Tình Thập Tự

Đức Kitô Tử nạn

Đức Kitô Tử nạn

Giáo Hội đã bắt đầu vào Tuần Thánh, với cao điểm là Tam Nhật Thánh… và Phục Sinh. Nếu mọi cái rồi cũng qua đi theo thời gian, đến rồi đi như vậy thì không biết những Mùa Chay đã qua cũng như Mùa Chay năm nay sẽ để lại trong tôi được những gì?!

Ngồi một mình trước Thánh Thể trong một góc tối của thánh đường, tôi cho chiếu lại cuốn phim của đời mình, và thật bất ngờ khám phá ra rằng trong vùng ký ức của tôi không lưu lại dấu vết gì của những Mùa Chay đã qua. Một chút hối hận, ăn năn và xám hối. Tôi thưa với Chúa: Lạy Chúa, hằng ngày con vẫn tham dự thánh lễ, sớm hôm vẫn không quên cầu nguyện, và ngày ngày vẫn không ngừng đọc và suy niệm Lời Chúa, thế nhưng sao lòng con chẳng mảy may cảm thấy được cái nhục, cái khổ, cái đau đớn, và cái chết tức tưởi của Chúa trên thập giá vậy? Con phải làm gì cho đầu óc u tối của con, cho lý trí hạn hẹp của con chấp nhận được sự thật là Chúa đã hy sinh, chịu chết vì con. Hơn 2000 năm qua, cái chết của Chúa đã lùi vào lịch sử thì con làm sao mà hình dung ra được Chúa đã bị Giuđa phản bội, bị trao nộp, bị Philatô xử án bất công, bị đánh đòn, bị đội mão gai, bị vác thập giá và chịu đóng đanh như thế nào? Thật lòng, con chỉ mong sao nhận thức và cảm nghiệm được phần nào những hy sinh ấy để tăng thêm lòng mến Chúa.
 
Mắt tôi vẫn nhìn lên thánh giá. Đầu óc tôi vẫn rỗng tuếch. Và Chúa vẫn im lặng! Nhưng trong lòng tôi bỗng nghe như tiếng Ngài đang thì thầm thổn thức: Đã là tình yêu thì lý trí không thể hiểu được, không thể phân tích hoặc định nghĩa được. Tình yêu chỉ có thể cảm được mà thôi.
 
Và tôi nhận ra điều này, không phải hôm nay Thiên Chúa mới yêu thương con người, yêu thương tôi. “Thiên Chúa quá yêu thương thế gian” (Gioan 3:16). Tình yêu Ngài có từ muôn thuở, từ khi chưa có đất trời, và kéo dài cho đến mãi mãi. Sự hiện diện của tôi và từng người trên mặt đất chỉ là dấu chứng của tình yếu ấy xuất hiện theo thời gian.
 
Đi vào ý nghĩa cuộc khổ nạn của Con Thiên Chúa, tôi nhận ra rằng cơn hấp hối trong vườn cây dầu, “Lạy Cha nếu có thể xin cất chén này cho con” (Luca 22:42), với thao thức của đường thập tự, nhất là cái chết Chúa phải chịu trên thập giá, cũng như thập giá kia chính là một cách thế diễn tả tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại: “Không ai có tình yêu lớn hơn kẻ thí mạng sống mình vì người mình yêu” (Gioan 15:13). Trên thập giá, Chúa Giêsu đã làm cho sống động và thực tế hóa tình yêu ấy. Cảm được tình Ngài như vậy, con người mới hiểu và yêu mến Chúa hơn, mới có thể đi sâu vào biển tình lòng thương xót của Ngài.
 
Tình yêu đáp trả tình yêu. Vì tình yêu Thiên Chúa cũng siêu việt như chính Thiên Chúa, nên khi con người muốn cảm nhận được tình yêu ấy cần phải dùng đến đức tin - đức tin hành động. “Đức tin không có việc làm là đức tin chết (Giacôbê 2:17). Nhưng may mắn cho con người, đức tin hành động ấy đã được tìm thấy qua quang cảnh ngày cánh chung, khi nhân loại trình diện trước mặt Đấng Phán Xét kẻ sống và kẻ chết, cũng là Đấng đã đến trần gian trong thân phận con người, đã đi vào khổ nạn, và đã chết vì yêu trên thập giá.
 
Trong phiên tòa này, cái quyết định của tội và phúc, phần thưởng và hình phạt không gì khác hơn chính là tình yêu, một thứ tình yêu được thể hiện qua hành động, những hành động hằng ngày xem như rất nhỏ mọn và vô nghĩa. Đó là cho người đói ăn, cho người khát uống, cho người rách rưới mặc, cho người vô gia cư tá túc, thăm viếng người yếu đau bệnh tật và kẻ tù tội, nói một lời yêu thương, hay nở một nụ cười tha thứ đối với những người xúc phạm đến mình… những việc rất tầm thường đến nỗi không ai có quyền khiếu nại và từ chối là mình không có thời giờ và không làm được. Nhưng Thiên Chúa lại coi đó như cách thức con người làm để đáp trả tình yêu của Ngài: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:31-46).
 
Thì ra là thế. Tình yêu chỉ là cách thể hiện những việc làm dù nhỏ mọn nhất, tầm thường nhất đối với anh chị em mình với lòng kính trọng và yêu mến Thiên Chúa. Và đó cũng là câu trả lời cho những thắc mắc, tìm hiểu tại sao Chúa lại chấp nhận thân phận con người, sống và hòa đồng với con người, chết vì con người. Một Thiên Chúa Emmanuel rất nhân bản, rất người, và rất gần gũi với chúng ta.
 
Lạy Chúa Giêsu, nếu những Mùa Chay đã qua, hoặc Mùa Chay năm nay mà con chưa cảm nhận được những gì Chúa đã làm, đã chịu vì yêu con, thì là do lỗi tại con đã chưa trải lòng mình cho Chúa, chưa đón nhận Chúa vào cuộc sống của con bằng những suy nghĩ và hành động mang dấu ấn tình yêu. Con vẫn đang mãi lo đi tìm Chúa trong những suy tư và ảo tưởng về sự hiểu biết của con, nhưng trong thực tế đã bỏ qua những cơ hội đối diện, tâm sự và nói lời yêu thương với Chúa. Lạy Chúa xin cho con biết nhìn Chúa, khám phá ra Chúa và yêu thương Chúa qua chính cuộc đời của con cũng như qua những người anh em mà con vẫn hàng ngày gặp gỡ. Đó cũng là cách mỗi khi con suy niệm và nhìn ngắm Chúa trên Thánh Gia, nơi mà “vinh quang của Chúa được tỏ lộ” (ĐGH Phanxicô, Chúa Nhật ngày 18 tháng Ba, 2018).

Tác giả bài viết: Ts. Trần Mỹ Duyệt