Hành trình đức tin với Mẹ Maria

Mẹ Maria

Mẹ Maria

Tôi có một Bà Mẹ, Mẹ Maria thương yêu. Mẹ yêu tôi và tôi yêu mẹ. Là con Mẹ, con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Tôi giống Mẹ thế nào trong đời sống của tôi. Ðâu là thái độ của tôi đối với Mẹ?

Karl 27 tuổi, chuyên viên nhảy dù nhào lộn biểu diễn trong không quân hoàng gia Anh quốc. Sáng ngày 10.12.1946, ngày lễ Mẹ Loreto, bổn mạng của không quân Hoàng gia, anh được chọn để nhảy dù nhào lộn biểu diễn. Trên phi cơ hôm nay, anh hồi hộp lạ thường. Một, hai, ba... Anh nhảy ra khỏi cửa phi cơ bắt đầu cuộc biểu diễn... Dù chưa mở, vận tốc dù rơi mỗi lúc một nhanh... Mặt đất càng lúc càng gần...Dù vẫn chưa mở, anh chơi vơi lo lắng và hốt hoảng...Anh nhấn nút dù an toàn...Dù an toàn cũng không chịu mở...Mặt đất mỗi lúc gần hơn... Anh nghĩ đến cái chết, đến gia đình, người yêu, bạn bè... Anh chợt nhớ đến Mẹ Maria trong giây phút kinh hoàng:

- Lạy Mẹ, xin cứu con, đừng để con chết.

Ðang chuẩn bị cái chết chờ đón với lòng sám hối sau lời cầu nguyện với Mẹ Maria... Karl cảm thấy dù an toàn chậm lại, chàng thấy dù an toàn mở hồi nào không hay... Dù hạ từ từ xuống mặt đất... Chân chàng vừa chạm xuống đất, chàng loay hoay gỡ dây dù và qùy xuống, mặc cho những tiếng reo hò hoan hô vang dậy, mặc cho tiếng gào thét trong xúc động kêu tên chàng của người yêu Melanie đến khản tiếng, chàng thì thầm trong xúc động:

- Lạy Mẹ, tạ ơn Mẹ, xin Mẹ tha thứ cho đời quá khứ tội lỗi cuả con, con sẽ không bao giờ quên ơn Mẹ trong hành trình đời con.

Hình ảnh Mẹ Maria trong trái tim và trong tâm hồn của Karl. Hình ảnh của Mẹ Maria cũng mãi sáng ngời trong trái tim và cuộc đời của tôi, với bao biến cố thăng trầm của cuộc sống. Vai trò của Mẹ trong nếp sống và trong hành trình đức tin đời tôi, và là gương mẫu đời sống đức tin trong hành trình đức tin với Mẹ, trong Mẹ cùng Mẹ tiến về Năm Thánh 2000, thiên niên kỷ thứ 3 của nhân loại.

1. Mẹ Maria hành trình Ðức tin với Loài người.

Xuyên suốt lịch sử loài người, Mẹ Maria hiện diện gần gũi và tràn đầy yêu thương. Mẹ có mặt trong thời buổi sơ khai của Giáo hội giữa các Tông đồ. Trải qua 20 thế kỷ, Mẹ luôn có mặt trong từng biến cố, trong từng giai đoạn của nhân loại. Theo nhà Nghiên cứu Bernard Billet, Mẹ đã hiện ra với con cái loài người 227 lần được xác nhận chính thức. Những lần hiện ra quan trọng được liệt kê như sau :

Mẹ hiện ra ở Loreto năm 1252.

Tại Guadaluppe Mexico ngày 12.12.1521 với Juan Diego.

Hiện ra với nữ tu Catherine Labouré tại Pháp 1830.

Tại La Salett 19.9.1846

Tại Lộ Ðức với Bernadette 18 lần, từ ngày 11.2.1858 đến ngày 16.7.1858.

Tại Pontmain nước Pháp ngày 17.1.1871.

Hiện ra tại Knock Ái nhĩ Lan ngày 21.8.1879.

Tại Fatima Mẹ hiện ra với 3 trẻ Lucia, Phanxico và Giacinta 6 lần từ ngày 13.5.1917 tới ngày 13.10.1917.

Tại Pontevedra Tây ban Nha ngày 10.12,1925.

Tại Thành phố Tuy Tây Ban Nha Ngày 13.6.1929.

Tại Beauriang nước Bỉ năm 1932, Mẹ hiện ra 2 lần.

Tại Banneux nước Bỉ năm 1933.

Mẹ hiện ra tại Amsterdam Hòa lan từ 1946 đến 1956 với tư cách Bà Chúa các dân tộc.

Tại Pfaffenhofen Tây Ðức năm 1946.

Tại Syracusa, từ ngày 29.3.1953 đến ngày 1.9.1953, Bức ảnh Trái Tim Ðức Mẹ khóc liên tục.

Mẹ hiện ra liên tiếp tại Daminano nước Ý từ năm 1964 đến năm 1970.

Tại Akita Nhật Bản, Tượng Ðức Mẹ đã khóc với máu và nước mắt liên tiếp từ ngày 4.1.1975 đến ngày 15.9.1981.

Mẹ hiện ra tại Medjugorge Nam tư 20.4.1982.

Mẹ hiện ra tại Garabandal Tây Ban Nha.

Hiện ra tại Betania nước Venezuela.

Hiện ra tại Ukraina Nước Nga.

Tại Zeitun nước Ai cập.

Tại Phi châu, Mẹ hiện ra tại Kibeho.

Hiện ra tại Ðại hàn tỉnh Nazu.

Ðức Mẹ tại Czestochova Ba lan.

Sự kiện Mẹ hiện ra mới nhất tại Roma, với sự kiện Ðức Mẹ khóc vào tháng 1.1996.

2. Mẹ đồng hành với Dân Tộc Việt Nam.

Xuyên suốt trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam, Mẹ đã có mặt và đồng hành với dân tộc Việt nam trong cuộc lữ hành Ðức Tin, với những lần hiện ra an ủi nâng đỡ con dân Việt Nam.

Năm 1798, Mẹ hiện ra tại La vang Quảng trị Việt Nam, để an uỉ nâng đỡ và chữa lành bệnh tật cho con cái Mẹ bị bách hại.

Ngày 1.9.1885, khi phong trào Văn thân bách hại con cái Mẹ, Mẹ đã hiện ra tại Trà Kiệu Quảng Nam để cứu thoát con Mẹ khỏi bị sát hại và tàn phá.

Năm 1950, chiến tranh tàn khốc trên đất nước Việt Nam, Mẹ hiện ra tại La Mã, Ba tri Bến Tre với Gia đình Ông trùm Thành tại Xứ Bầu Dơi để che chở nâng đỡ, với uy quyền của Bức Ảnh Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Biến cố Di cư Năm 1954, với cả triệu người Việt nam từ Bắc vào Nam, Mẹ đã đồng hành với những gian khổ.

Biến cố Vượt Biên 1975 đến 1996, Mẹ cũng đã đồng hành với gần 2 triệu người Việt nam lênh đênh trên biển cả, gian lao nơi rừng sâu nguy hiểm, để an ủi, nâng đỡ, xoa dịu đau thương.

Trong quãng đời tù đầy, sự hiện diện của Mẹ an ủi nâng đỡ con dân Việt Nam.

Lịch sử Việt nam sang trang mới của những ngày tha hương nhung nhớ, Mẹ vẫn tiếp tục đồng hành trong cuộc lữ hành đức tin với con dân Việt nam trên 80 quốc gia khác nhau trong toàn thế giới. Làm sao tôi quên được cả gia đình chú Ba Chẻo được Mẹ nâng đỡ, và qua Mẹ đến với Chúa trong hành trình Ðức tin Công Giáo trong suốt quãng đời còn lại của mình. Làm sao tôi quên được hình ảnh của Bà cụ già không phải người Công Giáo tại Sydney, đi tìm Mẹ 18 năm để tạ ơn cho chuyến đi vượt biên của gia đình, đã tìm thấy Mẹ Fatima dịu hiền tại Tượng đài Ðức Mẹ tại Sydney. Làm sao tôi quên được cả chuyến tầu định mệnh group 18 Lubang trong bàn tay che chở của Mẹ, mặc dù họ không biết Mẹ, nhưng là người Việt nam vượt biển cầu khẩn và tin tưởng nơi Mẹ, họ đã được cứu thoát. Khi tới bến bờ tự do, cả nhóm đã quyết tâm qua Mẹ trở thành con của Chúa trong đức tin Công Giáo... Và còn cả ngàn vạn những trường hợp đặc biệt khác nhau, con dân Việt nam đã được Mẹ nâng đỡ phù trợ, trong đó có tôi và bạn...

3. Ðồng Hành với Mẹ trong hành trình đức tin.

Trong cuộc đời của Mẹ nơi trần gian, Mẹ đã tin tưởng vào Chúa một cách tuyệt đối. Niềm tin của Mẹ ngời sáng trong xuyên suốt hành trình cuộc đời của Mẹ.

Cuộc đời thơ ấu của Mẹ chất chứa trọn vẹn một niềm tin yêu phó thác vào Chúa, Mẹ đã trọn vẹn hiến dâng cuộc đời trong đền thánh, để phụng thờ Chúa.

Hành trình kiếp người của Mẹ dệt bằng những biến cố tin yêu. Ngày Mẹ được truyền tin Cưu mang Ðấng Cứu Thế, giữa những lạ lẫm của lời Thiên sứ báo tin cưu mang và hạ sinh Ðức Kitô, trái ngược hoàn toàn với tư tưởng của Mẹ muốn giữ mình đồng trinh, sau khi hiểu rõ ý Chúa, Mẹ đã can đảm tuyên xưng tiếng xin vâng lịch sử: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Sứ Thần truyền.".

Tiếp tục cuộc đời của Mẹ là những chấp nhận đồng hành với Ðức Kitô. Mẹ đã có mặt trong tất cả những bước chân rao giảng của Ðức Kitô. Ðem Chúa đến với Bà Elizabeth để vang lên lời ngợi ca: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hớn hở mừng vui trong đấng cứu độ tôi". Mẹ có mặt trong bước đường rao giảng của Chúa, trong các phép lạ Chúa thực hiện, và đặc biệt, Mẹ hiện diện rất gần gũi thân thương trên hành trình khổ giá của Chúa như một vai trò đồng công cứu chuộc. Dưới chân Cây Thập tự, Mẹ đón nhận lời trối trăn của Chúa đón nhận vai trò làm Mẹ nhân loại. "Ðây là con Mẹ, và đây là Mẹ con". Sau Khi Chúa về trời, Mẹ lại tiếp tục hành trình cuộc lữ hành Ðức tin với các Tông đồ trong buổi sơ khai của Giáo Hội dể nâng đỡ, ủi an và đồng hành. Cuộc đời Mẹ về trời, Mẹ vẫn tiếp tục hiện diện đồng hành với cuộc lữ hành đức tin của Giáo hội nơi trần gian..

4. Ðời sống Xin vâng.

Trọn cuộc đời của Mẹ là điệp khúc những tiếng xin vâng. Xin vâng là những chấp nhận, xin vâng là những hy sinh, xin vâng là những trái ý, xin vâng là những đau khổ thử thách gian lao, Mẹ đã sẵn sàng chấp nhận trong suốt cả cuộc đời. Cụ thể hóa đời sống Xin vâng của Mẹ, Giáo hội đã chọn 7 sự thương khó của Mẹ như là những tấm gương sáng chói cuả cuộc đời Mẹ:

- Thiếu thốn trong cảnh hạ sinh Ðấng Cứu thế.

