Chiến sự căng thẳng: Ukraine bắn rơi 3 máy bay Nga, bẻ gãy 14 đợt tấn công. Các tiết lộ mới về MLRS

Tin thế giới

Tin thế giới

Cuộc giao tranh ác liệt nhất đang diễn ra ở các khu vực Sievierodonetsk, Bakhmut và Kurakhove, nơi quân đội Ukraine đang cố gắng kiềm chế các cuộc tấn công của đối phương.
1. Lực lượng Vệ binh Quốc gia bắn rơi ba máy bay tấn công của đối phương ở Vùng Zaporizhzhia

Tại Khu vực Zaporizhzhia, Vệ binh Quốc gia đã bắn rơi ba máy bay tấn công của đối phương trong hơn một tháng rưỡi qua.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết trong báo cáo chiều ngày thứ Ba 31 tháng 5 rằng, “Lực lượng Vệ binh Quốc gia đã bắn hạ ba máy bay của đối phương bằng hệ thống hỏa tiễn đất đối không di động Igla ở Vùng Zaporizhzhia trong hơn một tháng rưỡi qua”.



Lần gần nhất đơn vị Ukraine này đã tiêu diệt một máy bay cường kích Su-25 Grach của Nga là vào ngày 29/5.

Độ chính xác, năng lực chuyên môn và các hành động khéo léo của tiểu đoàn 'Zaporizhzhia Avenger' đã gây ra nỗi sợ hãi cho quân đội Nga

2. Giao tranh ở miền đông Ukraine đã đạt đến cường độ tối đa

Cuộc giao tranh ác liệt nhất đang diễn ra ở các khu vực Sievierodonetsk, Bakhmut và Kurakhove, nơi quân đội Ukraine đang cố gắng kiềm chế các cuộc tấn công của đối phương.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết: “Các lực lượng chiếm đóng của Nga không ngừng tiến hành các hoạt động tấn công ở Vùng Tác chiến phía Đông nhằm thiết lập toàn quyền kiểm soát các vùng Donetsk và Luhansk. Cuộc giao tranh đã đạt đến cường độ tối đa, quân Nga bắn dọc theo toàn bộ giới tuyến và cố gắng nã pháo vào sâu trong hệ thống phòng thủ của chúng ta. Đồng thời, các cuộc tấn công được thực hiện theo nhiều hướng khác nhau. Cuộc giao tranh ác liệt nhất đang diễn ra ở các hướng Sievierodonetsk, Bakhmut và Kurakhove,”

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết trên hướng Sievierodonetsk, với sự hỗ trợ của pháo binh, quân Nga đang tiến hành các chiến dịch tấn công về phía Toshkivka và Ustynivka. Bên ngoài Bakhmut, những kẻ xâm lược đang tập hợp lại các đơn vị bị tổn thất nặng để tấn công vào Komyshuvakha, với sự yểm trợ hỏa lực của phòng không.

“Đối với Sievierodonetsk, tình hình rất khó khăn, các cuộc giao tranh trên đường phố đang diễn ra ở ngoại ô, và các binh sĩ Ukraine đang kiềm chế cuộc tấn công của quân Nga. Nhiệm vụ của Lực lượng vũ trang Ukraine là ngăn chặn không chỉ một cuộc chiếm đóng mà còn bất kỳ thành công nào của quân chiếm đóng Nga trên mọi hướng. Chúng tôi có quan điểm lạc quan về tình hình này, nhưng tình hình vẫn khó khăn.”

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine nhấn mạnh rằng, quân đội đang thực hiện mọi biện pháp toàn diện để ngăn chặn quân Nga thực hiện ý định bao vây các lực lượng Ukraine gần Sievierodonetsk và Lysychansk.

“Trong 24 giờ qua, trên các hướng Donetsk và Luhansk, Lực lượng Vũ trang Ukraine và các thành phần khác của Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã đẩy lùi 14 đợt tấn công của đối phương, phá hủy hai hệ thống pháo, 11 xe chiến đấu bọc thép và 10 xe địch. Các đơn vị phòng không đã bắn hạ hai hỏa tiễn hành trình và ba máy bay không người lái Kub”

3. Ukraine có thể sớm nhận được hệ thống hỏa tiễn hàng loạt tầm xa của Mỹ

Chính phủ Mỹ dường như sắp gửi một hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt tầm xa, gọi tắt là MLRS, tới Ukraine.

Nga coi việc giao vũ khí hạng nặng như vậy là hành động khiêu khích leo thang.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và các quan chức Ukraine khác đã thúc giục chuyển giao hệ thống MLRS để chống lại các cuộc oanh tạc nặng nề của Nga ở khu vực phía đông Donbas.

Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ không gửi cho Ukraine các hệ thống hỏa tiễn “có thể tấn công vào Nga”.

Có những lo ngại rằng hành động như vậy có nguy cơ lôi kéo Mỹ và các đồng minh NATO vào xung đột trực tiếp với Mạc Tư Khoa.

Hôm thứ Hai, Tổng thống Joe Biden nói: “Chúng tôi sẽ không gửi cho Ukraine các hệ thống hỏa tiễn có thể tấn công Nga”, Tổng thống Mỹ đưa ra lập trường trên trước câu hỏi liệu Washington có cân nhắc gửi các hệ thống tầm xa tới Ukraine hay không.

Tuần trước, truyền thông Mỹ đưa tin rằng chính quyền đang chuẩn bị điều động các hệ thống hỏa tiễn tầm xa tới Ukraine, bao gồm Hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, một loại vũ khí của Mỹ có khả năng bắn hỏa tiễn tầm xa.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ hôm thứ Hai cho biết “không có gì đáng bàn với khả năng tấn công tầm xa” nhưng việc cung cấp một hệ thống MLRS vẫn đang được “xem xét”.

Các quan chức Mỹ trước đây cho biết Washington không muốn thấy viện trợ quân sự của Mỹ được sử dụng để giúp Ukraine tấn công vào bên trong nước Nga.

Oleksiy Arestovych, một cố vấn trong văn phòng của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cho biết bình luận của Biden có thể có nghĩa là Mỹ đang cố gắng quyết định loại MLRS nào sẽ cung cấp cho Kyiv.

“MLRS có các hỏa tiễn thuộc nhiều loại và tầm bắn khác nhau... Hãy xem quyết định nào sẽ được đưa ra ở Hoa Kỳ trong tương lai gần, “Arestovych nói.

Hôm thứ Sáu, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài John Kirby thừa nhận Ukraine đã yêu cầu một hệ thống MLRS nhưng cho biết quyết định về việc cung cấp một hệ thống vẫn chưa được đưa ra.

“Chắc chắn chúng tôi lưu tâm và biết đến các yêu cầu của người Ukraine, riêng tư và công khai, về cái được gọi là Hệ thống nhiều hỏa tiễn phóng hàng loạt. Và tôi sẽ không đi trước những quyết định chưa được đưa ra,” ông nói.

Các quan chức cấp cao của Ukraine, bao gồm cả Zelenskiy, đã gia tăng áp lực lên Mỹ và các đồng minh để cung cấp vũ khí tầm xa hơn, bao gồm MLRS và một hệ thống hỏa tiễn tầm xa riêng biệt được gọi là HIMARS.

Các lực lượng Ukraine coi hỏa lực tầm xa là rất quan trọng trong cuộc chiến giành Donbas, nơi đang trở thành một cuộc chiến tiêu hao, khi cả hai bên đều nã pháo vào nhau bằng pháo hạng nặng và chịu tổn thất lớn.

Dmitry Medvedev, cựu thủ tướng Nga hiện là phó chủ tịch hội đồng an ninh của đất nước, hôm thứ Hai hoan nghênh các bình luận của Biden, mô tả chúng là “hợp lý”, theo Reuters.

