Yêu thương con trai tàn tật

Hoa Xương Rồng

Hoa Xương Rồng

Trong cuốn ”Tous les dragons de notre vie. . Những con rồng trong cuộc sống. .” xuất bản tại thủ đô Paris (Pháp) bà Guillemette de Sairigné - ký giả kiêm văn sĩ - thu góp nhiều câu chuyện đau thương. Một trong số chuyện là của bà Anne-Marie Debarbieux, người mẹ trẻ có đứa con trai tàn tật. Bà kể.

Buổi sáng mùa hè 4-6-1985, tôi đến trường Sainte-Geneviève ở Versailles (phụ cận Paris) đón nhà tôi dạy học tại đó. Tôi đang mang thai đứa con thứ ba. Theo chu kỳ đứa bé sẽ chào đời vào cuối tháng 6.
 
 Đang ngồi đợi tôi bỗng cảm thấy có dấu hiệu sắp sinh. Tôi vội đến lớp tìm Jacques - chồng tôi - và chúng tôi cùng đến nhà thương. Bé Xavier chào đời sau đó. Năm ấy tôi 32 tuổi còn Jacques thì 33. Chúng tôi có bé trai đầu lòng 7 tuổi và bé gái 5 tuổi. Với sự chào đời của bé Xavier, gia đình chúng tôi thật hạnh phúc. .
 
 Niềm vui không kéo dài lâu. Ngay chiều hôm đó, bác sĩ nhận ra dấu hiệu không lành nơi bé Xavier. Một đám mây mù kéo đến vây phủ chúng tôi. Trước hung tin bé Xavier sẽ là đứa trẻ tàn tật tâm trí, chồng tôi nghe như tiếng sét đánh ngang tai. Tôi bình tĩnh hơn. Chỉ từ từ niềm đau cùng nỗi lo lắng mới dần dần thấm nhập tâm hồn tôi.
 
 Như mọi bà mẹ trẻ khác, tôi mơ ước trông thấy con mình xinh đẹp thông minh, một đứa con mà cha mẹ nào cũng hãnh diện. Nhưng rồi trở lại thực tế, khi đong đưa chiếc nôi ru con ngủ, tôi cảm thấy lòng mình đau buốt với ý nghĩ:
 
 - Bé Xavier sẽ không bao giờ giống các trẻ khác. Bé sẽ có khuôn mặt khác. Ngoài đường phố, thiên hạ sẽ nhìn bé vì bé là đứa trẻ ngớ ngẩn!
 
 Tư tưởng làm đau buốt lòng tôi nhất chính là:
 
 - Rồi đây, nhiều cánh cửa cuộc đời sẽ khép chặt trước Xavier. Xavier sẽ đi đứng được, nhưng liệu bé có khả năng học đọc, học viết và nói năng, xử sự bình thường hay không?
 
 Tư tưởng sau cùng mới thật sự dày vò, gieo cho tôi nhiều âu lo sợ hãi.
 
 Từ từ đối diện với thực tế đau thương, tôi bắt đầu thu nhận nhiều kinh nghiệm quý giá. Bài học đầu tiên là sự kiên nhẫn. Bé Xavier không bình thường như bao trẻ khác. Bé nói năng, đi đứng và hành động theo nhịp điệu riêng của bé. Bé không bao giờ vội vàng, hấp tấp. Bé luôn luôn khoan thai sử dụng trọn thời gian trước mặt.
 
 Dĩ nhiên Xavier là gánh nặng cho gia đình chúng tôi, nhưng bù lại, cuộc sống Xavier là cả một kho tàng phong phú. Bé luôn luôn tỏ ra đứa trẻ hiền dịu trìu mến, luôn sung sướng và bằng lòng về mọi sự. Bé không bao giờ khóc hay tỏ ra giận dữ điều gì. Trái lại, bé bộc lộ nét vui mừng, nét ngạc nhiên thích thú trước tất cả thay đổi mới mẻ, cho dù hết sức nhỏ nhặt và tầm thường.
 
