www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
23:01 CDT Thứ hai, 18/03/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 112


Hôm nayHôm nay : 51494

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 616045

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 18837240

Trang nhất » Tin Tức » Vui buồn cuộc sống » Tôn giáo

Vị Thành Niên: Tuổi anh hùng hay tuổi não nùng

Thứ năm - 03/03/2016 12:41
Thanh thiếu niên

Thanh thiếu niên

Đáp ứng sự tăng trưởng rất nhanh trong giai đoạn này, cha mẹ, người giám hộ hay nhà giáo dục cần cung ứng cho các em điều kiện để tham gia vào các sinh hoạt thể thao, thể dục hoặc giải trí lành mạnh, cổ võ các em tham gia các sinh hoạt đoàn thể hầu tạo cho các em điều kiện lo cho sức khoẻ và thể lý vóc các em, cũng như tạo cho các em một niềm tự tin để tiếp xúc với bạn bè và tha nhân.

VÀO ĐỀ

Đời người với nhiều giai đoạn định mốc cuộc sống. Một trong những cái mốc đáng nhớ nhất có lẽ là giai đoạn dậy thì, vị thành niên, tuổi anh hùng hay tuổi não nùng. Hùng anh vì những chiến công hiển hách, sống cao thượng hùng anh của một người anh hùng hay như một chiến sĩ bại trận thảm khốc, học được những bài học cho đời bằng chính những thương tích bầm dập của chiến trường!

Qua những tiếp xúc và chia sẻ với nhiều gia đình, chúng tôi nhận thấy nhiều cặp vợ chồng trẻ rất hạnh phúc, họ yêu nhau tha thiết, xiết chặt tay nhau, háo hức bước vào xây dựng lâu đài tình ái. Sau một thời gian họ phấn kích, bồi hồi bức xúc và nóng lòng đợi chờ đứa con đầu lòng chào đời. Họ vui mừng khôn xiết cảm tạ Thượng Đế và biết ơn nhau vì một người con chào đời, đây là mậu duệ của mình, là giọt máu của dòng họ... dù phải hy sinh ngày đêm lo cho đứa bé.

Cả hai vợ chồng ghi nhận những bước tiến, những thay đổi của con mình từng giây, từng phút, từng giờ, từng ngày, từng tuần từng tháng... Họ ghi nhận vào hình ảnh, vào máy hình digital, vào video những lúc bé biết lật, biết lẫy, biết ngồi, biết đi... Bé dần dần biết ăn, biết uống, biết nghe và biết nói. Tóm lại bé dần dần biết nhận thức về chính mình và diễn tả những gì mình muốn. Ba mẹ và họ hàng ai ai cũng thương bé trước những động tác ngộ nghĩnh dễ thương dễ mến của bé... Rồi bé lớn lên đi học và từ từ thành một thiếu niên và thanh niên.

Nhưng từ cái tuổi ấu thơ dễ thương qua cái tuổi thiếu niên nhiều ngang bướng trước khi tiến đạt thành người thanh niên chững chạc đảmtrách những trọng trách xây dựng cuộc đời và xã hội thì cái tuổi thiếu niên dậy thì kia đã gây nhiều âu lo buồn sầu cho cha mẹ, người giám hộ và các nhà giáo dục.

Tại sao thế? Từ cha mẹ cho tới các thầy cô, các nhà giáo dục ai ai cũng đều sợ cái giai đoạn của lứa tuổi này mà người ta thường gọi là tuổi dậy thì, lứa tuổi anh hùng hay một giai đoạn khủng khoảng với những thảm cảnh đáng buồn!

Hòa trong nỗi lo băn khoăn, chán chường buâng khuâng này, chúng tôi xin ghi lại đây một vài suy nghĩ, một vài truy tầm nghiên cứu hầu có thể giúp ích phần nào cho các bậc cha mẹ, những người giàm hộ và các nhà giáo dục có trọng trách với các em trong giai đoạn trầm kha này.

TUỔI DẬY THÌ HAY VỊ THÀNH NIÊN LÀ GÌ?