Hôm thứ Sáu, sau khi các phương tiện truyền thông Mỹ đưa tin rằng Washington đang cân nhắc việc gửi các hệ thống hỏa tiễn tầm xa, một người dẫn chương trình truyền hình của Nga trên một kênh quốc doanh cảnh báo việc gửi cho Ukraine một hệ thống MLRS sẽ “vượt qua ranh giới đỏ”.

Mỹ đã cam kết hàng chục khẩu pháo 155mm do Mỹ sản xuất, có tầm bắn xa hơn và chính xác hơn các khẩu pháo tiêu chuẩn của Nga. Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, phần lớn đã đến Ukraine và đang bắt đầu được sử dụng trên chiến trường.

Các loại vũ khí này là một phần của gói hỗ trợ tổng thể trị giá hàng tỷ đô la cho Ukraine, bao gồm các hệ thống pháo và chống tăng đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại các nỗ lực của Nga nhằm chiếm Kyiv và các khu vực khác của đất nước.

Trong tháng này, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua khoản hỗ trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo thêm 40 tỷ USD.

Lực lượng của Kyiv đang sử dụng pháo M777 do Mỹ chuyển giao, có tầm bắn khoảng 25 km. Nhưng MLRS sẽ cho phép Ukraine tiếp cận các mục tiêu xa hơn thế nhiều.

Một khẩu đội M270 MLRS có thể bắn nhiều loại đạn, trong đó loại tiên tiến nhất có thể bắn trúng mục tiêu cách xa tới 300km. Tuy nhiên, nó cũng có thể bắn các hỏa tiễn tầm ngắn hơn với tầm bắn khoảng 70 km.

Hạn chế Ukraine với các hỏa tiễn nhỏ hơn có thể là một cách để Mỹ tránh leo thang xung đột, trong khi vẫn cải thiện đáng kể kho vũ khí của Ukraine.

Một quan chức cấp cao của Mỹ được Washington Post dẫn lời cho biết Tòa Bạch Ốc cảm thấy thoải mái khi trao cho Ukraine hệ thống MLRS, nhưng sẽ giữ lại các vũ khí tầm xa nhất tương thích với hệ thống này.

Các chi tiết chính của hệ thống MLRS

Vương quốc Anh cũng có MLRS. Thủ tướng Boris Johnson nói Ukraine nên có hỏa tiễn “để tự vệ trước loại pháo rất tàn bạo này của Nga”, nhưng ông không nói rằng Anh sẽ cung cấp chúng.

Mỹ đã sử dụng MLRS để tiêu diệt các mục tiêu chính của Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh trong các năm 1990, 1991,và năm 2003.

Trong một động thái bổ sung nhằm bảo vệ cảng biển quan trọng của Ukraine - Odesa - Đan Mạch đã cung cấp hỏa tiễn hành trình chống hạm Harpoon, có tầm bắn khoảng 130 km hay 70 hải lý.

Ukraine có thể triển khai chúng cùng với hỏa tiễn Neptune của riêng mình, được tường trình đã đánh chìm soái hạm Mạc Tư Khoa hàng đầu của Nga vào tháng trước.

Hỏa tiễn tầm xa của Nga đã tấn công các cơ sở đường sắt, kho chứa dầu và các cơ sở hạ tầng khác ở miền Tây Ukraine - một phần được coi là nỗ lực ngăn cản việc giao vũ khí của phương Tây.

Trong khi đó, Nga được cho là đã bắn hệ thống hỏa tiễn hàng loạt mới nhất của mình nhằm vào các mục tiêu của Ukraine ở khu vực Kharkiv - một loại vũ khí được mô tả như một khẩu súng phun lửa khổng lồ. Việc sử dụng nó đã được hãng thông tấn Tass đưa tin, trích lời một quan chức an ninh Nga.

TOS-2 Tosochka là một vũ khí nhiệt áp: nó tạo ra một vụ nổ lớn bằng cách đốt cháy không khí khi va chạm, làm mất oxy của bất kỳ ai trong khu vực.

