Caritas Áo báo động về mùa đông bi thảm tại Ukraine. Chuyến tông du của ĐTC đến Kyiv

Tin thế giới

Tin thế giới

Ông Andreas Knapp, trưởng phân bộ trợ giúp nước ngoài thuộc tổ chức bác ái Công Giáo Caritas Áo, bày tỏ lập trường trên đây, sau khi hướng dẫn một phái đoàn viếng thăm tại thành Lvov ở miền tây Ukraine để cùng với các tổ chức bác ái Công Giáo địa phương hoạch định kế sách đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của dân chúng.
1. Caritas Áo báo động về mùa đông bi thảm tại Ukraine

Caritas Áo báo động về hậu quả bi thảm của mùa đông năm nay tại Ukraine: hàng triệu người không được những phẩm vật thiết yếu cho cuộc sống, như điện, nước và khí đốt, cũng như các cơ sở y tế.


Ông Andreas Knapp, trưởng phân bộ trợ giúp nước ngoài thuộc tổ chức bác ái Công Giáo Caritas Áo, bày tỏ lập trường trên đây, sau khi hướng dẫn một phái đoàn viếng thăm tại thành Lvov ở miền tây Ukraine để cùng với các tổ chức bác ái Công Giáo địa phương hoạch định kế sách đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của dân chúng. Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Áo Kathpress, truyền đi hôm mùng 04 tháng Tám vừa qua, ông Knapp nói: “Cần bắt đầu kịp thời trước khi mùa đông bắt đầu để bảo vệ các nhóm dân chúng dễ bị tổn thương vì giá lạnh. Chúng tôi thấy rằng tại Ukraine, vùng thủ đô Kiev, Irpin và Bucha hoặc Lvov, những viện trợ đến nơi. Nhưng chúng tôi cũng thấy rằng những trợ giúp vẫn rất cấp thiết, chính trong viễn tượng mùa đông.”

Hiện thời, trọng tâm của Caritas và các tổ chức bác ái khác được đặt vào vấn đề kiến tạo nơi trú ngụ trong mùa đông. Mức độ tàn phá của chiến tranh tại nhiều miền thật là cao: trong thời gian ngắn cần sửa chữa nhiều nhà ở, để ít nhất có một, hoặc hai phòng được sưởi. Ngoài ra cũng cần các mái nhà và cửa sổ nguyên vẹn, chẳng vậy dân chúng có lòng sống sốt trong mùa đông. Điều này phải gia tăng nỗ lực. Hiện nay Caritas cộng tác chặt chẽ với chính phủ trong lãnh vực này”.

Theo ông Knapp, một nhu cầu lớn về lâu về dài là hỗ trợ tâm lý xã hội. Tình trạng căng thẳng xuống tinh thần và chấn thương do chiến tranh ngày càng trở thanh vấn đề. Các cuộc tấn công tiếp tục kéo dài, nhất là tại miền đông Ukraine, nhưng cả tại các miền khác cũng có những vụ tấn công hằng ngày từ trên không. Những kinh nghiệm bi thảm này ảnh hưởng rất lớn trên tâm lý con người.

Theo ước lượng của Bộ Y tế Ukraine, có khoảng 15 triệu người bị thương tổn, bị chấn thương vì những vấn đề trên đây. Hàng ngàn người bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc sống, các gia đình bị xâu xé, chia rẽ trầm trọng. Vì thế, Caritas cũng muốn đặc biệt dấn thân trong lãnh vực tâm lý xã hội.

Ngoài ra, cũng phải đáp ứng vấn đề những người tị nạn Ukraine trở về nước. Ông Knap nhận xét: “Mặc dù tình trạng khó khăn gia tăng và chiến tranh tiếp tục, nhưng nhiều người Ukraine vẫn trở về quê hương của họ. Cả trong những vùng không có những giao tranh trực tiếp, cũng có vấn đề nơi trú ngụ và cung ứng những nhu yếu phẩm. Nguồn tài lực rất hạn hẹp, trong khi tình trạng dân chúng tại nhiều nơi thật là bi thảm. Cả vấn đề săn sóc những người già và đơn chiếc, bệnh tật, cũng là một đòi hỏi rất lớn. Ông Knapp nói: “Tại Ukraine, các nhân viên Caritas địa phương làm việc trong hoàn cảnh rất cơ cực. Nhất là sau khi các phụ nữ và trẻ em, trước đây rời bỏ khu vực của họ, nay họ trở lại, những người già rất cần được giúp đỡ trong những hoàn cảnh này.

2. Đức Giáo Hoàng tiếp đại sứ Ukraine khi đang nghiên cứu chuyến thăm Kyiv

Hôm thứ Bẩy 6 tháng 8, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp đại sứ Ukraine cạnh Tòa thánh, là Ông Andrii Yurash, trong khi Vatican đang nghiên cứu một chuyến đi có thể đến Kyiv của Đức Giáo Hoàng trong nỗ lực chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của Nga.

Vatican tự giới hạn việc xác nhận cuộc gặp gỡ với nhà ngoại giao trong một tuyên bố tối thiểu trong đó không cung cấp chi tiết về những gì đã được thảo luận.

Đức Tổng Giám Mục Richard Gallagher, Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh gần đây đã giải thích rằng cuộc họp này sẽ thảo luận về khả năng Đức Phanxicô đến thăm Kyiv giữa lúc Nga đang xâm lược Ukraine.

