www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
02:42 EDT Thứ sáu, 26/04/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 63

Máy chủ tìm kiếm : 4

Khách viếng thăm : 59


Hôm nayHôm nay : 1058

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 591568

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 19737763

Trang nhất » Tin Tức » Vui buồn cuộc sống » Xã hội

Đến từ đồng ruộng

Thứ sáu - 03/07/2015 08:42
ông bà Trịnh hữu Phước và Võ thị Diệp

ông bà Trịnh hữu Phước và Võ thị Diệp

Hôm 21.8.2007, tình cờ đọc bản tin Vietcatholic số 3944, năm thứ 11, ngày thứ hai 20.8.2007, tôi bắt gặp mục Tin đáng chú ý đề là Tự ngôi làng nhỏ ở Bạc liêu đến NASA, câu chuyện thành công của hai vợ chồng người Mỹ gốc Việt, do ký giả Trà My đài RFI thực hiện. Đây là bài phỏng vấn tôi cho là hay và có ý nghĩa. Vì vậy, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần, mang giấy bút ra ghi chép những điều đáng lưu ý có thể làm chất liệu cho mình suy nghĩ và học hỏi. Sáng hôm nay tôi còn đọc lại nữa và thấy nảy ra những ý tưởng sau đây :

1. Xuất thân từ đồng ruộng
 
 Cả hai ông bà Trịnh hữu PhướcVõ thị Diệp đều là những nhà khoa học làm việc cho trung tâm NASA nổi tiếng của Mỹ. Ông là “kỹ sư phi hành không gian, phụ trách phát triển động cơ hỏa tiễn, cho phi thuyền bay đi từ mặt trăng” Còn bà là “kỹ sư vật liệu cấu trúc, sáng chế và thử nghiệm vật liệu, dùng cho động cơ hỏa tiễn nhiên liệu đặc, của phi thuyền con thoi” Hai ông bà cùng là người Bạc liêu, sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng nhỏ. Còn bé bà đã phải đi làm ruộng như bà nói. Thấy khổ quá và tương lai mờ mịt nên bà nghĩ đến chuyện vượt biên. Phải vất vả đến ba, bốn lần bà mới thành công. Bà đến Mỹ năm 17 tuổi, chưa có bằng Trung học ở Việt nam.
 
 Hoàn cảnh của ông cũng không khác bà là mấy, tuy không phải làm ruộng. Ông được học ở trường làng, hết năm lớp ba thì được gia đình cho lên học trên phố chợ. Ông cho đó là một điều may mắn, hon nhiều bạn cùng trang lứa. Cũng vì hoàn cảnh gia đình, ông phải vượt biên. Ông sinh năm 1962 đến Mỹ năm 1977 và cũng chưa có bằng Trung học khi còn ở Việt nam như bà.
 
 2. Từ đồng ruộng nào có gì hay
 
 Trước đây, qua nhiều tiểu thuyết của các nhà văn trong Tư lực Văn đoàn, người ta phảng phất thấy có ý tưởng này. Các nhà văn nói trên muốn thay đổi xã hội bằng cách đưa ra những hủ tục ở thôn quê để châm biếm, với dụng ý cho người ta thấy thế mà bỏ đi, nhưng đồng thời cũng gây ra một não trạng là khinh thường rẻ rúng những người sống ở miền quê. Những bức tranh biếm họa trên báo Phong hóa hay Ngày nay cho thấy điều đó.
 
 Quả thật, ở thôn quê có những cái cần được sửa đổi, nhưng bản chất của người ở miền quê cũng có những điều đáng quí đáng trọng, như lòng chân thành, sự đơn sơ chất phát v.v... Hơn thế, ở miền quê người ta cũng tìm thấy những tài năng và khối óc tinh thông. Có điều vì hoàn cảnh và điều kiện sinh sống, những tài năng và khối óc kia không được biết đến hay khai thác vun trồng. Cứ thử nghĩ xem, nếu như hai nhà khoa học của chúng ta, hai tiến sỹ cứ ở lại Bạc liêu cho đến bây giờ, thì làm gì chúng ta được lây cái vinh dự của hai người đồng bào, từ nơi “tay lấm chân bùn” ngày nay ngồi ngang hàng với các nhà khoa học Hoa kỳ ở Trung Tâm NASA. Bởi vậy, chúng ta không nên khinh thường những người ở miền quê mà nên khám phá ra những tài năng, những khối óc, rồi khuyến khích giúp đỡ cho họ thành tài. Tôi muốn nói đến chuyện tài trợ cho các học sinh nghèo nhưng thông minh chịu khó ở quê nhà.
 
 3. Miệt mài cố gắng
 
 Qua bài phỏng vấn, phóng viên Trà Mi đã cho tôi thấy hai nhà khoa học của chúng ta là những người miệt mài cố gắng, vượt lên trên những hoàn cảnh khắt khe. Hai ông bà đến Mỹ vào thập niên 80. Lúc bấy giờ Việt kiều chưa có tổ chức và đời sống như bây giờ. Những người vượt biên sang Mỹ hồi đó không có bà con thân nhân giúp đỡ, ai cũng phải lo tự tạo lấy cuộc sống cho mình. Ở Mỹ mà phải “bươn chải” như hồi đó thật không sai. Mà đã hết đâu ! Còn phải giúp đỡ cha mẹ anh em họ hàng. Ở nhà người ta mong ngóng, chờ đợi những thùng đồ gửi về để giúp cho tạm sống. Vì thế, ở Mỹ, dù có ăn cũng còn phải lo “thắt lưng buộc bụng” để giúp đỡ gia đình. Hai ông bà đã cố gắng, ban ngày đi học, ban đêm đi làm. Ông làm người gác cổng, rửa bát đĩa trong nhà hàng; bà làm thâu ngân viên và lao công lau quét dọn nhà cho người ta. Nhìn thấy đồ đạc trong nhà chủ, bà thầm nghĩ mình phải cố gắng thế nào để một ngày kia cũng có được những đồ đạc như thế. Còn ông thì nghĩ đến hoàn cảnh gia đình, chỉ có một thân một mình ở đây thôi, nên phải cố học sao để nay mai có thể giúp đỡ gia đình được. Bà nói có những lần buồn ngủ từ trong tim, nhưng phải tự ngắt mình cho đau để thức mà làm việc.
 
 4. Động lực nào đã giúp hai ông bà thắng vượt ?
 
 Đó là chí tiến thủ và tình yêu gia đình. Hai ông bà nghĩ rằng cứ sống bình bình vậy thôi thì ai cũng sống được, nhưng phải phấn đấu vươn lên mới hay. Cả hai đều nghĩ đến gia đình. Cả hai đều vì gia đình mà đành lòng chịu khổ, vừa làm vừa học. Cũng vì vậy mà chỉ sau sáu tháng, ông bà đã lấy được bằng GED. Với bằng này, ông bà theo học trường cộng đồng mà không qua trường trung học để có thể vừa học vừa làm lấy tiền sinh sống và giúp gia đình nữa. Ngoài ra là chí tiến thủ. Ngay từ khi còn bé ở quê nhà, bà đã ước ao được học hành và mong trở thành nhà ngoại giao. Ông thì bảo các bạn mình mà được sang đây thì họ cũng tiến như mình thôi. Vì vậy, phải cố gắng để tiến thêm mãi. Bởi thế, ông bà mới có ngày hôm nay, nhờ tình yêu gia đình và chí tiến thủ, sau bao nhiêu hy sinh cố gắng miệt mài.
 
