Đánh không nổi, hao binh, Putin ra lệnh ngưng tấn công Mariupol, bao vây và tuyên bố chiến thắng

Tin thế giới

Tin thế giới

Putin mô tả kế hoạch tấn công nhà máy thép Azovstal là “không thực tế” và thay vào đó, ông ta đã ra lệnh cho quân đội Nga phong tỏa khu vực “để một con ruồi cũng không thể lọt qua”.
1. Putin bất ngờ tuyên bố chiến thắng tại Mariupol

Sau khi thất bại không chiếm được phần còn lại của Mariupol, Putin tuyên bố chiến thắng và ra lệnh bao vậy nhà máy thép Azovstal

Trước con số thương vong quá cao của binh lính Nga, Vladimir Putin đã ra lệnh cho các lực lượng của ông ta đừng xông vào thành trì cuối cùng còn lại của Ukraine ở thành phố Mariupol bị bao vây, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng của ông thừa nhận rằng quân đội Nga vẫn đang chiến đấu với hàng nghìn quân Ukraine ở đó.



Putin mô tả kế hoạch tấn công nhà máy thép Azovstal là “không thực tế” và thay vào đó, ông ta đã ra lệnh cho quân đội Nga phong tỏa khu vực “để một con ruồi cũng không thể lọt qua”.

Tuyên bố được đưa ra trong cuộc họp tại Điện Cẩm Linh vào chiều nay, thứ Năm 21 tháng Tư theo giờ Việt Nam, trong đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu, trình báo cáo với Putin về trận chiến tại thành phố cảng Ukraine được dư luận quốc tế theo dõi chặt chẽ.

Sergei Shoigu cho biết sẽ mất nhiều ngày nữa để người Nga đánh bại quân Ukraine đang chiến đấu tại các xưởng luyện thép, trong đó có một khối lượng lớn các đường hầm và các công xưởng trải rộng trên diện tích 10 cây số vuông ở phía đông nam thành phố.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Putin bất ngờ tuyên bố rằng như thế thì thành phố đã được “giải phóng” rồi, bất kể giao tranh vẫn đang diễn ra.

Cuộc họp tại Điện Cẩm Linh dường như được dàn dựng để người Nga lùi bước trước cuộc tấn công vào các nhà máy thép, mà cho đến nay đã bị cản trở bởi sự kháng cự quyết liệt của người Ukraine và những khó khăn khi hoạt động trong khu vực công nghiệp này.

Để nhà máy này tiếp tục trong tay người Ukraine khiến việc tuyên bố chiến thắng của người Nga ở Mariupol có vẻ nực cười. Diễn biến này cho thấy Putin khát khao một chiến thắng biết ngần nào sau hàng loạt các thất bại. Nhiều quan sát viên cho rằng trận chiến tại Mariupol phơi bày thực lực của quân đội Nga.

2. Tòa Thánh làm hết sức để cứu người dân Mariupol, cuối cùng Nga tráo trở

Phó Thủ tướng Ukraine, kiêm Bộ trưởng Tái hòa nhập các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời, Iryna Vereshchuk, cho biết nhờ các nỗ lực từ nhiều phía, trong đó của những nỗ lực ngoại giao của Tòa Thánh, một hành lang nhân đạo đã được thiết lập vào hôm thứ Tư 20 tháng Tư. Chẳng may, vào giờ chót kế hoạch di tản dân thường tại Mariupol đã không diễn ra như mong đợi.

“Do thiếu sự kiểm soát đối với quân đội của họ ở cấp địa phương, những người chiếm đóng Nga đã không bảo đảm được một chế độ ngừng bắn thích hợp. Ngoài ra, do sự vô tổ chức và cẩu thả cố hữu của họ, quân xâm lược đã không bảo đảm vận chuyển người dân kịp thời đến điểm tập trung, nơi hàng chục xe buýt và xe cấp cứu của chúng tôi đang chờ đợi.”

