25 Hồng Y nhiễm vi rút, 3 vị ly trần. Nạn nhân mới nhất: HY Wilton Gregory. Lễ Hiển Linh tại Vatican

Tin thế giới

Tin thế giới

Đức Hồng Y Gregory cho biết ngài cảm thấy “ổn, không đau, sốt hoặc các triệu chứng khác.” Việc xét nghiệm diễn ra sau khi ngài tiếp xúc với một người và người này báo cho ngài là anh ta vừa có kết quả dương tính.
1. Đức Tổng Giám Mục Washington xét nghiệm dương tính với coronavirus

Chiều Giao Thừa 31 tháng 12 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory của Washington cho biết ngài vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus.



Đức Hồng Y Gregory cho biết ngài cảm thấy “ổn, không đau, sốt hoặc các triệu chứng khác.” Việc xét nghiệm diễn ra sau khi ngài tiếp xúc với một người và người này báo cho ngài là anh ta vừa có kết quả dương tính.

Ngài cho biết ngài sẽ cách ly trong tuần này, và xin lỗi cộng đồng Giáo Hội vì không thể cử hành các buổi lễ.

“Tôi rất tiếc vì đã bỏ lỡ sự có mặt vào cuối tuần này tại các nhà thờ của chúng ta và với cộng đồng Haiti,” Đức Hồng Y Gregory nói trên Twitter.

Theo Tổng giáo phận Washington, Đức Hồng Y Gregory đã nhận được hai liều vắc xin coronavirus. Liều thứ hai là vào tháng 2 năm 2021. Ngài cũng đã khuyến khích các thành viên trong tổng giáo phận làm như vậy.

Theo dữ liệu được thu thập bởi mạng trực tuyến “The Seismograph”, nếu tính từ khi bắt đầu đại dịch đến nay, Đức Hồng Y Wilton Gregory là vị Hồng Y thứ 25 có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus.

Trong 25 vị Hồng Y nhiễm coronavirus, Đức Hồng Y y người Ý Gualtiero Bassetti là vị Hồng Y duy nhất bị nhiễm vi rút đến lần thứ hai sau lần nhiễm trùng đầu tiên khiến ngài suýt mất mạng.

Đáng buồn là trong 25 vị Hồng Y nhiễm coronavirus có 3 vị đã chết vì thứ virus quái ác này.

Thứ nhất là Đức Hồng Y Eusébio Oscar Scheid - Tổng giám mục hiệu tòa của São Sebastião do Rio de Janeiro, Brazil. Ngài sinh năm 1932 và đã chết từ Covid-19 vào ngày 13 tháng Giêng năm ngoái 2021.

Thứ hai là Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino - Tổng Giám mục hiệu tòa Caracas, Venezuela. Ngài sinh năm 1942 và đã chết vì Covid-19 vào ngày 23 tháng 9 năm ngoái 2021.
Source:wtop.com

2. Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật Lễ Hiển Linh 2/1/2022

Chúa Nhật 2 tháng Giêng, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật Lễ Hiển Linh.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.

Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.


Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Phụng vụ hôm nay đưa ra cho chúng ta một cụm từ rất hay, đó là cụm từ chúng ta luôn đọc trong kinh Truyền Tin và chính cụm từ ấy tỏ cho chúng ta thấy ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh. Cụm từ này là “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Ga 1:14). Ngôi Lời đã trở nên xác phàm và ở giữa chúng ta. Những lời này, nếu chúng ta suy đi nghĩ lại, chúng ẩn chứa một nghịch lý. Chúng mang hai mặt đối lập: Ngôi Lời và xác phàm. “Ngôi Lời” chỉ ra rằng Chúa Giêsu là Lời vĩnh cửu của Chúa Cha, là Đấng vô hạn, tồn tại từ mọi thời đại, trước mọi vật được tạo dựng. Trái lại, “xác phàm” chỉ chính xác thực tại được tạo thành của chúng ta, mong manh, giới hạn, dễ chết. Trước Chúa Giêsu, có hai thế giới riêng biệt: Trời đối lập với đất, thế giới vô hạn đối lập với hữu hạn, tinh thần đối lập với vật chất. Và có một sự đối lập khác trong Lời mở đầu của Phúc âm theo thánh Gioan, một nhị phân khác: Ngôi Lời và xác phàm là một nhị phân; nhị phân còn lại là ánh sáng và bóng tối (xem câu 5). Chúa Giêsu là ánh sáng của Thiên Chúa đã đi vào bóng tối của thế gian. Ánh sáng và bóng tối. Thiên Chúa là ánh sáng: trong Người không có sự mờ mịt; còn trong chúng ta, thì khác, có nhiều bóng tối. Giờ đây, với Chúa Giêsu, ánh sáng và bóng tối gặp nhau: thánh thiện và tội lỗi, ân sủng và tội lỗi. Chúa Giêsu, sự nhập thể của Chúa Giêsu chính là nơi của cuộc gặp gỡ, cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và nhân loại, cuộc gặp gỡ giữa ân sủng và tội lỗi.