 Ước mong sao các bậc phụ huynh giáo dục con em ở Mỹ, để giữ vững tình nghĩa gia đình là giá trị cổ truyền đáng quí của dân tộc chúng ta. Muốn vậy, thiết tưởng phải khuyến khích và dạy cho con em biết đọc biết nói tiếng Việt. Tôi còn nhớ loáng thoáng Phạm Quỳnh hay nhân vật nào đó có nói một câu như thế này: “Tiếng Việt còn thì đất nước còn” . Khi không đọc không nói được tiếng Việt thì con em chúng ta thành người ngoại quốc mất rồi. Người ngoại quốc thì làm sao thông hiểu phong tục tập quán của dân tộc mình cho thành thạo được. Và từ đấy làm sao còn gắn bó và yêu thương tổ quốc mình ? Hồi thập niên 60 tôi có gặp một thanh niên học hành và thành đạt ở Pháp. Trong câu chuyện có lúc anh nói với tôi ra rằng : “Pour moi, le Viet Nam est fini”. (Đối với tôi, Việt Nam hết rồi)
 
 5. Nỗi lòng của hai nhà khoa học.
 
 Tuy ở Mỹ có địa vị và danh vọng cao, hai ông bà vẫn thường về Việt Nam và đưa con cái đi theo. Ông nói là ông đưa các con về để chúng biết cội nguồn quê hương. Ước vọng của ông là khi về già trở lại Việt nam dịch sách, viết sách truyền đạt kiến thức ông đã học được cho thế hệ đàn em. Bà cũng mong khi về hưu sẽ mở trường dạy học cho trẻ, đặc biêt là chia sẻ với trẻ em mồ côi trong các cô nhi viện. Ông nhận thấy ở Mỹ có nhiều cơ hội để thăng tiến. Đồng bào mình ở Mỹ nên tận dụng cơ hội để tiến xa hơn. Không nên thấy dễ làm ăn mà lơ là hay ngưng sớm công việc học hành.
 
 Mùa hè 2003 tôi ở Luân đôn. Một hôm đi thăm The bridge of London, lúc ăn trưa tôi bị bể một cái răng. Tìm mãi xem có thấy một nha sĩ nào người Việt ở chung quanh không mà không thấy. Sau phải tìm đến một nha sĩ người Trung hoa. Không như ở Mỹ này, trong các thành phố ở San Jose hay quận Cam, hầu như chỗ nào cũng có người Việt là bác sỹ, kỹ sư, dược sỹ, luật sư v.v... Hỏi ra mới biết trong giai đoạn đầu mới nhập cư, người Việt sang Anh lo chuyện làm ăn buôn bán trước khi lo đến chuyện học hành cho con cái. Vì vậy mà số thành đạt trong các ngành nghề chuyên môn chưa nhiều lắm. Như thế, điều tiến sỹ Phước lưu tâm đến cơ hội thuận lợi cho việc học hành để tiến xa hơn là hữu lý.
 
 Theo tôi, hai nhà khoa học này là tấm gương và niềm vinh dự cho chúng ta, nhất là các bạn trẻ. Hai ông bà đã phấn đấu từ những hoàn cảnh nghiệt ngã để nên thân nên người, làm vẻ vang cho nòi giống, không che dấu hay lấy làm hổ thẹn về nguồn gốc xã hội của mình, và như nói với chúng ta rằng dù ở hoàn cảnh nào, với quyết tâm và phấn đấu miệt mài, người ta cũng có thể vượt lên hoàn cảnh để tạo ra cho mình một đời sống theo ý muốn.

Tác giả bài viết: Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế o.p.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Liên hệ

Tinvuiviet.net kính chào Quý vị và các bạn. Chúng tôi luôn mong nhận được bài vở cộng tác của mọi người. Xin cám ơn.   Liên hệ: Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: bbttinvui@gmail.com. Chân thành cảm ơn Quý vị và các bạn đã ghé thăm site. Kính chúc Quý vị và các...

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Chúng ta nên làm gì để nhiều người biết Thiên Chúa hơn ?

Cầu nguyện.

Đi lễ.

Sống bác ái.

Loan báo Tin Mừng.

Chu toàn nhiệm vụ hằng ngày.