www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
18:26 CDT Thứ năm, 28/03/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 69

Máy chủ tìm kiếm : 12

Khách viếng thăm : 57


Hôm nayHôm nay : 16310

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 844004

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 19065199

Trang nhất » Tin Tức » Tin Tức » Tôn Giáo

Sóng gió: Tự Sắc mới của ĐGH bãi bỏ Tự Sắc Thánh Lễ Latin của hai vị tiền nhiệm. Ta hãy cầu cho ngài

Thứ hai - 19/07/2021 22:13
Tin thế giới

Tin thế giới

Những người ủng hộ Thánh lễ Latinh đã bày tỏ những lo lắng trước Tự Sắc mới của Đức Giáo Hoàng, nói rằng tài liệu này sẽ nhanh chóng kềm hãm một cách khắc nghiệt và vô cớ đối với việc cử hành phụng vụ thánh.

1. Tóm lược những lý do của Tự Sắc Traditionis Custodes

Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành những hạn chế sâu rộng đối với việc cử hành Thánh lễ Latinh Truyền thống, đảo ngược các sắc lệnh trước đây của các vị tiền nhiệm liên quan đến các hình thức Thánh lễ được cử hành trước khi có những cải cách phụng vụ của Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục vào năm 1970, và thúc giục việc quay “trở lại ngay” với hình thức Phụng Vụ được thành lập sau Công đồng Vatican II.


Những người ủng hộ Thánh lễ Latinh đã bày tỏ những lo lắng trước Tự Sắc mới của Đức Giáo Hoàng, nói rằng tài liệu này sẽ nhanh chóng kềm hãm một cách khắc nghiệt và vô cớ đối với việc cử hành phụng vụ thánh.

Trong một Tông Thư dưới dạng Tự Sắc có tựa đề Traditionis Custodes, nghĩa là Những người bảo vệ truyền thống, được ký vào ngày 16 tháng 7, ngày lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa ra “quyết định quyết liệt” ngay lập tức bác bỏ Tự Sắc Summorum Pontificum năm 2007 của Đức Bênêđíctô XVI và Tự Sắc Ecclesia Dei của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II năm 1988. Những Tự Sắc này được các vị tiền nhiệm của ngài đưa ra nhằm cho phép hình thức Thánh lễ được cử hành trước năm 1970.

Một trong những yếu tố quan trọng trong Tự Sắc Summorum Pontificum của Đức Bênêđíctô, là khẳng định rằng Sách Lễ Rôma do Đức Gioan XXIII ban hành năm 1962 “không bao giờ bị bãi bỏ như một hình thức ngoại thường của Phụng vụ Giáo hội.” Hệ quả là Tự Sắc của Đức Bênêđíctô cho phép bất kỳ nhóm giáo dân ổn định nào có thể yêu cầu một linh mục cử hành hình thức Thánh lễ này, còn được gọi là Hình thức Ngoại thường của Nghi thức Rôma, mà “không cần sự cho phép của Tòa Thánh hoặc từ Đấng Bản Quyền địa phương”.

Nhưng theo Tự Sắc mới của Đức Phanxicô, Giám mục giáo phận có “thẩm quyền hoàn toàn” trong việc “cho phép sử dụng Sách lễ Rôma năm 1962 trong giáo phận của ngài, theo hướng dẫn của Tòa thánh.” Giám mục cũng sẽ được trao những quyền hạn sâu rộng khác bao gồm việc cấp phép cho các linh mục mới chịu chức muốn cử hành Thánh lễ Latinh Truyền thống, và cả những linh mục đã từng cử hành hình thức thánh lễ này, đồng thời ngài cũng chấm dứt quyền của các nhóm giáo dân yêu cầu hình thức thánh lễ này trong các nhà thờ giáo xứ.

Đức Phanxicô cho biết ngài thực hiện những thay đổi này sau khi đã “xem xét cẩn thận” kết quả của một cuộc khảo sát chín điểm do Bộ Giáo Lý Đức Tin gửi cho các giám mục vào năm ngoái để đánh giá việc thực hiện Tự Sắc Summorum Pontificum của Đức Bênêđíctô “dưới ánh sáng của kinh nghiệm đã trưởng thành trong những nhiều năm”.

