Kinh Mân Côi có thể góp phần vào việc đại kết

Kinh Mân Côi

Kinh Mân Côi

Đài Phát Thanh Vatican tường trình cho biết giáo sư Stephan Tobler ở Đại Học Tubingen Đức Quốc, một thần học gia Tin Lành cải cách đã phát biểu thế này về Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 16/10/2002 vừa qua như sau:

“Tôi phải nói rằng tôi đã cố gắng đọc bức tông thư này. Đây là một bức tông thư có một chiều sâu về linh đạo và thần học tôi không ngờ, một bức tông thư có một bầu khí của chiều kích phúc âm làm tôi hết sức bỡ ngỡ. Bức thư này nói rằng cần phải tái lập lại kinh mân côi như là một kinh nguyện Kitô học. Bức tông thư này quả thực đã làm như vậy từ hàng chữ thứ nhất đến hàng chữ cuối cùng”. Khi bản văn mở đầu là “ân sủng Đức Maria ban cho chúng ta khi chúng ta cầu xin Người”, bản văn này nói về ân sủng Thiên Chúa ban cho chúng ta hầu như từ bàn tay của Đức Maria, “nhưng bằng một ‘cái hầu như’ như thể nói rằng Người ‘là và không là’. Bởi thế, theo ý nghĩa ấy, bản văn đã đi theo chiều hướng Thiên Chúa Ba Ngôi, một chiều hướng tôi thấy gần gũi với cảm nhận của những Người Cải Cách, thành phần cảm nhận được nhân vật Maria, chỉ khi nào nhân vật này không quay mắt khỏi Chúa Giêsu, Thánh Linh và Chúa Cha. Tôi nghĩ rằng các cộng đồng Cải Cách có thể tái nhận thức Đức Maria như hình ảnh của một con người hoàn toàn hướng về Thiên Chúa bằng lời ‘xin vâng’ của Người, bằng lời ‘hãy làm theo những gì Ngài bảo’, bằng việc Người đứng dưới chân cây thập giá, bằng việc Người thinh lặng nơi các môn đệ. Trong bức tông thư này, ĐGH nhấn mạnh rằng kinh mân côi, không phải chỉ là một kinh nguyện theo ngôn từ mà là một việc chiêm niệm mầu nhiệm. Chắc hẳn ngày nay cảm thức và sự tìm cầu chính yếu là tái khám phá chỗ đứng của con tim, nơi tâm hồn chiêm ngưỡng các mầu nhiệm của Thiên Chúa đồng thời cũng là nơi có thể thực hiện điều ấy. Theo truyền thống của mình, chúng ta phái tái nhận thức những đường lối tương đương, những gì là tương tự như vậy. Tôi tin tưởng rằng nếu người Công Giáo cầu kinh mân côi như được đề ra trong bức tông thư này, và nếu những người tin lành nhìn nhận và tái nhận thức một cách vô tư cách thức quan niệm mới về kinh mân côi này thì nó sẽ trở thành một cơ hội thuận lợi. Thế nhưng, chúng ta phải nắm lấy cơ hội này mới được”.
 
 Tóm lại, theo thoidiemmaria.net, nếu bất cứ ai đặt vấn đề tôn sùng Mẹ Maria với chúng ta, chúng ta cứ bình tĩnh và đặt vấn đề với họ như sau:
 
 Thứ nhất, quí vị có tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa hay chăng? – Tất nhiên họ sẽ nói là có, bằng không họ không phải là Kitô hữu, hay có đi nữa cũng là một người rối đạo. Nếu họ công nhận Chúa Giêsu quả thực là Thiên Chúa, chúng ta sang vấn đề thứ hai, đó là vấn đề Vị Thiên Chúa Làm Người là Chúa Giêsu này được thụ thai, sinh hạ và nuôi dưỡng bởi ai? – Tất nhiên họ cũng sẽ trả lời là bởi Bà Maria, bằng không, họ cũng sẽ là một Kitô hữu rối đạo, cho Chúa Giêsu là một nhân vật giả tạo hoặc không hề có một Giêsu Lịch Sử Con Bà Maria. Nếu họ công nhận Chúa Giêsu là Con Bà Maria thì chúng ta sang vấn đề thứ ba, đó là vấn đề Chúa Giêsu, Vị Thiên Chúa Làm Người này có bao giờ bất kính hoặc hỗn láo với Bà Maria là Mẹ của Người hay chăng, hay trái lại, theo Phúc Âm Thánh Luca cho thấy, sau khi ở lại trong đền thờ 3 ngày, Người đã trở về Nazarét hoàn toàn vâng phục cha mẹ Người? – Ở đây họ cũng khó lòng phủ nhận được Chúa Giêsu thảo kính cha mẹ theo điều răn thứ bốn, bằng không, Người không phải là Chúa Kitô, là Đấng Thiên Sai, mà là một Kitô Giả. Nếu họ công nhận Chúa Giêsu quả thực là Đấng Thiên Sai, đã hết lòng kính tôn cha mẹ trần gian của Người, trong đó có Bà Maria, thì chúng ta sang vấn đề cuối cùng, đó là vấn đề “thế thì tôi là ai, anh chị là ai, có bằng Chúa Giêsu không, mà tỏ ra chẳng những coi thường người nữ duy nhất trong cả loài người được diễm phúc làm Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ Thiên Chúa Làm Người, lại còn công kích hay đả phá lòng tôn sùng chính đáng theo gương của Đức Kitô Thiên Sai này nơi thành phần Kitô hữu anh chị em chúng ta?”.