Bài giảng của ĐTC sáng Chúa Nhật Ngày Năm Thánh dành cho các Hội đoàn và phong trào Thánh Mẫu

Pope Francis

Pope Francis

Sáng Chúa Nhật 9 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Ngày Năm Thánh dành cho các Hội đoàn và phong trào Thánh Mẫu tại quảng trường Thánh Phêrô. Đây là một phần trong các cử hành trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Trong bài giảng Đức Thánh Cha, nói với các tín hữu rằng, “chúng ta được trao ban cho một mẫu gương, một mẫu gương thực sự, để chúng ta có thể noi theo, đó là Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta” Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lòng biết ơn, nghĩa là khả năng “nói lên lời cảm tạ, tán tụng Chúa vì những gì Ngài đã làm cho chúng ta: điều này là quan trọng”

Đức Thánh Cha nói:

Chúa Nhật tuần này (Lc 17,11-19) Tin Mừng mời gọi chúng ta nhìn nhận ân sủng của Thiên Chúa với sự ngạc nhiên và lòng biết ơn. Trên đường đến cái chết và sự sống lại của Ngài, Chúa Giêsu gặp mười người phong hủi, những người đến với Ngài, nhưng đứng xa xa nói lên những vấn đề của họ với một nhân vật mà đức tin của họ xem nhân vật ấy như một vị cứu tinh có thể chữa lành cho họ “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi!” (V. 13). Họ đang bị bệnh và họ đang tìm kiếm một ai đó để chữa lành cho họ. Chúa Giêsu trả lời bằng cách nói họ hãy đi và trình diện các tư tế, là những người theo Luật sẽ phải xác nhận sự chữa lành. Bằng cách đó, Chúa Giêsu không chỉ đơn giản cho họ một lời hứa; nhưng còn muốn thử thách đức tin của họ. Tại thời điểm đó, trên thực tế, mười người ấy chưa được chữa lành. Họ chỉ được khôi phục lại sức khỏe sau khi khởi hành ra đi trong sự vâng phục lệnh truyền của Chúa Giêsu. Sau đó, vui mừng, họ trình diện các tư tế và tiếp tục con đường của mình. Họ quên mất Đấng ban ơn cho họ, là Chúa Cha, Đấng đã chữa khỏi bệnh cho họ qua Đức Giêsu, Con của Ngài xuống thế làm người.

Duy chỉ có một người Samaritano, dân ngoại đang sống ở vùng ngoại vi của dân được ưu tuyển, thực tế anh ta là một người ngoại đạo! Người đàn ông này không chỉ hài lòng với việc được chữa lành nhờ đức tin của mình, nhưng đưa sự chữa lành đó đến chỗ thành toàn bằng cách quay lại bày tỏ lòng biết ơn của anh ta đối với ân sủng vừa nhận được. Anh ta nhận ra nơi Chúa Giêsu vị tư tế đích thật, Đấng đã nâng anh ta dậy và đã cứu anh ta, Đấng đang đặt anh trên chính lộ và chấp nhận anh ta là một trong những môn đệ của Ngài.

Để có thể nói lời cảm tạ, để có thể tán tụng Chúa vì những gì Ngài đã làm cho chúng ta là điều quan trọng! Vì thế, chúng ta hãy tự hỏi chính mình: Liệu chúng ta có khả năng nói lời “Cảm ơn”? Bao nhiêu lần chúng ta nói “Cảm ơn” trong gia đình chúng ta, trong cộng đồng của chúng ta, và trong Giáo Hội của chúng ta? Bao nhiêu lần chúng ta nói “Cảm ơn” đối với những ai giúp đỡ chúng ta, đối với những ai gần gũi chúng ta, đối với những ai đồng hành cùng chúng ta trong suốt cuộc đời? Thường thì chúng ta coi mọi thứ là chuyện đương nhiên! Ngay cả với những gì Thiên Chúa ban cho chúng ta cũng vậy. Thật dễ dàng để chạy đến cùng Chúa để xin một cái gì đó, nhưng trở lại và cảm tạ thì không... Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự thất bại của chín người cùi vô ơn: “Chẳng phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?”(Lc 17: 17-18)?.