Tin Mừng muốn loan báo điều gì với những đối cực này? Một cái gì đó tuyệt vời: đó là cách hành động của Chúa. Đối mặt với sự yếu đuối của chúng ta, Chúa không rút lui. Ngài không ở lại trong cõi vĩnh hằng diễm phúc và trong ánh sáng vô hạn của mình, mà Ngài đến gần, Ngài hóa thân, Ngài đi vào bóng tối, Ngài ở trong những vùng đất xa lạ với Ngài. Và tại sao Chúa làm điều này? Tại sao Ngài xuống thế với chúng ta? Thưa: Ngài làm điều này vì Ngài không cam chịu sự thật rằng chúng ta có thể lạc lối bằng cách đi xa Ngài, xa vĩnh cửu, xa ánh sáng. Đây là công việc của Thiên Chúa: đó là đến giữa chúng ta. Nếu chúng ta tự cho mình là không xứng đáng, điều đó không ngăn cản Ngài: Ngài vẫn đến. Nếu chúng ta từ chối Ngài, Ngài không mệt mỏi khi tìm kiếm chúng ta. Nếu chúng ta không sẵn sàng và không muốn tiếp nhận Ngài, thì dù thế nào Ngài vẫn muốn đến. Và nếu chúng ta đóng sầm cánh cửa trước mặt Ngài, Ngài sẽ đợi. Ngài thực sự là Người Mục Tử tốt lành. Và hình ảnh đẹp nhất về Người Mục Tử tốt lành là gì? Thưa: đó là Ngôi Lời trở nên xác phàm để chia sẻ cuộc sống của chúng ta. Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành đến tìm kiếm chúng ta ngay tại nơi chúng ta đang ở: trong những vấn đề của chúng ta, trong những đau khổ của chúng ta… Ngài đến nơi đó.

Anh chị em thân mến, chúng ta thường giữ khoảng cách với Thiên Chúa vì nghĩ rằng mình không xứng đáng với Ngài, và vì những lý do khác. Và đó là sự thật. Nhưng Giáng Sinh mời chúng ta nhìn mọi thứ theo quan điểm của Ngài. Chúa mong muốn được nhập thể. Nếu trái tim anh chị em có vẻ quá ô nhiễm bởi sự dữ, nếu nó có vẻ ngổn ngang, xin đừng khép mình lại, đừng sợ hãi: Người sẽ đến. Hãy nghĩ về chuồng gia súc ở Bethlehem. Chúa Giêsu sinh ra ở đó, trong hoàn cảnh nghèo khó đó, để nói với chúng ta rằng Ngài chắc chắn không ngại thăm viếng trái tim của anh chị em, khi nó đang ở trong một tình trạng tồi tàn. Và đây là từ chính yếu: cư ngụ. Cư ngụ là động từ được dùng trong bài Tin Mừng hôm nay để biểu thị thực tại này: nó diễn tả một sự chia sẻ hoàn toàn, một tình thân mật lớn lao. Và đây là điều Thiên Chúa muốn: Ngài muốn ở với chúng ta, Ngài muốn ở trong chúng ta, chứ không muốn xa cách.

Và tôi tự hỏi bản thân mình, anh chị em, tất cả chúng ta: còn chúng ta thì sao, chúng ta có muốn dành chỗ cho Ngài không? Trên môi miệng, sẽ không ai nói “Tôi không muốn!”; Đúng là thế. Nhưng trong thực tế? Có lẽ có những khía cạnh của cuộc sống mà chúng ta giữ cho riêng mình, đó là những không gian riêng biệt hoặc bên trong mà chúng ta sợ Tin Mừng sẽ đi vào, nơi chúng ta không muốn Thiên Chúa can dự vào. Hôm nay tôi mời anh chị em phải rõ ràng. Những điều bên trong mà tôi tin rằng Chúa không thích là gì? Đâu là không gian mà tôi tin rằng chỉ dành cho tôi, nơi tôi không muốn Chúa đến? Mỗi chúng ta hãy thẳng thắn trả lời điều này. “Vâng, vâng, tôi muốn Chúa Giêsu đến, nhưng điều này, Ngài không được chạm vào; điều này cũng không được, và điều này cũng đừng nhé”. Mọi người đều có tội lỗi của riêng mình - chúng ta hãy gọi đích danh nó. Chúa không sợ tội lỗi của chúng ta: Ngài đã đến để chữa lành chúng ta. Ít ra chúng ta hãy để Ngài thấy điều đó, hãy để Ngài thấy tội lỗi. Hãy can đảm, chúng ta hãy nói: “Nhưng lạy Chúa, con đang ở trong hoàn cảnh này nhưng con chưa muốn thay đổi. Nhưng Chúa ơi, đừng đi quá xa”. Đó là một lời cầu nguyện tốt. Hãy chân thành ngay hôm nay.

