www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
00:10 EDT Thứ ba, 16/04/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 123

Máy chủ tìm kiếm : 5

Khách viếng thăm : 118


Hôm nayHôm nay : 0

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 426387

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 19572582

Trang nhất » Tin Tức » Tin Tức » Tôn Giáo

Hi hữu: Cảnh sát thấy phụ nữ qua đời 2 năm ngồi bên song cửa. Thống kê dân số Công Giáo thế giới

Thứ ba - 15/02/2022 23:29
Tin thế giới

Tin thế giới

Manfredi nói với CNN rằng nguyên nhân cái chết của Beretta vẫn chưa được biết rõ và giám định viên đã xác định rằng bà ấy đã chết vào khoảng cuối năm 2019, dựa trên mức độ phân hủy cơ thể của bà.
1. Cảnh sát phát hiện một phụ nữ Ý, chết đã 2 năm, đang ngồi trên ghế nhìn qua cửa sổ gần Hồ Como

Thi thể của một phụ nữ 70 tuổi đã được tìm thấy trong ngôi nhà của bà ở miền bắc nước Ý, hai năm sau khi bà qua đời. Bà Marinella Beretta sống một mình gần Hồ Como ở Lombardy.


Francesca Manfredi, nhân viên phụ trách báo chí của Tòa thị chính Como, cho biết thi thể của bà được phát hiện vào hôm thứ Sáu sau khi hàng xóm khiếu nại rằng một cái cây trong vườn nhà của bà đã đổ sang nhà hàng xóm vì phát triển quá mức.

SkyTg24 đưa tin rằng thi thể của Beretta được tìm thấy đang ngồi trên ghế trong phòng khách nhìn qua cửa sổ.

Manfredi nói với CNN rằng nguyên nhân cái chết của Beretta vẫn chưa được biết rõ và giám định viên đã xác định rằng bà ấy đã chết vào khoảng cuối năm 2019, dựa trên mức độ phân hủy cơ thể của bà.

Marinella Beretta sống gần Hồ Como ở miền bắc nước Ý. Cha Paolo Romeo, Cha Sở nhà thờ Thánh Martino nói ngài “bối rối” trước diễn biến này vì ngài và cộng đoàn đã thiếu quan tâm khi bà Beretta không xuất hiện trong các thánh lễ. Giáo xứ Santo Martino nằm ở trên một sườn núi, việc đi lại rất khó khăn, đặc biệt là hoàn cảnh đại dịch. Tuy vậy, Cha Paolo Romeo đã tỏ ra rất áy náy vì một chuyện đau đớn như thế đã xảy ra.

Manfredi cho biết, đến nay vẫn chưa có người thân nào của Beretta xuất hiện, đồng thời cho biết thêm rằng cảnh sát đang điều tra xem bà có gia đình nào còn sống hay không.

Hiện tại, thi thể của Beretta vẫn ở nhà xác và ngày tang lễ vẫn chưa được ấn định, Manfredi nói thêm.

Thị trưởng Como Mario Landriscina đã mời cư dân của thị trấn đến dự đám tang của Beretta tại nhà thờ Thánh Martino. Ông nói với các phương tiện truyền thông Ý rằng chính quyền địa phương sẽ lo liệu việc tổ chức tang lễ.

Landriscina nói: “Đây là khoảnh khắc được ở bên nhau, và ngay cả khi người phụ nữ này không có họ hàng, chúng ta có thể trở thành người thân của bà ấy.”

Bộ trưởng về gia đình và cơ hội bình đẳng của Ý, Elena Bonetti, nhận xét rằng: “Không ai nên ở một mình”.

Bà cho biết Beretta không nằm trong danh sách được hỗ trợ từ các dịch vụ xã hội địa phương. Nói cách khác, bà Beretta là một người khá giả.

Trên Facebook, Bộ trưởng Elena Bonetti đã bày tỏ lòng thương tiếc về cái chết đơn độc của Beretta.

“Điều gì đã xảy ra với Marinella Beretta ở Como, nỗi cô đơn bị lãng quên, làm tổn thương lương tâm của chúng ta,” cô nói. “Nhớ lại cuộc đời của cô ấy là nghĩa vụ của một cộng đồng muốn duy trì sự đoàn kết.”

Bonetti nói thêm: “Chăm sóc lẫn nhau là kinh nghiệm của gia đình, tổ chức, của việc chúng ta là công dân. Không ai đáng phải chết cô đơn như thế”.
Source:Seven News

2. Số người Công Giáo trên toàn thế giới tăng 16 triệu người vào năm 2020

Số người Công Giáo trên toàn thế giới ước tính tăng khoảng 16 triệu người vào năm 2020 nâng tổng số người Công Giáo lên 1.36 tỷ người, theo số liệu thống kê do Vatican công bố hôm thứ Sáu.

Sự gia tăng này phù hợp với sự gia tăng dân số toàn cầu trong năm 2020 khi đại dịch coronavirus quét qua hành tinh. Người Công Giáo tiếp tục chiếm 17.7% tổng dân số thế giới.

Các số liệu cho năm 2020 lấy từ ấn bản năm 2022 của Niên giám Tòa Thánh và Niên giám Thống kê của Giáo hội, do Văn phòng Thống kê Giáo hội Trung ương của Vatican biên soạn.

Như những năm trước, Giáo hội tăng trưởng nhanh nhất ở Phi Châu với 2.1%, và Á Châu với 1.8%. Khiêm tốn nhất là ở Âu Châu với 0.3%.

Gần một nửa, cụ thể là 48% người Công Giáo trên thế giới sống ở Mỹ Châu, trong đó 28% sống ở Nam Mỹ.

Số lượng giám mục trên toàn thế giới đã giảm một vị, từ 5,364 vị vào năm 2019 xuống còn 5,363 vào năm 2020.

Vào cuối năm 2020, có tổng số 410,219 linh mục, giảm 4,117 vị so với năm 2019. Mặc dù số lượng linh mục ở Bắc Mỹ và Âu Châu giảm, nhưng ở Phi Châu và Á Châu đã có một “sự gia tăng đáng kể”.

Vào năm 2020, khoảng 40% linh mục trên thế giới sống ở Âu Châu, 29% ở Mỹ Châu, 17% ở Á Châu, 12% ở Phi Châu và 1% ở Đại Dương Châu.

Số người Công Giáo trên mỗi linh mục trên toàn thế giới đã tăng từ 3,245 người vào năm 2019 lên 3,314 người vào năm 2020. Ở Âu Châu, trung bình có 1,746 người Công Giáo trên một linh mục, 2,086 người ở Mỹ Châu và 5,089 người ở Phi Châu.

Số lượng phó tế vĩnh viễn đã tăng lên, từ 48,238 vào năm 2019 lên 48,635 vào năm 2020. Con số ở Âu Châu giảm nhẹ từ 15,267 xuống 15,170.

Số lượng nam tu sĩ không phải là linh mục đã tăng trên toàn thế giới từ 50,295 vào năm 2019 lên 50,569 vào năm 2020, với sự gia tăng được thấy ở Phi Châu với 1.1%, Á Châu với 2.8% và Âu Châu, 4% nhưng giảm ở Mỹ Châu 4% và Đại Dương Châu 6%.

Số lượng nữ tu đã giảm trên toàn cầu từ 630,099 sơ vào năm 2019 xuống còn 619,546 sơ vào năm 2020, giảm 1.7%. Nhưng có sự gia tăng ở Phi Châu 3.2% và Á Châu 0.2%, giảm ở Âu Châu 4.1%, Mỹ Châu 2.8% và Đại Dương Châu 5.7%.

Có 111,855 chủng sinh vào năm 2020, so với 114,058 vào năm 2019, giảm đáng kể ở Âu Châu 4.3%, Mỹ Châu 4.2% và Á Châu 3.5% nhưng tăng 2.8% từ 32,721 đến 33,628 ở Phi Châu.
Source:Catholic News Agency

3. Cha Raymond J. de Souza: Tấn công Đức Ratzinger là phương tiện cho mục đích tối hậu là phá hoại đạo lý Công Giáo chính thống

Trong bài “Pope Benedict’s Departure From the Public-Relations Handbook”, nghĩa là “Đức Bênêđíctô Tách Ra Khỏi Cẩm Nang Quan Hệ Công Chúng”, Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada, nhận định rằng bất kể những tấn công cường tập hết sức vô lý nhắm vào nhân cách của ngài, phản ứng có chừng mực nhưng thẳng thắn, từ Giáo Hoàng Danh Dự đã giúp ích rất nhiều cho việc đọc lá thư về phương diện tâm linh.

Xin lưu ý với quý vị và anh chị em cụm từ “Public-Relations Handbook” hay “Cẩm Nang Quan Hệ Công Chúng” ở đây hiểu theo nghĩa bóng, không có nghĩa là một cuốn sách cụ thể nào cả. Chúng ta chẳng có một cuốn sách nào như thế cả, chớ có hiểu nhầm. Đó chỉ là cụm từ thường được dùng hiện nay để mỉa mai thái độ “im lặng là vàng” của các nhà lãnh đạo Giáo Hội trước các cáo buộc bất kể chúng vô lý đến mức nào, chẳng hạn như báo cáo về tội lỗi lạm dụng tính dục tại Pháp, trong đó Jean-Marc Sauvé, tín đồ Tam Điểm, cáo buộc trung bình một linh mục lạm dụng ở Pháp đã lạm dụng hàng trăm trẻ em!

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Trong hơn 70 năm làm linh mục, Đức Joseph Ratzinger đặt cho mình sứ mệnh tìm kiếm và công bố sự thật; ngài đã chọn khẩu hiệu Giám Mục của mình là “những người cộng tác với sự thật”. Ngài đã làm chính điều đó trong phản ứng của mình trước cuộc điều tra ở Munich về lạm dụng tình dục, bảo vệ sự thật của vấn đề chống lại quan điểm thời thượng, và nâng cao toàn bộ vấn đề bằng cách đặt nó trong bối cảnh phụng vụ của tội lỗi, hoán cải, sự phán xét và ơn cứu rỗi.

Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã phản đối báo cáo của công ty luật Đức tiến hành cuộc điều tra, và nhóm pháp lý của ngài cho rằng các dữ kiện không hỗ trợ cho kết quả điều tra. Họ lập luận rằng bản thân cuộc điều tra đã thừa nhận “thiếu bằng chứng” và do đó đưa ra phán đoán chủ quan của riêng họ về những điều được cho rằng “rất có thể xảy ra”. Ý kiến của họ, không biện minh được và không được kiểm tra tại bất kỳ tòa án nào, không xác định được sự thật.

Nhà quan sát kỳ cựu các vấn đề về Vatican, John Allen, lưu ý rằng Đức Bênêđíctô không tuân theo “vở kịch” về quan hệ công chúng, trong đó các giám mục không dám tranh cãi về những phát hiện của những cuộc truy vấn như vậy, ngay cả khi một số tuyên bố người ta đưa ra rõ ràng là sai hoặc bị phóng đại, như trường hợp các cáo buộc ở Pennsylvania vào năm 2018, và ở Pháp vào năm ngoái 2021.

Đức Joseph Ratzinger không bao giờ tuân theo sách vở khi nói đến quan hệ công chúng. Trong khi hầu như tất cả các giám mục trên thế giới phải đợi đến sau những tai tiếng rầm rộ trên truyền thông mới có hành động chống lại tội lỗi lạm dụng tình dục, thì chính Đức Hồng Y Ratzinger là người đã lãnh đạo những cải cách quan trọng của Vatican được đưa ra vào năm trước khi xảy ra vụ tai tiếng ở Boston.

Giờ đây, dư luận bị lèo lái đến mức người ta cho rằng không hợp thời khi khăng khăng đòi hỏi phải làm đúng thủ tục trong các trường hợp liên quan đến các vụ lạm dụng tình dục và xem xét các cáo buộc một cách chính xác. Bất kể xu hướng đó, Đức Bênêđíctô không để mình bị cuốn theo chiều gió của kiểu quan hệ công chúng này.

Cha Federico Lombardi, người từng là phát ngôn viên Tòa Thánh dưới thời Đức Bênêđíctô, cho biết: “Tôi nghĩ việc ngài minh oan cho sự trung thực của mình là đúng. Bởi vì đó là một đặc điểm trong tính cách và hành vi của ngài trong suốt cuộc đời của ngài, mà tôi cũng có thể làm chứng cho điều này, khi đã sống gần gũi với ngài với tư cách là một cộng tác viên trong vài năm: việc phục vụ sự thật luôn được đặt lên hàng đầu. Ngài không bao giờ cố gắng che giấu những điều có thể gây đau đớn cho Giáo Hội khi phải thừa nhận; ngài không bao giờ cố gắng đưa ra một hình ảnh sai lệch về thực tại của Giáo Hội hoặc về những gì đang xảy ra. Vì vậy, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng người ta không thể nghi ngờ sự trung thực của ngài theo bất kỳ cách nào. Và ngài chứng thực điều này, và tôi tin rằng việc chấp nhận điều đó với sự tin tưởng và xác tín là đúng.”

Giáo Hội Công Giáo ở Đức hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc, trong đó cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục đang bị lợi dụng bởi các hành lang quyền lực để đề cao các quan điểm không chính thống như một phần của “Tiến Trình Công Nghị”. Trong bối cảnh đó, sự chú ý một cách bất thường đến Đức Ratzinger trong thời gian vắn vỏi chưa đầy 5 năm làm tổng giám mục của Munich, diễn ra hơn 40 năm trước, là điều dễ hiểu. Tấn công Đức Ratzinger ở Đức là một phương tiện cho mục đích tối hậu là phá hoại đạo lý Công Giáo chính thống.

Thành ra, người ta không ngạc nhiên khi thấy Đức Bênêđíctô đáp lại với quan điểm chính thống trên một cơ sở phụng vụ, đặt sự phục vụ Giáo hội lâu dài của mình trong bối cảnh của một tội nhân đang đứng trước mặt Chúa. Một tách biệt khác từ “vở kịch” quan hệ công chúng xảy ra khi Đức Bênêđíctô nói với tư cách là một môn đệ và mục tử Kitô, chứ không phải là người quản lý của một thực thể kinh doanh đang bị vây hãm, như thường thấy trong thái độ của hàng giáo phẩm Đức.

Đức Bênêđíctô viết: “Tôi ngày càng bị đánh động bởi thực tế là ngày này qua ngày khác, Giáo Hội bắt đầu cử hành Thánh Lễ - trong đó Chúa ban cho chúng ta lời của Ngài và chính bản thân Ngài - với lời thú nhận tội lỗi của chúng ta và lời thỉnh cầu xin Chúa thứ tha. Chúng ta công khai cầu xin Thiên Chúa hằng sống tha thứ [cho những tội lỗi mà chúng ta đã phạm] thiếu sót của chúng ta, gây ra bởi những lỗi lầm nghiêm trọng nhất của mình. Tôi thấy rõ rằng những từ “nghiêm trọng nhất” không áp dụng mỗi ngày và cho mỗi người theo cùng một cách. Tuy nhiên, ngày nào những từ ấy cũng khiến tôi đặt câu hỏi rằng liệu hôm nay tôi có nên nói về một lỗi nghiêm trọng nhất hay không. Và những điều ấy nói với tôi với niềm an ủi rằng dù lỗi của tôi có lớn đến đâu, hôm nay, Chúa vẫn tha thứ cho tôi, nếu tôi thành tâm cho phép mình được Ngài kiểm tra và thực sự chuẩn bị thay đổi.”

Đề cập đến các cuộc gặp gỡ của mình “với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục bởi các linh mục,” Đức Bênêđíctô viết “bản thân chúng ta bị cuốn vào lỗi nghiêm trọng này bất cứ khi nào chúng ta bỏ qua nó hoặc không đối diện với nó với quyết tâm và trách nhiệm cần thiết, là điều quá thường xuyên đã xảy ra và tiếp tục xảy ra.”

Sau đó, Đức Bênêđíctô đã chuyển sang một trong những hình ảnh Kinh Thánh yêu thích của ngài để hiểu về cuộc sống của Giáo hội, đó là hình ảnh Chúa Giêsu ngủ trên thuyền trong khi cơn bão đe dọa. Ngài đã sử dụng hình ảnh này trong buổi tiếp kiến chung cuối cùng của mình với tư cách là Giáo Hoàng vào năm 2013. Lần này, Đức Bênêđíctô nói đến chuyện các tông đồ ngủ trong khi Chúa Giêsu trải qua những thống khổ trong vườn Giệtsimani, một đau khổ bao gồm nỗi đau của các nạn nhân bị lạm dụng tình dục.

Đức Bênêđíctô viết: “Tôi càng ngày càng đánh giá cao sự kinh hoàng và sợ hãi mà Chúa Kitô đã cảm thấy trên Núi Cây Dầu khi Ngài nhìn thấy tất cả những điều khủng khiếp mà Ngài sẽ phải chịu đựng trong nội tâm. Đáng buồn thay, thực tế là trong những khoảnh khắc đó, các môn đệ đang ngủ thể hiện một tình huống mà ngày nay cũng đang tiếp tục diễn ra, và tôi cũng cảm thấy được kêu gọi phải trả lời.”

Cuối cùng, Đức Bênêđíctô nhắc nhở độc giả của mình rằng các cáo buộc của công ty luật ở Munich cần được lưu ý, nhưng không được sợ hãi. Sự sợ hãi và run rẩy được dành cho những vấn đề nặng nề hơn nhiều so với những cuộc tranh cãi vô hình của nền chính trị giáo hội cay đắng của người Đức.

Người đàn ông gần 95 tuổi viết: “Không bao lâu, tôi sẽ tìm thấy chính mình trước tòa phán xét cuối cùng của cuộc đời mình. Mặc dù, khi nhìn lại quãng đời dài của mình, tôi có thể có lý do rất lớn để sợ hãi và run rẩy, nhưng tôi vẫn rất vui mừng, vì tôi tin tưởng chắc chắn rằng Chúa không chỉ là vị quan tòa công minh, mà còn là người bạn và người anh em, là Đấng chính Ngài đã phải chịu đựng những thiếu sót của tôi, và do đó cũng là trạng sư của tôi, “Đấng Bầu Chữa” của tôi. Trong giờ phán xét, tôi càng thấy rõ ân sủng của việc trở thành tín hữu Kitô. Nó cho tôi kiến thức, và thực sự là tình bạn, với Đấng phán xét cuộc đời tôi, và do đó cho phép tôi tự tin vượt qua cánh cửa tối tăm của cái chết.”

Bức thư của Đức Bênêđíctô đã bị các nhà hoạt động bác bỏ, bị các luật sư bới lông tìm vết, và đang được tòa án dư luận xem xét. Đó là những phạm trù không thích đáng. Nó phù hợp hơn như một bài viết tâm linh.
Source:National Catholic Register
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Liên hệ

Tinvuiviet.net kính chào Quý vị và các bạn. Chúng tôi luôn mong nhận được bài vở cộng tác của mọi người. Xin cám ơn.   Liên hệ: Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: bbttinvui@gmail.com. Chân thành cảm ơn Quý vị và các bạn đã ghé thăm site. Kính chúc Quý vị và các...

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Chúng ta nên làm gì để nhiều người biết Thiên Chúa hơn ?

Cầu nguyện.

Đi lễ.

Sống bác ái.

Loan báo Tin Mừng.

Chu toàn nhiệm vụ hằng ngày.