www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
05:46 CDT Thứ năm, 28/03/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 65

Máy chủ tìm kiếm : 13

Khách viếng thăm : 52


Hôm nayHôm nay : 4111

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 831805

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 19053000

Trang nhất » Tin Tức » Tin Tức » Tôn Giáo

Video: Đức Thánh Cha cử hành nghi thức tưởng niệm cuộc thương khó Chúa ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 14/04/2017

Thứ bảy - 15/04/2017 11:56
Thứ Sáu Tuần Thánh

Thứ Sáu Tuần Thánh

Đức Thánh Cha Phanxicô đang nằm phủ phục trước bàn thờ chính trong Đền Thờ Thánh Phêrô. Lúc này là 5 giờ chiều ngày thứ Sáu 14 tháng Tư.

Trước sự hiện diện của gần 9 ngàn tín hữu, hơn 40 Hồng Y và 50 Giám Mục trong giáo triều Rôma, Đức Thánh Cha đang nằm sấp mình trong thinh lặng.

Giờ đây, Đức Thánh Cha mở đầu buổi cử hành với lời nguyện, xin Chúa nhớ lại lòng từ bi và đoái thương, bảo vệ gia đình mà Chúa Kitô, Con Chúa, đã khai mạc mầu nhiệm vượt qua cho họ trong máu của Người.


Giờ đây cộng đoàn đang lắng nghe bài Thương Khó.

Sau bài Thương Khó, Cha Raniero Cantalamessa, dòng Capuchino, Giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng đã trình bày bài chia sẻ của ngài.

Ngài nói:

“O CRUX, AVE SPES UNICA”

Hỡi thánh giá, nguồn hy vọng duy nhất của thế giới

Chúng ta đã lắng nghe câu chuyện về Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô. Có vẻ không có gì khác hơn so với bài tường thuật về một cái chết thảm khốc, và tin tức liên quan đến những cái chết tàn bạo như thế không hề thiếu trong các bản tin buổi tối. Cả trong những ngày này cũng có rất nhiều, trong đó có tin về 38 người Kitô hữu Coptic ở Ai Cập bị thiệt mạng hôm Chúa Nhật Lễ Lá. Những loại tin tức như thế nối tiếp nhau với một tốc độ dày đặc đến mức chỉ một ngày sau là chúng ta quên mất đi những tin của một ngày trước đó. Vậy thì tại sao chúng ta lại ở đây để tưởng nhớ cái chết của một người đàn ông sống cách đây 2,000 năm? Lý do là vì cái chết này đã mãi mãi thay đổi chính bộ mặt của sự chết và mang đến cho nó một ý nghĩa mới. Chúng ta hãy suy tư một lúc về điều này.

“Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19: 33-34). Vào đầu sứ vụ của mình, để trả lời cho những kẻ hỏi Người lấy quyền gì mà đuổi các lái buôn khỏi đền thờ, Chúa Giêsu đáp: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” (Ga 2:19). Bình luận về câu chuyện này, Thánh Gioan nói “Đền Thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người” (Ga 2:21), và giờ đây cũng vị Thánh Sử ấy đã làm chứng rằng máu và nước tuôn đổ từ cạnh sườn của ngôi đền bị “phá hủy” này. Đó là một sự ám chỉ rõ ràng cho lời tiên tri của Ezekiel về một ngôi đền thờ trong tương lai của Thiên Chúa, với một tia nước đã vọt ra, rồi trở thành một suối, rồi thành con sông lớn tàu bè di chuyển được và quanh đó mọi hình thức sự sống tươi nở (Ez 47,1ff).

Nhưng chúng ta hãy đi sâu hơn vào nguồn gốc của “những con sông nước hằng sống” (Ga 7:38) đến từ trái tim bị đâm qua của Chúa Kitô. Trong sách Khải Huyền, người môn đệ được Chúa Giêsu yêu viết, “giữa ngai và bốn Con Vật, giữa các vị Kỳ Mục, một Con Chiên, trông như thể đã bị giết” (Kh 5: 6). Bị giết, nhưng đang đứng, có nghĩa là, bị đâm nhưng sống lại và vẫn sống.

Giờ đây giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và thế giới này, có một trái tim nhân loại đang đập không chỉ một cách ẩn dụ nhưng là thực sự về thể lý. Nếu Đức Kitô, trên thực tế, đã chỗi dậy từ cõi chết, thì thánh tâm Ngài cũng đã được nâng dậy từ trong kẻ chết; trái tim ấy sống động như phần còn lại của cơ thể Ngài, trong một chiều kích khác so với trước đây, một chiều kích thực tế, ngay cả khi đó là mầu nhiệm. Nếu Chiên Con còn sống đang ở trên trời, “bị giết, nhưng vẫn đứng”, thì trái tim của Ngài chia sẻ cùng một trạng thái đó; đó là một trái tim bị đâm thâu qua nhưng vẫn sống – dù mãi mãi bị đâm thâu qua, chính vì Người hằng sống đến muôn đời.

Hiện đã có một cụm từ được tạo ra để mô tả chiều sâu của cái ác có thể tích tụ trong trái tim của nhân loại, đó là “cái tâm của bóng tối.” Sau sự hy sinh của Chúa Kitô, cái tâm của ánh sáng trên thế giới còn đập mạnh hơn cái tâm của bóng tối. Chúa Kitô, trên thực tế, đã về trời, nhưng Người không từ bỏ thế gian, như Người đã không hề từ bỏ Thiên Chúa Ba Ngôi khi xuống thế làm người.

Một lời ca nhập lễ trong Phụng Vụ Giờ Kinh nói: “Kế hoạch của Chúa Cha” giờ đã được hoàn thành khi “biến Chúa Kitô thành trái tim của thế giới.” Điều này giải thích sự lạc quan không thể lay chuyển của Kitô giáo đã làm một nhà thần bí thời Trung cổ thốt lên rằng điều đáng để được mong đợi là “cần phải có tội lỗi; nhưng tất cả sẽ tốt đẹp, hết tất cả sẽ tốt đẹp, và tất cả mọi thứ sẽ ra tốt đẹp” (Julian thành Norwich).

* * *

Các tu sĩ dòng Carthusia đã chọn một huy hiệu đặt ở lối vào các tu viện của họ, trong các tài liệu chính thức, và trong các trường hợp khác. Huy hiệu này bao gồm một quả địa cầu có hình thánh giá bên trên với dòng chữ xung quanh nói rằng, “Stat crux dum volvitur Orbis” (nghĩa là “Thánh giá đứng vững trong khi trái đất quay cuồng”).

Thánh giá đại diện cho những gì nơi điểm cố định này, nơi cột buồm chính này của con tàu thế giới đang chập chùng trong sóng nước? Đó là tiếng nói “không” dứt khoát và không thể đảo ngược được của Thiên Chúa đối với bạo lực, bất công, thù hận, và dối trá – đối với tất cả những gì được gọi là “sự ác”, và cũng đồng thời là tiếng nói “có” cũng không thể đảo ngược của Ngài đối với tình yêu, sự thật, và sự tốt lành. “Không” đối với tội lỗi, “có” đối với các tội nhân. Đó là những gì Chúa Giêsu đã thực hiện trong suốt cuộc đời Người và giờ đây Ngài thánh hiến một cách chung cuộc qua cái chết của Người.

Lý do cho sự khác biệt này là rõ ràng: những người tội lỗi là những thụ tạo của Thiên Chúa bảo tồn được phẩm giá của họ, bất chấp tất cả những khuyết điểm của họ; ngoại trừ tội lỗi; tội lỗi là một thực tại gian trá được thêm vào, như một hậu quả của đam mê và của “sự ghen tị ma quỷ” (Kn 2:24). Đó cũng là một lý do mà Ngôi Lời, khi nhập thể, đã mặc lấy tất cả tính loài người, ngoại trừ tội lỗi. Người trộm lành mà Chúa Giêsu hứa thiên đường cho anh, là một thí dụ sống động cho tất cả điều này. Đừng có ai từ bỏ hy vọng của mình; đừng có ai nói như Cain, “tội lỗi của tôi quá lớn để có thể được tha thứ” (xem Sáng Thế 4:13).

Như thế, thánh giá, không “đứng” đó để chống lại thế gian nhưng là vì thế gian: để mang lại ý nghĩa cho tất cả những đau khổ đã từng là, đang là, và sẽ là trong lịch sử nhân loại. Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng, “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.”(Ga 3:17). Thánh giá là lời công bố sống động rằng chiến thắng cuối cùng không thuộc về những kẻ chiến thắng người khác nhưng thuộc về những ai chiến thắng chính mình; chiến thắng không thuôc về những kẻ gây ra đau khổ nhưng thuộc về những ai chịu khổ đau.

* * *

“Dum volvitur Orbis,” khi thế giới quay cuồng. Lịch sử nhân loại đã chứng kiến bao nhiêu những đổi dời từ thời này sang thời khác; chúng ta nói về thời kỳ đồ đá, thời đại đồ đồng, thời đồ sắt, thời của đế quốc, thời nguyên tử, và thời đại điện tử. Nhưng hôm nay có cái gì đó mới. Ý tưởng về một quá trình chuyển đổi không còn đủ để mô tả tình hình hiện tại của chúng ta. Cùng với ý tưởng về một sự đổi thay, ta cũng phải nói đến ý tưởng về một sự tan loãng. Người ta nói rằng chúng ta đang sống trong một “xã hội hóa lỏng” – liquid society. Nghĩa là không còn bất kỳ cái gì là cố định, không còn bất kỳ giá trị nào không thể tranh cãi, không còn bất cứ đá tảng nào giữa biển đời mà chúng ta có thể bám víu hay va chạm. Mọi thứ đều thay đổi liên tục.

Giả thuyết tồi tệ nhất mà triết gia đã dự đoán như là hiệu ứng về cái chết của Thiên Chúa đã trở thành hiện thực, trong đó sự ra đời của một thứ siêu người cần phải được ngăn chặn nhưng đã không ngăn chặn được: “Chúng ta đã làm gì khi chúng ta dời trái đất này xa dần khỏi mặt trời của nó? Trái đất di chuyển? hay chúng ta di chuyển? Xa tất cả mặt trời sao? Chúng ta có không hấp tấp với những thay đổi không ngừng này không? Đi ngược lại, sang một bên, hay theo mọi hướng? Có còn điều gì ở trên và ở dưới không? Chúng ta có lạc lối không trong cõi hư vô bất tận này? “(Nietzsche, Gay Science, aphorism 125).

Người ta thường nói rằng “giết chết Thiên Chúa là vụ tự tử khủng khiếp nhất”, và đó là một phần những gì chúng ta đang thấy. Jean-Paul Sartre không đúng khi cho rằng “nơi nào Thiên Chúa sinh ra, thì con người chết”. Điều ngược lại mới là đúng: nơi Thiên Chúa chết, con người chết theo.

Một nghệ sĩ siêu thực thuộc hậu bán thế kỷ trước là Salvador Dalí đã vẽ một cây thánh giá có vẻ như một một lời tiên tri về tình trạng này. Bức tranh mô tả một thánh giá rất lớn với Chúa Kitô lớn không kém đang nhìn từ trên cao, đầu Ngài ngục xuống. Tuy nhiên, bên dưới Ngài, không phải là đất nhưng là nước. Đấng chịu đóng đinh không được treo lơ lửng giữa trời và đất nhưng giữa trời và các thành phần chất lỏng của trái đất.

Hình ảnh này (cũng có hậu cảnh là các đám mây ám chỉ một đám mây nguyên tử) tuy bi thảm vẫn chứa đựng một sự chắc chắn đầy an ủi: có hy vọng ngay cả đối với một xã hội lỏng như xã hội của chúng ta! Có hy vọng bởi vì trên đó là “thập giá Chúa Kitô đang đứng.” Đây là những gì chúng ta lặp lại hàng năm trong phụng vụ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh những lời của nhà thơ Venanzio Fortunato: “O Crux, spes ave Unica”, “Hỡi Thánh Giá, hy vọng duy nhất của chúng ta.”

Vâng, Thiên Chúa đã chết, ấy là chết ở nơi Con Ngài Chúa Giêsu Kitô; nhưng Ngài không ở lại trong ngôi mộ, Ngài đã chỗi dậy. “Anh em đã đóng đinh và giết chết Ngài,” Phêrô hét lên với đám đông vào ngày Lễ Ngũ Tuần, “Nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại” (xem Công Vụ Tông Đồ 2: 23-24). Ngài là một trong số những người “chết nhưng bây giờ Người sống muôn đời” (xem Kh. 1:18). Thánh giá không “đứng” bất động ở giữa những biến động trên thế giới này như một sự nhắc nhở về một sự kiện trong quá khứ hay chỉ đơn thuần là một biểu tượng; thánh giá là một thực tế đang diễn ra, đang sống và hoạt động.

* * *

Tuy nhiên, chúng ta sẽ làm cho phụng vụ cuộc thương khó Chúa thành vô nghĩa, nếu chúng ta dừng lại, giống như các nhà xã hội học, khi họ phân tích xã hội mà chúng ta đang sống. Chúa Kitô đã không đến để giải thích chuyện này chuyện nọ nhưng là để thay đổi nhân loại. Con tim của bóng tối không chỉ thuộc về những con người gian ác ẩn sâu trong rừng, cũng không phải chỉ là sản phẩm do xã hội phương Tây sản sinh ra. Nó nằm trong mỗi người chúng ta với những mức độ khác nhau.

Kinh Thánh gọi đó là một trái tim bằng đá: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt.” (Ezekiel 36:26). Một trái tim bằng đá là một trái tim đóng kín với thánh ý Chúa và sự đau khổ của anh chị em, là trái tim của một người chỉ biết tích lũy bạc tiền vô giới hạn tiền và thờ ơ trước sự tuyệt vọng của những người không có dù chỉ là một ly nước cho con mình; đó cũng là trái tim của những ai để cho bản thân mình hoàn toàn bị chi phối bởi những đam mê nhơ bẩn và sẵn sàng giết người vì niềm đam mê ấy hay sẵn sàng để sống một cuộc sống hai mặt. Khi không giữ cho tim mình biết hướng về tha nhân, chúng ta không thể mô tả trái tim của chúng ta là một quả tim của một thừa tác viên của Chúa hay của một người tín hữu Kitô thực hành đạo, nếu như chúng ta tiếp tục sống về cơ bản là “cho chính chúng ta”, chứ không phải là “cho Chúa”.

Có lời chép rằng “Bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung đá vỡ. Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy.” (Mt 27:51-52) Những dấu hiệu này thường được giải thích như là những dấu chỉ của ngày tận thế; như thể nó là ngôn ngữ biểu tượng cần thiết để mô tả các sự kiện mang tính cánh chung. Những dấu hiệu này còn có một ý nghĩa khích lệ: chúng chỉ ra những gì nên xảy ra ở trong lòng một người đọc và suy niệm về Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô. Trong một buổi cử hành phụng vụ như buổi cử hành ngày hôm nay, Thánh Lêô Cả nói với các tín hữu, “Trái đất – tức là bản tính con người của chúng ta - nên run rẩy trước sự đau khổ của Đấng Cứu Chuộc nó. Những tảng đá – là con tim của những người không tin- nên bật tung ra thành từng mảnh. Người chết, bị giam cầm trong mồ mả tử vong của họ, nên bước ra, vì giờ đây những tảng đá khổng lồ đã vỡ nát” (Bài giảng 66, 3; PL 54, 366).

Trái tim bằng thịt, được Chúa hứa ban qua các ngôn sứ, giờ đây hiện diện trên thế giới: đó là trái tim của Chúa bị lưỡi đòng đâm thâu qua trên thánh giá, là trái tim mà chúng ta tôn sùng là “Thánh Tâm”. Khi lãnh nhận Thánh Thể, chúng ta xác tín rằng trái tim Người cũng ngự đến và đập bên trong chúng ta nữa. Khi chúng ta ngước nhìn lên thánh giá, chúng ta hãy nói từ tận đáy lòng chúng ta, như người thu thuế trong đền thờ, “Lạy Chúa, xin thương xót tôi là kẻ có tội!” Và khi đó chúng ta, cũng như ông, trở về nhà “được công chính hóa” (Lc 18: 13-14).

Lễ nghi được tiếp nối với 10 lời nguyện cho các nhu cầu của Công Giáo và mọi thành phần trong nhân loại. Kế đến là nghi thức tôn thờ Thánh Giá và phần hiệp lễ. 

Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh không phải là một Thánh Lễ, do đó Thánh Thể không được thánh hiến. Tuy nhiên, Mình Thánh Chúa đã được trao cho các tín hữu bởi hàng chục linh mục. Sau khi Đức Giáo Hoàng đọc lời chúc bình an, phụng vụ đã kết thúc trong im lặng theo như là truyền thống Phụng Vụ của Giáo Hội trong ngày thứ Năm và thứ Sáu Tuần Thánh.

Nguồn tin: vietcatholic

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Liên hệ

Tinvuiviet.net kính chào Quý vị và các bạn. Chúng tôi luôn mong nhận được bài vở cộng tác của mọi người. Xin cám ơn.   Liên hệ: Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: bbttinvui@gmail.com. Chân thành cảm ơn Quý vị và các bạn đã ghé thăm site. Kính chúc Quý vị và các...

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Trong Mùa Chay bạn làm gì để tỏ lòng sám hối ?

Ăn chay. Hãm mình.

Bác ái, chia sẻ.

Hoán cải đời sống, đi xưng tội.

Năng tham dự thánh lễ.

Cầu nguyện nhiều hơn.