Virus corona: chứng tá đức tin của thuyền trưởng tàu “Diamond princess-Công chúa Kim cương”

Thủy thủ đoàn

Thủy thủ đoàn

Thuyền trưởng tàu “Diamond princess-Công chúa Kim cương”: “Trong bối cảnh này, tôi đã cầu nguyện nhiều hơn, với ước mong có sức mạnh đi đến cùng. Đức tin là nguồn an ủi lớn cho tôi, đặc biệt mỗi khi đêm xuống, trở về phòng. Mệt mỏi sau một ngày dài, sau những khó khăn xảy ra trong ngày, tôi cố gắng tập trung cầu nguyện vì ý thức rằng đây là một sự trợ giúp vĩ đại nâng đỡ tôi”.
Trong đại dịch virus corona, toàn thế giới đều biết câu chuyện tàu “Diamond princess-Công chúa Kim cương”. Đó là một con tàu du lịch với 2700 hành khách và 1100 thành viên thủy thủ đoàn. Trên con tàu này hiện diện nhiều văn hóa và tôn giáo khác nhau và hơn 50 quốc tịch. Nó khởi hành vào ngày 20/01/2020 từ cảng Yokokama cho chuyến đi kéo dài hai tuần qua các quốc gia trên Biển Đông. Nhưng do virus corona đã xâm nhập con tàu nên nó phải đứng yên ngoài biển khơi nam Tokyo gần một tháng.

Trong thời gian này, ông Gennaro Arma người Ý, thuyền trưởng đã phải đối diện với biết bao khó khăn cần giải quyết. Ông đã trải qua 25 kinh nghiệm đường biển nhưng đối với ông đây là biến cố chưa từng có. Thế nhưng điểm đặc biệt nơi ông đó chính là giải quyết vấn đề trong sự tin tưởng phó thác và cầu nguyện. Khi hoàn thành nhiệm vụ ông đã được tổng thống Sergio Mattarella nhìn nhận công trạng cũng như khen thưởng vì cách hành động mẫu mực của ông.

Những hành động đầu tiên

Ông Arma kể lại: “Theo những chỉ dẫn của chính quyền Nhật Bản, các hành khách phải được cách ly trong phòng. Chúng tôi đã phải thay đổi toàn bộ hệ thống phân phối các bữa ăn cho khách, giao các bữa ăn cho tất cả 1350 phòng trên tàu. Chúng tôi cũng phải tổ chức các ca giám sát, để kiểm soát trong các hành lang, đảm bảo mọi người đều ở trong phòng. Và cũng để bảo đảm cho hành khách trong một ngày được hưởng một giờ không khí trong lành, nghĩa là họ có thể đi bộ trên boong tàu, hít thở không khí trong lành”.

Tình liên đới

Có nhiều thái độ cử chỉ của hành khách đã làm cho ông Gennaro Arma xúc động. Đặc biệt lúc các boong tàu được phép mở cho khách. Gennaro Arma kể lại: “Các hành khách ở phòng có ban công tự động rời phòng và đi lên các boong tàu để tạo thuận tiện cho những người ở trong phòng không có ban công, không có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng, có thể tận hưởng ánh sáng hoặc ít nhất được hít thở không khí trong lành. Đó là một cử chỉ hy sinh của một số người đối với những người khác”.

Trung thực

Theo thuyền trưởng, thông tin, giao tiếp với 2700 người là điều không dễ trong lúc hoảng loạn. Tất cả được đưa lên tàu cho một kỳ nghỉ và rồi bị ở một chỗ trong phòng, các bữa ăn được để ngoài cửa và chỉ được phép đi bộ một giờ trên các boong tàu. Nhưng ông Arma cho biết họ rất trung thực và minh bạch rõ ràng. Tất cả được thực hiện vì lợi ích của mọi người trên tàu.

Lòng biết ơn đối với thủy thủ đoàn

Các thủy thủ đã làm những điều vượt quá nhiệm vụ của họ. Thuyền trưởng Arma biết ơn tất cả các cộng tác viên của ông, và gọi họ là “các đấu sĩ của tôi”. Ông tự hào về họ. Đối với ông, họ như là một phần của gia đình. Ông nói: “Điều này có thể thấy được từ rất nhiều lời tích cực được viết và để bên ngoài cánh cửa phòng, để các thành viên của thủy thủ đoàn có thể đọc chúng. Trong số này tôi nhận được một lá thư viết cám ơn tôi và thủy thủ đoàn về tất cả những gì chúng tôi đang làm cho họ, để thời gian phải lưu lại trên tàu họ cảm nhận được sự thoải mái. Tôi ngạc nhiên vì thấy các thủy thủ đã thích ứng rất tốt hoàn cảnh khó khăn. Một hoàn cảnh mà phải đối phó không chỉ từng ngày mà từng giờ”.
 

Được an ủi trong đức tin

Ông nói tiếp: “Trong bối cảnh này, tôi đã cầu nguyện nhiều hơn, với ước mong có sức mạnh đi đến cùng. Tôi cảm thấy hình như mình đã bị nhiễm bệnh. Tôi đã thực hiện xét nghiệm với lòng phó thác và thanh thản và tôi đã nhận được kết quả âm tính với virus. Tôi cũng đã cầu nguyện nhiều cho những người phải rời tàu lên đất liền để đến bệnh viện chữa trị, và không may, một số người đã ra đi vĩnh viễn. Đức tin là nguồn an ủi lớn cho tôi, đặc biệt mỗi khi đêm xuống, trở về phòng. Mệt mỏi sau một ngày dài, sau những khó khăn xảy ra trong ngày, tôi cố gắng tập trung cầu nguyện vì ý thức rằng đây là một sự trợ giúp vĩ đại nâng đỡ tôi”.

Trở về Ý

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông Arma cùng với thủy thủ đoàn trở về Ý. Vị chỉ huy thừa nhận: “Chuyến bay trở về Ý rất dài nhưng chuyến đi từ Roma đến Sant’Angello bằng xe còn dài hơn. Tôi và các chàng trai Ý trở về với đầy cảm xúc vì cuối cùng chúng tôi lại có thể ôm người thân trong vòng tay. Khoảnh khắc chúng tôi lên máy bay đặc biệt quan trọng bởi vì tất cả chúng tôi đều mong chờ giây phút này”.

Virus corona, tạm dừng để suy tư về những điều cần ưu tiên

Khi được hỏi về bài học rút ra từ chuyến đi đặc biệt này cũng như tình trạng nguy cấp hiện nay, ông nói: “Tôi rất tin tưởng vào thiên nhiên, nhưng sau khi sống trải nghiệm này trên tàu 'Công chúa Kim cương' và với những gì tôi đang chứng kiến bây giờ, tại Ý đất nước chúng tôi, tôi tin chắc rằng chúng ta phải hiệp nhất, với tinh thần hy sinh, như chúng tôi đã thực hiện trên tàu. Tại Ý, chúng ta đang chứng minh rằng ngay cả một chướng ngại lớn như virus corona, kẻ thù vô hình chúng ta có thể vượt qua. Sau này, sẽ có những khó khăn, điều này là rõ ràng, nhưng tinh thần hy sinh được thể hiện trong những ngày này cũng phải được thực hiện trong tương lai. Và tôi tin rằng chúng ta sẽ trở nên những người tốt hơn. Theo tôi, đây là cơ hội duy nhất đã được trao cho chúng ta để suy tư, chia sẻ với những người sống gần bên chúng ta. Tất cả chúng ta đều có nhiều thời gian để có thể chăm sóc chính mình và gia đình. Chúng ta đang học cách đánh giá cao nhiều điều mà chúng ta đã trải qua, trong đó có nhiều điều bé nhỏ”.

Khi được tổng thống Ý vinh danh và nhìn nhận công trạng, thuyền trưởng Arma rất xúc động vì không nghĩ mình sẽ được vinh dự này. Ông nói ông không phải là một anh hùng, ngược lại ông nói chỉ làm công việc bổn phận. Giờ đây ông được ở với gia đình, cảm nhận hạnh phúc ở với gia đình. Ông nói: “Tôi sẽ trở lại con tàu ngay lập tức khi nào có thể. Du hành trên tàu là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất đối với tôi”.

Tác giả bài viết: Ngọc Yến