Bài giảng tại Santa Marta: Những tâm hồn chai đá

Pope Francis

Pope Francis

Không thể có sự thỏa hiệp: hoặc chúng ta để cho mình được yêu thương “bởi lòng thương xót của Thiên Chúa” hoặc chúng ta chạy theo con đường “đạo đức giả” và cứ làm theo ý mình muốn để rồi con tim mình ngày càng chai cứng. Đây là lịch sử của mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người, từ thời Abel cho đến bây giờ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng Thánh Lễ tại nhà nguyện Santa Marta sáng thứ Năm 12 tháng Ba.

Đức Thánh Cha đã bắt đầu bài giảng của ngài với những lời trong Thánh vịnh đáp ca - “Đừng cứng lòng nữa” – và đặt câu hỏi: “Tại sao điều này lại xảy ra?”. Để tìm câu trả lời, Đức Thánh Cha đã nhắc lại bài đọc thứ nhất trích từ sách tiên tri Jeremiah (7: 23-28), trong đó tóm tắt cách nào đó “lịch sử của Thiên Chúa”. Nhưng liệu chúng ta thực sự có thể nói “Thiên Chúa có một lịch sử hay không?” Làm sao lại có thể như thế vì “Thiên Chúa là vĩnh cửu?” Đức Thánh Cha giải thích rằng, sự thật là, “từ lúc Thiên Chúa bắt đầu các cuộc đối thoại với dân Người, Ngài đã đi vào lịch sử”.

Và lịch sử của Thiên Chúa với dân Ngài “là một lịch sử đáng buồn”, vì “Thiên Chúa đã cho tất cả mọi thứ” và đổi lại “Ngài chỉ nhận được những buồn phiền”. Chúa phán: “Hãy lắng nghe tiếng Ta; Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi và các ngươi sẽ là dân Ta. Hãy bước đi trong đường lối Ta đã truyền cho các ngươi, để các ngươi phát triển thịnh vượng”. Đó là “con đường” để được hạnh phúc. “Nhưng họ không vâng lời, họ cũng chẳng màng chú tâm đến”. Thay vào đó, họ tiếp tục ngoan cố bước đi “trong sự cứng lòng gian ác của họ”. Nói cách khác, họ không muốn “lắng nghe Lời Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha giải thích rằng lựa chọn đó đặc trưng cho toàn bộ lịch sử của Dân Chúa: “chúng ta hãy xem xét vụ giết hại và cái chết của Abel bởi anh trai của mình, bởi trái tim ác độc do ghen tị”. Tuy con người liên tục “quay lưng” với Chúa, Ngài “không bao giờ mệt mỏi”. Thực vậy, Ngài “không mệt mỏi” sai các tiên tri đến với dân Người. Nhưng dù thế, con người vẫn không nghe. Thay vào đó, Kinh Thánh cho chúng ta biết: “họ đã cứng cổ và làm ra những điều còn tồi tệ hơn so với những gì cha ông họ đã làm”. Thành ra, “tình hình của dân Chúa từ thế hệ này sang thế hệ khác càng trở nên tồi tệ hơn”.

Chúa nói với tiên tri Jeremiah: “Khi ngươi nói với họ tất cả những lời này, họ sẽ không lắng nghe ngươi, họ sẽ không trả lời. Hãy nói với họ: Đây là dân tộc không lắng nghe tiếng Chúa, cũng chẳng sửa sai”. Và Đức Thánh Cha nhận xét là Thiên Chúa đã cho biết thêm một điều “khủng khiếp” hơn: Lòng trung thành đã biến mất '. Các ngươi không phải là những người trung tín. Ở đây, theo Đức Thánh Cha, có vẻ như Thiên Chúa đang khóc: “Ta đã yêu thương ngươi rất nhiều, Ta đã cho ngươi rất nhiều ...”, nhưng ngươi đã làm “mọi thứ để chống lại Ta”. Sự than khóc này nhắc chúng ta nhớ đến biến cố Chúa Giêsu “khóc thương thành Giêrusalem”. “Tất cả lịch sử này, trong đó sự trung thành đã biến mất, làm con tim Chúa Giêsu thổn thức”. “Lịch sử cá nhân của chúng ta” cũng là một lịch sử của sự bất trung bởi vì “chúng ta làm theo ý riêng của mình. Nhưng khi làm như vậy, trong hành trình của cuộc sống, chúng ta đi theo một con đường chai cứng: chai cứng con tim, biến nó thành đá. Lời Chúa không thấm nhập được và chúng ta sa ngã”. Đây là lý do tại sao “ngày hôm nay, vào Mùa Chay này, chúng ta có thể tự hỏi mình: Tôi có lắng nghe tiếng nói của Chúa không, hay tôi chiều theo những gì tôi muốn, bất cứ những gì miễn là làm tôi vui lòng?”.

