Biến cố lịch sử: Hồng Y bạn chiến đấu của Đức Gioan Phaolô II được tuyên Chân Phước ngày 12 tháng 9

Tin thế giới

Tin thế giới

Trong Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Phục Sinh, cũng được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, Tin Mừng (Ga 10,11-18) trình bày Chúa Giêsu là người mục tử đích thực, người bảo vệ, hiểu biết và yêu thương đàn chiên của mình.

1. Đức Hồng Y Wyszynski, Giáo chủ Công Giáo Ba Lan, sẽ được phong chân phước vào tháng 9

Lễ phong chân phước cho Đức Hồng Y Stefan Wyszyński, cựu Giáo chủ Ba Lan đã anh dũng chống lại chủ nghĩa cộng sản, sẽ diễn ra vào Chúa Nhật, 12 tháng 9.


Hôm 23 tháng 4, Đức Hồng Y Kazimierz Nycz thông báo rằng lễ phong chân phước sẽ được tổ chức tại thủ đô Warsaw của Ba Lan vào buổi trưa ngày 12 tháng 9, theo giờ địa phương.

Đức Hồng Y Nycz, tổng giám mục Warsaw, nói rằng Đức Hồng Y Wyszyński sẽ được phong chân phước cùng với Sơ Róża Maria Czacka, một nữ tu Ba Lan qua đời năm 1961 sau một đời phục vụ những người mù.

“Trong buổi lễ ngày 12 tháng 9, Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, sẽ đại diện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố sắc lệnh phong chân phước”

Đức Hồng Y Nycz đã thông báo vào tháng 4 năm ngoái rằng việc phong chân phước cho Đức Hồng Y Wyszyński, ban đầu được lên kế hoạch vào ngày 7 tháng 6 năm 2020, tại Quảng trường Piłsudski của Warsaw, đã bị hoãn vô thời hạn vì cuộc khủng hoảng coronavirus.

“Một đại dịch đe dọa đến sức khỏe và đời sống nhân dân làm cho việc chuẩn bị và thực hiện các buổi lễ này là bất khả thi,” ngài nói vào thời điểm đó. “Ưu tiên hàng đầu phải là quan tâm đến sự an toàn của con người”.

Đức Hồng Y Wyszyński được ghi nhận là người đã giúp bảo tồn và củng cố Kitô Giáo ở Ba Lan bất chấp các cuộc đàn áp của chế độ cộng sản từ năm 1945 trở đi.

Ngài được gọi là “Giáo chủ của Thiên niên kỷ” bởi vì trong tư cách là Giáo chủ Ba Lan, ngài đã giám sát một chương trình chuẩn bị kéo dài 9 năm với đỉnh điểm là lễ kỷ niệm trên toàn quốc vào năm 1966 biến cố 1000 năm Ba Lan đón nhận ánh sáng Tin Mừng.

Năm 1953, Đức Hồng Y Wyszyński bị chính quyền Cộng sản quản thúc trong ba năm vì từ chối trừng phạt các linh mục hoạt động trong cuộc kháng chiến của Ba Lan chống lại chế độ Cộng sản.

Ngài cũng giúp bảo đảm sự chấp thuận Đức Cha Karol Wojtyła làm tổng giám mục Kraków vào năm 1964, mà cuối cùng điều này dẫn đến việc Đức Wojtyła được bầu làm Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1978.

Đức Hồng Y Wyszyński qua đời vào ngày 28 tháng 5 năm 1981, 15 ngày sau khi Đức Gioan Phaolô II bị bắn trong một vụ ám sát. Không thể tham dự tang lễ của vị Hồng Y, Đức Gioan Phaolô II đã viết trong một bức thư gửi người dân Ba Lan: “Chúng ta hãy đặc biệt suy niệm về hình bóng của vị Giáo Chủ khó quên, Đức Hồng Y Stefan Wyszyński, về ký ức đáng kính, về con người của ngài, sự giảng dạy của ngài, và vai trò của ngài trong một thời kỳ lịch sử khó khăn như thế của chúng ta”.


Source:Catholic News Agency

2. Chủ tịch Ủy ban Phò sinh của các Giám mục Hoa Kỳ lên án việc đảo ngược các giới hạn trong nghiên cứu mô bào thai người

Viện Y tế Quốc gia đã thông báo vào hôm thứ Sáu tuần trước rằng họ đang đảo ngược các giới hạn đối với nghiên cứu mô bào thai người đã được Chính quyền Trump đưa ra. Đức Tổng Giám Mục Joseph F. Naumann của tổng giáo phận Kansas City ở tiểu bang Kansas, Chủ tịch Ủy ban các hoạt động phò sinh của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã đưa ra tuyên bố sau:

“Thi thể của những đứa trẻ bị giết do phá thai đáng được tôn trọng như bất kỳ người nào khác. Chính phủ của chúng ta không có quyền đối xử với những nạn nhân vô tội chết phá thai như một thứ hàng hóa có thể được lấy các bộ phận cơ thể để sử dụng trong nghiên cứu. Việc quảng bá và trợ cấp cho nghiên cứu có thể dẫn đến việc hợp pháp hóa bạo lực phá thai là điều vô luân. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng chúng ta có thể thực hiện nghiên cứu khoa học hiệu quả và phát triển các phương pháp điều trị lâm sàng hữu ích mà không cần thu hoạch mô từ trẻ sơ sinh bị phá thai. Việc hàng triệu người Mỹ sử dụng tiền thuế của chúng ta để sử dụng cho nghiên cứu cộng tác với một ngành kỹ nghệ được xây dựng dựa trên việc cướp đi sinh mạng của những người vô tội cũng gây ra một sự xúc phạm sâu sắc đối với hàng triệu người Mỹ. Thay vào đó, tôi kêu gọi chính quyền Biden nên tài trợ cho các nghiên cứu không dựa trên các bộ phận cơ thể được lấy từ những đứa trẻ vô tội bị giết do phá thai.”
Source:USCCB

3. Huấn đức của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng Chúa Nhật Chúa Chiên Lành

Hôm Chúa Nhật 25 tháng Tư, Giáo Hội cử hành Chúa Nhật thứ Tư Mùa Phục sinh, còn được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán: “Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Đó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta”.

Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Phục Sinh, cũng được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, Tin Mừng (Ga 10,11-18) trình bày Chúa Giêsu là người mục tử đích thực, người bảo vệ, hiểu biết và yêu thương đàn chiên của mình.

Trái với người mục tử tốt lành, “Kẻ chăn thuê” không quan tâm đến bầy chiên vì chúng không phải của anh ta. Anh ta làm công việc chỉ để được trả công và không quan tâm đến việc bảo vệ đàn chiên: khi một con sói đến, anh ta chạy trốn và bỏ rơi đàn chiên (xem các câu 12-13). Thay vào đó, Chúa Giêsu, người mục tử chân thật, luôn luôn bảo vệ chúng ta và cứu chúng ta khỏi bao nhiêu tình huống khó khăn, nguy hiểm nhờ ánh sáng lời Ngài và sức mạnh từ sự hiện diện của Ngài mà chúng ta luôn cảm nghiệm được nếu chúng ta muốn lắng nghe mỗi ngày.

Khía cạnh thứ hai là Chúa Giêsu, người mục tử nhân lành, biết – trước hết là bênh vực; thứ hai là biết chiên của mình và chiên biết Người (câu 14). Thật tuyệt vời và an ủi biết bao khi biết rằng Chúa Giêsu biết chúng ta từng người một, rằng chúng ta không phải là vô danh tiểu tốt đối với Ngài, rằng tên tuổi của chúng ta được Ngài biết đến! Chúng ta không phải là một hạt tí ti trong một “khối to lớn”, hay một trong “vô số” đối với Ngài, không. Chúng ta là những cá thể độc nhất vô nhị, mỗi người có câu chuyện riêng của mình, Người biết chúng ta và những câu chuyện riêng của chúng ta, mỗi người chúng ta đều có giá trị riêng của mình, bởi vì chúng ta đã được tạo ra và đã được cứu chuộc bởi Chúa Kitô. Mỗi người chúng ta có thể nói: Chúa ơi, Chúa biết con! Từng người chúng ta có thể nói Chúa Giêsu biết tôi! Đó là sự thật, nó là như thế này: Ngài biết chúng ta không giống như những người khác. Chỉ có Ngài mới biết những gì trong lòng chúng ta, những dự định, những cảm xúc thầm kín nhất của chúng ta. Chúa Giêsu biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của chúng ta, và luôn sẵn sàng chăm sóc cho chúng ta, để chữa lành vết thương lỗi lầm của chúng ta với lòng thương xót dư dật của Ngài. Nơi Ngài, hình ảnh mà các tiên tri đã đưa ra về người chăn dắt dân Chúa được ứng nghiệm hoàn toàn: Chúa Giêsu quan tâm đến bầy chiên của Ngài, Ngài gom chúng lại, Ngài băng bó các vết thương của chúng, Ngài chữa lành các bệnh tật của chúng. Chúng ta có thể đọc điều này trong Sách Tiên tri Ezekiel (xem Ez 34: 11-16).

Vì vậy, Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành bảo vệ, biết rõ và trên hết là yêu thương đàn chiên của Người. Và đây là lý do tại sao Ngài ban sự sống của Ngài cho họ (xem Ga 10:15). Tình yêu dành cho chiên của mình, nghĩa là dành cho mỗi người trong chúng ta, sẽ dẫn đến cái chết trên thập tự giá. Vì đây là ý muốn của Thiên Chúa, là không ai bị hư mất. Tình yêu của Chúa Kitô không chọn lọc; tình yêu ấy bao trùm tất cả mọi người. Chính Ngài nhắc nhở chúng ta điều này trong Tin Mừng hôm nay khi Ngài nói: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16). Những lời này làm chứng cho mối quan tâm phổ quát của Ngài: Ngài là người chăn dắt mọi người. Chúa Giêsu muốn mọi người có thể đón nhận tình yêu của Chúa Cha và gặp gỡ Thiên Chúa.

Và Giáo Hội được mời gọi để thực hiện sứ mệnh này của Chúa Kitô. Bên cạnh những người tham gia vào cộng đoàn của chúng ta, phần lớn, rất nhiều người, chỉ tham gia vào những thời điểm cụ thể hoặc không bao giờ. Nhưng điều này không có nghĩa là họ không phải là con cái Thiên Chúa: Chúa Cha giao phó mọi người cho Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, và Người đã hiến mạng sống mình vì mọi người.

Thưa anh chị em, Chúa Giêsu bảo vệ, biết và yêu thương chúng ta, tất cả mọi người. Xin Mẹ Maria Rất Thánh giúp chúng ta là những người đầu tiên đón tiếp và bước theo Vị Mục Tử Nhân Lành, để cộng tác trong niềm vui sứ vụ của Người.

Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói thêm:

Anh chị em thân mến,

Thứ Sáu vừa qua, tại Santa Cruz de Quiché ở Guatemala, José Maria Gran Cirera và chín bạn tử đạo đã được phong chân phước: ba linh mục và bảy giáo dân thuộc Dòng Thừa sai Thánh Tâm Chúa Giêsu, dấn thân bảo vệ người nghèo, các ngài đã bị giết từ năm 1980 đến năm 1991, là thời gian mà Giáo Hội Công Giáo đang bị bách hại. Với đức tin sống động nơi Chúa Kitô, các ngài là nhân chứng anh hùng của công lý và tình yêu. Xin cho tấm gương của các ngài làm cho chúng ta quảng đại và can đảm hơn trong việc sống theo Tin Mừng. Chúng ta hãy dành một tràng pháo tay cho các tân Chân phước. [Vỗ tay]

Tôi bày tỏ sự gần gũi của mình với những người sống trên Quần đảo St Vincent và Grenadines, nơi núi lửa phun trào đang gây ra những tổn hại và khó khăn. Tôi bảo đảm với anh chị em về những lời cầu nguyện của tôi. Tôi chúc phúc cho tất cả những ai đang tham gia vào các nỗ lực cứu trợ và trợ giúp.

Tôi cũng gần gũi với các nạn nhân của vụ cháy trong bệnh viện dành cho bệnh nhân Covid ở Baghdad. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 82 người thiệt mạng. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả họ.

Thú thực, tôi vô cùng đau buồn trước thảm kịch một lần nữa xảy ra ở Địa Trung Hải. Một trăm ba mươi người di cư đã chết trên biển. Họ là những con người. Họ là những con người cầu xin sự giúp đỡ trong vô vọng suốt hai ngày -và sự giúp đỡ không bao giờ đến. Thưa anh chị em, tất cả chúng ta hãy tự hỏi mình về bi kịch thứ mười một này. Đó là một khoảnh khắc đáng xấu hổ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những anh chị em này, và cho tất cả những người tiếp tục chết trong những thập giá bi thảm này. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho những người có thể giúp đỡ nhưng thích nhìn theo cách khác. Chúng ta hãy cầu nguyện trong im lặng cho họ.

Hôm nay, toàn thể Giáo hội kỷ niệm Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi với chủ đề là Thánh Giuse: Giấc mơ Ơn gọi. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa để cầu xin Ngài tiếp tục khơi dậy trong Giáo Hội những con người, vì yêu mến Ngài, dâng mình cho việc loan báo Tin Mừng và phục vụ anh chị em của họ. Và đặc biệt hôm nay, chúng ta hãy dâng lời tạ ơn cho chín linh mục mà tôi đã phong chức vài giờ trước đây tại Đền Thờ Thánh Phêrô - tôi không biết họ có mặt ở đây hay không - và chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những người thợ giỏi đến làm việc trong vườn nho của Ngài và biết cách nhân rộng các ơn gọi đời sống thánh hiến.

Và bây giờ tôi hết lòng chào đón tất cả anh chị em, những người đến từ Rôma và những người hành hương. Đặc biệt, tôi gửi lời chào đến gia đình và bạn bè của các tân linh mục vừa được tấn phong, cũng như cộng đoàn Đại Học Giáo hoàng Đức-Hung Gia Lợi, những người đã thực hiện chuyến hành hương truyền thống thăm bảy nhà thờ trong ngày hôm nay.

Chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật an lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc bữa trưa ngon miệng. Chào tạm biệt!
Source:Libreria Editrice Vaticana