Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ vọng Giáng Sinh 24/12/2021

Pope Francis

Pope Francis

Mặc dù Ý không còn lệnh giới nghiêm 10 giờ tối như một phần trong các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành “Thánh lễ Vọng Giáng sinh” tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào lúc 7:30 tối, như ngài đã làm vào năm 2020.
Đồng tế với Đức Thánh Cha có các Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục và một số giới hạn các tín hữu do các âu lo vì biến thể Omicron.

Đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha đã đặt tượng ảnh Chúa Hài Đồng Giêsu vào trong máng cỏ, ở trên ngai nhỏ trước bàn thờ chính.

Khi bài ca Vinh Danh được xướng lên, tất cả các chuông của Đại Vương cung Thánh đường được đánh lên cùng với đàn phong cầm.

Cạnh máng cỏ ở trước Bàn thờ Tuyên Xưng đức tin, có một ngai nhỏ trên đó có đặt một sách Tin Mừng, để nói lên rằng trong biến cố vĩ đại của đêm Giáng Sinh: Lời của Thiên Chúa đã làm người.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:


Một ánh sáng đến trong đêm. Một thiên thần xuất hiện, vinh quang Chúa bao trùm các mục đồng và cuối cùng lời loan báo được mong đợi hàng thế kỷ đã đến: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2:11). Tuy nhiên, những gì thiên thần cho biết thêm là điều đáng kinh ngạc. Ngài chỉ cho những người chăn chiên cách tìm kiếm Thiên Chúa là Đấng đã đến với thế gian: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (câu 12). Đây là dấu chỉ: một hài nhi. Tất cả chỉ có thế này: một hài nhi trong sự nghèo nàn thô sơ của một máng cỏ. Không có ánh đèn, hào quang, dàn hợp xướng của các thiên thần. Chỉ là một hài nhi. Không có gì khác, như tiên tri Isaia đã báo trước: “Một hài nhi đã được sinh ra cho chúng ta” (Is 9: 5).

Tin Mừng nhấn mạnh về sự tương phản này. Bài Phúc Âm kể về biến cố Chúa Giêsu Giáng Sinh bắt đầu với Caesar Augustus, là người thực hiện một cuộc điều tra dân số trên toàn đế quốc: Trình thuật cho thấy vị hoàng đế đầu tiên trong sự vĩ đại của ông ta. Nhưng, ngay sau đó, câu chuyện đưa chúng ta đến Bêlem, nơi chẳng có gì là vĩ đại: chỉ là một em bé nghèo bọc tã, nằm trong máng cỏ, với những người chăn cừu xung quanh. Nhưng đó là Chúa, trong sự nhỏ bé. Đây là thông điệp: Thiên Chúa không vươn lên trong sự vĩ đại, nhưng hạ cố xuống thế gian trong sự nhỏ bé. Sự nhỏ bé là cách Ngài đã chọn để tiếp cận chúng ta, chạm vào trái tim chúng ta, cứu chúng ta và đưa chúng ta trở lại những gì là quan trọng.

Thưa anh chị em, khi dừng lại trước máng cỏ, chúng ta hãy chiêm ngắm điều gì là trung tâm, vượt lên trên ánh sáng và những đồ trang trí, những gì đẹp đẽ, để chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Hài Đồng. Trong sự nhỏ bé, Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta. Hãy nhận ra Người: “Hài Nhi, Chúa là Thiên Chúa, Chúa Hài Đồng”. Chúng ta hãy để cho mình bị bao trùm bởi sự kinh ngạc đầy tai tiếng này. Người ôm ấp cả vũ trụ lại cần được ôm trong một vòng tay. Đấng tạo ra mặt trời, phải được sưởi ấm. Đấng là sự dịu dàng lại cần được nâng niu. Tình yêu vô bờ bến giờ đây lại có một trái tim nhỏ bé, biết phát ra những nhịp đập êm ái. Ngôi Lời vĩnh cửu lại là một trẻ sơ sinh, tức là không thể nói được. Bánh của sự sống phải được cho ăn. Đấng tạo ra thế giới lại là người vô gia cư. Hôm nay mọi thứ bị đảo lộn: Chúa đến với thế giới nhỏ bé. Đấng vĩ đại trao ban chính mình trong sự nhỏ bé.

Và chúng ta - chúng ta hãy tự hỏi mình - chúng ta có đón nhận cách thế này của Thiên Chúa không? Đó là thử thách của lễ Giáng Sinh: Thiên Chúa tỏ mình ra, nhưng loài người không hiểu Ngài. Ngài tự biến mình trở nên nhỏ bé trong mắt thế giới và chúng ta tiếp tục tìm kiếm sự vĩ đại theo tinh thần thế gian, thậm chí có lẽ nhân danh Ngài. Chúa hạ thấp mình còn chúng ta lại muốn trở nên vĩ đại. Đấng Tối Cao chỉ ra sự khiêm tốn còn chúng ta thích vẻ bề ngoài. Chúa đi tìm những mục đồng, những người vô danh tiểu tốt giữa chúng ta; chúng ta lại tìm kiếm những người vang danh thiên hạ. Chúa Giêsu được sinh ra để phục vụ và chúng ta dành cả đời để theo đuổi thành công. Chúa không tìm kiếm sức mạnh và quyền thế, Ngài tìm kiếm sự dịu dàng và tấm lòng đơn sơ nhỏ bé.

Đây là điều chúng ta nên cầu xin Chúa Hài Đồng trong lễ Giáng Sinh: chúng ta hãy xin Chúa ban cho ân sủng của sự đơn sơ nhỏ bé. “Lạy Chúa, xin dạy chúng con yêu mến sự nhỏ bé. Xin giúp chúng con hiểu rằng đó là con đường dẫn đến sự vĩ đại thực sự”. Nhưng cụ thể, chào đón sự nhỏ bé có nghĩa là gì? Trước hết, điều đó có nghĩa là tin rằng Thiên Chúa muốn đến với những điều nhỏ bé trong cuộc sống của chúng ta, muốn sống trong những thực tế hàng ngày, những cử chỉ đơn giản mà chúng ta làm ở nhà, trong gia đình, ở trường học và nơi làm việc. Chính trong cuộc sống bình thường của chúng ta, Ngài muốn thực hiện những điều phi thường. Và đó là một thông điệp đầy hy vọng: Chúa Giêsu mời gọi chúng ta quý trọng và khám phá lại những điều nhỏ bé trong cuộc sống. Nếu Ngài ở đó với chúng ta, chúng ta còn thiếu điều gì? Vì vậy, chúng ta hãy dẹp sang một bên những tiếc nuối dành cho những sự vĩ đại mà chúng ta không có được. Chúng ta hãy từ bỏ những lời phàn nàn và khuôn mặt dài thoòng, hãy quên đi những lòng tham không đời nào được thoả mãn!

Nhưng còn nhiều hơn thế. Chúa Giêsu không muốn chỉ đến trong những điều nhỏ bé trong cuộc đời chúng ta, mà còn đến trong chính sự nhỏ bé của chúng ta: trong cảm giác yếu đuối, mỏng manh, thiếu thốn, thậm chí là “lầm lạc”. Thưa anh chị em, nếu như ở Bêlem, bóng tối của màn đêm vây quanh anh chị em, nếu anh chị em cảm thấy một sự thờ ơ lạnh lùng xung quanh anh chị em, nếu những vết thương mà anh chị em mang trong lòng kêu lên: “Ngươi chẳng đáng được đếm xỉa tới, ngươi chẳng là chi cả, ngươi sẽ không bao giờ được yêu như ngươi muốn”, đêm nay, nếu anh chị em cảm thấy những điều này, Chúa sẽ trả lời và nói với anh chị em: “Ta yêu con như chính con. Sự nhỏ bé của con không làm Ta sợ, sự yếu đuối của con không làm Ta lo lắng. Ta đã làm cho mình trở nên nhỏ bé vì con. Là Chúa của con, Ta đã trở thành anh em của con. Anh trai yêu dấu, em gái yêu dấu, đừng sợ Ta, nhưng hãy tìm thấy sự vĩ đại của con trong Ta. Ta gần gũi với con và đây là điều duy nhất Ta yêu cầu nơi con: hãy tin tưởng ở Ta và mở rộng trái tim của con với Ta”.

Đón nhận sự nhỏ bé vẫn còn có thêm một ý nghĩa khác nữa: đó là ôm lấy Chúa Giêsu trong những người bé nhỏ của ngày hôm nay. Hãy yêu mến Chúa trong những người rốt cùng. Hãy phục vụ Người trong những người nghèo. Họ giống Chúa Giêsu nhất, Đấng sinh ra đã nghèo. Và chính trong họ, Ngài muốn được tôn vinh. Trong đêm tình yêu này, cầu xin cho chúng ta chỉ có một nỗi sợ hãi duy nhất: đó là làm tổn thương tình yêu của Thiên Chúa, làm tổn thương tình yêu ấy bằng cách khinh thường người nghèo qua sự thờ ơ của chúng ta. Họ là những người yêu dấu của Chúa Giêsu, mà một ngày nào đó sẽ chào đón chúng ta vào nước Thiên Đàng. Một nhà thơ đã viết: “Ai chưa tìm thấy Thiên Đường ở dưới đây sẽ bỏ lỡ nó ở trên cao đó” (E. Dickinson, Poems, P96-17). Chúng ta đừng đánh mất Thiên Đàng, chúng ta hãy chăm sóc Chúa Giêsu ngay bây giờ, vuốt ve Ngài trong những người khốn khó, vì Ngài đã đồng hóa mình với họ.