Trong những ngày Giáng Sinh này, chúng ta sẽ rất tốt khi được đón Chúa chính xác ở đó. Làm thế nào? Thưa, chẳng hạn, bằng cách dừng lại trước cảnh Chúa Giáng Sinh, bởi vì nó cho thấy Chúa Giêsu đã đến ngự trong tất cả cuộc sống thực, và bình thường của chúng ta, nơi không phải mọi thứ đều suôn sẻ, nơi có nhiều vấn đề: chúng ta có lỗi trong số trường hợp; còn những trường hợp khác là lỗi của tha nhân. Và Chúa Giêsu đến: những mục đồng làm việc chăm chỉ, chúng ta thấy những mục đồng ở đó, Hêrôđê đe dọa người vô tội, nghèo khó... Nhưng ở giữa tất cả những điều này, giữa rất nhiều vấn đề - và ngay cả giữa những vấn đề của chúng ta - có Chúa, có Chúa muốn ở với chúng ta. Và Ngài đợi chúng ta trình bày với Ngài hoàn cảnh của chúng ta, những gì chúng ta đang sống. Vì vậy, trước Chúa Giáng Sinh, chúng ta hãy nói chuyện với Chúa Giêsu về những tình huống thực tế của chúng ta. Chúng ta hãy mời Ngài chính thức bước vào cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là trong những vùng tối: “Lạy Chúa, xin hãy nhìn xem, nơi đó không có ánh sáng, điện không đến được nơi đó, nhưng xin đừng chạm vào, vì con chưa muốn rời khỏi hoàn cảnh này”. Hãy nói rõ ràng và đơn giản. Vùng tối, “chuồng gia súc bên trong” của chúng ta; mỗi người trong chúng ta đều có những thứ đó. Và chúng ta cũng đừng sợ hãi nói với Ngài về các vấn đề xã hội, và các vấn đề của Giáo Hội trong thời đại chúng ta, ngay cả những vấn đề cá nhân, thậm chí là những điều tồi tệ nhất, bởi vì Thiên Chúa thích cư ngụ ở trong chuồng gia súc của chúng ta.

Xin Mẹ Thiên Chúa, là Đấng qua Mẹ Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, giúp chúng ta vun trồng tình thân mật ngày càng thắm thiết hơn với Chúa.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi gửi lời chào chân thành đến tất cả anh chị em, những tín hữu của Rôma và những người hành hương từ Ý và từ các quốc gia khác: Tôi thấy có các lá cờ của Ba Lan, Brazil, Uruguay, Á Căn Đình, Paraguay, Colombia và Venezuela: chào mừng tất cả anh chị em! Tôi xin chào các gia đình, hiệp hội, và các nhóm giáo xứ, đặc biệt là các gia đình từ Postioma và Porcellengo, trong giáo phận Treviso, cũng như các thanh thiếu niên của Liên đoàn Regnum Christi và các bạn trẻ của Đức Maria Vô Nhiễm.

Vào Chúa Nhật đầu năm này, tôi xin lặp lại với tất cả anh chị em lời chúc bình an và tốt lành trong Chúa. Trong những giây phút vui vẻ và trong những lúc buồn bã, chúng ta hãy giao phó chính mình cho Người, Người là sức mạnh và niềm hy vọng của chúng ta. Và đừng quên: chúng ta hãy mời Chúa đến trong chúng ta, đến với cuộc sống thực của chúng ta, dù xấu xí, dù cho nó có thể là một chuồng gia súc: “Nhưng, lạy Chúa, con không muốn Chúa bước vào, nhưng hãy nhìn, và ở gần”. Hãy làm điều đó.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật may mắn và vui vẻ với bữa trưa của mình. Và đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chào tạm biệt!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana