Chúa Thánh Thần là cội nguồn của sự thánh thiện

Kinh Truyền Tin

Kinh Truyền Tin

Vatican. Chúa nhật 20.05.2018, trong buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với các tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nhắc nhớ về ơn gọi nên thánh trong bí tích Thánh Tẩy, ơn gọi làm chứng nhân cho Chúa trong bí tích Thêm Sức. Ngài nhấn mạnh: Chúa Thánh Thần là cội nguồn của sự thánh thiện. Sau khi đọc Kinh, Đức Thánh Cha mời gọi cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa, Trung Đông, và Venezuela, cầu nguyện cho ngày thế giới truyền giáo. Đặc biệt, Đức Thánh Cha bất ngờ công bố danh sách tên 14 Đức Hồng Y sẽ được tấn phong sắp tới.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

 

Anh chị em thân mến!
 
Mùa Phục Sinh có trung tâm là cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, và hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Lễ Trọng này làm chúng ta nhớ lại và sống lại sức mạnh tràn đầy mà Chúa Thánh Thần đã đổ xuống trên các Tông Đồ và các môn đệ, khi các ngài quy tụ cầu nguyện cùng với Mẹ Maria (Cv 2:1-11). Kể từ ngày đó, lịch sử về sự thánh thiện Kitô giáo có khởi đầu, bởi vì chính Chúa Thánh Thần là cội nguồn của sự thánh thiện, và việc nên thánh không phải là đặc ân cho một nhóm nhỏ, nhưng là ơn gọi cho tất cả chúng ta.
 
Với bí tích Thánh Tẩy, tất cả chúng ta được mời gọi tham dự vào cùng một sự sống thánh thiêng của Chúa Kitô. Với bí tích Thêm Sức, chúng ta trở nên chứng nhân cho Chúa Kitô giữa lòng thế giới. “Chúa Thánh Thần tuôn đổ sự thánh thiện ở mọi nơi và trên mọi người trong dân thánh trung thành của Thiên Chúa” (Gaudete et exsultate, 6). Công đồng Vaticano II  nói: “Thiên Chúa muốn thánh hóa và cứu độ tất cả mọi người, nhưng không chỉ với từng cá nhân riêng lẻ, mà còn bằng cách quy tụ họ trong một dân tộc, để họ tái nhận biết Ngài trong chân lý và phục vụ Ngài trong sự thánh thiện” (Ánh sáng muôn dân, 9).
 
Qua các ngôn sứ thời Cựu ước, Chúa đã công bố với toàn dân về kế hoạch của Ngài. Qua ngôn sứ Edekiel, Chúa nói: “Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành… Các ngươi sẽ là dân của Ta, còn Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi” (Ed 36:27-28). Qua miệng ngôn sứ Gioen, Chúa nói: “Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm. Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ… Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ thần khí Ta trên các tôi tớ nam nữ… Bấy giờ, tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa thì sẽ được cứu độ” (Ge 3:1-2.5). Tất cả những lời tiên tri này được thực hiện nơi Chúa Giêsu Kitô.
 
Kể từ ngày Lễ Ngũ Tuần ấy, cho đến tận cùng thời gian, sự thánh thiện được viên mãn trong Chúa Kitô, sự thánh thiện ấy được trao ban cho tất cả những ai biết mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần và ngoan ngoãn theo hướng dẫn của Ngài. Khi biết làm như thế, chúng ta được dẫn đi trên con đường hoàn thiện, giúp chúng ta sống xứng đáng với Chúa và có được niềm vui trọn vẹn. Chúa Thánh Thần đi vào trong lòng ta, để đẩy lui sự khô khan, mở ra hy vọng, giúp ta trưởng thành trong tình thân với Thiên Chúa và với người lân cận. Chính Thánh Phaolô đã nói: “Hoa trái của Thần Khí là tình yêu mến, là vui tươi, bình an, nhẫn nhịn, bao dung, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5:22).
 
Chúng ta nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria chở che và làm mới lại Lễ Hiện Xuống trong Hội Thánh, để chúng ta có thể trao tặng niềm vui và trở thành chứng nhân cho Tin Mừng. Xin Mẹ giúp chúng ta thấm nhuần ao ước nên thánh để chúng ta biết ca tụng vinh quang Thiên Chúa (Gaudete et exsultate, 177).
 
Đức Thánh Cha chào thăm
 
Anh chị em thân mến!
 
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống đưa chúng ta nhìn về Gierusalem. Hôm qua tại Thành Thánh có cuộc canh thức cầu nguyện cho hòa bình. Đây là đất thánh của các tín hữu Dothái, Kitô giáo và Hồi giáo. Hôm nay chúng ta tiếp tục cầu xin Chúa Thánh Thần để tiếp tục có những cử chỉ và thiện chí đối thoại và hòa giải tại Đất Thánh và Trung Đông.
 
Tôi muốn dành dịp đặc biệt này để cầu nguyện cho Venezuela yêu quý. Xin Chúa Thánh Thần ban cho dân nước Venezuela ơn khôn ngoan, để mọi người biết tìm kiếm con đường hòa bình và hợp nhất.
 
Biến cố lễ Ngũ Tuần đánh dấu khởi nguồn của sứ mạng phổ quát trong Hội Thánh. Đó là lý do mà hôm nay Thông điệp cho Ngày thế giới Truyền giáo được xuất bản. Cha gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em là khách hành hương đến từ Italia và từ các quốc gia khác trên toàn thế giới.

Tác giả bài viết: Tứ Quyết, SJ