Một lần nữa chúng ta hãy nhìn vào máng cỏ và chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu khi sinh ra đã được bao bọc bởi những người thấp hèn, bởi những người nghèo khổ. Họ là những người mục đồng. Họ là những người đơn sơ nhất và là những người gần gũi nhất với Chúa. Họ tìm thấy Người vì họ “qua đêm ngoài trời, suốt đêm canh giữ đàn chiên của mình” (Lc 2:8). Họ ở đó để làm việc, bởi vì họ nghèo và cuộc sống của họ không có thời gian biểu, mà phụ thuộc vào đàn chiên của mình. Họ không thể sống theo cách thế và nơi chốn họ muốn, nhưng họ tự điều chỉnh theo nhu cầu của đàn chiên mà họ chăm sóc. Và Chúa Giêsu đã sinh ra ở đó, gần với họ, gần với vùng ngoại vi bị lãng quên. Ngài đã đến nơi mà phẩm giá của con người bị thử thách. Ngài đến để nâng cao những người bị loại trừ và mạc khải chính Người cho họ trước tất cả những ai khác: không phải cho những nhân vật uyên bác hay quan trọng, mà cho những người nghèo đang làm việc. Chúa đến đêm nay để lấp đầy sự vất vả của công việc với phẩm giá. Ngài nhắc nhở chúng ta tầm quan trọng của việc đem lại phẩm giá cho con người qua công việc, nhưng cũng phải trao phẩm giá cho công việc của con người, bởi vì con người là chúa tể chứ không phải là nô lệ cho công việc. Vào ngày của Sự Sống này, chúng ta hãy lặp lại: không có thêm những cái chết tại nơi làm việc! Và chúng ta hãy dấn thân cho điều này.

Khi chúng ta nhìn lần cuối vào máng cỏ, hãy mở rộng tầm mắt ra xa hơn, nơi chúng ta có thể nhìn thấy những nhà thông thái, đang hành hương để thờ phượng Chúa. Chúng ta hãy nhìn và hiểu rằng xung quanh Chúa Giêsu, mọi sự đều hiệp nhất với nhau: không chỉ có những người rốt cùng, những người chăn chiên, mà còn có những nhà uyên bác và những người giàu có, và những người khôn ngoan. Ở Bêlem, người nghèo và người giàu có ở cùng với nhau, những người thờ phượng như những nhà đạo sĩ và những người làm việc như những mục đồng. Mọi thứ kết hợp với nhau khi chính Chúa Giêsu ở trung tâm: chứ không phải ý tưởng của chúng ta về Chúa Giêsu, mà chính là Ngài, Đấng Hằng Sống. Vì vậy, anh chị em thân mến, chúng ta hãy trở lại Bêlem, hãy quay trở lại các nguồn cội: là những điều thiết yếu của đức tin, tình yêu đầu tiên, sự tôn thờ và lòng bác ái. Chúng ta hãy quan sát những nhà thông thái đang hành hương, và như một Giáo hội đồng nghị, một Giáo Hội lữ hành, chúng ta cùng đi đến Bêlem, nơi có Thiên Chúa trong con người và con người trong Thiên Chúa. Nơi đó Chúa ở vị trí đầu tiên và được thờ phượng; nơi những người rốt cùng chiếm được chỗ gần với Chúa nhất; nơi những mục đồng và các nhà đạo sĩ sát cánh cùng nhau trong tình huynh đệ bền chặt hơn bất kỳ các nhãn hiệu và sự phân loại nào. Xin Chúa ban cho chúng ta trở thành một Giáo hội tôn thờ, nghèo nàn, huynh đệ. Đây là điều thiết yếu. Hãy quay trở lại Bêlem.

Thật tốt khi chúng ta đến đó, ngoan ngoãn với Tin Mừng Giáng Sinh, trong đó trình bày cho chúng ta thấy Thánh Gia, các mục đồng và các nhà thông thái: tất cả mọi người đang trên đường đi của họ. Thưa anh chị em, chúng ta hãy lên đường, vì cuộc đời là một cuộc hành hương. Hãy thức dậy, chúng ta hãy thức dậy vì một luồng sáng đã chiếu dọi đêm nay. Đó là một ánh sáng dịu dàng và nhắc nhở chúng ta rằng trong sự bé nhỏ của mình, chúng ta là những đứa trẻ được yêu dấu, những đứa trẻ của ánh sáng (xem 1 Thess 5: 5). Hỡi anh chị em, chúng ta hãy vui mừng cùng nhau, vì không ai có thể dập tắt ánh sáng này, ánh sáng của Chúa Giêsu, đã chiếu sáng trong thế giới từ đêm nay.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana

Tác giả bài viết: J.B. Đặng Minh An dịch