Vào ngày Năm Thánh này, chúng ta đang được trao ban cho một mẫu gương, thực sự là một mẫu gương, để chúng ta có thể noi theo, đó là Đức Maria, Mẹ chúng ta. Sau khi nghe thông điệp Thánh Thiên Thần truyền, Mẹ nâng hồn lên trong trong một bài ca chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa. ..” Chúng ta hãy xin Đức Mẹ giúp chúng ta nhận biết tất cả mọi thứ là ân sủng của Thiên Chúa, và có khả năng để nói lời “Cảm ơn”. Như thế, niềm vui của chúng ta sẽ được hoàn toàn.

Khiêm nhường cũng là cần thiết để biết nói lời tạ ơn. Trong bài đọc đầu tiên chúng ta nghe câu chuyện của ông Naaman, người chỉ huy quân đội của vua Aram (x 2 Kg 5: 14-17). Để được chữa khỏi bệnh phong của mình, ông đã chấp nhận đề nghị của một người nô lệ nghèo và phó thác mình cho tiên tri Elisha, người mà ông ta coi là kẻ thù. Naaman dù sao cũng đã sẵn sàng để hạ mình. Elisha không đòi hỏi gì nơi ông ta, chỉ đơn giản là ra lệnh cho ông phải tắm trong dòng nước của sông Jordan. Yêu cầu này làm Naaman bối rối, thậm chí khó chịu. Lẽ nào một Thiên Chúa đòi hỏi những thứ tầm thường như vậy có thể thực sự là Thiên Chúa sao? Ông muốn quay trở lại, nhưng sau đó ông đồng ý đắm mình trong dòng nước sông Jordan và ngay lập tức ông được chữa khỏi.

Tâm hồn của Mẹ Maria, hơn ai khác, là một tâm hồn khiêm tốn, có khả năng đón nhận những ân sủng của Thiên Chúa. Để xuống thế làm người, Thiên Chúa đã chọn chính Mẹ, một phụ nữ trẻ đơn sơ miền Nazareth, là người không sống trong cung điện của quyền lực và sự giàu có, là người không làm những điều phi thường. Chúng ta hãy tự hỏi mình xem liệu chúng ta có sẵn sàng chấp nhận những ân sủng của Thiên Chúa, hay chỉ thích đóng kín chính mình dưới các hình thức an ninh về vật chất, trí tuệ, trong các kế hoạch của chúng ta.

Điều đáng chú ý là cả Naaman và người Samaritanô này đều là hai người nước ngoài. Biết bao những người nước ngoài, bao gồm cả người của các tôn giáo khác, đang trao cho chúng ta một tấm gương về các giá trị mà đôi khi chúng ta quên lãng đi hoặc gạt sang một bên! 

Những người sống bên cạnh chúng ta, những người có thể bị khinh miệt và phải ngồi ngoài chỉ vì họ là người nước ngoài, có thể dạy chúng ta cách thế để bước đi trên con đường Chúa muốn. 

Mẹ Thiên Chúa, cùng với người bạn đời của mình là Thánh Giuse, biết rõ tình cảnh phải sống xa nhà. Mẹ cũng đã có thời là một ngoại kiều ở Ai Cập, xa người thân và bạn bè của Mẹ. Tuy nhiên, niềm tin của Mẹ có thể vượt qua những khó khăn. Chúng ta hãy bám vào niềm tin đơn sơ này của Mẹ của Thiên Chúa; chúng ta hãy xin Mẹ cho chúng ta có thể luôn luôn trở lại với Chúa Giêsu và cảm ơn Ngài vì bao nhiêu ơn ích chúng ta đã nhận được từ Lòng Thương Xót của Ngài.

Tác giả bài viết: J.B. Đặng Minh An dịch

Nguồn tin: vietcatholic