Tuổi dậy thì hay còn được gọi là tuổi vị thành niên. Theo tiến sĩ Joseph Rey định nghĩa “Vị thành niên là một giai đoạn triển nở của một đời người được so sánh như nhịp cầu chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ tới giai đaọn thành thục làm một người lớn”. Còn tiến sĩ tâm lý Richard D. Patersons cho “Vị thành niên là một giai đoạn khủng khoảng về cung cách, đảo lộn những động lực sống, phản kháng lại những tập tục và thay đổi những ước mơ cuộc đời”.

Đây là lứa tuổi sửa soạn cho em bước vào đời với những trọng trách của một người trưởng thành: Có khả năng làm việc để sinh sống, trưởng thành trong tình cảm để xây dựng gia đình và xã hội, dồi dào sinh lực và trí thông minh sáng suốt để lo cho mình và thế hệ tương lai con cháu.

Những thay đổi về thể lý trong tuổi dậy thì này được nhận diện một cách rất dễ dàng như thấy em lớn như thổi, giọng nói ồm ồm vỡ tiếng, râu ria lông lá mọc ra, riêng các em gái thì ngực nở hông to v.v... Những dấu hiệu bề ngoài này tỏ lộ rõ rệt bao nhiêu thì những đổi thay nội tâm lại càng khó biết bấy nhiêu! Các em thay đổi tính tình, cảm xúc và ngay cả cách thế giao tế hàng ngày...

BIẾN ĐỔI THỂ LÝ

Như trên chúng ta đã đề cập sơ qua về những biến đổi rõ rệt về thể lý: Thân xác các em trổ mã to lớn khác thường. Con trai thì râu ria mọc ra, bắp thịt rắn chắc... Con gái thì vòng ngực nở nang, có kinh nguyệt... Các em nhận diện rõ mình là trai hay gái. Cái tuổi bình thường trong giai đoạn vị thành niên này bắt đầu lúc 12 hay 13. Về cách ăn mặc và trang sức, các em thích những cái dị hợm như áo quần thời trang, đầu tóc khác thường, mở nhạc to ồn ào...

Ở tuổi này các em dần dần tự lập cho tới một tuổi không còn lệ thuộc vào cha mẹ hay người giám hộ, thường là vào tuổi kết hôn, xã hội và Giáo hội quy định là 18, nhưng cũng có em hoàn toàn tự lập vào lứa tuổi cao hơn, đặc biệt trong bối cảnh gia đình Việt Nam, con cái thường ở lại trong gia đình với cha mẹ nhiều khi cho tới 25, 30 cho tới khi lập gia đình.

Tuy nhiên trong bối cảnh văn hóa và truyền thống xã hội chúng ta đang sống, sinh nhật thứ 21 là ngày quan trọng. Các em tổ chức thật lớn như đánh dấu một sự trưởng thành độc lập hoàn toàn. Các nhà tâm sinh lý thường cho rằng nữ trưởng thành sớm hơn nam trước 2 tuổi.

Điều đáng chú ý ở đây là cha mẹ, người giám hộ hay nhà giáo dục, chúng ta có thể làm gì cho các em trong giai đoạn khó khăn này?

Đáp ứng sự tăng trưởng rất nhanh trong giai đoạn này, cha mẹ, người giám hộ hay nhà giáo dục cần cung ứng cho các em điều kiện để tham gia vào các sinh hoạt thể thao, thể dục hoặc giải trí lành mạnh, cổ võ các em tham gia các sinh hoạt đoàn thể hầu tạo cho các em điều kiện lo cho sức khoẻ và thể lý vóc các em, cũng như tạo cho các em một niềm tự tin để tiếp xúc với bạn bè và tha nhân.

BIẾN ĐỔI TÂM TRÍ

Từ ấu thơ lớn dần thành thiếu niên (vị thành niên) trước khi là một trang thanh niên gìa dặn chững chạc; song song với sự triển nở xác thân là sự tiến triển về tâm trí. Các em dần học và nắm bắt được những ý niệm từ những vật hữu hình như trái cam, qủa táo, cái bàn, cái ghế, đuôi đũa, cơm bánh rồi từ từ đi tới những ý niệm ăn, uống, cười khóc tới những ý niệm trừu tượng cao hơn như cha, mẹ, thương, yêu v.v... Tóm lại dần dần các em khám phá ra chính mình “Tôi là ai?”, “Tôi làm gì?” và “Tôi đang tiến về đâu?”

Một dịp thăm gia đình người bạn, tôi hỏi bé “em tên gì?” Em ấy tự khai “Bé tên Vi Trần, đang học lớp 2”. Hỏi đứa anh, em ấy trả lời “Việt, anh của Vi học lớp 5”... Trẻ em phân biệt được mình và tha nhân với liên hệ. Nếu chúng ta hỏi một người người lớn, họ tự giới thiệu: “Tôi qúi danh là A..., là kỹ sư đang làm ở Công ty Viễn thông...”. Ý thức được những biến đổi tâm thức và trí óc, các bậc cha mẹ và những người giám hộ hay các nhà giáo dục sẽ giúp các em khám phá ra chính mình và hướng dẫn các em lớn lên làm một người con ngoan, một học sinh chăm chỉ và một thanh niên ham học ý thức trách nhiệm sẵn sàng bước vào đời cáng đáng các trách vụ gia đình xã hội, quê hương và đất nước.

Trước những thay đổi tâm linh ý thức của người trẻ, các bậc phụ huynh và người giám hộ cũng như các nhà giáo dục cần lưu ý một tiến trình 6 điểm mà tiến sĩ Richard Parsons đề ra cho chính các bạn trẻ:

1. Trẻ em ý thức về chính thân xác của mình, chấp nhận xác thân mình và tập xử dụng chi thể mình một cách hữu hiệu.

2. Học hỏi một cách đúng đắn về những vai trò của phái tính, trong xã hội và văn hóa đòi buộc người nam và người nữ phải sống và hành xử ra sao?

3. Phát triển thành người trưởng thành với những giao tế dành cho chúng bạn cả nam lẫn nữ.

4. Tập tự lập từ nơi cha mẹ cũng như những người lớn khác, độc lập về tài chánh để dần đảm trách những trọng trách trong xã hội.

5. Sửa soạn chính mình cho các trách vụ và nghề nghiệp chuyên môn.

6. Góp nhặt một hệ thống các giá trị và lý tưởng hầu soi dẫn cho những hành vi và quyết tâm của mình.

Diễn tiến bình thường để tiến đạt những bước tiến mà tác gỉa Parsons vừa nêu ở trên, các em thường phải kinh qua những kinh nghiệm đúng sai, thành công thất bại nghĩa là các em học qua kinh nghiệm mà tiến sĩ Rey cho “đây là một đặc điểm của tuổi vị thành niên”. Tuổi trẻ thường kinh qua thất bại mới học được bài học đổi đời để tiến tới thành công, chính khi đối diện với những thực tại phũ phàng, tuổi trẻ dễ dàng nản chán dẫn tới những nhường bước như bỏ học để đi chơi, phá phách ngông cuồng, đua đòi với chúng bạn, sống cuồng yêu vội chẳng cần gì tới luân thường đạo lý, kính trên nhừơng dưới v.v... Các em cho làm thế là anh hùng; chứ nào các em có nghĩ mình đang ngu xuẩn làm những điều chướng tai gai mắt cho gia đình và xã hội. Đây là một giai đoạn đầy thách đố cho chính bản thân tuổi trẻ! Cha mẹ và nhà giáo dục cần trấn tĩnh con em mình bình tâm, bình tĩnh trước những đổi thay kích thích của cái tuổi ngông ngênh đập phá này là do những tuyến hạch nội tuyến của tuổi dậy thì tạo ra hầu các em bình thản mà vượt qua được giai đoạn cực kỳ khó khăn này.

Một điều cha mẹ và các nhà giáo dục vẫn thắc mắc và không hiểu được là “Tại sao các em thông minh mà lại sa lầy vào nhiều lầm lỗi thế?”

Để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vấn đề này, tiến sĩ Joseph Rey cho một ví dụ là: con em chúng ta có một chiếc xe thật chiến, nhưng vì thiếu kinh nghiệm hay vì lái ẩu quá tốc độ mà xe có thể không đến được nơi an toàn! Tuổi trẻ thường quyết định thật nông nổi nếu không muốn nói là sai lầm, lý do chính vì chúng muốn có những quyết định khác biệt với cha mẹ hoặc người giám hộ hay nhà giáo dục. Ví dụ cha mẹ khuyên là đừng hút thuốc vì thuốc làm hại tới sức khỏe! thì các em hút, để chứng tỏ các em độc lập, để các em được hòa đồng với chúng bạn... vì đứa nào cũng hút thuốc!

