Cần biết: Sự thật về cuộc tấn kích mới nhất vào GH Pháp và ĐTC. Sau Đức Bênêđíctô đến lượt HY Woelki

Tin thế giới

Tin thế giới

Có hai loại Năm Thánh: “bình thường” khi Năm Thánh ấy rơi vào một khoảng thời gian nhất định chẳng hạn như 25 năm, và “ngoại thường” khi Năm Thánh ấy đánh dấu những sự kiện đáng chú ý.
1. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi 'bản đại giao hưởng cầu nguyện' trước Năm Thánh 2025

Đức Giáo Hoàng đã đưa ra lời kêu gọi trong một bức thư ngày 11 tháng 2 gửi cho Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về cổ vũ Tân Phúc âm hóa.



Đức Thánh Cha viết:

“Theo thông lệ, Tông Chiếu Thiết Định Năm Thánh, sẽ được công bố đúng thời điểm, và chứa đựng các hướng dẫn cần thiết để cử hành Năm Thánh 2025”

“Trong thời gian chuẩn bị này, tôi vô cùng mong muốn rằng chúng ta dành trọn năm 2024, năm trước sự kiện Năm Thánh, cho một 'bản đại giao hưởng' của lời cầu nguyện.”

Trong lá thư của mình, Đức Thánh Cha giải thích rằng Năm Thánh là “một sự kiện có ý nghĩa quan trọng về tâm linh, giáo hội và xã hội trong đời sống của Giáo hội.”

“Kể từ năm 1300, khi Đức Thánh Cha Bonifaciô Thứ Tám thiết lập Năm Thánh đầu tiên - ban đầu được cử hành 100 năm một lần, sau đó, theo tiền lệ Kinh thánh, cứ 50 năm một lần và cuối cùng là 25 năm một lần – để dân thánh và trung thành của Thiên Chúa trải nghiệm cử hành này như một ân sủng đặc biệt, được đặc trưng bởi sự tha thứ tội lỗi và cách riêng là các ơn toàn xá, như một biểu hiện đầy đủ của lòng thương xót của Thiên Chúa.”

Có hai loại Năm Thánh: “bình thường” khi Năm Thánh ấy rơi vào một khoảng thời gian nhất định chẳng hạn như 25 năm, và “ngoại thường” khi Năm Thánh ấy đánh dấu những sự kiện đáng chú ý.

Năm Thánh 2025 - năm đánh dấu 1,700 năm thành lập Công đồng Nicê - sẽ là Năm thánh bình thường đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo kể từ khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chủ tọa Đại Năm Thánh 2000. Năm Thánh Lòng Thương Xót do Đức Giáo Hoàng Phanxicô mở ra vào năm 2015 là một năm thánh ngoại thường.

“Đại Năm Thánh 2000 đã mở đầu cho Giáo hội bước vào thiên niên kỷ thứ ba trong lịch sử của Giáo hội. Thánh Gioan Phaolô II đã chờ đợi từ lâu và rất mong đợi sự kiện đó, với hy vọng rằng tất cả các Kitô hữu, bỏ lại sau lưng những chia rẽ lịch sử, có thể cùng nhau kỷ niệm 2,000 năm ngày sinh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế của nhân loại.”

“Giờ đây, khi 25 năm đầu tiên của thế kỷ mới đã khép lại, chúng ta được mời gọi bước vào một mùa chuẩn bị để có thể giúp người Kitô hữu trải nghiệm Năm Thánh trong tất cả sự phong phú về mục vụ của nó.”

“Một bước quan trọng trong cuộc hành trình này đã được thực hiện với việc cử hành Năm Thánh Đặc biệt của Lòng Thương Xót, cho phép chúng ta đánh giá lại một lần nữa tất cả sức mạnh và sự dịu dàng của tình yêu thương xót của Chúa Cha, để đến lượt chúng ta, trở thành những nhân chứng cho Lòng Thương Xót ấy.”

Năm Thánh 2025 sẽ bao gồm việc mở Cửa Thánh tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Những người hành hương đi qua cánh cửa - chỉ được mở trong các Năm Thánh - có thể nhận được Ơn Toàn Xá với các điều kiện thông thường là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Vị giáo hoàng 85 tuổi cho biết ngài hy vọng Năm Thánh 2025 sẽ giúp khôi phục “bầu không khí hy vọng và tin cậy” trong bối cảnh “nghi ngờ, sợ hãi và mất phương hướng” do đại dịch coronavirus gây ra.

“Điều này thực sự sẽ xảy ra nếu chúng ta có khả năng khôi phục cảm giác về tình huynh đệ phổ quát và từ chối nhắm mắt làm ngơ trước thảm cảnh đói nghèo tràn lan đã ngăn cản hàng triệu người nam nữ, thanh niên và trẻ em sống theo cách xứng đáng phẩm giá con người của họ.”

Vào tháng Giêng, Vatican đã công bố khẩu hiệu của Năm Thánh là “Những Người Hành Hương Của Niềm Hy Vọng”.

Nhìn về phía trước đến năm 2024, Đức Thánh Cha nói: “Nói một cách ngắn gọn, có thể đây là một năm cầu nguyện mãnh liệt, trong đó trái tim được mở ra để đón nhận sự tuôn tràn ân sủng của Thiên Chúa và dâng lên 'Cha của chúng ta', lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta, như chương trình sống của từng môn đệ của Người”.
Source:Catholic News Agency

2. Sự thật về lá thư của Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer gởi cho Đức Hồng Y Philippe Barbarin

Năm ngoái, cụ thể là hôm thứ Tư 14 Tháng Tư, Tòa án tối cao của Pháp đã khẳng định rằng Đức Hồng Y Philippe Barbarin, nguyên tổng giám mục Lyon, đã không che đậy việc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên của linh mục Bernard Preynat.

Phán quyết của Cour de cassation, nghĩa là Tòa giám đốc thẩm, tại Palais de Justice, ở thủ đô Paris, đã khép lại một bộ phim dài nhiều tập đầy cảm xúc gây nhiều đau khổ cho Đức Hồng Y Philippe Barbarin.

Tòa giám đốc thẩm đồng ý với phán quyết của tòa phúc thẩm rằng Đức Hồng Y hoàn toàn vô tội, ngài không cản trở công lý, không có ý định che đậy hành vi lạm dụng của Preynat.

Tháng 7 năm 2014, Alexandrealeighot-Hezez đã gặp Đức Hồng Y Barbarin để tiết lộ rằng anh ta đã bị linh mục Preynat lạm dụng 24 năm trước đó, khi anh ta còn là một hướng đạo sinh, và lúc đó Đức Hồng Y Barbarin chỉ mới là một linh mục thuộc giáo phận Créteil. Trong khoảng thời gian đó, trong một năm ngài sống ở Pháp vài tháng và vài tháng dạy học ở Đại chủng viện Madagascar bên Phi Châu.

Anh ta tiết lộ điều đó để yêu cầu ngài cách chức linh mục Preynat. Sau cuộc gặp gỡ này, Đức Hồng Y đã viết thư cho Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer, tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, xin ý kiến vì Bộ Giáo Lý Đức Tin chịu trách nhiệm xét xử các trường hợp giáo sĩ phạm vào tội lỗi lạm dụng tính dục.

Toàn văn thư trả lời của Đức Hồng Y Ladaria như sau:

Ngày 3 tháng 2 năm 2015

Thưa Đức Hồng Y,

Thánh bộ này, sau khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng trường hợp của linh mục Bernard Preynat, là linh mục trong giáo phận của ngài mà ngài đã đệ trình, đã quyết định ủy thác cho ngài nhiệm vụ thực hiện các biện pháp kỷ luật thích hợp, tránh gây tai tiếng cho công chúng, xin hiểu rằng, trong những điều kiện này, anh ta không thể được giao phó cho bất kỳ một chức vụ mục vụ nào khác nhất là các chức vụ bao gồm việc có thể tiếp xúc với trẻ vị thành niên.

Tôi cũng khuyên ngài nên thực hiện các biện pháp thích hợp để chăm sóc mục vụ cho các nạn nhân.

Xin Đức Hồng Y nhận nơi đây sự bày tỏ tình cảm quý mến của tôi trong Chúa Kitô.

+ Luis F. Ladaria, SJ

Tổng giám mục hiệu tòa Thibica

Hôm thứ Sáu, Emiliano Fittipaldi của tờ Dimandi, vì lý do nào đó đã có trong tay lá thư này và xoáy vào cụm từ “tránh gây tai tiếng cho công chúng” để cáo buộc triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô là một “sự im lặng có hệ thống” đối với tội lỗi lạm dụng tính dục.

Toàn bộ câu chuyện chỉ là một sự phóng đại sai sự thật.

Tưởng cũng nên nhắc lại, sau khi nhận được phúc đáp của Đức Hồng Y Ladaria, Đức Hồng Y Barbarin đã mở phiên tòa giáo luật xét xử Preynat và ra quyết định loại bỏ Preynat khỏi hàng giáo sĩ. Tuy nhiên, cả Đức Hồng Y lẫn Alexandrealeighot-Hezez đều không nghĩ rằng Đức Hồng Y phải báo cáo với cảnh sát.

Sau khi được biết Alexandrealeighot-Hezez đã có cuộc gặp gỡ với Đức Hồng Y, 9 nạn nhân khác của Preynat đã cáo buộc ngài tội không báo cáo với cảnh sát.

Tháng 3 năm 2019, Đức Hồng Y Barbarin bị kết tội không báo cáo với nhà chức trách dân sự, và bị tuyên bản án sáu tháng tù treo, mặc dù, trong phiên tòa này, công tố viên cũng phải thừa nhận rằng chính các nạn nhân là những người phải báo cáo với cảnh sát vì họ đều đã là những người trưởng thành.

Đức Hồng Y kháng cáo và ngày 30 Tháng Giêng, 2020, Tòa phúc thẩm ở Lyon cho biết việc ngài mở phiên tòa giáo luật xét xử Preynat cho thấy ngài không có ý định che đậy hành vi lạm dụng của Preynat. Ngài cũng không có trách nhiệm báo cáo với cảnh sát vì vào năm 2014, các nạn nhân đều đã là người trưởng thành. Nhóm 9 người này chống án, và đã kiện lên Tòa giám đốc thẩm.

Ngày 14 Tháng Tư vừa qua, Tòa giám đốc thẩm đưa ra phán quyết đồng ý với tòa phúc thẩm, tuyên bố Đức Hồng Y vô tội và khép lại vụ án.
Source:editorialedomani.it

3. Sau Đức Bênêđíctô đến lượt HY Woelki

Tờ Kölner Stadt-Anzeiger, trích dẫn các nguồn tin từ tổng giáo phận Köln, nói rằng Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, Tổng Giám Mục Köln, đã đến Rôma trong tuần qua để có các cuộc thảo luận tại Vatican.

Đức Hồng Y được cho là đã có một cuộc gặp gỡ với Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám mục. Đến nay, vẫn chưa biết liệu Đức Hồng Y Woelki có được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến hay không.

Vào ngày 24 tháng 9 năm ngoái, 2021, sau khi nghiên cứu kết quả của chuyến thanh tra tông tòa tại tổng giáo phận Köln về việc giải quyết các trường hợp lạm dụng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận yêu cầu của vị Hồng Y xin nghỉ ngơi một thời gian, kết thúc vào ngày 2 tháng 3, Thứ Tư Lễ Tro.

Tờ Kölner Stadt-Anzeiger có khuynh hướng cấp tiến, không dấu được khát vọng mong mỏi Đức Hồng Y Woelki biến mất nên viết rằng “chuyến thăm này của Hồng Y có liên hệ trực tiếp với thời hạn 2 tháng Ba này và do đó với tương lai cuối cùng của Đức Hồng Y Woelki. Tổng giáo phận hiện đang được lãnh đạo bởi hai vị phụ tá.”

Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki là một trong 8 vị Giám Mục ở Đức kiên quyết chống lại Tiến Trình Công Nghị Đức. Trong vài tháng qua, Đức Hồng Y đã phải hứng chịu những cuộc tấn công dữ dội từ người đứng đầu Hội Đồng Giám Mục Đức, là Đức Cha Georg Bätzing của Limburg.

Một linh mục người Đức nói với tờ National Catholic Register: “Áp lực là rất lớn. Đức Hồng Y Woelki và những người khác chống lại Tiến Trình Công Nghị đang bị các chiến dịch báo chí bẩn thỉu triệt hạ”.

Trung tâm của các cáo buộc là tuyên bố cho rằng vị Hồng Y đã không công khai kết quả của một cuộc điều tra của Tổng Giáo Phận, đã được hoàn tất, về tình trạng lạm dụng tình dục dưới thời các nhà lãnh đạo hiện tại và trước đây. Tuy nhiên, theo Đức Hồng Y, báo cáo đã phải bị chặn lại vì những lo ngại về pháp lý và “những khiếm khuyết về phương pháp luận của nó”.

Ngài cũng bị cho là có lỗi vì không điều tra các cáo buộc nghiêm trọng chống lại một linh mục ở Düsseldorf bị cho là đã lạm dụng một cậu bé ở độ tuổi mẫu giáo vào cuối những năm 1970. Sau khi Đức Hồng Y Woelki được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của Köln vào năm 2014, ngài đã quyết định không thực hiện thêm những hành động hoặc thông báo cho Rôma, vì linh mục này “không thể bị thẩm vấn” do chứng mất trí nhớ nghiêm trọng. Linh mục ấy đã chết vì nguyên nhân tự nhiên. Nạn nhân cũng được cho là từ chối không ra làm chứng.

Vào tháng 12, Đức Hồng Y Woelki đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô xem xét những cáo buộc chống lại ngài. Vào ngày 7 tháng 2, Welt am Sonntag báo cáo rằng trường hợp của linh mục Düsseldorf đã được chuyển đến Bộ Giáo Lý Đức Tin, gọi tắt là CDF. CDF đã giải tỏa mọi vấn đề liên quan đến Đức Hồng Y, và kết luận rằng ngài đã “hành động đúng theo giáo luật”.

Dù vậy, để cho mọi việc được rõ ràng, Đức Hồng Y đã yêu cầu Đức Thánh Cha mở một cuộc thanh tra tông tòa. Sau cuộc thanh tra tông tòa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ra phán quyết rằng Đức Hồng Y Woelki nên tiếp tục phụ trách tổng giáo phận Köln của Đức sau cuộc điều tra của Vatican về việc xử lý các trường hợp lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ.

Hôm 24 tháng 9 năm ngoái, Tòa thánh cho biết Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu vị Hồng Y 65 tuổi tiếp tục lãnh đạo tổng giáo phận ở miền tây nước Đức sau một thời gian nghỉ phép.

Tuyên bố giải thích rằng cuộc điều tra không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy Đức Hồng Y Woelki đã hành động không hợp luật liên quan đến các vụ lạm dụng.

Tuyên bố cho biết thêm: “Đức Thánh Cha trông cậy vào Đức Hồng Y Woelki, thừa nhận lòng trung thành của ngài đối với Tòa Thánh và mối quan tâm của ngài đối với sự hiệp nhất của Giáo hội”.

Trong một tuyên bố cùng ngày 24 tháng 9, Đức Hồng Y Woelki nói: “Tôi đi theo hướng này với thông điệp rõ ràng của Đức Thánh Cha rằng chúng ta đã làm rõ một cách nghiêm túc và toàn diện và không che đậy bất cứ điều gì. Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tổng giáo phận và cho tôi trong những tuần tới. Tôi cũng hứa với anh chị em lời cầu nguyện nhiệt thành của tôi.”

Cải tổ Giáo Hội là điều quan trọng. Tuy nhiên, cần phải tiến hành trong thanh thản, và phân định. Đáng tiếc, phe cấp tiến tung ra nhiều thủ đoạn chính trị bôi nhọ những ai không đồng ý với mình, kể cả Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16.
Source:ilsismografo