www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
04:59 CDT Thứ năm, 28/03/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 83

Máy chủ tìm kiếm : 13

Khách viếng thăm : 70


Hôm nayHôm nay : 3258

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 830952

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 19052147

Trang nhất » Tin Tức » Bạn đọc viết » Tôn giáo

Bản ghi lại cuộc đối thoại giữa Đức Phanxicô và các giám mục Ba Lan, nhân Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới

Thứ hai - 08/08/2016 15:32
Pope Francis

Pope Francis

Trong chuyến thăm Ba Lan dự Ngày Giới trẻ Thế giới tuần qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có một cuộc họp riêng vào ngày 27 tháng 7 với các giám mục của nước này. Thay cho bài diễn văn chính thức như kế hoạch ban đầu, Đức Giáo Hoàng đã chọn một cuộc đối thoại thân mật hơn. Hôm thứ ba, Vatican phát hành một bản ghi lại cuộc đối thoại này. Dưới đây là bản dịch tiếng Việt, căn cứ vào bản tiếng Anh tạm thời của Zenit.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Trước khi bắt đầu cuộc đối thoại, với những câu hỏi mà các hiền huynh đã chuẩn bị, tôi muốn thực hiện một việc thương người với tất cả các các hiền huynh và đề nghị một việc thương người khác nữa. Tôi biết rằng trong những ngày này, với Ngày Giới Trẻ, nhiều người trong các hiền huynh đã bận rộn nên đã không thể đi dự các nghi thức an táng cho Đức ông Zimowski thân yêu. Chôn xác kẻ chết vốn là một việc thương người, và giờ đây, tôi muốn tất cả chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho Đức ông Zygmunt Zimowski và đây là một biểu hiện thực sự của bác ái huynh đệ, chôn cất một người anh em đã qua đời. Lạy Cha chúng con. .. Kính Mừng Maria. .. Sáng Danh Đức Chúa Cha. .. Được An Nghỉ Đời Đời...

Và sau đây, là việc thương người khác mà tôi muốn đề nghị. Tôi biết các hiền huynh đang quan tâm về điều này: Đức Hồng Y Macharski thân yêu của chúng ta đang bệnh. .. Ít nhất, các hiền huynh hãy tới gần, vì tôi tin rằng không ai có thể vào nơi ngài đang ở, vì ngài đã mất ý thức, nhưng ít nhất, các hiền huynh hãy tới bệnh xá, bệnh viện, và chạm vào tường như thể nói rằng: "Này hiền huynh, tôi đang ở gần hiền huynh đây". Viếng kẻ liệt lào vốn là một việc thương người. Tôi cũng sẽ đi. Cám ơn các hiền huynh.

Và bây giờ, một trong các các hiền huynh đã chuẩn bị các câu hỏi, hoặc, ít nhất đã cho đem chúng tới. Tôi sẵn sàng để các hiền huynh tùy nghi sử dụng.

Đức Cha Marek Jedraszewski (Tổng Giám Mục Lodz): 

Thưa Đức Thánh Cha, có vẻ như các tín hữu của Giáo Hội Công Giáo và nói chung tất cả các Kitô hữu ở Tây Âu đang càng ngày càng là một thiểu số trong nền văn hóa vô thần tự do hiện đại. Tại Ba Lan, chúng ta đang chứng kiến một sự đối lập sâu sắc, một cuộc đấu tranh rất lớn giữa niềm tin vào Thiên Chúa một bên và, bên kia, là các suy nghĩ và lối sống như thể Thiên Chúa hề không hiện hữu. Thưa Đức Thánh Cha, theo ý kiến của Đức Thánh Cha, Giáo Hội Công Giáo ở xứ sở chúng con, nên đưa ra loại hành động mục vụ nào, để người dân Ba Lan luôn trung thành với truyền thống Kitô giáo đã có cả ngàn năm nay? Xin cám ơn Đức Thánh Cha.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô:

Các hiền huynh quả được diễm phúc!

