www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
04:42 CDT Thứ năm, 28/03/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 65

Máy chủ tìm kiếm : 9

Khách viếng thăm : 56


Hôm nayHôm nay : 2985

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 830679

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 19051874

Trang nhất » Tin Tức » Tin Tức » Tôn Giáo

Video: Phóng sự đặc biệt lễ tuyên thánh cho 4 vị Chân Phước ngày 17 tháng 5, 2015

Thứ tư - 20/05/2015 16:55
Lễ Phong Thánh

Lễ Phong Thánh

Tường thuật lễ tuyên thánh cho 4 vị Chân Phước Jeanne Emilie de Villeneuve, Maria Cristina của Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Marie Alphonsine Danil Ghattas, và Maria Baouardy của Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Quý vị và anh chị em đang theo dõi lễ tuyên thánh cho 4 vị Chân Phước Jeanne Emilie de Villeneuve, Maria Cristina của Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Marie Alphonsine Danil Ghattas, và Maria Baouardy của Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh diễn ra tại trước tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 10h sáng ngày 17 tháng Năm năm 2015.

Kính thưa quý vị và anh chị em,



Niên trưởng ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh là Đại Sứ Jean-Claude Michel của Tiểu vương quốc Monaco đang hướng dẫn Tổng thống Palestine, Ông Mahmoud Abbas vào hàng ghế danh dự bên cạnh lễ đài.

Cả 4 vị Chân Phước được tuyên thánh hôm nay đều là các nữ tu hoạt động trong ngành giáo dục. Hình của các vị được treo trên mặt tiền Đền thờ Thánh Phêrô. 

Giờ đây, Đức Thánh Cha đang tiến ra lễ đài cùng với 30 Hồng Y, 90 Giám Mục, trong đó có cả các Giám Mục thuộc các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương tại Giêrusalem, và rất đông các linh mục, trước sự hiện diện của đông đảo các tín hữu, trong đó có một phái đoàn gồm hơn 2000 tín hữu đến từ Palestine do Đức Giám Mục William Shomali, thuộc Tòa Thượng phụ Công Giáo Latinh Giêrusalem hướng dẫn.

Ca đoàn nhà nguyện Sistina đang hát bài Dio Regna, esulti la terra với những lời như:

Chúa là Vua, trái đất hãy mừng vui, alleluia, alleluia.

Ơn cứu độ, vinh quang và quyền năng thuộc về Chúa, alleluia.

Ngài xét xử công minh và chính trực, alleluia. 

Hãy ca tụng Chúa đi hỡi chư dân.

Ngoài phái đoàn Palestine còn có các đoàn đại biểu chính thức của Pháp, Ý, Israel và Jordan.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Thánh Cha làm dấu bắt đầu thánh lễ.

Ngay sau khi Đức Thánh Cha gởi lời chào đầu lễ đến cộng đoàn, bài Veni, Creator Spiritus. Thánh Thần khấn xin ngự xuống đã được cất lên để xin Thánh Thần Chúa soi sáng cho tâm trí chúng ta và Chúa Kitô không để cho Giáo Hội của mình phạm sai lầm trong một vấn đề có tầm quan trọng như thế này.

Giờ đây, Đức Hồng Y Angelo Amato, tổng trưởng Thánh Bộ Phong Thánh và các cáo thỉnh viên tiến đến trước Đức Thánh Cha và trình bày tiểu sử các vị tân thánh.

Trọng Kính Đức Thánh Cha, 

Giáo Hội Mẹ Thánh tha thiết khẩn xin Đức Thánh Cha ghi vào sổ bộ các Thánh 4 vị Chân Phước là Jeanne Emilie de Villeneuve, Maria Cristina của Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Marie Alphonsine Danil Ghattas, và Maria Baouardy của Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh để các ngài có thể được kêu cầu như thế bởi tất cả các tín hữu Kitô. 

