Bi ai: Ông từ nhà thờ bị trói, Mình Thánh Chúa bị xúc phạm. Gương mù Chính Thống Giáo Nga

Tin thế giới

Tin thế giới

Allahditta Masih, ông từ nhà thờ nói với AsiaNews rằng vào ngày 23 tháng Giêng, anh ta đang ở trong nhà thờ vào khoảng 10h30 tối “4 người đàn ông có vũ trang đứng trước cổng và yêu cầu tôi ra ngoài, nếu không họ sẽ bắn tôi”.
1. Okara: đám đông vũ trang tấn công nhà thờ Công Giáo

Bốn kẻ phá hoại đã trói người bảo vệ và phá hoại ngôi thánh đường. Cha Khalid Rasheed Asi cho biết “Các thủ phạm muốn gây hoảng loạn, nhưng chúng tôi phải giữ bình tĩnh và tiếp tục cầu nguyện”.


Younus Masih Gill, một thành viên của Nhà thờ Thánh Camillus de Lellis cho biết “Họ ném Thánh Thể ra khỏi nhà tạm, xé và làm ô nhục các sách thánh”. Younus cho biết như trên sau khi một nhóm vũ trang bắt cóc và trói người bảo vệ và xúc phạm ngôi thánh đường ở Okara, một thị trấn cách Faisalabad, bang Punjab, 100 km.

Allahditta Masih, ông từ nhà thờ nói với AsiaNews rằng vào ngày 23 tháng Giêng, anh ta đang ở trong nhà thờ vào khoảng 10h30 tối “4 người đàn ông có vũ trang đứng trước cổng và yêu cầu tôi ra ngoài, nếu không họ sẽ bắn tôi”.

Họ trói anh ta bằng dây thừng, đánh đập và sau đó nhốt anh ta lại. Nadeem Faisal, một trong những cư dân trong khu vực, đã gọi cảnh sát. Khi đến nơi, họ đã giải thoát cho Allahditta và thu thập bằng chứng.

Mục sư Khalil Maqsood và Cha Khalid Rasheed Aasi, giám đốc Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc gia của Giáo Hội Công Giáo, đã trình báo cáo thông tin đầu tiên cho đồn cảnh sát Saddar, yêu cầu một cuộc điều tra chi tiết.

Younus Masih Gill cũng đã đệ đơn kiện những người không rõ danh tính và nói rằng “mọi người không cảm thấy an toàn sau vụ việc, điều này đã làm xáo trộn sự bình yên của cộng đồng”.

Cha Khalid Rasheed Asi lên án hành động phá hoại và kêu gọi các tín hữu bình tĩnh: “Những kẻ thủ ác muốn gây hoảng loạn, nhưng chúng ta phải giữ bình tĩnh và tiếp tục cầu nguyện để không ai có thể làm hại công đoàn của chúng ta. Cảnh sát đã bảo đảm với chúng ta về sự hợp tác đầy đủ của họ với Giáo Hội và cho biết họ sẽ sớm bắt giữ những kẻ gây án”.
Source:Asia News

2. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân đả kích tin tức bầu cử giả mạo

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân, gọi tắt là CBCP, đã kêu gọi người Công Giáo trang bị cho mình những dữ kiện để chống lại những kẻ tung tin giả và thông tin sai lệch trước cuộc bầu cử vào tháng Năm.

Theo Đức Cha Pablo Virgilio David của Kalookan, chủ tịch CBCP, cuộc chiến tranh cử thực sự diễn ra trên mạng xã hội chứ không phải tại các buổi diễn thuyết truyền thống.

“Phương tiện truyền thông xã hội đã trở thành nền tảng mới cho các cuộc bầu cử. Vì đại dịch, mọi người đã học cách tương tác trên mạng xã hội. Nó đã trở thành nguồn tin tức, bao gồm cả các tin tức giả và thông tin sai lệch.” Đức Cha đã đưa ra lập trường trên với Facts First, một nhóm các nhà hoạt động chống lại sự dối trá và tin tức giả trên không gian mạng.

Vị giám mục đã nói chuyện với nhóm trong một cuộc nói chuyện có tên “Lời kêu gọi hành động ở Manila” vào ngày 26 tháng Giêng.

Đức Cha David than thở về việc một số chính trị gia đã vũ khí hóa internet bằng cách tung tin giả và thông tin sai lệch để bảo đảm số phiếu bầu.

Ngài nói: “Có rất nhiều tin tức giả trên mạng xã hội, vì vậy chúng ta phải đề cập đến tất cả những sự sai lệch này vì đó là mối quan tâm cấp bách của tất cả công dân và những người ủng hộ sự thật”.

Chúng ta không thể giữ im lặng khi các ứng cử viên tuyên bố chính phủ tốt nhất mà chúng tôi từng có là chế độ độc tài Marcos

Ngài nói: Mọi người Công Giáo, những người được cho là ủng hộ sự thật, phải tham gia cuộc chiến chống lại những thông tin sai lệch như vậy.

Đức Cha David gần đây đã lên án những tuyên bố của những người ủng hộ nhà độc tài quá cố Ferdinand Marcos và con trai của ông hiện đang tranh cử tổng thống, Ferdinand “Bongbong” Marcos, rằng việc áp đặt thiết quân luật trong thời kỳ cai trị của nhà cựu lãnh đạo là một “kỷ nguyên vàng” trong lịch sử Phi Luật Tân.

Các bài đăng gần đây ca ngợi gia đình Marcos về những thành tựu khác nhau như xây dựng bệnh viện lớn nhất đất nước.

Đức Cha David nói: “Chúng ta không thể giữ im lặng khi các ứng cử viên tuyên bố chính phủ tốt nhất mà chúng tôi từng có là chế độ độc tài Marcos”.

Đức Cha Chủ tịch CBCP bảo đảm với mọi người rằng Giáo Hội sẽ luôn ủng hộ sự thật vì nhiệm vụ của mỗi Kitô hữu là quảng bá sự thật.

“Khi đấu tranh cho sự thật, anh chị em có thể tin tưởng vào chúng tôi như những đồng minh của anh chị em. Tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ thúc đẩy các mục tiêu của các nhóm kiểm tra thực tế bằng cách chia sẻ thành quả công việc của họ.”
Source:UCANews

3. Nga, Ukraine và Suy tư về đạo đức

Ít nhất 127,000 quân Nga đang tập trung bao vây 3 mặt của Ukraine và có nguy cơ lao vào một cuộc thế giới chiến tranh.

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trong bài báo có nhan đề “Russia, Ukraine, and Moral Reckoning”, nghĩa là “Nga, Ukraine và Suy tư về đạo đức”, ông cho rằng lý do cho sự hung hăng của nước Nga ngày nay là vì sau sự sụp đổ của Liên Sô, đã không có một phiên tòa như phiên tòa ở Nuremberg để xử bọn tội phạm cộng sản chống lại loài người.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Đã có những cải tiến lớn trong kỹ thuật và công nghệ làm phim kể từ năm 1961, khi Stanley Kramer thực hiện bộ phim Phiên Tòa Nuremberg. Nhưng thật khó để tưởng tượng bất kỳ dàn diễn viên nào ngày nay có thể cải thiện được màn trình diễn phi thường của Spencer Tracy, Burt Lancaster, Maximilian Schell, Marlene Dietrich, Richard Widmark, Judy Garland và Montgomery Clift trong bộ phim truyền hình về phòng xử án hấp dẫn đó, khám phá ý nghĩa của công lý ở Đức— và của thế giới — và sự phân định đạo đức đối với tội ác của Đệ tam Đế chế.

Các phiên tòa ở Nuremberg, kéo dài trong vài năm, không phải là hoàn hảo. Các luật gia và quan chức nhà nước nghiêm túc đã hỏi liệu “công lý của những người chiến thắng” có thể là công lý thực sự hay không, trong khi những người khác đặt câu hỏi về mức độ chính xác trong việc chỉ ra những người kẻ đã phạm vào những tội chưa được luật pháp xác định vào thời điểm họ phạm tội. Trùm mật vụ khét tiếng của Liên Xô Andrey Vishinsky là công tố viên tại phiên tòa đầu tiên ở Nuremberg là điều quá sức kỳ cục; Vishinsky lần đầu tiên được quốc tế chú ý đến với tư cách là công tố viên trong các phiên tòa thanh trừng khét tiếng của Stalin, trong đó hắn kêu gọi “tòa án” xử lý các đồng chí Bolshevik cũ của mình theo những thuật ngữ sau: “Hãy bắn những con chó dại này.... Chúng ta hãy chấm dứt một lần và mãi mãi cho những đứa con lai khốn khổ giữa cáo và lợn, những xác chết hôi thối này...”

Tuy nhiên, dù có sai sót gì trong các phiên tòa ở Nuremberg, những người đàn ông và đàn bà có tội rõ ràng đều phải chịu trách nhiệm về những hành vi gian ác không thể kể xiết. Các phiên tòa cũng khiến người dân Đức phải đối mặt với những gì đã được thực hiện bởi các quan chức nhà nước và luật gia, những người tuyên bố hành động vì lợi ích của đất nước họ. Đức là một nền dân chủ kiểu mẫu ngày nay vì nhiều lý do; trong đó có sự phân định luân lý không thể tránh khỏi do các phiên tòa ở Nuremberg mang lại.