Khi một em bỏ nhà ra đi, chắc chắn làm cho cha mẹ đau lòng lắm lắm! nhưng một điều khuyên tối cần thiết cho cha mẹ là hãy luôn tỏ ra rộng lượng, dù con bỏ nhà ra đi có làm cho lòng cha mẹ đau thắt ruột gan, muốn chết đi được, thì cũng phải tỏ ra yêu thương sẵn sàng đón con trở về. “Cảm nghiệm tình thương vô bờ này sẽ là hành trang giúp người trẻ làm lại cuộc đời, xây dựng tương lai của em”.

TÍNH TÌNH DỔI THAY NHƯ THAY ĐỔI ÁO QUẦN

Một trong những cá biệt của cái tuổi dậy thì khủng khoảng này là các em thay đổi thái độ thất thường, tùy thuộc vào những tranh đấu đòi tự lập, tự chủ và đối tượng hay thần tượng của em lúc đó.

Như ở phần đổi thay tâm trí, chúng tôi đã đề cập tới ý thức về chính con người của mình, độc lập khác biệt khỏi người khác và tìm cho mình một lý tưởng một thần tượng.

Có một lần giảng lễ cho giới trẻ, tôi hỏi tương lai các em thích làm gì? Có em giơ tay lên thưa: “Làm ca sĩ.”. Có em: “Làm cảnh sát”, có em: “Làm bác sĩ... kỹ sư... Chẳng thấy có em nào mong muốn làm linh mục hay tu sĩ cả. Giả dụ khi còn nhỏ các em nói với ba với mẹ tương lai lớn lên em sẽ làm linh mục hay là sơ, dì phước... Nhưng rồi lớn lên một chút, có nhắc lại cho các em thì các em dẫy nảy, ngoắc đầu nguây nguẩy “No... No...” (không. .. không đâu!)

Bối cảnh gia đình và bầu khí em được lớn lên có một tầm ảnh hưởng thật lớn lao trên em.

Chúng ta hẳn nhớ lại câu chuyện của thầy Mạnh Tử. Nhà nghèo ba mất sớm, Mạnh Mẫu là mẹ gương mẫu lo lắng tìm kiếm tiền cho con ăn học. Nhà bà ở gần khu chợ, kẻ qua ngừơi lại tấp nập, bán buôn ăn gian nói dối, chửi bới nhau. Một hôm bà thấy con nói những lời của hàng tôm hàng cá, bà biết là không xong, nên lo bán nhà dọn về một khu lao động, gần lò heo... Một hôm bà lại thấy Mạnh Tử giả bộ làm người lái heo đi buôn heo, rồi làm kẻ giết heo... Bà buồn quá, quyết tâm phải lo dọn nhà về gần trường học. Một thời gian không lâu, bà thấy con mình tối ngày cầm sách lo đọc lo viết, ham học mà sau này đỗ đạt thành tài.

Vì vậy mà các bậc cha mẹ và nhà giáo dục cần cung cấp cho con em mình những phương tiện học hành, thể thao văn học nghệ thuật cho các em trau dồi. Trên bình diện này, ý kiến của bạn bè nhiều khi nặng ký và được đón nhận hơn là ý kiến của cha mẹ hay của các nhà giáo dục. Vì thế tìm bạn cho con là một điều rất quan trọng. Cha mẹ có thể làm đưọc gì trong lãnh vực này? Dẫu biết rằng con cái chúng ta có bạn có bè qua trường sở, qua gặp gỡ thân giao trong xã hội qua các đoàn thể tổ chức... Nhưng cha mẹ cũng cần và phải tạo cơ hội và hoàn cảnh, như thăm viếng, đi pícníc hay sinh hoạt chung với các gia đình bà con, bạn bè hầu cho con mình có dịp gặp gỡ và chơi thân với các em cùng lứa tuổi, con cháu của các gia đình thân hữu.

THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI TÍNH DỤC

Tiến sĩ Rey nói “Sự thay đổi trầm kha nhất, ảnh hưởng sâu xa trên người trẻ vị thành niên trong lứa tuổi dậy thì là thái độ đối với tính dục”. Trước những thay đổi xối xang nhanh chóng về thể lý dẫn tới những tò mò háo hức muốn khám phá phái tính là gì? Tình dục ra sao? Tình dục đưa lại những khoái cảm gì? Tất cả những câu hỏi trên ắp đầy trong tâm trí của người trẻ, khiến họ choáng váng quay cuồng! Còn đối với các bậc làm cha mẹ hay nhà giáo dục thì âu lo không biết phải hướng dẫn và chỉ dậy các em ra sao? bao nhiêu cho đủ hầu các em đạt tới một sự trưởng thành đứng đán về một đời sống tính dục quân bình thành thục, thích hợp với phong tục tập quán và văn hóa của quê hương dân tộc của mình nữa.

Thường ở vào lứa tuổi dậy thì này các em muốn biết sự khác biết về thể lý của người nam người nữ, những xúc cảm đưa tới khi nam nữ gần nhau, ôm ấp và hôn hít... Xa hơn nữa tới lúc đính hôn với những giao tế giữa cặp tình nhân mà trong các câu chuyện giữa bạn bè chúng thường kháo láo cho nhau và với nhau về bí mật của một trời ân ái tính dục kia!

Theo tài liệu về tuổi trẻ và tình dục cho hay ở Hoa Kỳ có tới 40% trẻ nữ tuổi từ 14 tới 19 có thai vì những vụng trộm trai gái ăn ở với nhau, so với 23% ở Úc. Trong số những nố có thai thì tới 90% thanh niên nam nữ này không đi tới hôn nhân. Nguyên do của sự chênh lệc này là vì sự giáo dục về phái tính ở Úc tốt hơn ở Hoa Kỳ.

Cũng theo tài liệu trên thì trong tổng số các trường hợp có thai của tuổi vị thành niên này thì 44% giữ thai và sinh con, 16% bị xảy thai tự nhiên còn lại 40% là phá thai.

Ngoài ra còn nhiều nguyên do đưa tới sự kích động tình dục nơi các em là bạn bè rồi TV, truyền thanh truyền hình, báo chí và sách báo khiêu dâm. Cũng có những trường hợp họa hiếm như có em ăn ở với nhau cho có con để được sống chung với nhau và được dọn ra ở riêng!

Cha mẹ và các nhà giáo dục cần làm những gì để cẩn phòng và giúp các em vị thành không vướng vào cảnh mang thai và sinh nở quá sớm?

Tiến sĩ Rey để nghị một số điểm sau:

1. Kiến tạo một gia đình vui tươi hạnh phúc

2. Xây dựng một mối tương giao tin tưởng và đối thoại

3. Nên đặt ra những luật lệ hợp tình hợp lý và tối cần thiết

4. Không nên dùng TV như phương tiện để cho con cái giải trí qua giờ

5. Cần biết nơi chốn con em mình đi chơi và đi với ai

6. Tạo cho các em có dịp vui chơi thoải mái

7. Nên đề cập tới việc chung chạ trai gái, giao hợp và ngừa thai

8. Tạo cho các em có một lý tưởng sống và một gương sống

9. Tạo cơ hội cho các em tham gia thể thao cũng như các phương tiện khác

10. Kiểm soát các em tới trường hoc đàng hoàng và có chu toàn bài vở không.

(Kỳ tới: Những Nguyên Tắc Căn Bản Để Hành Xử Với Tuổi Trẻ)

 

Tác giả bài viết: Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Liên hệ

Tinvuiviet.net kính chào Quý vị và các bạn. Chúng tôi luôn mong nhận được bài vở cộng tác của mọi người. Xin cám ơn.   Liên hệ: Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: bbttinvui@gmail.com. Chân thành cảm ơn Quý vị và các bạn đã ghé thăm site. Kính chúc Quý vị và các...

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Chúng ta nên làm gì để nhiều người biết Thiên Chúa hơn ?

Cầu nguyện.

Đi lễ.

Sống bác ái.

Loan báo Tin Mừng.

Chu toàn nhiệm vụ hằng ngày.