Theo lời của bà, ngày mai phía Ukraine sẽ tiếp tục các nỗ lực theo hướng Mariupol.

“Tôi đang nói chuyện với người dân của chúng tôi ở Mariupol: chúng tôi sẽ chiến đấu vì từng người trong số các bạn,” Vereshchuk nói thêm.

Hôm thứ Tư, 20 tháng 4, một hành lang nhân đạo đã được Nga đồng ý để di tản phụ nữ, trẻ em và người già khỏi thành phố Mariupol bị bao vây. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết ngay sau khi vài trăm người thoát ra được, Nga lập tức bắn trọng pháo và ném bom vào khu vực.

Cuộc xâm lược vũ trang của Nga đã gây ra một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất ở Mariupol. Quân đội Nga đang bắn phá thường dân không vũ trang và ngăn chặn việc vận chuyển viện trợ nhân đạo. Khoảng 120,000 dân thường vẫn còn bị mắc kẹt ở Mariupol.

Như chúng tôi đã đưa tin, Tư Lệnh Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 36 đang chiến đấu tại Mariupol đã viết một lá thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu ngài giúp cứu người dân Mariupol, những người đã bị hạn chế tiếp cận với thực phẩm hoặc nước dưới sự bắn phá của Nga trong 50 ngày.

Thiếu tá Serhiy Volyna đã mô tả một số nỗi kinh hoàng của cuộc chiến mà ông đã chứng kiến và cầu xin Đức Giáo Hoàng làm điều gì đó để giúp di tản an toàn người dân khỏi thành phố.

“Đức Thánh Cha có thể đã thấy rất nhiều thứ diễn ra trong cuộc sống của ngài. Nhưng con chắc chắn rằng ngài chưa bao giờ thấy những điều xảy ra với Mariupol. Bởi vì đây là nơi địa ngục trần gian trông như thế nào,” Thiếu tá Volyna viết.

“Con có rất ít thời gian để mô tả tất cả những điều kinh hoàng mà con thấy ở đây hàng ngày. Phụ nữ có con và trẻ sơ sinh sống trong boongke tại nhà máy. Họ đói và lạnh. Hàng ngày họ đang phải sống trong tầm ngắm của máy bay địch. Những người bị thương chết mỗi ngày vì không có thuốc, không có nước và không có thức ăn”.

Volyna, không phải là tín hữu Công Giáo, mà là một Kitô Hữu Chính thống. Anh nói rằng anh đang tìm đến Đức Giáo Hoàng để được giúp đỡ cụ thể “bởi vì đã đến lúc những lời cầu nguyện thôi thì không đủ”.

“Xin Đức Thánh Cha mang sự thật đến cho thế giới, di tản mọi người và cứu mạng họ khỏi bàn tay của Satan, kẻ muốn thiêu rụi tất cả các sinh vật,” vị chỉ huy quân sự nói.

“Con đã chiến đấu hơn 50 ngày, bị bao vây hoàn toàn, và tất cả thời gian của con là dành cho cuộc chiến khốc liệt từng mét của thành phố bị kẻ thù bao vây này,” Volyna viết.

Ông nói: “Con sẵn sàng chiến đấu đến cùng… bất chấp lực lượng áp đảo của kẻ thù, bất chấp điều kiện vô nhân đạo trên chiến trường, pháo và hỏa tiễn liên tục, thiếu nước, lương thực và thuốc men.

“Con tin vào Chúa, và con biết rằng ánh sáng luôn vượt qua bóng tối,” anh nói.

3. Tuyên bố của Đại úy Sviatoslav Palamar, Lữ Đoàn Phó Azov Ukraine đang trấn đóng Mariupol

Các con số ước tính cho thấy phía Nga đã thiệt ít nhất là 9,000 quân trong trận đánh tại Mariupol, và họ không biết cách nào khác hơn là thả bom và pháo kích vào các vị trí của quân phòng thủ Ukraine trước khi xông lên, rồi lại hứng chịu thương vong nặng nề. Vì thế, quân xâm lược Nga lần lượt đưa ra các tối hậu thư buộc quân trú phòng Ukraine đầu hàng.