Rồi ngài lần lượt đọc tiểu sử các vị sắp được tuyên thánh

Thánh Maria Cristina của Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 

Thánh Maria Cristina của Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (tục danh là Adelaide Brando) sinh tại thành phố Naples, bên Ý vào ngày 1 tháng 5 năm 1856, là con gái của ông Brando Giuseppe Giovanni và bà Concetta Marrazzo, và được rửa tội trong cùng ngày sinh tại Nhà thờ Thánh Liborio. Chị đã rước được rước lễ lần đầu vào ngày 08 tháng 12 năm 1864 và vào ngày 25 tháng 12 năm 1868 lúc chỉ mười hai tuổi, chị đã khấn trọn đời đồng trinh. Mong mỏi của chị là trở thành một "nạn nhân" hoàn toàn tận hiến cho Chúa, cũng như một nữ tu dòng Reparatrix [Sœurs de Marie Reparatrice – dòng chiêm niệm và truyền giáo]. Chị cảm thấy ơn gọi đời sống thánh hiến và bày tỏ mong muốn gia nhập dòng các nữ tu Thánh Thể ở Naples. Năm 1856, chị nhận được tu phục và chọn tên là Maria Cristina của Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. 

Chị Maria Cristina thấy nơi Chúa Giêsu Thánh Thể Nạn Nhân muôn đời hy sinh đền tạ và chuộc tội cho nhân loại. Chị cảm thấy vị trí của mình là phải cận kề nhà tạm để tận hiến cho Chúa Giêsu ngự trong Hình Bánh, Đấng biến mình thành nạn nhân để chuộc tội nhân loại đến muôn đời. Giúp đỡ rất nhiều và an ủi chị là Thánh Ludovico da Casoria và vị Tôi Tớ Chúa Michelangelo Longo da Marigliano. Ngày 22 Tháng Mười Một 1884 theo lời mời của Thị Trưởng thành phố Casoria là Canon Domenico Maglione (anh trai của Đức Hồng Y Luigi Maglione, Bộ trưởng Ngoại giao thời Đức Giáo Hoàng Piô XII), chị Maria Cristina Brando chuyển đến cơ sở Maglione tại Casoria với chị em của mình, và sau đó, đến Nhà Mẹ hiện nay tại Via G. D'Anna, nơi chị đã xây dựng một ngôi đền tráng lệ theo phong cách tân Gothic để kính Mình Thánh Chúa. Ngày 16 tháng Tám năm 1903, hội dòng đã chọn tên chính thức là dòng "Các nữ tu Nạn nhân Đền tội của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể." 

Cộng đoàn do chị thành lập chuyên chăm tôn thờ Bí tích Thánh Thể thường xuyên và đề cao việc thờ phượng Thiên Chúa; giáo dục các trẻ em nghèo; dạy giáo lý và giảng dạy văn hóa; chăm sóc trẻ em, và các việc bác ái khác. Chị Maria Cristina đã qua đời vào sáng ngày 20 tháng Giêng Năm 1906 sau khi đã nhận các bí tích sau cùng. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho chị ngày 27 tháng 4 năm 2003.

Thánh Marie Alphonsine Danil Ghattas

Thánh Marie Alphonsine Danil Ghattas sinh tại Giêrusalem vào 04 tháng 10 năm 1843 trong một gia đình đạo hạnh. Chị đã được rửa tội vào ngày 19 tháng Mười Một và được đặt tên là Soultaneh Mary. Sau khi nhận ra ơn gọi đời sống thánh hiến đã trưởng thành trong tâm hồn, chị gia nhập cộng đoàn các Nữ Tu của Thánh Giuse vào năm 1858 và ngày 30 tháng 6 năm 1860, chị đã nhận được tu phục với tên gọi mới là Nữ Tu Marie Alphonsine. Năm 1863, chị khấn trọn. 

Ngày 06 tháng Giêng năm 1874, tại Bethlehem, Đức Trinh Nữ Maria hiện ra với chị lần đầu tiên. Đúng một năm sau, lại xảy ra một cuộc hiện ra lần thứ hai, và Đức Mẹ yêu cầu chị khởi đầu một cộng đoàn các nữ tu mới được gọi là Hội Dòng Rất Thánh Mân Côi. Tháng 7 năm 1880, một số "Nữ Tử Đức Mẹ" còn trẻ, dưới sự hướng dẫn của Cha Tannous, bắt đầu sống cuộc sống cộng đoàn. Thể theo ý muốn của Đức Mẹ, cộng đoàn mới này được gọi là "Dòng các Nữ tu Rất Thánh Mân Côi." Năm 1880, Đức Thánh Cha giải miễn cho chị Marie Alphonsine khỏi lời thề vâng phục trong Dòng các Nữ Tu của Thánh Giuse và sau đó chị đã nhập vào Dòng các Nữ tu Rất Thánh Mân Côi. Ngày 06 tháng 10, chị đã nhận được tu phục mới, và vẫn giữ lại tên Marie Alphonsine. Chị khấn trọn vào ngày 07 tháng 3 năm 1885. Ngày 02 Tháng 11 năm 1887, Luật của các nữ tu Nữ tu Rất Thánh Mân Côi được chấp thuận, và đã nhận được sự chấp thuận của giáo phận hai năm sau đó. 

Dù đã là một nữ tu, chị Marie Alphonsine đã được nhận vào vào Dòng Ba Ða Minh ở Tu Viện Dòng Đa Minh ở Giêrusalem vào ngày 4 tháng 10 năm 1890, Đêm Vọng Lễ Đức Mẹ Mân Côi. 

Ngày 25 tháng Ba 1927, chị trở về nhà Cha trên trời. Ngày 22 Tháng 11 năm 2009, chị được phong chân phước tại đền thờ Truyền Tin tại Nazareth. Dòng Nữ tu Rất Thánh Mân Côi hiện nay thực hiện công việc tông đồ tại Thánh Địa, Li Băng, Ai Cập, Syria, Kuwait, và một số tiểu quốc trong vùng Vịnh (Abu Dhabi, Shariqah), cũng như tại Rôma.

Thánh Maria Baouardy của Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh

Thánh Maria Baouardy của Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh sinh ra trong một gia đình Công Giáo người Hy Lạp tại làng Ibellin thuộc miền Nazareth vào ngày 05 tháng 7 năm 1846. Chị được đặt tên là Mariam trong lễ rửa tội. Mồ côi cha mẹ lúc mới hai tuổi, chị được một người chú nhận nuôi, và năm 1854 di chuyển đến thành Alexandria ở Ai Cập. 

Người chú đã bí mật hứa gả chị và việc hôn nhân theo dự trù sẽ được tiến hành khi chị lên 12 tuổi. Để hủy bỏ việc hôn nhân này chị cắt mái tóc của mình, khiến cho hai vợ chồng người chú nổi trận lôi đình giam cầm chị như một nô lệ làm công việc nhà. Biết được sự thống khổ mà hai vợ chồng người chú giáng xuống chị, một người hầu trước đây trong gia đình xúi chị từ bỏ đức tin của mình. Maria ngay lập tức trả lời: "Tôi là một người con gái của Giáo Hội Công Giáo La Mã Tông truyền." Người hầu tức giận chém mạnh một nhát dao bầu vào cổ họng chị, sau đó bọc chị trong một tấm mền và quăng ra đường cho chết. 

Chị tỉnh dậy trong một hang động, thấy mình được chăm sóc bởi một nữ tu mặc áo màu xanh - Mariam biết đấy chính là Đức Mẹ - Đấng đã tiên báo về tương lai của mình. Sau khi vết thương phục hồi, chị lang thang làm người ở cho các gia đình tại Alexandria, Giêrusalem và Beirut trong vòng 13 năm. Năm 1862, chị cùng gia đình Naggiar chuyển đến Marseilles, nơi chị nhận ra ơn gọi đời sống thánh hiến. Năm 1865, cô gia nhập Dòng Nữ Tu Thánh Giuse. Nhưng Dòng này đã không cho chị khấn trọn vì họ sợ hãi những hiện tượng bất thường xung quanh Mariam, mà chị nghĩ chỉ là một chứng bệnh, chẳng hạn như xuất thần, thị kiến, và ngày 29 Tháng Ba 1867 lại xuất hiện năm dấu thánh. Ngày 14 Tháng Sáu 1867 chị gia nhập dòng Cát Minh tại Pau, và ngày 27 Tháng Bảy, chị nhận được tu phục và lấy tên là Maria của Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh. Năm 1870, chị đến Mangalore thành lập một tu viện. Hai năm sau đó, chị lại phải trở về Pau do những hiểu lầm, cùng với các cuộc tấn công mạnh mẽ của ma quỷ, khiến chị muốn được có thời gian đại thanh luyện. 

Năm 1872, chị thưa với bề trên là Chúa mong muốn thấy một cộng đoàn Cát Minh ở Bethlehem. Chị đến đó vào ngày 11 tháng 9 năm 1875 và được hỗ trợ quảng đại của Bertha Dartigaux. Chị đã điều hành việc xây dựng tu viện trong vai trò vừa là kiến trúc sư vừa là nữ giám đốc của công trình. Trong một tai nạn, chị đã bị té xuống vào ngày 22 Tháng Tám năm 1878 và bị gãy cánh tay, gây ra chứng hoại tử. Chị đã chết một cái chết thánh thiện vào ngày 26 tháng Tám. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong Chân Phước cho chị ngày 13 Tháng Mười năm 1983.

Thánh Jeanne Emilie de Villeneuve

Thánh Jeanne Emilie de Villeneuve được sinh ra tại Toulouse, nước Pháp vào ngày 09 Tháng Ba năm 1811, là con gái thứ ba của Bá tước Jean Baptiste Louis M. de Villeneuve và bà Jeanne d'Avessens Gabrielle Rosalie. Chị được rửa tội hai ngày sau khi chào đời, tức là vào ngày 11 tháng Ba năm 1811. Chị lớn lên trong một môi trường đức tin sâu xa. Từ những năm thơ ấu, Jeanne Emilie đã thấm nhuần một ý thức mạnh mẽ về bổn phận và trách nhiệm, cũng như sự cởi mở với nhu cầu của người khác. Chị nhận được giáo dục từ mẹ mình, và từ công việc của cha chị – là người quản lý một trang trại, cũng như sự gần gũi của gia đình với vùng Hauterive de Castres, nơi công nghiệp non trẻ đã bắt đầu gây ra đau khổ và khó khăn cho các gia đình. Tất cả điều này đã góp phần giúp Jeanne mở lòng mình ra với sứ mệnh tương lai của mình là giúp đỡ những người sống trong nghèo đói về vật chất và tinh thần. 

Năm 1836, chị nhận ra ước muốn sâu xa của mình là được tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa và cho anh chị em mình. Lúc đầu, sứ vụ của chị diễn ra ngay chính ở thành phố quê hương. Sau khi khấn dòng, chị có lòng ao ước tận hiến hoàn toàn cho sự cứu rỗi các linh hồn những người nghèo nhất. Jeanne Emilie đặt cộng đoàn mới của mình dưới sự bảo vệ của Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Kế hoạch thành lập Hội dòng trong những vùng truyền giáo trở thành hiện thực vào tháng Mười Hai năm 1847. 

Khát vọng cơ bản của Jeanne Emilie là làm việc cho sự cứu rỗi của người nghèo nhất và những ai đang quẫn bách, đã được chính thức hóa ngày 22 Tháng 7 năm 1846, khi chị mở nhà tạm trú đầu tiên tại Castres. Trong Tổng Tu Nghị vào ngày 06 tháng 9 năm 1853, Thánh Jeanne Emilie yêu cầu được rút khỏi chức vụ Bề Trên Tổng Quyền. Năn nỉ mãi chị em trong Hội Dòng mới chấp nhận thỉnh cầu này. 

Vào cuối tháng 8 năm 1854, bệnh dịch tả đang lan rộng khắp nước Pháp đã xuất hiện lần đầu tiên tại Castres. Thánh Jeanne Emilie chiến đấu với trận dịch này bằng loại vũ khí thường dùng của mình là cầu nguyện và bác ái. Ngày 27 Tháng Chín, chị cảm thấy các triệu chứng đầu tiên của căn bệnh mà sau đó đã cướp mất cuộc sống của chị vào ngày 02 tháng 10. Chị là nạn nhân cuối cùng của trận dịch tả bùng phát tại Castres. Chị đã được phong chân phước tại Castres ngày 05 Tháng Bảy 2009.

Giờ đây, Đức Hồng Y Angelo Amato thưa cùng ngài lần thứ hai

Trọng Kính Đức Thánh Cha, 

Được củng cố bởi lời đồng thanh cầu nguyện, Hội Thánh tha thiết khẩn xin Đức Thánh Cha ghi vào sổ bộ các thánh những người con sau của Giáo Hội:

Chân Phước là Jeanne Emilie de Villeneuve, Maria Cristina của Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Marie Alphonsine Danil Ghattas, và Maria Baouardy của Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh

Sau khi Đức Hồng Y dứt lời, và đoàn các vị cáo thỉnh viên về chỗ ngồi. Đức Thánh Cha đã mời gọi cộng đoàn hiệp dâng lời cầu nguyện. Ngài nói:

Anh chị em thân mến,

Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha toàn năng nhờ Chúa Giêsu Kitô và nhờ sự chuyển cầu của Đức Mẹ và tất cả các Thánh xin Ngài đoái thương nâng đỡ quyết định long trọng chúng ta sắp thực hiện.

Giờ đây cộng đoàn đọc Kinh Cầu Các Thánh

Sau khi cộng đoàn kết thúc kinh cầu các thánh, Đức Thánh Cha đọc:

Lậy Chúa nhân từ, xin nghe lời dân Chúa cầu xin và xin chiếu dọi ánh sáng Thần Linh Chúa vào tâm trí chúng con, để việc phụng thờ của chúng con làm đẹp lòng Chúa và cho Giáo Hội được thêm phát triển. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Giờ đây, Đức Thánh Cha long trọng đọc công thức phong thánh.

Để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, để phát huy đức tin Công Giáo và củng cố đời sống Kitô hữu, với quyền lực của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, của hai Thánh Tông đồ Phêrô, Phaolô và của riêng tôi, sau khi đã suy nghĩ chín chắn, cũng như đã nhiều lần cầu xin ơn trợ giúp của Thiên Chúa, đã tham khảo ý kiến của nhiều Chư huynh Giám mục, tôi quyết định tuyên bố:

Chân Phước là Maria Cristina của Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Marie Alphonsine Danil Ghattas, Maria Baouardy của Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh và Jeanne Emilie de Villeneuve

là Thánh và được ghi vào sổ bộ các Thánh và truyền rằng các vị tôn kính như vậy bởi toàn thể Giáo Hội. 

Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen

Đức Thánh Cha vừa dứt lời, cộng đoàn vỗ tay nồng nhiệt và ca đoàn cùng cộng đoàn ca bài Jubilate Deo, Hãy tung hô Chúa, hãy hát mừng Chúa.. Trong khi đó, thánh tích của 4 vị tân hiển thánh được rước lên cho Đức Thánh Cha hôn kính trước khi đặt trên một giá nhỏ phía trước bàn thờ.

Đức Hồng Y Angelo Amato thay mặt cho các vị cáo thỉnh viên thưa cùng Đức Thánh Cha:

Trọng kính Đức Thánh Cha, nhân danh Hội Thánh con cảm ơn Đức Thánh Cha đã công bố điều này và khiêm tốn thỉnh cầu ngài truyền rằng một tông thư liên quan đến hành động phong Thánh này được thảo ra.

Đức Thánh Cha bày tỏ sự đồng thuận. 

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Chúa Lên Trời đã được tiếp tục với Kinh Vinh Danh.

BÀI ĐỌC I: Cv 1, 1-11 

"Trước sự chứng kiến của các ông, Người lên trời". 

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Hỡi Thêôphilê, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những điều Đức Giêsu đã bắt đầu làm và giảng dạy, cho đến ngày Người lên trời, sau khi căn dặn các Tông đồ, những kẻ Người đã tuyển chọn dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Sau cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống, với nhiều bằng chứng Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa. Và trong một bữa ăn, Người đã ra lệnh cho các ông chớ rời khỏi Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa. Người nói: "Như các con đã nghe chính miệng Thầy rằng: Gioan đã làm phép rửa bằng nước, phần các con, ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần". Vậy các kẻ có mặt hỏi Người rằng: "Lạy Thầy, có phải đã đến lúc Thầy khôi phục Nước Israel chăng?" Người bảo họ rằng: "Đâu phải việc các con hiểu biết thời gian hay kỳ hạn mà Cha đã ấn định do quyền bính Ngài. Nhưng các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất". Nói xong, Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông. Đang khi các ông còn ngước mắt lên trời nhìn theo Người đang xa đi, thì bỗng có hai người mặc áo trắng đứng gần các ông và nói rằng: "Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa các ông mà lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời". 

Đó là Lời Chúa. 

ĐÁP CA: Tv 46, 2-3. 6-7. 8-9 

Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. 

1. Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Đấng Tối cao, khả uý, Người là Đại Đế trên khắp trần gian. 

2. Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa" hãy ca mừng, ca mừng Vua ta! 

3. Vì Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca vịnh mừng Người. Thiên Chúa thống trị trên các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của Người. 

BÀI ĐỌC II: Eph 1, 17-23 

"Người đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời". 

Bài trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô. 

Anh chị em thân mến, xin Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh chị em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người, xin cho mắt tâm hồn anh chị em được sáng suốt, để anh chị em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa đã thực hiện trong Đức Kitô, tức là làm cho Người từ cõi chết sống lại, và đặt Người ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau. Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Người, và tôn Người làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngườii, và là sự sung mãn của Đấng chu toàn mọi sự trong mọi người. 

Đó là Lời Chúa. 

ALLELUIA : Mt 28, 19 và 20 

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". - Alleluia. 

PHÚC ÂM : Mc 16, 15-20 

"Đang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời". 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô . Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh". Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo. Đó là Lời Chúa.

Trong bài giảng sau bài Phúc Âm, Đức Thánh Cha diễn giải ý nghĩa lễ Chúa Thăng thiên và áp dụng vào trường hợp 4 vị tân hiển thánh, những người đã làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh. Ngài nói:

“Sách Công vụ tông đồ đã giới thiệu cho chúng ta Giáo Hội thời sơ khai trong thời điểm mà Giáo Hội đang tuyển chọn người được Thiên Chúa kêu gọi để thế chỗ của Giu-đa trong hàng ngũ các Tông đồ. Điều này không chỉ đơn thuần đề cập đến một công việc, nhưng là một thừa tác vụ. Và thực sự là, Mát-thia, người bắt trúng thăm, đã nhận lãnh một sứ mạng như thánh Phêrô minh định: “Vậy phải làm thế này [...] một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã Phục Sinh.” (Cv 1, 21-22). Cùng với những lời này, thánh Phêrô đã tóm lược ý nghĩa của việc thuộc về nhóm Mười Hai: đó là làm nhân chứng cho sự sống lại của Đức Giêsu. Lời tuyên bố “cùng với chúng tôi” giúp hiểu rằng sứ mạng loan báo Đức Giêsu đã Phục Sinh không phải là một nhiệm vụ mang tính cá nhân nhưng phải được thực thi trong đường lối mang tính tập thể, cùng với tông đồ đoàn và cùng với cộng đoàn.”

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Hôm nay, chúng ta xây dựng nền tảng cho niềm tin của mình vào Thiên Chúa Phục Sinh thông qua chứng từ của các thánh tông đồ vốn đã đụng chạm đến chúng ta thông qua sứ mạng của Giáo Hội. Noi gương các tông đồ, mỗi môn đệ của Đức Ki tô được kêu gọi để trở nên nhân chứng cho sự Phục Sinh của Người, trước hết trong những môi trường nhân loại nơi mà sự lãng quên Thiên Chúa và sự bất lực của con người đang hoành hành mạnh mẽ.

Đức Thánh Cha giải thích thêm: “Chỉ khi nhận thức được điều này, người ta mới thấy cần phải ở lại trong Đức Kitô Phục Sinh và trong tình yêu của Người, như lời thánh Gioan đã nhắc nhở chúng ta trong bài đọc thứ nhất: “Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4, 16).

Áp dụng những điều trên đây vào bốn tân thánh nữ, Đức Thánh Cha nói:

“Tình yêu này chiếu tỏa nơi chứng từ của nữ tu Giovanna Emilia de Villeneuve, người đã hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa và những người nghèo, cho những người yếu đau, tù nhân, và cho những ai bị bóc lột và chị đã trở nên dấu chỉ cụ thể cho chính mình và cho mọi người về lòng tình yêu giàu lòng thương xót của Thiên Chúa. Tương quan với Đức Giêsu Phục Sinh là một “bầu khí” trong đó Kitô hữu sống và tìm thấy sức mạnh để duy trì lòng tin vào Tin Mừng, ngay cả trong những nghịch cảnh và bị hiểu lầm. “Hãy ở lại trong tình thương”: đây cũng là điều mà nữ tu Maria Cristina Brando cũng đã thực thi. Chị đã thủ đắc trọn vẹn một tình yêu nồng cháy dành cho Thiên Chúa khởi đi từ cầu nguyện, thông qua những cuộc gặp gỡ giữa con tim với con tim cùng với Đức Giêsu Phục Sinh, hiện diện trong Thánh Thể, chị đã lãnh nhận uy lực để chịu đựng những đau khổ và hiến dâng chính mình như tấm bánh bẻ ra cho nhiều người đang xa cách với Thiên Chúa và đang đói khát tình yêu chân thực.

Một khía cạnh cần thiết của chứng tá để làm chứng cho Đức Giêsu Phục sinh là sự hiệp nhất giữa chúng ta, những môn đệ của Ngài, như biểu trưng của sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa Cha và Đức Giêsu. Và vang vọng trong Tin Mừng hôm nay lời cầu nguyện của Đức Giêsu đêm hôm trước ngày Chịu Nạn: “Xin cho họ nên một như chúng ta” (Ga 17, 11). Từ tình yêu vĩnh cữu này giữa Chúa Cha và Người Con, tuôn trào trong chúng ta thông qua Chúa Thánh Thần (Rm 5,5), sứ mạng và sự thông hiệp huynh đệ của chúng ta có thể kín múc sức mạnh từ đó; từ tình yêu này sẽ luôn luôn tuôn trào một cách mới mẻ niềm vui bước theo Đức Ki tô trong lối nẻo của sự nghèo khó, sự trinh khiết và sự vâng phục của Ngài; và cũng chính tình yêu này kêu gọi ta nuôi dưỡng những lời nguyện chiêm niệm. Nữ tu Maria Baouardy đã trải nghiệm điều này với một phương thức tuyệt diệu, đó là mặc dù hèn mọn và mù chữ, chị đã biết đưa ra những lời khuyên và giải thích mang tính thần học trong sự mạch lạc tuyệt đối, vốn là hoa trái của cuộc đối thoại liên lỉ với Thánh Thần. Sự ngoan ngùy với Thần Khí đã làm cho chị trở nên khí cụ của sự gặp gỡ và sự thông hiệp cùng với thế giới Hồi Giáo. Và ngay cả nữ tu Maria Alfonsina Danil Ghattas cũng đã thấu hiểu thế nào là ý nghĩa của tình yêu Thiên Chúa được tỏ lộ nơi các tông đồ, nhờ việc chị đã trở nên nhân chứng của sự ôn hòa và sự hiệp nhất. Chị mang lại cho chúng ta mẫu gương rạng ngời về tầm quan trọng của việc hợp nhất chính mình với những người khác, để sống sự phục vụ đối với tha nhân.”

Để kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

“Hãy ở lại trong Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, để loan báo bằng lời nói và đời sống về sự sống lại của Đức Giêsu; để chứng tỏ cho sự hiệp nhất giữa chúng ta và sự bác ái với tất cả mọi người. Đây là điều mà bốn nữ tu được tuyên thánh hôm nay đã thực hiện. Gương sáng rạng ngời của các ngài chất vấn ngay cả đời sống Ki tô hữu của chúng ta. Khi trở về nhà, hãy mang trong mình niềm vui của cuộc gặp gỡ này cùng với Đức Giêsu Phục Sinh; hãy vun trồng trong con tim mình cam kết ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa, hãy hiệp nhất với Ngài và giữa chúng ta với nhau, và hãy dõi theo bước chân của bốn nữ thánh này, những mẫu gương của sự thánh thiện mà Giáo Hội mời gọi chúng ta bắt chước.”

Nguồn tin: vietcatholic

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Liên hệ

Tinvuiviet.net kính chào Quý vị và các bạn. Chúng tôi luôn mong nhận được bài vở cộng tác của mọi người. Xin cám ơn.   Liên hệ: Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: bbttinvui@gmail.com. Chân thành cảm ơn Quý vị và các bạn đã ghé thăm site. Kính chúc Quý vị và các...

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Trong Mùa Chay bạn làm gì để tỏ lòng sám hối ?

Ăn chay. Hãm mình.

Bác ái, chia sẻ.

Hoán cải đời sống, đi xưng tội.

Năng tham dự thánh lễ.

Cầu nguyện nhiều hơn.