- Dâng con vào đền Thánh với lời tiên tri Mẹ sẽ gặp nhiều đau khổ của tiên tri Simeon.

- Lưu lạc tỵ nạn sang Ai cập với Chúa Giêsu.

- Lạc mất Chúa trong Ðền thánh.

- Gặp Chúa vác Cây Thập Tự.

- Dưới chân Thập giá đau thương để chứng kiến giờ phút con hấp hối.

- Ôm xác con yêu thương đã chết vì yêu nhân thế.

Cuộc đời của Mẹ như gắn liền với những tiếng xin vâng.

5. Thái độ theo Mẹ.

Tôi yêu Mẹ, tôi tuyên hứa cuộc đời cho mẹ: "Lạy Nữ vương là Mẹ con, trọn thân con thuộc về Mẹ, và mọi sự của con là của Mẹ". Lời tuyên hứa gói ghém thái độ cuả tôi đối với Mẹ. Là con của Mẹ, tôi quyết tâm yêu mến Mẹ. Yêu mến Mẹ bằng 2 thái độ: Theo gương Mẹ và đồng hành với Mẹ.

5.1. Theo gương Mẹ.

Mẹ đã xác tín trong niềm tin, Mẹ đã sống trong niềm tin, Mẹ đã thực hiện niềm tin một cách trọn vẹn qua cuộc đời xin vâng. Tôi theo gương Mẹ, tôi cũng phải xác tín niềm tin của tôi, sống niềm tin và thực hiện niềm tin trong:

- Cuộc đời xin vâng với những hy sinh và từ bỏ để chấp nhận ý Chúa.

- Cuộc đời bác ái cho đi theo Mẹ, đối với gia đình, đối với xã hội.

- Cuộc đời tông đồ trong nếp sống mỗi ngày khi giao tiếp.

- Cuộc đời phó thác cho Chúa trong các biến cố của hành trình đức tin nơi trần gian.

5.2. Ðồng hành với Mẹ.

Ðồng hành với Mẹ trong cuộc sống của tôi. Trong Mẹ, với Mẹ, vì Mẹ tôi đồng hành trong cuộc sống tông đồ. Mẹ cùng đi với tôi, Mẹ cùng làm tông đồ với tôi trong nếp sống gia đình có nhiều khó khăn và xung đột, trong nếp sống xã hội có nhiều bất công và ích kỷ, trong nếp sống cá nhân của tôi có nhiều những thách đố và chiến đấu.

Ngày 27.11.1960, em bé Maria bị ghẻ lở như bệnh phong cùi và hết phương cứu chữa. Các bác sĩ bó tay trước căn bệnh hiểm nghèo của Maria. Gia đình Maria quyết tâm đưa em tới Lộ Đức. Tại đây, trong cuộc hành hương để cầu nguyện xin Ðức Mẹ chữa bệnh cho em, Maria đã cầu nguyện :

- Mẹ ơi, con không xin Mẹ chữa con lành bệnh, nhưng con chỉ xin Mẹ, vì sự đau đớn bệnh tật của con, Mẹ cho Ba con một người vô thần được trở lại.

Ba Maria, một người vô thần khét tiếng, nghe thấy lời cầu nguyện của em, đã xúc động và đã trở về với Chúa, qua sự bầu cử của Mẹ Maria. Ðồng thời, Mẹ cũng đã làm phép lạ chữa lành căn bệnh nan y cho Maria, trước sự hạnh phúc vô bờ của Ba em và cả gia đình.

Thái độ của em Maria cũng phải là thái độ của tôi. Theo gương Mẹ sống niềm tin yêu và phó thác, đồng hành với Mẹ trong suốt cả cuộc đời Lạy Nữ vương là Mẹ con, trọn thân con thuộc về Mẹ, và mọi sự của con là của Mẹ, mãi mãi và mãi mãi trong suốt cả đời con.

Tác giả bài viết: Lm. Văn Chi