Trong một diễn biến mới nhất, quân xâm lược Nga buộc quân Ukraine phải đầu hàng trước 12 giờ trưa thứ Tư 20 tháng Tư. Thời điểm này đã qua đi và quân Ukraine vẫn tiếp tục phớt lờ và chiến đấu tiếp.

Những người bảo vệ Mariupol coi đề xuất giải giáp vũ khí và đầu hàng của Nga là không thể chấp nhận được. Quan điểm của quân trú phòng Ukraine vào sáng ngày thứ Năm 21 tháng Tư là họ đồng ý di tản, trước sự bảo đảm của một bên thứ ba, mang theo vũ khí và những người bị thương và thi thể của những người đã ngã xuống.

Tuyên bố liên quan được đưa ra bởi Trung đoàn phó Azov, Đại úy Sviatoslav Palamar trong một video. Anh nói:

“Chúng tôi sẵn sàng di tản khỏi Mariupol với sự giám sát của một bên thứ ba, nhằm giải cứu những người được giao phó cho chúng tôi, nhưng chúng tôi phải được mang theo vũ khí nhẹ của chúng tôi, được di tản những người bị thương, đưa thi thể của những người đã ngã xuống và chôn cất họ trong danh dự ở những lãnh thổ không do Nga kiểm soát.”

Palamar kêu gọi toàn bộ thế giới văn minh tham gia bảo đảm an ninh và nhấn mạnh rằng đề xuất giải giáp vũ khí và đầu hàng vô điều kiện của Nga là không thể chấp nhận được.

Theo Palamar, trung tâm chỉ huy lực lượng phòng thủ Mariupol đã nói chuyện với Cố vấn Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Mykhailo Podoliak và Trưởng phái đoàn Ukraine trong cuộc đàm phán hòa bình với Nga là David Arakhamia hôm nay. Họ bày tỏ sự sẵn sàng đến Mariupol để hội đàm với đại diện của Nga, Vladimir Medinsky và Leonid Slutsky, về việc di tản các chiến binh.

Xin nhắc lại rằng, trước đó, Chỉ huy Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 36, Thiếu tá Serhii Volyna, bảo vệ thành phố Mariupol bị bao vây, đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới giúp đỡ trong việc di tản những người bảo vệ Mariupol và dân thường sang lãnh thổ của một nước thứ ba. Theo Volyna, có hơn 500 binh sĩ bị thương. Ngoài ra, hàng trăm thường dân đang trốn tránh bom của Nga bên trong nhà máy Azovstal.

4. Đức Giáo Hoàng cảm ơn những người chào đón người tị nạn Ukraine và tưởng nhớ các nạn nhân chiến tranh

Hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha đã lên tiếng cảm ơn tất cả những người chào đón những người tị nạn từ cuộc chiến ở Ukraine, đặc biệt là Ba Lan, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thể hiện “lòng thương xót” đối với những người đau khổ.

“Chúa Nhật tới đây, chúng ta sẽ cử hành lễ Lòng Chúa Thương Xót. Chúa Kitô dạy chúng ta rằng con người không chỉ cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa, mà còn được mời gọi để bày tỏ lòng thương xót đó cho người lân cận. Tôi đặc biệt biết ơn vì lòng thương xót của anh chị em đối với rất nhiều người tị nạn từ Ukraine, những người đã tìm thấy cánh cửa rộng mở và trái tim hào phóng ở Ba Lan.” Đức Thánh Cha đã nói như trên với những người hành hương tụ tập trong buổi tiếp kiến chung.

Đức Phanxicô cũng cầu xin những lời cầu nguyện “cho hòa bình và ơn an ủi cho tất cả các gia đình đang đau khổ vì chiến tranh trên thế giới”.