Quả thật, việc phi Kitô Giáo, việc tục hoá thế giới hiện đại hiện khá mạnh mẽ; rất mạnh mẽ. Nhưng một số người nói: Vâng, nó mạnh mẽ nhưng người ta vẫn đang được mục kích nhiều hiện tượng của lòng đạo, như thể cảm thức tôn giáo đang bừng dậy, và điều này cũng có thể là một mối nguy hiểm. Tôi tin rằng chúng ta, trong thế giới rất duy tục này, cũng có mối nguy hiểm khác là duy tâm hóa kiểu Ngộ Đạo: thứ duy tục hóa này phần nào đang đem lại cho chúng ta khả thể phát triển một đời sống thiêng liêng kiểu Ngộ Đạo. Chúng ta hãy nhớ rằng đó là lạc giáo đầu tiên của Giáo Hội: Thánh Tông đồ Gioan từng đã chiến đấu chống các người Ngộ Đạo - và chiến đấu mạnh mẽ xiết bao! - Những người có một nền linh đạo chủ quan không có Chúa Kitô. Đối với tôi, vấn đề nghiêm trọng nhất của thứ duy tục hóa này là phi Kitô Giáo: là loại bỏ Chúa Kitô, loại bỏ Chúa Con. Tôi cầu xin, tôi biết,. .. không (làm) gì hơn. Đó là Ngộ Đạo thuyết. Còn một thứ lạc giáo nữa cũng đang hợp thời trang trong lúc này, nhưng tôi để nó sang một bên vì, thưa Đức Cha, câu hỏi của Đức Cha đi theo hướng đó. Còn thuyết của Pêlagiô nữa, nhưng chúng ta để nó qua một bên, sẽ nói tới nó ở một thời điểm khác. Tìm Thiên Chúa mà không cần Chúa Kitô: một Thiên Chúa không có Chúa Kitô, một dân tộc không có Giáo Hội. Tại sao? Vì Giáo Hội là Mẹ, là người mang lại cho các hiền huynh sự sống, và Chúa Kitô là Anh trai cả, là Con của Chúa Cha, Đấng luôn qui chiếu về Chúa Cha, Người là Đấng mạc khải cho các hiền huynh danh thánh của Chúa Cha. Một Giáo Hội mồ côi: Thuyết Ngộ Đạo ngày nay, vì nó, trên thực tế, chính là một cuộc phi Kitô Giáo, không có Chúa Kitô, dẫn chúng ta đến một Giáo Hội, đúng hơn, đến những Kitô hữu, một dân tộc mồ côi. Và chúng ta phải làm cho giáo dân của chúng ta cảm thấy điều này.

Tôi phải khuyên những gì đây? À đây rồi - nhưng tôi tin rằng đây là thực hành của Tin Mừng, nơi mà trên thực tế lời giảng dạy của Chúa đang rất gần gũi. Hôm nay, chúng ta, các tôi tớ của Chúa - Giám mục, linh mục, giáo dân thánh hiến có xác tín - phải gần gũi với dân của Thiên Chúa. Không gần gũi, thì chỉ là chữ nghĩa không thịt xương. Chúng ta hãy nghĩ - Tôi thích nghĩ về điều này - về hai trụ cột của Tin Mừng. Hai trụ cột của Tin Mừng này là gì? Tám Mối Phúc Thật và sau đó, là đoạn Tin Mừng Matthew 25, là "nghị định thư" mà căn cứ vào đó, tất cả chúng ta sẽ bị phán xử. Cụ thể. Gần gũi. Đụng chạm – (đều là) các việc thương người, cả về phần xác lẫn phần hồn. "Nhưng Đức Thánh Cha nói những điều này, vì nói về lòng thương xót trong năm nay là điều hợp thời trang. .." Không, đây là Tin Mừng! - Tin Mừng, các việc thương người. Đây là ông lạc giáo hoặc tên vô lại Samaria đang xúc động và đang làm những gì ông ta nên làm, và còn liều mất cả tiền bạc của mình nữa! Đụng chạm. Còn kia là Chúa Giêsu, Đấng luôn ở giữa người ta hoặc ở với Chúa Cha, hoặc trong lời cầu nguyện, một mình với Chúa Cha, hoặc giữa người ta, ở đấy, với các môn đệ. Gần gũi. Đụng chạm. Đó là cuộc sống của Chúa Giêsu. .. Khi xúc động, tại cổng thành Nain (x Lc 7: 11-17), Người đã xúc động; Người đã tới và chạm vào quan tài mà nói, "Đừng khóc. ..". Gần gũi, và gần gũi là chạm vào da thịt đau khổ của Chúa Kitô.

Và Giáo Hội, vinh quang của Giáo Hội chắc chắn là các vị tử đạo, nhưng cũng có rất nhiều người đàn ông và đàn bà đã bỏ mọi sự và đã hiến cả đời mình trong các bệnh viện, trong các trường học, với trẻ em, với người bệnh. .. Tôi nhớ một nữ tu nhỏ bé ở (Cộng Hòa) Trung Phi; bà đã 83 hoặc 84 tuổi, gầy gò, tốt bụng, với một bé gái nhỏ. Bà đến chào tôi: "Con không xuất phát từ đây; con đến từ phía bên kia sông, từ Congo, nhưng luôn luôn, mỗi tuần một lần, con tới đây để làm việc mua sắm vì thuận tiện hơn". Bà ấy cho tôi biết tuổi của bà: 83, 84. "Con đã ở đây 23 năm; con là một y tá sản khoa, con đã giúp hai tới ba ngàn trẻ sơ sinh sinh ra. .. " "Vậy à, và con tới đây một mình?" “Vâng, vâng, chúng con lấy xuồng. .." Bà ấy đã 83! Bà ngồi xuồng trong khoảng một giờ mới tới đây. Người phụ nữ này - và rất nhiều người như bà - đã rời đất nước mình - Bà là người Ý, từ Brescia – “rất nhiều người” đã rời đất nước họ để chạm vào da thịt của Chúa Kitô. Nếu chúng ta đi tới các nước truyền giáo ở Amazon, ở Châu Mỹ Latinh, chúng ta sẽ thấy tại các nghĩa trang phần mộ của nhiều tu sĩ nam nữ chết rất trẻ, vì họ không có các kháng thể đối với các bệnh của mảnh đất đó, và họ chết trẻ. Các việc thương người: đụng chạm, giảng dạy, an ủi, "dành thì giờ". Dành thì giờ. 

Có lần tôi rất hài lòng, khi một người đàn ông tới xưng tội và đang ở trong tình huống theo đó ông không thể nhận được sự giải tội. Ông đến với một nỗi lo sợ nào đó, vì đôi khi ông bị mời rời khỏi (tòa giải tội): "Không, không. .. đi đi". Vị linh mục (lần này) lắng nghe anh, giải thích tình huống cho anh, và nói với anh: "Nhưng này con, con hãy cầu nguyện. Thiên Chúa yêu thương con, cha sẽ ban phép lành cho con, nhưng con phải trở lại đó, có hứa với cha không?" Và vị linh mục này quả đã " dành thì giờ" để lôi kéo người đàn ông này tới các bí tích. Điều này được gọi là sự gần gũi.