Những lời khuyên của Thánh vịnh đáp ca - “Đừng cứng lòng nữa” - được tìm thấy “rất nhiều lần trong Kinh Thánh” để giải thích “sự bất trung của dân Chúa” - thường sử dụng “hình ảnh của những người đàn bà hoang dâm”. Đức Thánh Cha nhắc đến đoạn văn nổi tiếng từ Ezekiel 16 như một ví dụ: “Đời ngươi là một lịch sử lâu dài của ngoại tình. Dân này đã không chung thủy với Ta, dân này đã là một dân ngoại tình “. Ngoài ra còn có rất nhiều lần, trong đó Chúa Giêsu “quở trách các môn đệ vì lòng họ chai cứng”, như khi Ngài nói với hai môn đệ trên đường Emmau: “Hởi những kẻ ngu ngốc và lòng dạ chai cứng”.

Đức Thánh Cha giải thích rằng con tim gian ác - mà “tất cả chúng ta mỗi người đều có một chút” - “không cho phép chúng ta hiểu được tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta muốn được tự do”, nhưng” với một sự tự do mà cuối cùng biến chúng ta ra nô lệ, chứ không phải là tự do trong tình yêu mà Chúa ban cho chúng ta”.

Điều này, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, cũng xảy ra trong các định chế. Ví dụ, “Chúa Giêsu chữa lành một người, nhưng trái tim của các thầy thông luật, của các tư tế, của hệ thống pháp luật đã chai cứng đến mức họ luôn tìm kiếm những lời biện minh”. Thành ra, họ nói với Ngài: “Ông đuổi quỷ nhờ danh của quỷ. Ông là một thầy phù thủy ma quỷ”. Các thầy thông luật này “tin rằng cuộc sống đức tin phải được điều hòa bởi những luật lệ do họ bày ra”. Chúa Giêsu gọi họ là “những kẻ giả hình, những ngôi mộ tô vôi, bề ngoài xinh đẹp nhưng bên trong chứa đầy sự gian ác và đạo đức giả”.

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng “thật không may, điều tương tự đã xảy ra trong lịch sử của Giáo Hội. Chúng ta hãy nhớ lại trường hợp cô bé Joan thành Arc tội nghiệp: hôm nay cô ấy là một vị thánh! Cô gái tội nghiệp ấy đã bị thiêu sống vì người ta tin rằng cô là một kẻ dị giáo. Hoặc chúng ta hãy nghĩ đến trường hợp gần đây hơn là Chân Phước Rosmini là người mà tất cả các sách của ngài đều bị cấm. Anh chị em đã không thể đọc những sách này, đọc những sách ấy là có tội. Hôm nay, ngài được phong Chân Phước.”

Về vấn đề này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “trong lịch sử của Thiên Chúa với dân Ngài, Chúa đã gửi các tiên tri đến nói cho dân Ngài biết rằng Ngài yêu thương họ”, tương tự như vậy, “trong Giáo Hội, Chúa gửi các thánh đến với chúng ta”. Họ là “những người dẫn dắt đời sống của Giáo Hội. Họ không quyền lực, không phải là những kẻ đạo đức giả”. Họ là “những người nam nữ thánh thiện, trẻ em, thanh thiếu niên thánh thiện, các linh mục thánh thiện, các nữ tu thánh thiện, các vị giám mục thánh thiện ...”. Nói cách khác, họ là những con người “mà trái tim không chai cứng”, nhưng thay vào đó “luôn luôn mở cửa cho lời tình yêu của Chúa”. Họ “không phải là người sợ để cho mình được vuốt ve bởi lòng thương xót của Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao các thánh là những người hiểu rất rõ về đau khổ, về sự khốn cùng của con người, và gần gũi với con người”.

Chúa rất thẳng thừng với những ai “đã mất đi lòng trung thành của họ”: “Những ai không theo Ta là chống lại Ta”. Người ta có thể hỏi: “Không có một cách nào để thỏa hiệp, để có một chút cái này và một chút cái kia sao?”. Không, Đức Thánh Cha nói, “Hoặc chúng ta để cho mình được yêu thương “bởi lòng thương xót của Thiên Chúa” hoặc chúng ta chạy theo con đường ‘đạo đức giả’ và cứ làm theo ý mình muốn để con tim mình ngày càng chai cứng”. Không có “con đường thứ ba cho sự thỏa hiệp: hoặc là anh chị em trở nên thánh thiện hoặc là anh chị em đi theo con đường khác”. Những ai “không cùng đi” với Chúa, không chỉ “bỏ rơi mọi thứ” mà “tồi tệ hơn: sẽ bị phân tán, phá hủy. Họ là những kẻ băng hoại”.

Vì sự bất trung này, “Chúa Giêsu khóc thành Giêrusalem” và “khóc cho mỗi người chúng ta”. Đức Thánh Cha nhắc lại rằng trong Chương 23 Phúc Âm Thánh Mátthêu, có một lời nguyền khủng khiếp chống lại “những người lãnh đạo có con tim chai cứng và muốn làm chai cứng con tim người dân”. Chúa Giêsu nói: “đổ xuống đầu các ngươi là máu của tất cả những người vô tội, bắt đầu từ Abel. Chúng sẽ phải chịu trách nhiệm vì tất cả máu của người vô tội, đổ ra bởi sự gian ác của họ, bởi thói đạo đức giả của họ, bởi sự chai cứng và trái tim hóa đá của họ”.

Tác giả bài viết: Đặng Tự Do

Nguồn tin: vietcatholic