Không có điều gì giống như một sự phân định pháp lý, chính trị và đạo đức như thế đã xảy ra ở nước Nga thời hậu Xô Viết. Đó là lý do tại sao thi hài của Lenin vẫn được tôn vinh tại Quảng trường Đỏ ở Mạc Tư Khoa. Đó là lý do tại sao một cuộc khảo sát độc lập vào năm 2021 cho thấy 56% người dân Nga coi kẻ sát nhân hàng loạt Stalin như một “nhà lãnh đạo vĩ đại”. Và đó là một trong những lý do tại sao Vladimir Putin, dường như là tổng thống trọn đời của Nga, tồn tại - và đặt ra mối đe dọa sinh tử đối với hòa bình ở Đông Âu, đặc biệt là ở Ukraine.

Putin đang tiến hành một chiến dịch được dàn dựng cẩn thận để đảo ngược phán quyết của lịch sử trong Chiến tranh Lạnh và khuất phục các “nước cộng hòa” trước đây của Liên Xô cũ nay đã được độc lập. Chiến dịch đó sẽ không thể thực hiện được nếu khi đối diện với sự thật kinh hoàng về quá khứ Xô Viết như người dân Đức buộc phải làm trong các phiên tòa ở Nuremberg, người dân Nga đã xây dựng một nhà nước Nga pháp quyền. Nhưng thay vào đó, điều đã xảy ra là bộ máy cũ của KGB Putin và một nhóm các tên đầu sỏ đã xây dựng một chế độ quân phiệt phi luật pháp, giết các đối thủ chính trị của mình, xâm lược các nước láng giềng, tiến hành các chiến dịch thông tin sai lệch và gây bất ổn lớn trên khắp thế giới, đóng cửa các tổ chức phi chính phủ chuyên tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản, và giả dạng là người bảo vệ nền văn minh “Kitô giáo”, tất cả những điều đó người dân Nga đều phải trả giá đắt. Vì không có phiên tòa “Nuremberg của Nga”, một cậu bé mười lăm tuổi ở Nga vào năm 2012 có tuổi thọ thấp hơn ba năm so với một cậu bé mười lăm tuổi ở Haiti.

Sự gây hấn hiện tại của Vladimir Putin đối với Ukraine cũng thể hiện Lời Nói Dối Lớn rằng Ukraine không phải là một quốc gia thực sự - một sự giả dối đầy ác ý một phần dựa trên tuyên bố rằng Nga là người thừa kế hợp pháp duy nhất của phép Rửa cho người Đông Slav. Sự kiện hoành tráng đó trên thực tế diễn ra ở Kiev (nay là thủ đô của Ukraine) vào năm 988, khi Mạc Tư Khoa ngày nay vẫn còn là một khu rừng rậm rạp, nơi sinh sống của các loài động vật hoang dã. Lịch sử tiếp theo của Kitô giáo Đông Slav là vô cùng phức tạp, chắc chắn là như vậy. Nhưng, bất chấp những phức tạp đó, việc Nga tuyên bố là chủ sở hữu và người giải thích duy nhất của lịch sử là điều vô nghĩa về mặt thần học và lịch sử — cũng giống như lập trường của Nga đối với Ukraine kể từ ít nhất là cuối thế kỷ 18 là lập trường của đế quốc, của kẻ xâm lược. Trong hai năm 1932 và 1933, sự xâm lược đó đã trở thành một cuộc diệt chủng, khi, trong Nạn đói diệt chủng Ukarine, thường được gọi là Ukrainian Holodomor, Stalin và các tay sai của hắn ta cố tình bỏ đói ít nhất bốn triệu người Ukraine.

Chế độ Nga của Putin là một mối nguy hiểm đối với người dân Nga và thế giới, và có thể sẽ vẫn như vậy, cho đến khi kiểu suy xét về đạo đức và lịch sử diễn ra ở Đức sau Thế chiến II có thể diễn ra ở Nga. Giáo Hội Chính thống Nga, nơi có nguồn tài nguyên tinh thần to lớn, có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm tra lương tâm quốc gia. Tuy nhiên, Giáo Hội này sẽ không làm như vậy, chừng nào nhà lãnh đạo của nó, là Thượng phụ Kirill, vẫn tiếp tục dạy, như ông đã làm gần đây, rằng điều kiện xã hội hiện tại của đất nước ông là “biểu hiện của lòng thương xót Chúa”, và tiếp tục tuyên bố rằng “Nga là lãnh đạo của thế giới tự do”
Source:First Things