www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
20:55 CDT Thứ năm, 28/03/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 74

Máy chủ tìm kiếm : 6

Khách viếng thăm : 68


Hôm nayHôm nay : 18631

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 846325

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 19067520

Trang nhất » Tin Tức » Tin Tức » Tôn Giáo

Tường thuật Lễ kính hai thánh Tông Đồ Phêrô – Phaolô và trao dây Pallium cho các vị Tổng Giám Mục 29/6/2018

Thứ hai - 02/07/2018 19:29
Lễ Hai Thánh Phêrô và Phaolô

Lễ Hai Thánh Phêrô và Phaolô

Từ thời xa xưa Giáo Hội Roma đã có truyền thống cử hành lễ trọng kính hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô trong cùng một ngày. Tiếp tục truyền thống đó, lúc 9:30 sáng thứ Năm 29 tháng Sáu, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ tại quảng trường Thánh Phêrô. Dịp này, ngài cũng làm phép dây Pallium cho các vị Tổng Giám Mục chính tòa được bổ nhiệm trong 12 tháng qua.

Đồng tế với Đức Thánh Cha, ngoài các vị Tổng Giám Mục Chính tòa được nhận dây Pallium, còn có các vị tân Hồng Y vừa được tấn phong ngày hôm trước, 40 Hồng Y trong giáo triều Rôma và từ các nước khác trên thế giới, 50 Giám Mục và 400 Linh mục. 


Trong số đông đảo những người hiện diện trong thánh lễ sáng 29-6, đặc biệt chúng tôi ghi nhận có phái đoàn 3 vị thuộc Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople ở vị trí danh dự cạnh bàn thờ chính.

Bên cạnh đó còn có các vị đại sứ các nước cạnh Tòa Thánh; đặc biệt, là các quốc gia có Tổng Giám Mục được trao dây Pallium.

Theo thông báo của văn phòng nghi lễ Phủ Giáo Hoàng hôm 27 tháng 6, các vị được trao dây Pallium năm nay gồm có:

1. Đức Hồng Y Carlos Aguiar Retes Tổng Giám Mục México (Mễ Tây Cơ)
2. Đức Cha Gian Franco Saba Tổng Giám Mục Sassari (Italia)
3. Đức Cha Leopoldo González González Tổng Giám Mục Acapulco (Mễ Tây Cơ)
4. Đức Cha Carlos Alfonso Azpiroz Costa, O.P. Tổng Giám Mục Bahía Blanca (Á Căn Đình)
5. Đức Cha Angelo Spina Tổng Giám Mục Ancona-Osimo (Italia)
6. Đức Cha Carlos Alberto Sánchez Tổng Giám Mục Tucumán (Á Căn Đình)
7. Đức Cha Rocco Pennacchio Tổng Giám Mục Fermo (Italia)
8. Đức Cha Grzegorz Ryś Tổng Giám Mục Łodź (Ba Lan)
9. Đức Cha Michele Seccia Tổng Giám Mục Lecce (Italia)
10. Đức Cha Max Leroy Mésidor Tổng Giám Mục Port-Au-Prince (Haïti)
11. Đức Cha Charles Jason Gordon Tổng Giám Mục Port Of Spain (Trinidad E Tobago)
12. Đức Cha Tarcisio Isao Kikuchi, S.V.D. Tổng Giám Mục Tokyo (Nhật Bản)
13. Đức Cha Pablo Emiro Salas Anteliz Tổng Giám Mục Barranquilla (Colombia)
14. Đức Cha Michel Aupetit Tổng Giám Mục Paris (Pháp)
15. Đức Cha Isaac Amani Massawe Tổng Giám Mục Arusha (Tanzania)
16. Đức Cha Alick Banda Tổng Giám Mục Lusaka (Zambia)
17. Đức Cha Pedro Vázquez Villalobos Tổng Giám Mục Antequera, Oaxaca (Mễ Tây Cơ)
18. Đức Cha Jose Romeo Orquejo Lazo Tổng Giám Mục Jaro (Phi Luật Tân)
19. Đức Cha Peter Machado Tổng Giám Mục Bangalore (India)
20. Đức Cha Gervais Banshimiyubusa Tổng Giám Mục Bujumbura (Burundi)
21. Đức Cha Sergio Alfredo Fenoy Tổng Giám Mục Santa Fe De La Vera Cruz (Á Căn Đình)
22. Đức Cha Airton José Dos Santos Tổng Giám Mục Mariana (Ba Tây)
23. Đức Cha Gabriel Charles Palmer-Buckle Tổng Giám Mục Cape Coast (Ghana)
24. Đức Cha Luis José Rueda Aparicio Tổng Giám Mục Popayán (Colombia)
25. Đức Cha Marcelo Daniel Colombo Tổng Giám Mục Mendoza (Á Căn Đình)
26. Đức Cha Jesús González De Zárate Salas Tổng Giám Mục Cumaná (Venezuela)
27. Đức Cha José Luis Azuaje Ayala Tổng Giám Mục Maracaibo (Venezuela)
28. Đức Cha Víctor Manuel Fernández Tổng Giám Mục La Plata (Á Căn Đình)
29. Đức Cha Felix Toppo, S.I. Tổng Giám Mục Ranchi (India)
30. Đức Cha Francisco José Villas-Boas Senra De Faria Coelho Tổng Giám Mục Évora (Bồ Đào Nha)

Trong ngày lễ hôm nay, Đức Thánh Cha, các vị Hồng Y, Giám Mục và các linh mục mặc phẩm phục màu đỏ, màu của sự tử đạo. Thánh lễ này là một tưởng niệm của Giáo Hội trong tâm tình biết ơn đối với các chứng nhân của Chúa Giêsu Kitô, đã trở thành anh chị em với nhau trong cuộc tử đạo, và là một tuyên xưng long trọng Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền. 

Thật thế, nếu chúng ta nghĩ tới hai ngàn năm lịch sử của Giáo Hội, chúng ta có thể ghi nhận như Chúa Giêsu đã báo trước rằng các kitô hữu sẽ không bao giờ thiếu các thử thách, thậm chí đến mức tử đạo. 

Bên cạnh đó, Giáo Hội còn phải chịu nhiều đau khổ vì sự ô nhiễm đức tin, và những tấn kích vào sự toàn vẹn của nhiệm thể Giáo Hội, làm suy yếu khả năng ngôn sứ và chứng tá, làm vấy bẩn vẻ đẹp gương mặt của Giáo Hội. Đây là thực tại được thánh Phaolô nói tới trong thư thứ I gửi tín hữu Corintô khi trả lời một số vấn đề chia rẽ, không trung thực và bất trung với Tin Mừng đe dọa Giáo Hội. Thư thứ II gửi Timoteo cũng nói tới các “nguy hiểm của thời cuối cùng” là các thái độ sống tiêu cực thuộc thế gian có thể tiêm nhiễm cộng đoàn kitô như ích kỷ, khoe khoang, kiêu căng, ham hố tiền bạc.

Trong khi Đức Thánh Cha và đoàn đồng tế tiến lên bàn thờ, ca đoàn Sistina của Tòa Thánh hát bài Tu es Petrus, này con là đá, với những lời như sau:

Anh là Phêrô, là đá, và trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và các cửa địa ngục sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời.

Ca đoàn đang hát bài ca nhập lễ với những lời như sau: 

Giờ đây tôi biết đúng thật như thế rồi. Chúa thực sự đã sai thiên thần Chúa đến cứu tôi khỏi tay Hêrôđê và dân Do Thái. Đúng thật điều này đã xảy đến với tôi.

Trước đây việc trao dây Pallium diễn ra như sau: sau khi Đức Thánh Cha làm phép các dây Pallium, các vị Tổng Giám Mục tiến đến quỳ trước mặt ngài và Đức Thánh Cha sẽ choàng dây lên vai vị Tổng Giám Mục.

Tháng Giêng năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định rằng buổi lễ trao dây Pallium chính thức cho các Tổng Giám Mục Chính Tòa từ nay trở đi sẽ diễn ra tại các giáo phận của vị Tổng Giám Mục chứ không phải ở Vatican như trước.

Sứ thần Tòa Thánh hay Khâm Sứ Tòa Thánh sẽ bàn thảo với vị Tổng Giám Mục ngày giờ và, hoàn cảnh hợp lý nhất để “công khai và chính thức” trao dây Pallium cho ngài nhân danh Đức Thánh Cha với sự tham dự của các giám mục trong các giáo phận thuộc về giáo tỉnh; và cộng đoàn tín hữu địa phương.

Giờ đây Đức Thánh Cha làm dấu thánh giá bắt đầu buổi lễ.

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen

Rồi ngài gởi lời chào Phụng Vụ đến cộng đoàn.

Đức Hồng Y trưởng đẳng Phó tế xướng danh các vị Tổng Giám Mục trưởng giáo tỉnh và nói: “Kính lậy Đức Thánh Cha, các Tổng Giám Mục đáng kính hiện diện nơi đây tỏ lòng tôn kính trung thành và vâng phục lên Đức Thánh Cha và Tông Tòa, khiêm nhường kính xin Đức Thánh Cha trao cho các ngài Dây Pallium, lấy từ Mộ Thánh Phêrô, như dấu chỉ quyền Tổng Giám Mục đứng đầu Giáo Tỉnh, trong niềm hiệp thông với Giáo Hội Roma và được bổ nhiệm cách hợp pháp trong Giáo Tỉnh của mình”.

Tiếp theo đó các Tổng Giám Mục xướng tên mình và tên Giáo Phận và tuyên thệ trước mặt Đức Thánh Cha và cộng đoàn như sau: “Tôi... Tổng Giám Mục Giáo Phận... sẽ luôn luôn trung thành và tuân phục Thánh Phêrô Tông Đồ, Giáo Hội tông truyền Roma, Đức Thánh Cha là Giáo Hoàng, và các Đấng kế vị cách hợp pháp của Đức Thánh Cha. Và xin Thiên Chúa toàn năng trợ giúp con”.

Đức Thánh Cha đọc lời nguyện làm phép Dây Pallium: “Lậy Thiên Chúa là Mục tử đời đời của các linh hồn mà Chúa đã kêu gọi, nhờ Con Chúa, Đức Giêsu Kitô, như là các con chiên của đoàn chiên và việc chăn dắt đoàn chiên này được trao phó - dưới hình ảnh Chúa Chiên Lành - cho thánh Phêrô và các Đấng kế vị Người, qua thừa tác vụ của chúng con, xin Chúa đổ tràn đầy ân sủng đem lại phúc lành của Chúa trên các Dây Pallium này, được chọn để biểu hiệu cho thực tại săn sóc mục vụ.

Xin Chúa nhân từ thương chấp nhận lời cầu nguyện chúng con khiêm nhường dâng lên Chúa, nhờ công nghiệp và lời khẩn cầu của các Thánh Tông Đồ mà ban cho những người do ân lộc Chúa, sẽ đeo các Dây Pallium này để họ ý thức nhận ra mình là Mục Tử coi sóc đoàn chiên Chúa, và để họ thực hành trong cuộc sống ý nghĩa của biểu hiệu này.

Xin cho các Ngài nhận lấy ách Phúc Âm trên vai và xin cho ách này trở nên nhẹ nhàng êm dịu để các ngài có thể bước đi trước đoàn chiên trong việc thực thi các giới răn của Chúa, với gương sáng trung kiên cho tới khi đáng được đưa vào các đồng cỏ vĩnh cửu của Nước Chúa. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

Thánh lễ được tiếp tục với kinh Thương Xót và Kinh Vinh Danh.

Xin Chúa thương xót chúng con

Chúa Kitô thương xót chúng con

Xin Chúa thương xót chúng con

Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm. Chúng con ca ngợi Chúa, chúng con chúc tụng Chúa, chúng con thờ lạy Chúa, chúng con tôn vinh Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa, lạy Chúa là Thiên Chúa, là Vua trên trời, là Chúa Cha toàn năng. Lạy Con một Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô. Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Chiên Thiên Chúa, là Con Ðức Chúa Cha, Chúa xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con, Chúa xóa tội trần gian, xin nhậm lời chúng con cầu khẩn. Chúa ngự bên hữu Ðức Chúa Cha, xin thương xót chúng con. Vì lạy Chúa Giêsu Kitô, chỉ có Chúa là Ðấng Thánh, chỉ có Chúa là Chúa, chỉ có Chúa là Ðấng Tối Cao, cùng Ðức Chúa Thánh Thần trong vinh quang Ðức Chúa Cha. Amen.

Bài Ðọc I: Cv 12, 1-11

“Bây giờ tôi biết thật Chúa đã cứu tôi khỏi tay Hêrôđê”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, vua Hêrôđê làm khổ mấy người trong Hội thánh. Ông đã dùng gươm giết Giacôbê anh của Gioan. Ông thấy việc ấy đẹp lòng người Do-thái, nên lại cho bắt cả Phêrô. Bấy giờ là ngày lễ Bánh Không Men. Bắt được người, vua cho tống ngục, giao cho bốn đội binh, mỗi đội bốn người canh giữ, có ý đợi sau lễ Vượt Qua, sẽ điệu người ra cho dân. Phêrô bị giam trong ngục, nhưng Hội thánh vẫn luôn luôn cầu nguyện cùng Chúa cho người. Ðến khi vua Hêrôđê sắp điệu người ra, thì đêm ấy, Phêrô phải mang xiềng xích, nằm ngủ giữa hai tên lính, và có quân canh giữ trước cửa ngục. Bỗng có thiên thần Chúa đứng kề bên, một luồng ánh sáng chiếu giãi vào ngục; thiên thần đập vào cạnh sườn Phêrô, đánh thức người dậy mà rằng: “Hãy chỗi dậy mau”. Xiềng xích liền rơi khỏi tay người. Thiên thần bảo người rằng: “Hãy thắt lưng và mang giày vào”. Người làm y như vậy. Thiên thần lại bảo rằng: “Hãy khoác áo vào mà theo ta”.

Người liền đi ra theo thiên thần, mà chẳng biết việc thiên thần làm có thật chăng, người tưởng như trong giấc mộng. Qua khỏi chặng thứ nhất và chặng thứ hai, thì đến cửa sắt thông ra thành. Cửa ấy tự nhiên mở ra. Thiên thần và Phêrô rảo qua một phố nọ, rồi thiên thần biến đi. Phêrô hoàn hồn và nói rằng: “Bây giờ tôi biết thật Chúa đã sai thiên thần cứu tôi khỏi tay Hêrôđê và khỏi mọi âm mưu của dân Do-thái”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9

Ðáp: Chúa đã cứu tôi khỏi điều lo sợ (c. 5b).

Xướng: 

1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc; miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. - 

Chúa đã cứu tôi khỏi điều lo sợ

2) Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi điều lo sợ. 

Chúa đã cứu tôi khỏi điều lo sợ.

3) Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. 

Chúa đã cứu tôi khỏi điều lo sợ.

4) Thiên Thần Chúa hạ trại đồn binh chung quanh những người sợ Chúa và bênh chữa họ. Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; phúc đức ai tìm nương tựa ở nơi Người. – 

Chúa đã cứu tôi khỏi điều lo sợ.

Bài Ðọc II: 2 Tm 4, 6-8. 17-18

“Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, phần cha, cha đã già yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi. Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin. Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha. Và trong ngày đó, Chúa là Ðấng phán xét chí công sẽ trao lại cho cha mũ triều thiên ấy, nhưng không phải cho cha mà thôi, mà còn cho những kẻ yêu mến trông đợi Người xuất hiện. Nhưng có Chúa phù hộ giúp sức cho cha, để nhờ cha, việc giảng đạo nên trọn, và tất cả Dân Ngoại được nghe giảng dạy: và cha đã thoát được khỏi miệng sư tử. Nguyện cho Người được vinh quang muôn đời. Amen.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 16, 18

Alleluia, alleluia! - Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 16, 13-19

“Con là Ðá, Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”.

Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Các bài đọc chúng ta vừa nghe liên kết chúng ta với Truyền thống tông đồ. Truyền thống đó “không phải là sự truyền tải những vật thể hay lời nói, một thứ không còn sức sống; nhưng đó là một dòng chảy sống động nối kết chúng ta với những nguồn gốc, một dòng chảy sống động trong đó những nguồn gốc này luôn hiện diện” và đem lại cho chúng ta chìa khóa Nước Trời. Truyền thống tuy cổ xưa nhưng luôn mới, mang lại cho chúng ta sự sống, và đổi mới niềm vui của Tin Mừng. Nó cho phép chúng ta tuyên xưng trên đôi và trong trái tim mình: “‘Chúa Giêsu Kitô là Chúa’, để tôn vinh Chúa Cha”.

Toàn bộ Tin Mừng là câu trả lời cho câu hỏi khắc khoải trong lòng dân Israel và ngày nay cũng hiện diện trong con tim của tất cả những người khát khao sự sống: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”. Chúa Giêsu dùng câu hỏi đó để hỏi các môn đệ mình: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” 

Thánh Phêrô lên tiếng và gọi Chúa Giêsu bằng danh xưng vĩ đại nhất mà thánh nhân có thể nghĩ ra: “Thầy là Đấng Kitô”, Đấng được xức dầu, Đấng thánh của Thiên Chúa. Thật chính đáng khi nghĩ rằng Chúa Cha đã linh hứng cho thánh nhân trong câu trả lời này bởi vì Thánh Phêrô đã từng thấy cách Chúa Giêsu “xức dầu” cho dân Ngài. Chúa Giêsu, Đấng được xức dầu, đã lang thang từ làng này sang làng khác với mục đích duy nhất là cứu giúp những ai bị xem là lạc lối. Ngài “xức dầu” kẻ chết, bệnh nhân, những người bị thương, và những người ăn năn hối lỗi. Ngài xức dầu hy vọng. Nhờ sự xức dầu đó, mọi tội nhân - kẻ bị quỷ ám, những người tàn tật, ngoại giáo, bất kể xuất thân từ đâu - đều có thể cảm thấy mình là một phần đáng yêu quý trong gia đình Thiên Chúa. Qua những hành động của Người, Chúa Giêsu đã nói một cách rất cá vị với từng người: “Bạn là của tôi”. Như Thánh Phêrô, chúng ta cũng có thể tuyên xưng trên môi và trong trái tim mình không chỉ những gì chúng ta đã được nghe, mà còn cả những kinh nghiệm cụ thể chúng ta đã từng thấy trong cuộc sống. Chúng ta cũng đã được tái sinh, được chữa lành, được canh tân và tràn đầy hy vọng nhờ sự xức dầu của Đấng Thánh. Nhờ sự xức dầu đó, mọi ách nô lệ đã bị đập tan. Làm sao chúng ta có thể quên ký ức hân hoan khi thấy mình được cứu chuộc và điều đó dẫn chúng ta đến việc tuyên xưng rằng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Thật thú vị khi thấy những gì diễn ra tiếp theo sau đoạn Tin Mừng trong đó Thánh Phêrô tuyên xưng đức tin của ngài: “Từ lúc đó, Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.”. Đấng được Thiên Chúa xức dầu tiếp tục mang tình thương và lòng thương xót của Chúa Cha đến tận cùng. Tình yêu thương xót này cũng đòi hỏi chúng ta phải đi đến mọi ngóc ngách của cuộc sống, để tiếp cận với mọi người, bất kể điều này có thể khiến chúng ta phải trả giá bằng “danh thơm tiếng tốt”, tiện nghi, địa vị… thậm chí là tử đạo.