 Kinh nghiệm quý giá tiếp theo là, từ thử thách có đứa con tàn tật, tôi rút sức mạnh đầu tiên nơi đời sống hôn nhân, nghĩa là nơi tình yêu vợ chồng. Theo kinh nghiệm, khi một đứa con tàn tật chào đời, vạch trần một sự thật về tình yêu: hoặc đôi vợ chồng sẽ từ bỏ nhau hoặc sẽ khắn khít tương trợ lẫn nhau để đối diện với thử thách. Và vợ chồng chúng tôi may mắn nằm trong trường hợp thứ hai.
 
 Sức mạnh thứ ba đến từ Đức Tin. Tôi tin vững vàng nơi THIÊN CHÚA và nơi Tình Yêu của Ngài. Đức Tin không xóa bỏ khó khăn, đau khổ, nhưng ban sức mạnh để chấp nhận khó khăn và đau khổ.. Dĩ nhiên, đôi lúc tôi không tránh khỏi việc đặt câu hỏi:
 
 - Tại sao con tôi lại sinh ra tàn tật? Phải chăng đây là ngẫu nhiên cuộc đời?
 
 Nếu xét dưới khía cạnh di truyền thì có thể sự việc Xavier sinh ra tàn tật là ngẫu nhiên. Nhưng tận trong thâm tâm, tôi có câu trả lời khác.
 
 Sau khi sinh hạ một trai và một gái, vợ chồng chúng tôi có ý định nhận nuôi một trẻ em tàn tật và bị bỏ rơi của một nước nghèo thuộc thế giới thứ ba. Chúng tôi làm không biết bao nhiêu thủ tục rườm rà và chờ đợi lâu ngày để rồi nhận được thư từ chối.
 
 Thấy thế tôi tự nhủ: Sao mình không cho ra chào đời một đứa con, sinh ra từ chính máu thịt của mình? Và chúng tôi quyết định sinh thêm một đứa nữa. Nói thế để hiểu Xavier là đứa con thật sự của lòng ước muốn.
 
 Chúng tôi từng ước ao săn sóc một đứa trẻ tàn tật, bị bỏ rơi. Mơ ước không thành. Giờ đây Xavier chào đời tàn tật. Xavier sinh ra từ chính máu thịt chúng tôi. Đối với tôi, Xavier chính là đứa bé tàn tật chúng tôi ước ao chăm sóc.
 
 ... ”Tuân giữ Lề Luật là làm cho lễ phẩm thêm phong phú. Gắn bó với lệnh truyền là dâng lễ cầu an. Tỏ lòng biết ơn là dâng bột tinh hảo, làm việc bố thí là dâng lễ ngợi khen. Từ bỏ gian tà thì đẹp lòng THIÊN CHÚA, chấm dứt bất công là dâng lễ đền tội. Tuy vậy, đừng đến trước nhan THIÊN CHÚA tay không, vì tất cả những gì phải dâng đều do lệnh truyền. Lễ phẩm của người công chính như mỡ đổ trên bàn thờ xông mùi thơm ngào ngạt trước Đấng Tối Cao. Hy lễ của người công chính được chấp nhận, và phần kỷ vật sẽ không bị lãng quên. Hãy tôn vinh THIÊN CHÚA với tấm lòng quảng đại, đừng bớt xén của đầu mùa tay con làm ra. Dâng cúng chi, cũng phải giữ nét mặt tươi cười; dâng hiến của thập phân, hãy hân hoan vui vẻ. Với tấm lòng quảng đại, hãy dâng hiến Đấng Tối Cao tùy theo những gì Người ban tặng và tùy theo khả năng con có. Vì THIÊN CHÚA là Đấng thưởng công, sẽ trả lại cho con gấp bảy lần” (Huấn Ca 35,1-10).
 
 (”Reader's Digest” Sélection, Mai/1993, trang 37-40).

Tác giả bài viết: Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt