www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
23:19 EDT Thứ sáu, 19/04/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 65

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 63


Hôm nayHôm nay : 16446

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 490018

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 19636213

Trang nhất » Tin Tức » Tin Tức » Tôn Giáo

Linh mục dòng Tên tiết lộ xuất xứ món quà tổng thống Biden đã tặng cho Đức Thánh Cha Phanxicô

Thứ năm - 11/11/2021 22:59
Tin thế giới

Tin thế giới

Khi Biden gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 29 tháng 10 tại Vatican, chiếc áo lễ -tiếng Anh gọi là chasuble, được mặc như lớp ngoài cùng của lễ phục phụng vụ của một linh mục, được đặt trong một khay đặc chế được chế tác bằng “đá cẩm thạch lịch sử và gỗ Tòa Bạch Ốc”.
1. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tặng cho Đức Thánh Cha một món quà đặc biệt. Tiết lộ của một linh mục dòng Tên

Trong khi chờ các giáo dân đến nghĩa trang trong Ngày Các Đẳng Linh Hồn hôm 2 tháng 11 vừa qua, cha sở của một giáo xứ ở Washington đã thu hút sự chú ý của anh chị em giáo dân bằng một câu chuyện liên quan đến phẩm vật tổng thống Mỹ Joe Biden đã tặng cho Đức Thánh Cha Phanxicô. Đó là một cái áo lễ đã từng được một vị Giáo hoàng tiền nhiệm của ngài mặc.


Linh mục Dòng Tên Kevin Gillespie, cha sở của Nhà thờ Holy Trinity ở Washington, nơi mà một số thành viên Công Giáo cao cấp trong chính phủ Hoa Kỳ, bao gồm cả Tổng thống Joe Biden, thường xuyên tham dự thánh lễ ở Washington, nói với đám đông rằng tất cả bắt đầu bằng một cuộc điện thoại.

“Những gì đã xảy ra là, tuần đầu tiên của tháng 9, chúng tôi nhận được cú điện thoại từ Tòa Bạch Ốc,” Cha Gillespie nói.

Ngài giải thích rằng Thomas Favret, giám đốc điều hành hoạt động giáo xứ của Trinity, người đã từng làm việc cho Bộ Ngoại giao, đã nhận được một cú điện thoại từ “một người bạn của ông ấy”, nói rằng “một nhà ngoại giao rất quan trọng của Mỹ” đang gặp “một lãnh đạo cao cấp chính thức của Vatican” vào cuối tháng Mười.

“Tôi cần một cái gì đó từ giáo xứ của bạn,” người gọi nói.

Người ta hiểu rằng họ đang nói về Biden và Đức Thánh Cha Phanxicô.

Một người đã gợi ý rằng giáo xứ, do các tu sĩ Dòng Tên điều hành, dòng tu của Đức Giáo Hoàng, sở hữu một chiếc áo lễ có khả năng là đã được Đức Hồng Y người Ý Eugenio Pacelli mặc vào năm 1936 trong chuyến thăm Mỹ khi ngài ở cùng Genevieve và Nicholas Brady, những nhà hảo tâm giàu có của Dòng Tên.

Khoảng ba năm sau, năm 1939, Đức Hồng Y Pacelli trở thành Đức Giáo Hoàng Pius 12.

Vị giáo hoàng tương lai gần gũi với cặp vợ chồng này, là những người đã tặng mặt bằng và các tòa nhà cho một tập viện Dòng Tên ở Wernersville, Pennsylvania, và ngài đã đến thăm nơi được gọi là Tập viện Thánh Isaac khi Cha Thomas P. Gavigan của Dòng Tên là giám đốc nhà tập ở đó. Cha Gavigan sau đó làm cha sở của Holy Trinity.

Cha Gillespie nhớ lại: “Cha ấy là người đã mang chiếc áo lễ đến Holy Trinity”

Khi Biden gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 29 tháng 10 tại Vatican, chiếc áo lễ -tiếng Anh gọi là chasuble, được mặc như lớp ngoài cùng của lễ phục phụng vụ của một linh mục, được đặt trong một khay đặc chế được chế tác bằng “đá cẩm thạch lịch sử và gỗ Tòa Bạch Ốc”.

Hầu hết giáo dân Holy Trinity không biết đến áo lễ này vì nó chỉ được mặc trong các thánh lễ Latinh truyền thống.

Cha Gillespie nói: “Chiếc áo đã được cất kỹ trong phòng thánh”.
Source:Catholic News Agency

2. Các giám mục Công Giáo Pháp công bố 'chương trình đổi mới rộng lớn' sau báo cáo lạm dụng

Các giám mục Công Giáo ở Pháp hôm thứ Hai đã thông báo rằng các ngài đã đồng ý với “một chương trình đổi mới rộng lớn” về thực tiễn quản trị để phản ứng với một báo cáo mang tính bước ngoặt về lạm dụng tình dục trong hàng giáo sĩ.

Đức Tổng Giám Mục Éric de Moulins-Beaufort, chủ tịch hội đồng giám mục Pháp, cho biết ngày 8 tháng 11 rằng các giám mục đã quyết định “khởi xướng một con đường công nhận và đền bù, mở ra cho các nạn nhân khả năng hòa giải và bồi thường.”

“Tất cả các nghị quyết mà chúng tôi đã biểu quyết tạo thành một chương trình rộng lớn đổi mới các thực hành quản trị của chúng tôi ở cấp giáo phận và cấp Giáo hội ở Pháp,” Tổng giám mục của Reims cho biết trong một bài diễn văn được truyền hình trực tiếp trên truyền hình Pháp.

Đức Cha Moulins-Beaufort đã đưa ra thông báo này vào ngày cuối cùng của phiên họp toàn thể của Hội Đồng Giám Mục ở đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức, ở tây nam nước Pháp, diễn ra từ mùng 2 đến mùng 8 tháng 11.

Trong cuộc họp kéo dài một tuần, các giám mục đã nghe ý kiến từ nhiều nạn nhân bị lạm dụng và thảo luận về tác động của một báo cáo độc lập ước tính một cách phóng đại rằng hàng trăm nghìn trẻ em đã bị lạm dụng trong Giáo Hội Công Giáo ở Pháp trong 70 năm qua.

Các giám mục đã quỳ gối trong một hành động sám hối ở Lộ Đức vào hôm thứ Bảy, trong đó hình ảnh một đứa trẻ đang khóc được công bố và một bị vụ lạm dụng đã chia sẻ một lời chứng.

Đức Cha Moulins-Beaufort cho biết trong bài phát biểu của mình rằng các giám mục đã công nhận “trách nhiệm thể chế” của Giáo hội và đã quyết định thực hiện các cải cách dựa trên những gì các ngài đã học được từ báo cáo dài 2,500 trang của Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục trong Giáo hội, gọi tắt là CIASE.

“Chúng tôi làm điều đó trên hết vì chúng tôi cảm nhận được ánh mắt của Chúa đang nhìn chúng tôi, bởi vì chúng tôi cảm thấy ghê tởm và sợ hãi dâng lên trong chúng tôi khi chúng tôi nhận ra những gì rất nhiều người đã trải qua và đang trải qua, những đau khổ họ phải chịu mà lẽ ra họ có quyền nhận được ánh sáng, sự an ủi và hy vọng của Thiên Chúa,” Đức Tổng Giám Mục nói.

Trong số các nghị quyết được các giám mục Pháp biểu quyết có thỏa thuận bán bớt bất động sản và động sản của một số giáo phận Công Giáo khi cần thiết để bổ sung quỹ bồi thường cho các nạn nhân bị lạm dụng.

Các giám mục cũng thành lập các nhóm làm việc chuyên hỗ trợ các nỗ lực của Giáo hội để giải quyết và ngăn chặn lạm dụng.

“Chúng ta phải tìm kiếm chân lý của Giáo hội, Giáo hội của Chúa Giêsu, trong một sự lắng nghe đổi mới đối với người nghèo và những người nhỏ bé, đối với những người là nạn nhân hoặc bị bỏ lại trong cuộc sống tập thể của chúng ta. Đối với chúng ta ngày nay, chúng ta phải chăm chú lắng nghe các nạn nhân trong Giáo hội của chúng ta”.

Báo cáo của CIASE, được công bố vào ngày 5 tháng 10, ước tính có 216,000 trẻ em bị các linh mục, phó tế, tu sĩ hoặc nữ tu bạo hành ở Pháp từ năm 1950 đến năm 2020.

Báo cáo cho rằng có “khoảng từ 2,900 đến 3,200” kẻ lạm dụng trong số 115,000 giáo sĩ và những người làm công tác mục vụ khác. Đối với nhiều người, báo cáo này là tào lao. Chỉ cần làm một toán chia đơn giản ta có thể thấy ngay trung bình một kẻ lạm dụng đã lạm dụng đến gần 100 nạn nhân. Con số này cao một cách đáng ngờ vì ở các nước khác con số này là từ 1.2 đến 4.6. Tại sao ở Pháp lại có một sự gia tăng đột biến không thể tin nổi như thế.
Source:Catholic News Agency

3. 4 Lý do nên tổ chức một ngày lễ cho ngôi nhà của bạn

Hôm 4 tháng 11, tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài nhan đề “4 Reasons to celebrate a Feast Day for your house”, nghĩa là “4 Lý do nên tổ chức một ngày lễ cho ngôi nhà của bạn”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Và tại sao ngày 9 tháng 11 là một lựa chọn tốt cho lễ kỷ niệm này.

Ngày lễ của nhà bạn là khi nào? Nhà tôi là ngày 9 tháng 11, Ngày lễ Cung hiến Vương cung thánh đường Latêranô, là nhà thờ chính tòa của Đức Giáo Hoàng ở Rôma.

Về cơ bản, đó là ngày lễ của một tòa nhà. Đây cũng là ngày kỷ niệm ngôi nhà của chúng tôi được biệt kính Thánh Tâm Chúa. Nhưng đó là ngày hoàn hảo để cử hành bất kỳ ngôi nhà nào, bởi vì đó là lời nhắc nhở từ Giáo hội về những gì một ngôi nhà có thể là.

Vương cung thánh đường Latêranô được dành để kính Thánh Gioan Tẩy Giả và Thánh Gioan Thánh Sử, nhưng nó được đặt theo tên của gia đình Laterani, nơi từng có cung điện ở đó. Điều đó rất quan trọng: Tên gia đình có thể quan trọng như tên thánh và một ngôi nhà có thể quan trọng như nhà thờ. Vì vậy, hãy ăn mừng nhà của bạn!

Đầu tiên, hãy mừng ngôi nhà của bạn vì Hội Thánh được thành lập trên các gia đình. Gia đình còn được gọi là Hội Thánh Tại Gia.

Điều đó đã xảy ra lặp đi lặp lại trong Giáo Hội tiên khởi, như được kể lại trong Sách Tông đồ Công vụ: người ta không cải đạo cá nhân, nhưng hễ cải đạo là cải đạo “cả một gia đình”.

Thánh Phêrô gặp Cornêliô và thánh hóa gia đình ông ta và chẳng bao lâu Thánh Phêrô truyền một thông điệp cho dân ngoại “nhờ đó mà các ngươi sẽ được cứu, các ngươi và toàn thể gia đình các ngươi”. Sau đó, Thánh Phaolô và Thánh Sila nói với người cai ngục ăn năn của họ, “Hãy tin vào Chúa Giêsu, bạn và gia đình bạn sẽ được cứu.” Sau đó, Crispus, một nhà lãnh đạo Do Thái “cùng với tất cả gia đình của ông đều tin vào Chúa.”

Sau hết, Sách Giáo lý nói, “Chúa Kitô đã chọn sinh ra và lớn lên trong lòng gia đình Thánh Gia với Thánh Giuse và Mẹ Maria,” và “Giáo hội không là gì khác hơn là ‘gia đình Thiên Chúa’”. Giáo Hội sẽ được tạo thành từ các gia đình. “Những gia đình trở thành tín hữu này là những hòn đảo của đời sống Kitô trong một thế giới không tin.”

Thứ hai, tôn vinh ngôi nhà của bạn như một hòn đảo ánh sáng trong bóng tối.

Khi mùa thu đến và mùa của ánh sáng đến gần, chúng ta có thể nhớ rằng Kitô Giáo đã tràn ngập ánh sáng mới trong các ngôi nhà.

