Không có các Kitô hữu "bình chân như vại", không chiến đấu chống lại sự ác

Pope Francis

Pope Francis

Không có những Kitô hữu "bình chân như vại", cảm thấy an tâm và không chiến đấu chống lại sự ác. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thay đổi đời sống, thay đổi cách sống; Ngài mời gọi chúng ta hoán cải. Thay đổi chính mình là một cuộc chiến đấu chống lại sự ác, cả sự ác ở trong trái tim chúng ta, một cuộc chiến không để cho chúng ta yên thân nhưng lại ban cho chúng ta sự bình an.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ những ý tưởng trên trong bài giảng Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta sáng hôm nay (26/10).

Giải nghĩa đoạn Tin mừng theo thánh Luca 12,49-53, trong đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng Ngài đã đến ném lửa vào mặt đất, Đức Thánh Cha giải thích rằng loại lửa mà Chúa Giêsu ném xuống thế gian là loại lửa đòi hỏi chúng ta phải thay đổi. Chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ, thay đổi cách cảm nghĩ. Trước đây trái tim của chúng ta thuộc về thế gian, không thuộc về Thiên Chúa, nhưng bây giờ trái tim chúng ta đã trở thành trái tim của Kitô hữu với sức mạnh của Chúa Kitô. Đó là sự thay đổi và cũng có nghĩa là hoán cải. Sự hoán cải này là một cuộc hoán cải toàn diện, bao gồm tất cả thân xác và linh hồn. Điều này là một sự hoán cải nội tâm, hoán cải thật sự như Đức Thánh Cha giải thích: “Đó là sự thay đổi nhưng không phải là sự thay đổi hình thức, bên ngoài, giả tạo, mà là sự thay đổi nội tâm, do Chúa Thánh Thần thực hiện và chúng ta phải cộng tác để Chúa Thánh Thần có thể hoạt động. Điều này có nghĩa là chúng ta phải chiến đấu, chiến đấu!” Chúng ta cộng tác với Chúa Thánh Thần, nghĩa là đề cho Ngài đi vào tâm hồn chúng ta, Ngài giúp hoán cải chúng ta. Chấp nhận để Chúa Thánh Thần hoạt động là một cuộc chiến đấu chống lại sự ngủ yên, chống lại chọn lựa ở yên và không muốn thay đổi. Thay đổi đòi chúng ta phải chiến đấu vượt qua con người cũ với lối sống cũ, những suy nghĩ cũ và cách hành động cũ.

Trong lối sống cũ các Kitô hữu cảm thấy an tâm nhưng Đức Thánh Cha nhắc rằng không có những Kitô hữu "bình chân như vại", cảm thấy yên hàn và không cần chiến đấu mỗi ngày và không phấn đấu chống lại sự dữ. Đó không phải là các Kitô hữu mà là những người dửng dưng, nửa nóng nửa lạnh. Đức Thánh Cha nói rằng người ta có thể tìm thấy sự an bình để ngủ ngon với một viên thuốc, nhưng không có những viên thuốc có thể đem lại sự bình an nội tâm. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể ban sự bình an của tâm hồn và bình an đó mang lại sức mạnh cho các Kitô hữu.
 
Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cộng tác với Chúa Thánh Thần bằng cách để khoảng trống cho Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mình. Chúa Thánh Thần có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại sự ác của Kitô hữu: “Chúa Thánh Thần giúp chúng ta rất nhiều trong việc kiểm điểm lương tâm, mọi ngày, giúp chúng ta chiến đấu chống lại các căn bệnh của tinh thần mà kẻ thù gieo vãi và là các căn bệnh của thế gian.”
 
Chúng ta có  thể nghĩ rằng Chúa Giêsu chống lại ma quỷ là chuyện của Ngài, là chuyện đã qua. Nhưng Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu rằng: “Cuộc chiến mà Chúa Giêsu chống lại ma quỷ, chống lại sự ác, không phải là chuyện cổ điển xa xưa, nhưng nó rất mới, rất hiện đại, là chuyện của thời nay, của hôm nay, của mọi ngày”, bởi vì “ngọn lửa mà Chúa Giêsu đã đến và mang đến cho chúng ta thì ở trong tâm hồn chúng ta.” Lửa Chúa Giêsu mang đến đòi chúng ta chiến đấu chống lại những gì ngược lại với Thiên Chúa. Vì vậy chúng ta phải để cho Chúa đi vào tâm hồn chúng ta và mỗi ngày tự hỏi chính mình: “tôi đã vượt qua tính thế gian, qua tội lỗi, đến với ân sủng thế nào? Tôi có để cho Chúa Thánh Thần có chỗ trong tâm hồn tôi để Ngài có thể hoạt động không?
 
Những khó khăn trong cuộc sống chúng ta không thể được giải quyết bằng cách giảm nhẹ chân lý, để cho sự việc được dễ dàng. Đức Thánh Cha nói rằng chân lý chính là Chúa Giêsu đã mang lửa và chiến đấu vào thế gian, tôi sẽ làm gì? Hoán cải, thay đổi, chiến đấu chống sự ác luôn là điều cần thiết.  
 
Đức Thánh Cha đã kết luận bài giảng: hoán cải “cần một trái tim quảng đại và trung thành”: “quảng đại là điều luôn đến từ tình yêu và trung thành đến từ Lời Chúa.” (REI 26/10/2017)

Tác giả bài viết: Hồng Thủy