Nga cũng đã gây thiệt hại nặng nề cho các thành phố của Ukraine bằng cách sử dụng hỏa tiễn hành trình tầm xa, một số được bắn từ tàu chiến.

4. Đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine Bridget Brink đã đến nhậm chức thành phố Kyiv

Đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine Bridget Brink đã đến thành phố Kyiv để bắt đầu sứ mệnh của mình với tư cách là người đứng đầu Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Ukraine.

“Đại sứ Brink được Tổng thống Biden đề cử làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine vào ngày 25 tháng 4 năm 2022, được Thượng viện Hoa Kỳ nhất trí xác nhận vào ngày 18 tháng 5 năm 2022 và đến Kyiv vào ngày 29 tháng 5 năm 2022”.

Trước đó, Đại sứ Ukraine tại Mỹ Oksana Markarova thông báo Đại sứ quán Ukraine tại Washington đã cấp thị thực Ukraine cho bà Bridget Brink để đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ tại Kyiv.

“Ukraine luôn có những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất của phái đoàn ngoại giao Mỹ, những người không chỉ là những nhà ngoại giao có chuyên môn cao mà còn là những con người tuyệt vời và những tấm gương phục vụ công chúng. Và lần này cũng không ngoại lệ!” bà Markarova nói.

Xin nhắc lại rằng Bridget Brink giữ chức Đại sứ Hoa Kỳ tại Cộng hòa Slovakia từ ngày 15 tháng 8 năm 2019, cho đến khi được xác nhận là Đại sứ tại Ukraine. Khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine bắt đầu, Brink đã đến thăm biên giới Slovakia-Ukraine để theo dõi việc tiếp nhận người tị nạn Ukraine và cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine.

5. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov coi cuộc chiến tại Ukraine là 'chiến tranh ủy nhiệm'

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cáo buộc phương Tây “bơm vũ khí cho những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine”.

Ông nói rằng phương Tây đang “tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm” chống lại Nga, là điều mà ông cảnh báo sẽ có nghĩa là “sự leo thang không thể tránh khỏi”.

Tuần trước, một người dẫn chương trình trên kênh truyền hình nhà nước Nga cho biết Mỹ sẽ vượt qua “ranh giới đỏ” bằng cách cung cấp MLRS cho Ukraine, và đây sẽ được coi là một nỗ lực nhằm “kích động một phản ứng rất gay gắt từ Nga”.

6. Tòa Bạch Ốc bày tỏ ủng hộ việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đàm phán với Thụy Điển và Phần Lan về tư cách thành viên NATO

Trong một thông báo hôm thứ Ba, Tòa Bạch Ốc cho biết Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Jake Sullivan đã nói chuyện qua điện thoại với Ibrahim Kalin, phát ngôn nhân và là cố vấn chính của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Theo Tòa Bạch Ốc, ông Sullivan “bày tỏ sự ủng hộ việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đàm phán trực tiếp với Thụy Điển và Phần Lan để giải quyết những lo ngại về việc họ xin gia nhập NATO, là điều mà Mỹ ủng hộ mạnh mẽ”, trong khi hai người “thảo luận về sự hỗ trợ liên tục của họ đối với Ukraine khi đối mặt với Nga tiếp tục gây hấn, cũng như nỗ lực tương ứng của họ để cho phép xuất khẩu nông sản của Ukraine tiếp cận thị trường toàn cầu”.

Quyết định gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển là một sự thay đổi lớn được thúc đẩy bởi cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Tuần trước, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto bày tỏ sự lạc quan rằng “sớm hay muộn, Phần Lan và Thụy Điển sẽ là thành viên của NATO” và cho biết các cuộc thảo luận với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục khi Ankara đe dọa sẽ ngăn cản hai quốc gia gia nhập liên minh phòng thủ.

Haavisto cho biết ông hy vọng rằng chủ đề về tư cách thành viên NATO của Phần Lan và khả năng vượt qua sự phản đối hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xuất hiện trong cuộc trò chuyện của ông với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc gặp gỡ vào cuối ngày, nói thêm rằng ông “khá tự tin” rằng các nước NATO khác cũng đã nói chuyện với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại một cuộc họp báo sau cuộc gặp gỡ giữa các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Phần Lan, Blinken cho biết Mỹ đang tham gia trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ “nhưng trọng tâm là công việc mà Phần Lan, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ đang cùng nhau thực hiện để giải quyết các mối quan ngại”.

7. Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho nhà kinh doanh khí đốt Hà Lan GasTerra bắt đầu từ thứ Ba

Tập đoàn năng lượng nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga xác nhận hôm thứ Hai rằng họ đã cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho công ty kinh doanh khí đốt GasTerra của Hà Lan bắt đầu từ thứ Ba ngày 31 tháng 5.

“Gazprom Export đã thông báo cho GasTerra về việc ngừng cung cấp khí đốt từ ngày 31 tháng 5 năm 2022 cho đến khi việc thanh toán được thực hiện theo thủ tục được thiết lập bởi đồng rúp”, một thông báo trên kênh Telegram của Gazprom cho biết, đề cập đến sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ về khí đốt thanh toán phải được thực hiện bằng đồng rúp.

Hôm thứ Hai, công ty năng lượng Đan Mạch Ørsted và công ty kinh doanh khí đốt của Hà Lan GasTerra cảnh báo Nga có thể tắt vòi ngay sau thứ ba vì họ đã từ chối thanh toán bằng đồng rúp - chỉ vài tuần sau khi Mạc Tư Khoa làm điều tương tự với Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan.

Gazprom cho đến nay vẫn chưa chính thức nói gì về việc cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ørsted của Đan Mạch.

8. Phó tổng thư ký NATO tuyên bố NATO có quyền triển khai ở Đông Âu

Phó tổng thư ký liên minh do Mỹ dẫn đầu cho biết NATO không còn bị ràng buộc bởi các cam kết trong quá khứ nhằm kìm hãm việc triển khai lực lượng của mình ở Đông Âu.

Mircea Geoana nói với Agence France-Presse, rằng bản thân Mạc Tư Khoa đã “phủ nhận mọi nội dung” trong Đạo luật Cơ bản NATO-Nga, khi tấn công Ukraine và ngừng đối thoại với liên minh.

Theo Đạo luật Cơ bản năm 1997, nhằm mục đích thiết lập lại mối quan hệ giữa Nga và Liên minh, cả hai bên đã đồng ý làm việc để “ngăn chặn bất kỳ khả năng đe dọa nào dẫn đến việc xây dựng các lực lượng thông thường ở các khu vực đã thống nhất của Âu Châu, bao gồm Trung và Đông Âu”.

Phát biểu tại thủ đô Vilnius của Lithuania, Geoana cho biết:

“Họ đã đưa ra quyết định, họ không thực hiện nghĩa vụ không gây hấn với các nước láng giềng, là điều họ đang làm, và họ cũng không thường xuyên tham vấn NATO.”

“Vì vậy, tôi nghĩ rằng trên thực tế, các điều khoản trong Đạo luật Cơ bản năm 1997 này không hoạt động là vì Nga.”

Ông nói, thực tế là Nga đã tránh xa các điều khoản của thỏa thuận năm 1997.

Giờ đây, chúng tôi không có bất kỳ hạn chế nào để có được thế trận vững chắc ở sườn phía đông và bảo đảm rằng mỗi inch vuông lãnh thổ của NATO đều được bảo vệ bởi Điều 5 và các đồng minh của chúng tôi”.

Điều 5 của NATO đề cập đến phòng thủ tập thể, trong đó nói rằng một cuộc tấn công vào một thành viên là một cuộc tấn công vào tất cả họ.

Geoana không cho biết chi tiết về bất kỳ kế hoạch triển khai nào như vậy, nhưng cho biết ông dự đoán “một sự hiện diện mạnh mẽ, linh hoạt và bền vững”.