Ở Hy Lạp và La Mã cổ đại, trẻ em có thể bị vứt bỏ như những đứa trẻ sơ sinh không mong muốn, phụ nữ hầu hết bị cấm thờ phượng, và cuộc sống của đàn ông được đánh dấu bằng bạo lực và tàn ác. Kitô Giáo đã mang lại một phẩm giá mới cho gia đình, và tin tốt lành về đời sống gia đình Kitô đã lan truyền khắp thế giới.

Ngày nay, tình trạng rối loạn gia đình, sự tuyệt vọng và sự ngờ vực đang gia tăng trở lại, và thế giới rất cần những nhân chứng Kitô. Sách Giáo lý nói: “Trong thời đại của chúng ta, trong một thế giới thường xa lạ và thậm chí thù địch với đức tin, các gia đình tin Chúa có tầm quan trọng hàng đầu như là trung tâm của sự sống và đức tin rạng ngời”.

Khi Công đồng Vatican II gọi Giáo hội là “ánh sáng của các quốc gia”, Giáo hội đã nói thêm rằng gia đình là “giáo hội tại gia” nơi ánh sáng đó chiếu sáng khắp các khu dân cư.

Thứ ba, tôn vinh ngôi nhà của bạn như một “trường học về nhân đức.”

Sách Giáo lý nói: Gia đình là “những dấu chỉ đầu tiên của đức tin đối với con cái họ,” và nói thêm, “gia đình là trường học đầu tiên của đời sống Kitô và là” trường học để phong phú hóa cho con người”.

Cách chúng ta sống dạy các thành viên trong gia đình chúng ta cách sống cuộc sống của họ.

Sự vui vẻ của chúng ta dạy “sự bền đỗ và niềm vui trong công việc.”

Sự dịu dàng của chúng ta dạy “tình yêu thương huynh đệ và rộng lượng - thậm chí được lặp đi lặp lại là sự tha thứ.”

Sự hào phóng của chúng ta dạy “sự cầu nguyện và sự dâng hiến cuộc sống của một người”.

Nếu mọi việc suôn sẻ, gia đình sẽ “khuyến khích ơn gọi phù hợp với mỗi đứa trẻ,” bao gồm cả ơn gọi tu trì.

Thứ tư, tôn vinh ngôi nhà của bạn là nơi chứa đựng tình yêu thương vô điều kiện.

Gia đình khác với bất kỳ nơi nào trên trái đất, đặc biệt là trong hoàn cảnh ngày nay.

Thánh Gioan Phaolô II đã chỉ ra: “Cá nhân ngày nay thường bị ngột ngạt giữa hai thái cực tiêu biểu là thị trường và nhà nước. Thế giới coi chúng ta là ‘người sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, hoặc là đối tượng của quản lý nhà nước’”.

Chúng ta chỉ thấy mình ở trong gia đình, thông qua “sự hỗ trợ lẫn nhau của vợ chồng và sự quan tâm mà các thế hệ khác nhau dành cho nhau”.

Thế giới luôn muốn điều gì đó từ bạn. Gia đình bạn thì không. Họ chỉ yêu bạn. Đây là lý do tại sao những câu chuyện được yêu thích trong lịch sử nhân loại từ Odyssey đến Phù thủy xứ Oz cho đến Câu chuyện đồ chơi phiêu lưu ký đều kể về những nhân vật đấu tranh và phấn đấu để cuối cùng về nhà.

Và đây là lý do tại sao tôi sẽ kỷ niệm ngôi nhà của mình vào ngày 9 tháng 11 này, một nơi mà tôi luôn được chào đón, chấp nhận và yêu mến.


Source:Aleteia
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Tin Vui Việt

Trang thông tin điện tử để tìm hiểu về Đạo Công Giáo.Mong rằng qua trang Tin Vui Việt này sẽ giúp Quý Vị hiểu hơn về đời sống đạo.Nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn tác động để mỗi người nhận ra Thiên Chúa là Chân, Thiện, Mỹ.bbttinvui

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Chúng ta nên làm gì để nhiều người biết Thiên Chúa hơn ?

Cầu nguyện.

Đi lễ.

Sống bác ái.

Loan báo Tin Mừng.

Chu toàn nhiệm vụ hằng ngày.