Phêrô phản ứng với một lời tuyên bố hoàn toàn bất ngờ khi nói rằng: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!”. Như thế, thánh nhân ngay lập tức trở thành một hòn đá chướng ngại trên con đường của Đấng Mết-si-a. Khi tưởng mình đang bênh vực những quyền của Chúa, Phêrô không nhận ra mình lại biến thành kẻ thù của Chúa; nên Chúa Giêsu mắng ông là “Satan”. Chiêm niệm về cuộc đời của Phêrô và lời tuyên xưng đức tin của ông cũng có nghĩa là học cách nhận ra những cám dỗ bám theo cuộc đời của mọi môn đệ Chúa. Giống như Phêrô, chúng ta với tư cách là một Giáo hội sẽ luôn bị cám dỗ khi nghe những “tiếng thì thầm” của Ma Qủy, để trở thành một hòn đá chướng ngại cho sứ vụ. Tôi nói “thì thầm” bởi vì ma quỷ âm thầm quyến rũ, vì e rằng ý định của nó bị nhận ra. “Nó cư xử như một kẻ đạo đức giả, muốn ẩn mình và không bị khám phá”.

Trái lại, thông phần vào việc xức dầu của Chúa Kitô, có nghĩa là chia sẻ trong vinh quang của Chúa, đó là thập tự giá của Ngài: Lạy Cha, xin làm vinh danh Con Cha.. Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha”. Trong Chúa Giêsu, vinh quang và thập giá sánh bước bên nhau, không thể tách rời. Khi ta quay lưng với thập giá, cho dù chúng ta có đạt đến những đỉnh cao của vinh quang, chúng ta cũng chỉ tự lừa dối mình mà thôi, bởi lẽ thứ vinh quang ấy không phải là vinh quang của Thiên Chúa, nhưng là nanh vuốt của kẻ thù.

Thường thì chúng ta cảm thấy cám dỗ muốn trở thành một Kitô hữu nhưng lại muốn giữ một khoảng cách thận trọng với những vết thương của Chúa. Chúa Giêsu chạm vào sự đau khổ của con người và Ngài yêu cầu chúng ta tham gia cùng Ngài trong việc chạm vào thân xác đau khổ của những người khác. Để có thể tuyên xưng đức tin của chúng ta bằng cả đôi môi và trái tim mình, chúng ta - giống như Phêrô – phải học cách nhận ra những “tiếng thì thầm” của ma qủy. Chúng ta phải học cách phân định và nhận ra những “chiêu bài” của cá nhân và tập thể đang làm chúng ta xa lánh những thảm kịch thực sự của con người, đang ngăn chặn chúng ta tiếp xúc với cuộc sống cụ thể của tha nhân, và chung cuộc, không để chúng ta nhận ra sức mạnh cách mạng trong tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa.

Khi không tách biệt vinh quang khỏi thập giá, Chúa Giêsu muốn giải phóng các môn đệ và Giáo Hội của Ngài khỏi những hình thái huêng hoang trống rỗng: những hình thái trống rỗng trong yêu thương, phục vụ, từ bi, không có chỗ cho con người. Chúa muốn giải phóng Giáo Hội khỏi một ảo tưởng bao la không đâm rễ sâu nơi đời sống của dân Chúa, hoặc tệ hơn nữa, là não trạng cho rằng phụng sự Chúa là thoát ly khỏi những con đường bụi bặm của lịch sử. Chiêm ngắm và bước theo Chúa đòi chúng ta phải mở rộng tâm hồn cho Chúa Cha và cho tất cả những ai mà Chúa muốn đồng hóa với họ trong niềm xác tín rằng Chúa không bỏ rơi dân Ngài.