Thứ Ba tuần này, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đã kêu gọi đình chiến 4 ngày trong cuộc chiến ở Ukraine trong thời kỳ lễ Phục sinh Chính Thống Giáo, theo một ý tưởng được Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra hôm 10 tháng 4.

Các cộng đồng Công Giáo và Chính thống nghi lễ Byzantine vẫn dùng lịch Julian và cử hành lễ Phục sinh năm nay vào ngày 24 tháng 4.

Mục tiêu của thỏa thuận ngừng bắn là cho phép mở ra các hành lang nhân đạo cho việc di tản dân thường khỏi các khu vực xung đột.

Các giám mục Công Giáo của Liên minh Âu Châu, và Hội đồng các Giáo Hội Kitô đã gửi thư tới các tổng thống của Nga và Ukraine, yêu cầu ngừng bắn trong các lễ kỷ niệm Lễ Phục sinh, từ ngày 17 đến ngày 24 tháng 4.

“Thỏa thuận ngừng bắn này sẽ có lợi cho công dân của cả hai nước, giúp họ thoát khỏi sự bất ổn đáng lo ngại trong cuộc sống của những người thân yêu, những người đang gặp khó khăn và bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột”.

Lời kêu gọi được đưa ra vào thời điểm Nga bắt đầu một cuộc tấn công mới nhằm chinh phục miền đông Ukraine; một số tòa nhà tôn giáo đã bị hư hại trong cuộc chiến bắt đầu vào ngày 24 tháng 2.

Nhà thờ Chúa biến hình ở Kharkiv, Ukraine, đã bị tấn công trong các vụ đánh bom nhằm vào thành phố, trong đêm 17 và 18 tháng 4; đây là một tòa nhà của Nhà thờ Chính thống giáo liên kết với Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa.

Vào ngày 4 tháng 4, quân đội Nga đã tấn công Nhà thờ Chính thống giáo Sinh Nhật Đức Trinh nữ Maria, cũng được liên kết với Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, và cũng ở trong vùng Kharkiv.

5. Thư ký riêng của Giáo hoàng danh dự Benedict XVI nhiễm coronavirus

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, Thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô 16, đã xét nghiệm dương tính với Coronavirus. Tin tức này được đưa tin bởi Hãng thông tấn Công Giáo Đức KNA.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã được cách ly kể từ ngày 11 tháng 4, vị giám mục xác nhận với KNA vào hôm thứ Tư 20 tháng Tư, và nói thêm rằng vào Chúa Nhật Phục sinh, sau cuộc kiểm tra thứ hai, ngài vẫn dương tính.

Tất cả những cư dân khác của tu viện Mẹ Giáo Hội, bao gồm cả Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, đều cho kết quả âm tính.

Các phương tiện truyền thông Ý gần đây đưa tin rằng Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, bộ trưởng ngoại giao của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus. Vì vậy, ngài phải hoãn chuyến đi đến thủ đô Kyiv của Ukraine đã được lên lịch trước lễ Phục sinh.
Source:Il Sismografo

6. Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha: Người cao niên phải được yêu mến và kính trọng

Lúc 9 giờ sáng, thứ Tư Tuần bát nhật Phục sinh, 20 tháng Tư năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến hàng chục ngàn tín hữu hành hương, tại Quảng trường thánh Phêrô.

Ngài đi xe mui trần tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu trước khi tiến lên lễ đài, mở đầu buổi tiếp kiến với dấu thánh giá và lời chào phụng vụ của ngài, rồi mọi người nghe đoạn sách Huấn Ca (Sr 3,3-6.12-13.16) bằng tám thứ tiếng:

“Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng (..) Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người.”

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về tuổi già. Bài thứ sáu này có tựa đề là: “Hãy tôn kính cha mẹ”: lòng yêu mến đối với tuổi già.