo, theo số liệu của chính phủ Đan Mạch.


Source:Crux

3. Những chi tiết chung quanh vụ tấn công bôi lọ Đức Giáo Hoàng bằng fake news

Hôm Chúa Nhật, ngày 10 tháng Giêng, internet xôn xao với các báo cáo sai sự thật về một vụ mất điện suốt đêm tại Vatican, kèm theo một loạt các tuyên bố liên quan đến Đức Thánh Cha Phanxicô, cảnh sát Ý và FBI. Các tuyên bố đã được chia sẻ rộng rãi bởi những người theo thuyết âm mưu, và những kẻ thù hận đức tin, gây ra sự hoang mang và lo lắng cho những người Công Giáo trên khắp thế giới.

Chuyện gì đã xảy ra?

Vào ngày 10 tháng Giêng, một trang web có tên Conservative Beaver đã công bố một báo cáo với tiêu đề “VATICAN BLACKOUT: Pope arrested on 80 count indictment for Child Trafficking, Fraud” nghĩa là “VATICAN BỊ MẤT ĐIỆN: Giáo hoàng bị bắt giữ vì 80 cáo trạng về tội Buôn bán trẻ em, Gian lận.” Bài báo đã được chia sẻ rộng rãi trên Twitter và tạo ra một lượng tìm kiếm tăng đột biến trên Google cho cụm từ “VATICAN BLACKOUT”.

Chúng ta biết gì về trang web Conservative Beaver?

Trang web tự mô tả mình là “một trang báo điện tử bảo thủ” đã từng xuất bản “những câu chuyện tin tức được những người Canada tự hào quan tâm” trong hơn 10 năm qua. 10 năm là do nó nói chứ thực tế nó chỉ ghi danh domain name, hay còn gọi là tên miền, vào ngày 19 tháng 9 năm 2020.

Nó nói rằng nó là một doanh nghiệp tự tài trợ, bắt đầu trong một phòng ký túc xá của Đại học Ottawa, trước khi nổi lên như một “tờ báo ngầm” ở Montreal và trực tuyến.

Canada, Ottawa và Montreal cũng là do nó nói. Thực tế, các cơ quan điều tra chỉ ra rằng chủ nhân của trang web này dùng địa chỉ giả tại số 417 Associated Rd, Brea, California 92821, United States trong khu shopping Brea Plaza; và khả năng rất cao là tên này sinh sống tại California, không có bất cứ liên hệ nào với Canada.

Báo cáo đã cáo buộc điều gì?

Trang web tuyên bố rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã bị bắt vào thứ Bảy, ngày 9 tháng Giêng “liên quan đến một bản cáo trạng 80 tội danh bao gồm sở hữu nội dung khiêu dâm trẻ em, buôn người, loạn luân, sở hữu dụng cụ ma túy và các trọng tội liên quan đến gian lận.”

Báo cáo khẳng định rằng vụ bắt giữ được ra lệnh bởi “Văn phòng Công tố Quốc gia Ý” và được thực hiện bởi “các sĩ quan quân đội, cảnh sát Ý và Đơn vị Tội phạm Tình dục của họ,” giữa các báo cáo về các tiếng súng. Nó tuyên bố rằng các đặc vụ đã “cắt điện ở Vatican” và làm mờ camera trực tiếp nhìn ra quảng trường Thánh Phêrô để che đậy hành động của họ.

Nó còn cáo buộc rằng Đức Giáo Hoàng đã bị chuyển đến “một nhà tù không xác định” để bị thẩm vấn bởi “Các đặc vụ liên bang làm việc cho Ý và Interpol,” và sau đó Đức Giáo Hoàng sẽ bị FBI thẩm vấn.

Có bằng chứng nào hỗ trợ các tuyên bố này không?

Không. Toàn bộ do nó dựng đứng lên. Không một hãng thông tấn lâu đời nào đưa tin về sự xáo trộn tại Vatican vào hôm thứ Bảy.

Hơn thế nữa, vào lúc 12 giờ trưa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa, Tòa Thánh truyền trực tiếp biến cố Đức Thánh Cha chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin từ thư viện của Dinh Tông Tòa và ban huấn dụ. Chỉ 30 phút sau đó, chúng tôi đã đăng bản dịch sang tiếng Việt bài huấn dụ của ngài. Sau đó vài tiếng đồng hồ, chúng tôi phát toàn bộ biến cố này trên YouTube.

Thông tín viên Colm Flynn của EWTN Vatican, sống gần Vatican, cho biết: “Tôi không nhận thấy bất kỳ sự cố mất điện nào trong suốt cuối tuần. Tôi đã ở nhà vào hầu hết các buổi tối thứ Bảy và không bị cắt điện “.

Mountain Butorac, một hướng dẫn viên du lịch có trụ sở gần Đền Thờ Thánh Phêrô, báo cáo rằng không có “mất điện lớn” ở Vatican. Anh ta nói rằng anh ta không nghe thấy một cuộc nổ súng nào hoặc các dấu hiệu khác về một cuộc đột kích của cảnh sát.

Về độ mờ của livecam, ông chỉ ra rằng độ nét của camera trên nguồn cấp dữ liệu trực tiếp thay đổi theo điều kiện thời tiết.

“Trong mọi trường hợp, bạn có thể thấy đèn được bật rất nhiều. Bạn có thể nhìn thấy mái vòm, bạn có thể nhìn thấy đèn của hàng cột, bạn có thể nhìn thấy một số đèn của các văn phòng, bạn có thể nhìn thấy đèn Chúa giáng sinh, bạn có thể nhìn thấy ngôi sao cây thông Noel”.

Quý vị và anh chị em có thể thấy quang cảnh tại Vatican vào bất cứ lúc nào bằng cách truy cập vào địa chỉ này: https://www.youtube.com/watch?v=y-rzie9G0Tc

Phản ứng của những kẻ theo thuyết âm mưu

Trang web Conservative Beaver này vừa đăng tin thật vừa đăng tin giả. Đây không phải đầu tiên nó làm chuyện này. Thông tấn xã Reuers chỉ ra rằng vào ngày 28 tháng 11 vừa qua, nó tung tin giả “Former President Barack Obama arrested for ESPIONAGE”, nghĩa là “Cựu tổng thống Barack Obama đã bị bắt về tội làm GIÁN ĐIỆP”.

Người ta thừa biết nó thường xuyên tung tin giả. Tuy nhiên, có những người được hưởng lợi từ những tin giả do nó tung ra. Các Youtuber chẳng hạn. Nhưng hãy cẩn thận, bạn có thể bị truy tố nếu tin giả ấy gây ra các thiệt hại nghiêm trọng.

Trong chuyện vừa qua những kẻ theo thuyết âm mưu đã lợi dụng tin giả này dù họ biết đó là tin giả. Những người dùng Twitter có đầu óc mưu mô đã tìm cách kết nối báo cáo này với cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, cũng như tai nạn mất điện lớn ở Pakistan.

Tính chất cố chấp của Conservative Beaver

Trang web đã đăng một bản cập nhật vào ngày Chúa Nhật nhằm phản hồi cho những độc giả đã chỉ ra rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã đăng một tweet của ngài vào sáng hôm đó. Nó lập luận một cách cố chấp rằng tweet đã được lên lịch trước bởi nhóm truyền thông xã hội của Đức Giáo Hoàng và nhấn mạnh rằng “Giáo hoàng Phanxicô vẫn đang bị giam trong nhà tù Liên bang ở Ý, do đó, ông đã không được nhìn thấy trên video.”

Đức Thánh Cha Phanxicô có xuất hiện lần nào kể từ sau báo cáo này không?

Mười phút sau khi bọn Conservative Beaver nói “Giáo hoàng Phanxicô vẫn đang bị giam trong nhà tù Liên bang ở Ý”, vào lúc 12 giờ trưa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa, Tòa Thánh đã truyền trực tiếp biến cố Đức Thánh Cha chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin từ thư viện của Dinh Tông Tòa và ban huấn dụ

Phản ứng của Vatican đối với báo cáo này

Khi được hỏi về báo cáo này, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh đã trả lời bằng cách chỉ ra lịch trình bận rộn của các cuộc họp vào sáng thứ Hai của Đức Thánh Cha Phanxicô, để cho thấy ngài vẫn khoẻ mạnh và tiếp tục công việc như thường lệ tại Vatican.

Ông cho biết vào sáng Thứ Hai 11 tháng Giêng, Đức Thánh Cha sẽ tiếp:

- Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ Giáo hội Phương Đông;

- Đức Hồng Y Angelo Comastri, Giám Quản Đền Thờ Thánh Phêrô;

- Đức Tổng Giám Mục Gabriele Giordano Caccia, Tổng giám mục hiệu tòa Sepino, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên hợp quốc ở New York;

- Đức Tổng Giám Mục Fabio Fabene, Giám mục hiệu tòa Montefiascone, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục thế giới;

- Bà Grace R. Princesa, Đại sứ Phi Luật Tân, đến chào từ biệt sau khi kết thúc nhiệm vụ đại sứ cạnh Tòa Thánh.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng nói gì về “tin giả” không?