Và khi nói chuyện với các Giám Mục về sự gần gũi, tôi nghĩ rằng tôi phải nói tới sự gần gũi quan trọng nhất: đó là sự “gần gũi” với các linh mục. Giám mục phải luôn có đó cho các linh mục của mình. Khi tôi còn ở Á Căn Đình, tôi nghe rất nhiều, rất nhiều lần từ các linh mục, khi tôi đi giảng Linh Thao - Tôi thích đi giảng Linh Thao - tôi nói: "Hãy nói với Đức Giám Mục về điều này. .." "Nhưng không, con gọi thăm ngài và cha thư ký nói với con: ‘Không, ngài rất, rất bận rộn, nhưng ngài sẽ tiếp cha trong ba tháng nữa’". Nhưng linh mục này cảm thấy mình là một đứa trẻ mồ côi, không có cha, không có sự gần gũi, và ngài bắt đầu nản chí. Khi thấy những cuộc gọi trên sổ ghi, vào buổi tối, lúc trở về nhà, “khi thấy” cú điện thoại của một linh mục, vị giám mục phải gọi cho ngài ngay lập tức, ngay cùng buổi tối ấy hoặc ngày hôm sau. "Vâng, tôi bận rộn, nhưng há việc này không khẩn cấp sao?" - "Không. Không, nhưng chúng ta hãy đi đến một thỏa thuận. .. ". Linh mục phải cảm thấy ngài có một người cha. Nếu chúng ta lấy mất tình cha khỏi các linh mục, chúng ta sẽ không thể yêu cầu các ngài làm cha được. Và như vậy, cảm thức tình cha của Thiên Chúa cũng sẽ bị gỡ bỏ. Việc làm của Chúa Con là chạm vào nỗi thống khổ của con người: cả phần hồn lẫn phần xác. Gần gũi. Việc làm của Chúa Cha: làm cha, làm cha-giám mục.

Rồi đến những người trẻ tuổi, bởi vì, trong những ngày này, chúng ta phải nói về những người trẻ tuổi. Những người trẻ tuổi "tẻ nhạt" xiết bao! Bởi vì họ luôn luôn nói cùng một điều, hoặc "Tôi nghĩ về điều này như thế này. .." hoặc "Giáo Hội nên. ..", nên đối với người trẻ, người ta cần phải kiên nhẫn. Khi còn bé, tôi biết một số linh mục: hồi đó, người ta năng lui tới tòa giải tội hơn bây giờ; các ngài đã dành hàng giờ nghe “họ xưng tội” hoặc tiếp họ tại văn phòng giáo xứ, để lắng nghe cùng những điều y như nhau. .. nhưng rất kiên nhẫn. Và rồi, đưa các người trẻ tới các vùng quê, lên núi. .. Nhưng, hãy nghĩ tới Thánh Gioan Phaolô II, ngài đã làm gì với các sinh viên Đại học? Vâng, ngài đã giảng dạy, nhưng rồi ngài đã lên núi với họ! Gần gũi. Ngài lắng nghe họ. Ngài hiện diện với những người trẻ tuổi.

Và tôi muốn nhấn mạnh một điều cuối cùng, vì tôi tin rằng Chúa đang yêu cầu tôi điều này: ông bà. Các hiền huynh, những người đã phải chịu đựng chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa vô thần, hẳn biết điều này: đó là ông bà - đó là bà nội bà ngoại đã cứu vãn và truyền thụ đức tin. Ông bà có bộ nhớ của một dân tộc; các ngài có bộ nhớ của đức tin, bộ nhớ của Giáo Hội. Đừng vứt bỏ ông bà! Trong nền văn hóa vứt bỏ này, một nền văn hóa, trên thực tế, đã bị phi Kitô giáo, những gì không hữu ích, những gì không xuôi chẩy đều bị liệng bỏ. Không! ông bà là những bộ nhớ của một dân tộc; các ngài là bộ nhớ của đức tin. Và các hiền huynh hãy nối kết giới trẻ với ông bà: đây cũng là sự gần gũi – các hiền huynh hãy gần gũi và tạo ra sự gần gũi. Tôi chỉ biết trả lời câu hỏi này như thế thôi. Không hề có công thức sẵn, nhưng chúng ta phải tới tận hiện trường - nếu chúng ta chờ máy điện thoại rung hoặc tiếng gõ cửa. .. Không. Chúng ta phải ra ngoài để tìm, như mục tử, người đi tìm “chiên” lạc. Tôi không biết; ý nghĩ này chợt đến với tôi.

Đức Cha Slawoj Leszek Glodz (Tổng Giám mục Gdansk):

Kính thưa Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chúng con đặc biệt biết ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã suy niệm thêm về giáo lý của lòng thương xót, mà thánh Gioan Phaolô II, trên thực tế, đã bắt đầu ở đây tại Krakow này. Tất cả chúng ta đều biết rằng chúng ta đang sống trong một thế giới bị thống trị bởi bất công: người giàu trở nên giàu có hơn, người nghèo trở nên khốn khổ; có khủng bố, có đạo đức học và luân lý tính tự do, mà không có Thiên Chúa. .. Và câu hỏi của con như sau: làm thế nào chúng ta có thể áp dụng giáo huấn thương xót, và đặc biệt áp dụng vào ai? Đức Thánh Cha vốn cổ vũ loại thuốc được gọi là "lòng thương xót" mà con mang theo mình: con cảm ơn Đức Thánh Cha về sự cổ vũ này. ..

Đức Giáo Hoàng Phanxicô:

... Và bây giờ, đã xuất hiện "lòng thương xót cộng" rồi: nó mạnh hơn!

Đức Cha Slawoj Leszek Glodz:

... Vâng, và xin cảm ơn Đức Thánh Cha vì cái "cộng" này. Chúng con cũng có chương trình "cộng" này được chính phủ khuyến khích cho nhiều gia đình. Cái "cộng" này hiện rất hợp thời trang. “Nó cần được cổ vũ” một cách đặc biệt với những ai và cách nào? Đầu tiên, những người nào phải là đối tượng cho giáo huấn của chúng ta về lòng thương xót? Xin cảm ơn Đức Thánh Cha.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô:

Cám ơn Đức Cha. “Câu hỏi” về lòng thương xót này không phải là điều xuất hiện trong tâm trí tôi. Nó là một quá trình. Nếu chúng ta nghĩ tới Chân Phúc Phaolô VI, ngài đã nhắc tới lòng thương xót rồi. Rồi, Thánh Gioan Phaolô II là vĩ nhân của lòng thương xót, với thông điệp Dives in Misericordia, việc phong thánh cho Thánh Faustina, và rồi tuần Bát Nhật Phục Sinh: ngài qua đời vào đêm trước ngày này. Nó từng là một quá trình của Giáo Hội, trong nhiều năm qua. Người ta thấy Chúa đòi có sự đánh thức thái độ thương xót này nơi các tín hữu trong Giáo Hội. Người là Đấng thương xót luôn tha thứ mọi sự. Một đầu cột Trung Cổ gây ảnh hưởng với tôi rất nhiều, được tìm thấy trong Nhà thờ Thánh Maria Mađalêna ở Vezelay, Pháp, nơi con đường hành hương gọi là Camino Santiago bắt đầu. Trên đầu cột này, một bên là Giuđa treo cổ, với đôi mắt mở to, lưỡi thè ra, và ở phía bên kia là Đấng Chăn Chiên Lành, đang mang Giuđa theo Người. Và nếu chúng ta nhìn kỹ, lưu ý tới khuôn mặt của Đấng Chăn Chiên Lành: một bên, đôi môi Người đang buồn, nhưng bên kia chúng lại đang mỉm cười. Lòng thương xót là một mầu nhiệm; nó là một mầu nhiệm; đó là mầu nhiệm của Thiên Chúa. Tôi đã được phỏng vấn và từ đó, một cuốn sách đã được phát hành có tựa đề là “Tên của Thiên Chúa là Lòng Thương Xót”, nhưng đó là cách báo chí ăn nói, tôi nghĩ ta có thể nói rằng Thiên Chúa là Cha nhân từ - ít nhất trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã được mô tả như thế. Người trừng phạt để người ta trở lại. Và rồi các dụ ngôn về lòng thương xót, và cách Người muốn cứu chúng ta. .. Khi đã đến thời viên mãn, Người đã cho Con của Người sinh ra bởi một người phụ nữ: với xác thịt; Người cứu chúng ta: bằng xác thịt; không bằng sợ hãi mà bằng xác thịt. Trong quá trình này của Giáo Hội, chúng ta nhận được rất nhiều ân sủng.

Và Người thấy thế giới bị đau yếu vì bất công, vì thiếu tình yêu, vì thối nát. Nhưng điều này đúng; điều này đúng. Hôm nay, trên máy bay này, nói về vị linh mục hơn 80 tuổi này, người bị giết ở Pháp: mới đây, tôi nói thế giới đang có chiến tranh, chúng ta đang sống trong cuộc Thế Chiến thứ ba có tính từng phần. Chúng ta nghĩ tới Nigeria. .. Các ý thức hệ, đúng, nhưng đâu là ý thức hệ của ngày hôm nay, một ý thức hệ, trên thực tế, đang nằm ở trung tâm và là mẹ của tham nhũng, của chiến tranh? Nó là ngẫu thần tiền bạc. Đàn ông và đàn bà không còn ở chóp đỉnh của sáng thế nữa, Ngẫu thần tiền bạc được đặt vào đó, và mọi sự đều được mua và bán lấy tiền. Tiền là tâm điểm. Con người bị khai thác. Còn việc buôn ban người ngày nay thì sao? Nó luôn luôn là thế này: độc ác! Tôi đã nói lên tâm tư này với một vị cầm đầu chính phủ và ông ta nói với tôi: "Nó luôn luôn độc ác. Vấn đề là bây giờ chúng ta thấy nó trên truyền hình, nó đã đến gần cuộc sống của chúng ta". Nhưng quả nó luôn luôn độc ác - giết người vì tiền - bóc lột con người, bóc lột sáng thế. Khi một vị vừa được bầu đứng đầu một chính phủ ở châu Phi đến yết kiến, ông nói với tôi: "Hành động cai trị đầu tiên được tôi thực hiện sẽ là tái trồng rừng đất nước, từng bị phá rừng và hủy hoại". Chúng ta không chăm sóc sáng thế! Và điều này có nghĩa sẽ có nhiều người nghèo hơn, nhiều tham nhũng hơn.

Nhưng chúng ta sẽ nghĩ gì khi 80% - ít nhiều như thế, các hiền huynh hãy nhìn các số thống kê và nếu không 80 thì là 82 hoặc 78 - sự giàu có nằm trong tay non 20% số người. "Thưa cha, cha đừng nói như vậy, vì nó sẽ làm cha thành một người cộng sản!" Không, không, đây là các con số thống kê! Và ai phải trả giá cho điều này? Người ta phải trả giá, dân Thiên Chúa phải trả giá: các cô gái bị khai thác, thanh niên không có việc làm. Ở Ý, những người từ 25 tuổi trở xuống, 40% không có việc làm; ở Tây Ban Nha, là 50%; ở Croatia 47%. Tại sao? Bởi vì có thứ kinh tế lỏng (luân chuyển) chuyên nuôi dưỡng tham nhũng. Vì chướng tai gai mắt, một người Công Giáo vĩ đại nói với tôi rằng ông đi thăm một người bạn doanh nhân, ông này nói: "Tôi sẽ cho anh thấy làm thế nào tôi kiếm được 20.000 đôla mà không cần rời khỏi nhà". Và với chiếc máy vi tính, ông này đã thực hiện việc mua từ California, tôi không biết là gì, và bán nó cho Trung Quốc: trong 20 phút, trong vòng chưa đầy 20 phút, ông đã kiếm được 20.000 đôla. Mọi thứ đều lỏng (luân chuyển)! Và những người trẻ không còn nền văn hóa làm việc nữa, bởi vì họ không có việc làm! Trái đất chết, vì nó đã được khai thác một cách không khôn ngoan. Và cứ thế chúng ta tiếp tục đi. Thế giới đang nóng lên, tại sao? Bởi vì chúng ta phải kiếm chác - phải kiếm cho nhiều tiền. "Chúng ta đã rơi vào việc thờ ngẫu tượng tiền bạc": một Đại sứ nói điều này với tôi khi ông đến trình ủy nhiệm thư. Quả là thờ ngẫu tượng.

Lòng Chúa Thương Xót là chứng từ, chứng từ của rất nhiều người, của rất nhiều người đàn ông và đàn bà, giáo dân, những người trẻ dấn thân làm việc: ở Ý, chẳng hạn, có phong trào hợp tác xã. Đúng, có một số quá xảo quyệt, nhưng điều tốt luôn được thực hiện, những điều tốt đẹp đã được thực hiện. Và rồi còn có các định chế chăm sóc các bệnh nhân: họ là các tổ chức mạnh mẽ. Chúng ta nên tiến theo đường này, làm những việc khiến nhân phẩm con người được phát triển. Nhưng điều hiền huynh nói là đúng. Chúng ta đang sống một thứ mù chữ về tôn giáo, đến độ trong một số đền thờ trên thế giới, sự việc đang hết sức hỗn độn: người ta đi cầu nguyện; có những cửa tiệm để người ta mua đồ đạo đức, tràng hạt chẳng hạn... nhưng cũng có một số cửa tiệm bán những thứ mê tín dị đoan, vì ơn cứu độ được người ta tìm kiếm trong mê tín dị đoan, trong mù chữ tôn giáo, một chủ thuyết duy tương đối gây lẫn lộn điều này với điều kia. Nên giáo lý là điều cần thiết ở đó, giáo lý để sống. Giáo lý không chỉ để cung cấp các ý tưởng, nhưng để đồng hành trong một cuộc hành trình. Đồng hành là một trong những thái độ quan trọng nhất!". Đồng hành với sự tăng trưởng về đức tin!; đây là một công việc tuyệt vời và những người trẻ mong đợi điều này! Những người trẻ mong đợi. .. "Nhưng nếu tôi bắt đầu nói chuyện, là người ta buồn chán!" Vậy thì cho họ một việc để họ làm, chẳng hạn như những việc được thực hiện trong kỳ nghỉ 15 ngày của họ để giúp xây dựng nhà ở cho người nghèo, hoặc bảo họ làm một điều gì khác để họ có thể bắt đầu cảm thấy họ hữu ích. Và hãy để cho hạt giống của Thiên Chúa rơi ở đó, từ từ. Sự việc không tiến hành với duy lời nói mà thôi. Chúng ta phải giải quyết nạn mù chữ tôn giáo ngày nay bằng ba thứ ngôn ngữ, bằng ba thứ tiếng: ngôn ngữ của trí, ngôn ngữ của tâm và ngôn ngữ của bàn tay - cả ba một cách hài hòa.

Tôi không biết. .. Tôi đang nói quá nhiều! Chúng là các ý tưởng tôi cung cấp cho các hiền huynh. Các hiền huynh, với sự thận trọng của các hiền huynh, sẽ biết phải làm gì, nhưng phải luôn là một Giáo Hội tiến bước. Có lần tôi đã dám nói: có một câu ngắn trong Sách Khải Huyền: "Ta đang ở cửa và gõ" (3:20): Người gõ cửa, nhưng tôi tự hỏi Chúa đã gõ cửa biết bao nhiêu lần từ bên trong, để chúng ta mở cho Người và Người có thể đi ra ngoài với chúng ta để mang Tin Mừng ra bên ngoài. Đừng đóng cửa ở bên trong, nhưng đi ra ngoài! Đi ra ngoài, đi ra ngoài! Cám ơn Đức Cha.

Còn 1 kỳ

Tác giả bài viết: Vũ Văn An

Nguồn tin: vietcatholic

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Liên hệ

Tinvuiviet.net kính chào Quý vị và các bạn. Chúng tôi luôn mong nhận được bài vở cộng tác của mọi người. Xin cám ơn.   Liên hệ: Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: bbttinvui@gmail.com. Chân thành cảm ơn Quý vị và các bạn đã ghé thăm site. Kính chúc Quý vị và các...

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Chúng ta nên làm gì để nhiều người biết Thiên Chúa hơn ?

Cầu nguyện.

Đi lễ.

Sống bác ái.

Loan báo Tin Mừng.

Chu toàn nhiệm vụ hằng ngày.