Kinh Truyền Tin (20/02) : Tại sao lại yêu kẻ thù?

Kinh Truyền Tin

Kinh Truyền Tin

Vào trưa Chúa Nhật, ngày 20/02, tại cửa sổ Dinh Tông Tòa, Đức Thánh Cha có buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha chia sẻ với các tín hữu về lời mời gọi của Chúa Giêsu. Hãy yêu kẻ thù. Điều này thật khó nhưng đó cách Chúa Giêsu thực hiện để biến cái ác thành sự thiện.
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài Tin Mừng Phụng vụ hôm nay, Chúa Giêsu trao cho các môn đệ một số chỉ dẫn căn bản về cuộc sống. Người đề cập đến những tình huống khó khăn nhất, những tình huống trắc nghiệm chúng ta, những tình huống đặt chúng ta trước những kẻ thù và thù địch của chúng ta, những người luôn muốn làm hại chúng ta. Trong những trường hợp này, người môn đệ của Chúa Giêsu được mời gọi không nhượng bộ bản năng và hận thù, không nhượng bộ, nhưng hãy đi xa hơn, xa hơn nhiều. Chúa Giêsu nói: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” (Lc 6,27). Và cụ thể hơn nữa: “Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa” (Lc 6,29). Khi chúng ta cảm nghiệm điều này, thì dường như chúng ta thấy Chúa yêu cầu điều không thể. Hơn nữa, tại sao lại yêu kẻ thù? Nếu bạn không phản ứng lại những kẻ bắt nạt, thì mọi hành vi lạm dụng đều tự tung tự tác, và điều này không công bằng. Nhưng nó có thực sự là như vậy không? Chúa có thực sự đòi hỏi chúng ta những điều không thể và hơn nữa, là sự bất công không? Có phải như thế không?


 

Trước hết, chúng ta hãy xem xét ý nghĩa của sự bất công mà chúng ta cảm thấy khi “giơ má bên kia ra”. Và chúng ta hãy nghĩ đến Chúa Giêsu. Trong cuộc khổ nạn, Người đã bị những tên lính tát vào mặt ngay trong cuộc xét xử bất công trước thầy thượng tế. Và Người đã cư xử như thế nào? Người đã không xúc phạm lại, không, không. Người nói với anh lính: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18,23). Người yêu cầu sự chứng minh về chỗ nào đã sai. Giơ má bên kia không có nghĩa là chịu đựng trong im lặng, nhượng bộ bất công. Với câu hỏi của mình, Chúa Giêsu tố cáo những gì là bất công. Nhưng Người làm điều đó mà không giận dữ hay bạo lực, mà là với sự dịu dàng. Người không muốn gây ra một cuộc tranh cãi, mà để xoa dịu sự hận thù, điều này quan trọng: cùng nhau dập tắt sự căm ghét và bất công, cố gắng chữa lành người anh em tội lỗi. Việc này không dễ nhưng Chúa Giêsu đã làm và mời gọi chúng ta cũng hãy làm như vậy. Đó chính là việc giơ má bên kia: sự hiền lành của Chúa Giêsu là một phản ứng mạnh mẽ hơn so với cái tát mà Người đã nhận. Giơ má bên kia không phải là hành động dự phòng của kẻ thua cuộc, mà là hành động của một người có nội lực lớn hơn, việc giơ má bên kia cho thấy sự chiến thắng cái ác bằng sự thiện, người mở ra một khe hở trong lòng kẻ thù, vạch trần sự phi lý của lòng căm thù. Hành động đó, hành động giơ má bên kia không được sai khiến bởi sự tính toán, bởi sự căm ghét, nhưng được hướng dẫn bởi tình yêu. Anh chị em thân mến, chính tình yêu thương nhưng không và không đòi đền đáp mà chúng ta nhận được từ Chúa Giêsu, để từ chính trong trái tim, chúng ta cũng thực hiện tương tự như Người và khước từ mọi sự trả thù. Và chúng ta đã quen với việc trả thù: “Anh đã làm điều này với tôi, tôi sẽ làm điều kia với anh…” hay giữ lại trong lòng mối hận thù này, một hận thù làm tổn thương, hủy hoại con người.

Chúng ta đi đến sự phản đối khác (có thể nói là sự ám ảnh): liệu một người  thể yêu kẻ thù của mình không? Nếu phụ thuộc chỉ nơi chúng ta thì điều đó là không thể. Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng khi Chúa yêu cầu một điều gì đó, thì Người cũng muốn ban điều đó. Thiên Chúa chưa bao giờ đòi hỏi chúng ta điều gì mà Người lại không ban điều đó cho chúng ta trước. Khi Người nói với tôi hãy yêu kẻ thù, thì Người muốn ban cho tôi khả năng làm như vậy. Nếu không có khả năng này, thì chúng ta sẽ không thể làm được, nhưng Người nói với chúng ta “hãy yêu kẻ thù” và Người trao cho chúng ta khả năng yêu thương. Thánh Augustinô đã cầu nguyện như thế này, anh chị em hãy lắng nghe lời cầu nguyện đẹp đẽ này: Lạy Chúa, “xin ban cho con điều Người đòi hỏi nơi con và hãy đòi hỏi con điều Người muốn” (Tự Thuật của Thánh Augustinô, X, 29,40), “xin ban cho con điều Người đòi hỏi nơi con và hãy đòi hỏi con điều Người muốn”, bởi vì Người đã ban cho con điều đó trước rồi. Chúng ta xin Người điều gì? Chúa hài lòng khi ban cho chúng ta điều gì? Sức mạnh để yêu, không phải là một sự vật, mà là Chúa Thánh Thần. Sức  mạnh để yêu là chính Chúa Thánh Thần. Với Thánh Thần, chúng ta có thể đáp lại cái ác bằng điều thiện, chúng ta có thể yêu thương những kẻ làm hại mình. Người Kitô hữu hãy làm như vậy. Thật đáng buồn biết bao khi nhiều người và các dân tộc tự hào là Kitô hữu lại coi người khác là kẻ thù và nghĩ đến việc gây chiến! Thật là đáng buồn!

Còn chúng ta, chúng ta có cố gắng sống theo những lời mời gọi của Chúa Giêsu không? Hãy nghĩ về một người đã làm tổn thương chúng ta. Mỗi người hãy nghĩ về một ai đó, và ngay lập tức chúng ta thường thấy cái xấu của người ấy, chúng ta hãy suy nghĩ về người ấy. Có thể có một mối hận thù trong chúng ta. Thế nên, bên mối hận thù đó, chúng ta hãy đặt hình ảnh của Chúa Giêsu hiền lành, trong phiên toà xét xử Người sau khi Người bị tát. Và sau đó chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần tác động trong tâm hồn chúng ta. Cuối cùng, chúng ta hãy cầu nguyện cho người đó: cầu nguyện cho những người đã đối xử tệ với chúng ta (x. Lc 6,28) và khi có người làm hại chúng ta, chúng ta ngay lập tức đi nói với người khác và chúng ta cảm thấy mình là nạn nhân, nhưng thay vào đó, hãy dừng lại và cầu xin Chúa cho người ấy, giúp đỡ họ và như thế, cơn hận thù sẽ dần biến mất. Cầu nguyện cho người làm hại chúng ta là việc đầu tiên để chuyển hóa cái ác thành điều tốt. Đó là lời cầu nguyện. Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta trở thành những con người hòa bình đối với mọi người, đặc biệt là đối với những người thù địch và không thích chúng ta.