Có. Ngài đã dành Sứ điệp ngày Truyền thông Thế giới năm 2018 để đề cập đến về chủ đề này, và khẳng định rằng “tin giả” có từ lâu lắm rồi, ngay trong chước cám dỗ mà ông A dong và bà Êvà đã mắc phải bởi con rắn trong Vườn Địa đàng.

Ngài viết: “Chúng ta cần phải vạch trần cái gọi là “những chiến thuật của con rắn” được sử dụng bởi những kẻ cải trang để tấn công bất cứ lúc nào và bất cứ tại nơi nào. Ðây là chiến lược được sử dụng bởi “con rắn quỷ quyệt” trong Sách Sáng thế ký, đó là đứa đã tung ra những tin giả trước nhất (Sáng thế ký 3: 1-15), khởi đầu lịch sử bi thảm của tội lỗi con người, bắt đầu với cảnh huynh đệ tương tàn đầu tiên (xem Sáng thế ký 4) và dẫn đến cơ man những sự ác khác chống lại Thiên Chúa, người lân cận, xã hội và thiên nhiên. Chiến lược của “Cha đẻ những lời dối trá” ranh mãnh này (Ga 8:44) là bắt chước chính xác cái hình thức dụ dỗ tinh quái và nguy hiểm đó để lẻn vào con tim con người với những lý lẽ vừa giả dối vừa quyến rũ.”

Đức Thánh Cha cũng dành một phần trong thông điệp gần đây nhất của mình, “Fratelli tutti,” để đề cập đến các phương tiện truyền thông xuyên tạc. Ngài lưu ý rằng Internet được đánh dấu bằng “các mạch đóng kín”, và “tính chất ẩn danh”, “tạo điều kiện cho việc lan truyền tin tức giả và thông tin sai lệch”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô có từng là mục tiêu của “tin giả”?

Đây không phải là lần đầu tiên có những báo cáo sai sự thật về Đức Thánh Cha Phanxicô. Vào năm 2013, một báo cáo được lưu hành rộng rãi tuyên bố rằng Đức Thánh Cha đã tuyên bố rằng “tất cả các tôn giáo đều là chân thật”, “đạo nào cũng như đạo nào” tại “Công đồng Vatican thứ ba”. Điên hơn nữa, vào năm 2015, một bài báo lan truyền nói rằng Đức Giáo Hoàng đã thông báo rằng ngài đang sửa đổi Mười Điều Răn. Câu chuyện mất điện ở Vatican chỉ là một ví dụ mới nhất.

Những phản ứng vô cùng đáng trách

Ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, Thánh Phaolô Tông đồ đã viết cho Ti-mô-thêô (2 Tm 4: 3-5): “sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường”.

Những lời này của Thánh Phaolô được thể hiện rõ nét trong vụ này. Đức Giáo Hoàng là mục tử toàn thể Hội Thánh. Đồng thời, ngài cũng là nguyên thủ của quốc gia thành Vatican, tuy nhỏ, nhưng có quan hệ ngoại giao với 183 quốc gia trên thế giới. Các viên chức ngoại giao của Tòa Thánh con được hưởng các đặc miễn ngoại giao, huống chi là Đức Giáo Hoàng. Chuyện Đức Giáo Hoàng bị cảnh sát Ý bắt giữ là một chuyện vô cùng ngu xuẩn, chứng tỏ một hiểu biết dốt nát về luật quốc tế.

Tiếc rằng, nhiều người xưng mình là Công Giáo nhưng thiếu hiểu biết, lại ngứa tai muốn nghe những chuyện hoang đường, nên chuyền tay nhau tin giả này. Có kẻ còn áp lực VietCatholic phải loan tin giả này, không biết có phải là người Công Giáo hay không. Những ai, cách này cách khác loan truyền tin giả này nên có lòng sám hối và hoán cải.

Làm thương tổn thanh danh của bất cứ ai đều là một lỗi nặng, huống hồ người ấy lại là Đức Giáo Hoàng, là người kế vị Thánh Phêrô và là đại diện của Chúa Kitô trên trần gian.

Source:Catholic News Agency
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Liên hệ

Tinvuiviet.net kính chào Quý vị và các bạn. Chúng tôi luôn mong nhận được bài vở cộng tác của mọi người. Xin cám ơn.   Liên hệ: Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: bbttinvui@gmail.com. Chân thành cảm ơn Quý vị và các bạn đã ghé thăm site. Kính chúc Quý vị và các...

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Trong Mùa Chay bạn làm gì để tỏ lòng sám hối ?

Ăn chay. Hãm mình.

Bác ái, chia sẻ.

Hoán cải đời sống, đi xưng tội.

Năng tham dự thánh lễ.

Cầu nguyện nhiều hơn.