“Các câu trả lời tiết lộ một tình huống khiến tôi bận tâm và buồn phiền, đồng thời thuyết phục tôi về sự cần thiết phải can thiệp,” Đức Thánh Cha viết trong một lá thư kèm theo gởi cho các giám mục được công bố hôm thứ Sáu.

“Thật đáng tiếc, mục tiêu mục vụ của những người tiền nhiệm của tôi, những người đã có ý định ‘làm mọi thứ có thể để bảo đảm rằng tất cả những người thực sự có ước muốn hiệp nhất sẽ thấy có thể duy trì sự hiệp nhất này hoặc tái khám phá nó’, lại thường xuyên bị coi thường”.

Ngài nói thêm rằng những nỗ lực của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô 16 để “khôi phục sự hợp nhất” sau khi Huynh Đoàn Thánh Piô X ly khai khỏi Rôma năm 1988 vì những cải cách về giáo lý và phụng vụ theo sau Công đồng Vatican II đã được “khai thác để mở rộng những lỗ hổng, củng cố sự khác biệt, và khuyến khích những bất đồng gây tổn hại cho Giáo hội, cản trở con đường của Giáo hội và khiến Giáo hội gặp nguy cơ chia rẽ”


Source:National Catholic Register
2. Tông Thư dưới dạng Tự Sắc Traditionis Custodes - Những người bảo vệ truyền thống – của Đức Thánh Cha Phanxicô
Tông Thư
Ban Hành Dưới Dạng Tự Sắc
Của Đức Thánh Cha Phanxicô
“Traditionis custodes”
Về Việc Sử Dụng Nghi Thức Thánh Lễ Rôma Trước Cuộc Cải Cách Năm 1970


Các Giám Mục hiệp thông với Giám Mục Rôma, trong tư cách là những người bảo vệ truyền thống, tạo thành nguyên tắc hữu hình và nền tảng của sự hiệp nhất của các Giáo Hội địa phương chuyên biệt. [1] Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, qua việc loan báo Tin Mừng và cử hành Bí Tích Thánh Thể, các ngài cai quản các Giáo Hội địa phương được giao phó cho mình. [2]

Để thúc đẩy sự hòa hợp và hiệp nhất của Giáo Hội, và với sự quan tâm hiền phụ đối với những người ở mọi miền gắn bó với các hình thức phụng vụ có trước cuộc cải cách theo ý của Công đồng Vatican II, các Vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, là Thánh Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, đã ban cấp và quy định năng quyền sử dụng Sách Lễ Rôma do Đức Gioan XXIII biên soạn năm 1962. [3] Bằng cách này, các ngài có ý định “tạo điều kiện cho sự hiệp thông trong Giáo Hội của những người Công Giáo cảm thấy gắn bó với một số hình thức phụng vụ trước đó” chứ không phải với những hình thức phụng vụ khác. [4]

Theo sáng kiến của Vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Bênêđíctô XVI, trong đó mời các Giám Mục đánh giá việc áp dụng Tông Thư dưới dạng Tự Sắc Summorum Pontificum ba năm sau khi được công bố, Bộ Giáo lý Đức tin đã tiến hành tham vấn chi tiết với các Giám Mục vào năm 2020. Các kết quả đã được xem xét cẩn thận dưới ánh sáng của kinh nghiệm đã trưởng thành trong những năm này.

Vào thời điểm này, sau khi đã cân nhắc những ước muốn được các Giám Mục bày tỏ và đã lắng nghe ý kiến của Bộ Giáo lý Đức tin, với Tông thư này, giờ đây tôi ước ao đẩy mạnh hơn bao giờ mong muốn không ngừng tìm kiếm sự hiệp thông trong Giáo Hội. Do đó, tôi đã cân nhắc và thấy phù hợp việc thiết định những điều sau đây:

Điều 1. Các sách phụng vụ do Thánh Phaolô Đệ Lục và Thánh Gioan Phaolô Đệ Nhị ban hành, phù hợp với các sắc lệnh của Công đồng Vatican II, là cách diễn đạt duy nhất luật cầu nguyện của Nghi thức Rôma.

Điều 2. Giám Mục giáo phận, trong tư cách là người điều hành, thăng tiến và bảo vệ toàn bộ đời sống phụng vụ của Giáo Hội địa phương được giao phó cho ngài, [5] có thẩm quyền điều chỉnh các cử hành phụng vụ trong giáo phận của ngài. Do đó, ngài có thẩm quyền hoàn toàn trong việc cho phép sử dụng Sách Lễ Rôma năm 1962 trong giáo phận của ngài, theo các hướng dẫn của Tòa Thánh.

Điều 3. Giám Mục của giáo phận mà cho đến nay có một hoặc nhiều nhóm cử hành theo Sách lễ trước cuộc cải tổ năm 1970 phải:

§ 1. xác định rằng các nhóm này không phủ nhận tính hợp lệ và hợp pháp của cuộc cải cách phụng vụ, được xác lập bởi Công đồng Vatican II và Huấn quyền của các Giáo hoàng;

§ 2. chỉ định một hoặc nhiều địa điểm nơi các tín hữu gắn bó với các nhóm này có thể tụ họp để cử hành thánh thể (tuy nhiên, không phải ở các nhà thờ giáo xứ và không được xây dựng thêm các giáo xứ tòng nhân mới);

§ 3. thiết lập tại các địa điểm được chỉ định những ngày được phép cử hành thánh thể bằng Sách lễ Rôma do Thánh Gioan XXIII ban hành năm 1962. [7] Trong các buổi cử hành này, các bài đọc phải được công bố bằng bản ngữ, sử dụng các bản dịch Sách Thánh đã được các Hội đồng Giám Mục tương ứng chuẩn y sử dụng trong phụng vụ;

§ 4. bổ nhiệm một linh mục, với tư cách là đại biểu của Giám Mục, trông coi những cử hành này và chăm sóc mục vụ cho những nhóm tín hữu này. Vị linh mục được nêu phải phù hợp với trách nhiệm này, có kỹ năng sử dụng Sách Lễ Rôma trước cuộc cải cách năm 1970, có kiến thức về ngôn ngữ Latinh đủ để hiểu thấu đáo các thánh thư và các bản văn phụng vụ, và được linh hoạt bởi một lòng bác ái mục vụ sống động, và ý thức hiệp thông Giáo Hội. Vị linh mục này cần phải ghi nhớ trong lòng không chỉ việc cử hành đúng phụng vụ mà thôi, nhưng còn phải chăm sóc mục vụ và các nhu cầu thiêng liêng của các tín hữu;

§ 5. tiến hành một cách thích hợp để xác minh rằng các giáo xứ được xây dựng theo giáo luật vì lợi ích của những tín hữu này có hiệu quả hay không cho sự phát triển tâm linh của họ, và xác định xem có nên giữ lại các giáo xứ như thế hay không;

§ 6. lưu tâm không cho phép thành lập các nhóm mới.

Điều 4. Các linh mục được thụ phong sau khi Tông Thư dưới dạng Tự Sắc này được công bố, mà muốn cử hành theo Sách Lễ Rôma năm 1962, phải gửi yêu cầu chính thức lên Giám Mục giáo phận, là người sẽ phải hỏi ý kiến Tòa thánh trước khi cấp phép này.

Điều 5. Các linh mục đã cử hành theo Sách Lễ Rôma năm 1962 phải xin phép Giám Mục giáo phận để tiếp tục hưởng năng quyền này.

Điều 6. Các Tu hội đời sống thánh hiến và Hiệp hội đời sống tông đồ, do Ủy ban Giáo hoàng Ecclesia Dei dựng lên, thuộc thẩm quyền của Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ.

Điều 7. Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích cũng như Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ, trong các vấn đề thuộc thẩm quyền cụ thể của mình, thực thi thẩm quyền của Tòa thánh đối với việc tuân thủ các quy định này.

Điều 8. Các quy định, hướng dẫn, quyền hạn và phong tục trước đây không phù hợp với các quy định trong Tông Thư dưới dạng Tự Sắc này sẽ bị bãi bỏ.