Anh chị em thân mến, 

Hàng triệu người tiếp tục đặt ra câu hỏi Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”. Chúng ta hãy tuyên xưng trên môi và trong con tim mình rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa. Đây chính là bài bình ca chúng ta được mời gọi xướng lên hàng ngày trong sự đơn sơ, xác tín và vui mừng được biết rằng “Giáo Hội rạng ngời không phải bằng ánh sáng riêng của mình nhưng bằng ánh sáng của Chúa Kitô. Ánh sáng của Giáo Hội được kín múc từ Mặt Trời Công chính, để Giáo Hội có thể công bố rằng: “Không còn là tôi sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” 

Lời nguyện giáo dân trong lễ kính hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ 

Anh chị em thân mến, được củng cố bởi chứng tá của các thánh Tông Đồ, giờ đây chúng ta hãy hướng về Chúa Cha, là Đấng ban phát mọi ân sủng tuyệt hảo.

Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện.

Lạy Chúa, xin nhận lời chúng con.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và cho tất cả các Giám Mục trong Giáo Hội.

Lạy Chúa, là Cha chúng con, Chúa là Đấng Toàn năng và Thánh thiện, xin bảo vệ các ngài trong đức tin và đức ái và giúp các ngài nên giống Chúa Kitô Đấng Chăn Chiên Lành hơn bao giờ.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo các dân nước và cho các dân tộc được giao phó cho họ.

Lạy Chúa, là Cha chúng con, Chúa là chủ tể của lịch sử, xin hướng dẫn họ trong việc tìm kiếm những gì là tốt đẹp thực sự cho mỗi người và trong việc xây dựng nền văn minh tình thương.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho ơn thiên triệu.

Lạy Chúa, là Cha chúng con, Chúa quan phòng chăm sóc mùa gặt của Giáo Hội, xin luôn ban cho các chúng con các tư tế xứng đáng và những người phân phát quảng đại lòng thương xót của Ngài.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong Giáo Hội.

Lạy Chúa, là Cha chúng con, là nguồn mạch bất tận của đức ái, xin nuôi dưỡng nơi tất cả những ai đã được chịu phép Rửa lòng ao ước nên thánh và dấn thân sống trong tình huynh đệ và hiệp thông.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho những kẻ tội lỗi và những người không tin.

Lạy Chúa, là Cha chúng con, Đấng chậm bất bình và giàu tình yêu thương, xin quy tụ những con cái tản mác của Cha vào vòng tay Cha để chúng có thể trở thành một đàn chiên duy nhất của cùng một chủ chiên. 

Đức Thánh Cha kết thúc lời nguyện giáo dân như sau:

Lạy Cha, là Đấng thông qua việc rao giảng và chứng tá của hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, đã truyền bá Tin Mừng trên toàn thế giới, xin Cha canh tân nơi thế giới hôm nay sự trầm trồ kinh ngạc trước tình yêu của Cha nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Liên hệ

Tinvuiviet.net kính chào Quý vị và các bạn. Chúng tôi luôn mong nhận được bài vở cộng tác của mọi người. Xin cám ơn.   Liên hệ: Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: bbttinvui@gmail.com. Chân thành cảm ơn Quý vị và các bạn đã ghé thăm site. Kính chúc Quý vị và các...

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Chúng ta nên làm gì để nhiều người biết Thiên Chúa hơn ?

Cầu nguyện.

Đi lễ.

Sống bác ái.

Loan báo Tin Mừng.

Chu toàn nhiệm vụ hằng ngày.