Tất cả những gì tôi đã tuyên bố trong Tông Thư dưới dạng Tự Sắc này, tôi muốn được tuân giữ trong tất cả mọi phần của nó, bất kể điều gì khác trái ngược, ngay cả khi đáng được đề cập cụ thể, và tôi xác nhận rằng Tự Sắc này được ban hành bằng cách xuất bản trên tờ Quan Sát Viên Rôma, có hiệu lực ngay lập tức và sau đó, nó được công bố trong công báo chính thức của Tòa thánh, Acta Apostolicae Sedis.

Làm tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, Rôma vào ngày 16 tháng 7 năm 2021, Lễ Kính Đức Mẹ Núi Carmêlô, vào năm thứ chín triều Giáo hoàng của tôi.

+ Đức Thánh Cha Phanxicô

[1] x. Công đồng Chung Vatican II, Hiến chế Tín lý về Giáo hội “Lumen Gentium”, ngày 21 tháng 11 năm 1964, n. 23 AAS 57 (1965) 27.

[2] x. Công đồng Chung Vatican II, Hiến chế Tín lý về Giáo hội “Lumen Gentium”, ngày 21 tháng 11 năm 1964, n. 27: AAS 57 (1965) 32; Công đồng chung Vatican II, Sắc lệnh liên quan đến năng quyền mục vụ của các Giám Mục trong Giáo hội “Christus Dominus”, ngày 28 tháng 10 năm 1965, n. 11: AAS 58 (1966) 677-678; Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, n. 833.

[3] x. Gioan Phaolô II, Tông Thư dưới dạng Tự Sắc “Ecclesia Dei”, ngày 2 tháng 7 năm 1988: AAS 80 (1988) 1495-1498; Đức Bênêđíctô XVI, Tông Thư dưới dạng Tự Sắc “Summorum Pontificum”, ngày 7 tháng 7 năm 2007: AAS 99 (2007) 777-781; Tông Thư dưới dạng Tự Sắc “Ecclesiae unitatem”, ngày 2 tháng 7 năm 2009: AAS 101 (2009) 710-711.

[4] Đức Gioan Phaolô II, Tông Thư dưới dạng Tự Sắc “Ecclesia Dei”, ngày 2 tháng 7 năm 1988, n. 5: AAS 80 (1988) 1498.

[5] x. Công đồng Chung Vatican II, Hiến chế về phụng vụ thánh “Sacrosanctum Concilium”, ngày 4 tháng 12 năm 1963, n. 41: AAS 56 (1964) 111; Caeremoniale Episcoporum, n. Số 9; Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Hướng dẫn về một số vấn đề cần tuân thủ hoặc cần tránh liên quan đến Bí tích Thánh Thể “Redemptionis Sacramentum”, ngày 25 tháng 3 năm 2004, nn. 19-25: AAS 96 (2004) 555-557.

[6] x. Bộ Giáo Luật Công Giáo, giáo luật. 375, § 1; giáo luật. 392.

[7] x. Bộ Giáo lý Đức tin, Sắc lệnh “Quo magis” phê chuẩn bảy Kinh Tiền Tụng cho ngoại lệ chính thức của Nghi lễ Rôma, ngày 22 tháng 2 năm 2020, và Sắc lệnh “Cum sanctissima” về cử hành phụng vụ để tôn vinh các Thánh trong hình thức ngoại thường của Nghi thức Rôma, ngày 22 tháng 2 năm 2020: Tờ Quan Sát Viên Rôma, ngày 26 tháng 3 năm 2020, tr. 6.

Source:Holy See Press Office

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Liên hệ

Tinvuiviet.net kính chào Quý vị và các bạn. Chúng tôi luôn mong nhận được bài vở cộng tác của mọi người. Xin cám ơn.   Liên hệ: Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: bbttinvui@gmail.com. Chân thành cảm ơn Quý vị và các bạn đã ghé thăm site. Kính chúc Quý vị và các...

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Chúng ta nên làm gì để nhiều người biết Thiên Chúa hơn ?

Cầu nguyện.

Đi lễ.

Sống bác ái.

Loan báo Tin Mừng.

Chu toàn nhiệm vụ hằng ngày.