Vị Giáo hoàng Á Căn Đình luôn rất quan tâm đến tình hình Ukraine, bị Nga xâm lược kể từ ngày 24 tháng 2 và không tiếc lời kêu gọi đàm phán hòa bình cũng như đề nghị hòa giải để chấm dứt xung đột.

Trong cuộc họp báo trên máy bay của Giáo hoàng trở về từ Canada vào ngày 30 tháng 7, Đức Phanxicô nhắc lại mong muốn được đến Kyiv: “Chúng tôi sẽ xem xét những gì tôi tìm thấy khi tôi về nhà,” ngài nói, đề cập đến việc chuẩn bị cho chính sách ngoại giao của Vatican đối với chuyến đi có thể này.

Đức Giáo Hoàng đã tiếp kiến người đứng đầu mới của Ủy ban Đối Ngoại của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, là Đức Tổng Giám Mục Anthony của Volokolamsk, đại diện cho Thượng phụ Kirill, là người luôn biện minh và khuyến khích cuộc xâm lược Ukraine.

Đức Thánh Cha Phanxicô và Kirill tiến một bước tới sự hiểu biết lẫn nhau vào ngày 12 tháng 2 năm 2016, ôm hôn nhau tại Havana, trong cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo của hai giáo hội trong gần một thiên niên kỷ, kể từ cuộc Đại Ly Giáo năm 1054.

Tuy nhiên, hai vị đã không giấu giếm sự khác biệt liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine và tháng 3 năm ngoái, trong một cuộc trò chuyện trực tuyến, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trách móc Thượng Phụ Kirill rằng chiến tranh luôn là bất công.

“Các cuộc chiến tranh luôn bất công vì những người phải trả giá cho những cuộc xung đột ấy là dân của Chúa. Trái tim chúng ta không khỏi rơi lệ trước những đứa trẻ, những người phụ nữ bị sát hại, trước tất cả những nạn nhân của chiến tranh. Chiến tranh không bao giờ là con đường,” Đức Giáo Hoàng lập luận như trên trước Thượng Phụ Kirill, người khét tiếng ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin đến mức Đức Giáo Hoàng gọi ông ta là “chú bé giúp lễ của Putin”.

Đức Phanxicô, với một số vấn đề về đầu gối thường buộc phải sử dụng xe lăn, đã xác nhận chuyến đi đến Kazakhstan từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 9 để tham gia Đại hội các nhà lãnh đạo các tôn giáo truyền thống và thế giới lần thứ 8.

Theo một số phương tiện truyền thông, cả hai nhà lãnh đạo tôn giáo có thể gặp gỡ nhau trong sự kiện này, mặc dù khả năng này vẫn chưa được xác nhận bởi Vatican hoặc Mạc Tư Khoa.

Trong chương trình nghị sự chính thức của Giáo hoàng ở Kazakhstan, một không gian đã được dành vào trưa ngày 14 tháng 9 cho “các cuộc gặp riêng với một số nhà lãnh đạo tôn giáo”, mà không cung cấp thêm chi tiết.
Source:Swiss Info

3. Ơn Toàn Xá Assisi: Những người trẻ và gia đình hành hương đón nhận Ơn Toàn Xá

Theo Vatican News, năm nay có 1700 người trẻ và gia đình hành hương đón nhận Ơn Toàn Xá vào ngày 2 tháng 8 vừa qua.

Thánh Phanxicô thành Assisi sinh năm 1182 và qua đời năm 1226 đã xây dựng nhà thờ kính tước hiệu Đức Mẹ là Nữ vương các Thiên thần tại Portiuncula, nước Ý. Khi thánh nhân lập dòng Anh Em Hèn Mọn, nhà thờ này trở nên nhà mẹ của hội dòng. Nguyện đường Đức Mẹ các thiên thần ở Portiuncula được cung hiến vào ngày 2 tháng 8.

Thánh Phanxicô thỉnh cầu và được Đức Giáo Hoàng Honorius III, trị vì trong thời gian từ 1216 đến 1227 ban cho đặc ân: Tín hữu nào thành tâm thống hối, đến kính viếng nhà nguyện dòng Anh em Hèn mọn Phanxicô tại Portiuncula này thì được Ơn Toàn Xá. Và người ta hay gọi theo cách dân gian là: Ơn toàn xá “Portiuncula”. Đến ngày 15.5.1892, Đức Giáo Hoàng Leo thứ 13, trị vì từ năm 1878 đến năm 1903 đã phổ biến rộng rãi đặc ân “Portiuncula”, tín hữu có thể lãnh ơn toàn xá với các điều kiện thông thường, kể cả nhường cho các tín hữu đã qua đời, bằng cách thăm viếng một nhà thờ giáo xứ hay một nhà nguyện do các tu sĩ dòng Phanxicô trông coi. Ơn đại xá này ban một năm một lần vào ngày kỷ niệm cung hiến nguyện đường Đức Mẹ các Thiên thần ở Portiuncula, tức là ngày 2 tháng 8 mỗi năm.

Về sau ơn này được mở rộng trên khắp thế giới. Từ trưa ngày 1.8 cho đến hết ngày 2.8, tín hữu đến viếng nhà thờ giáo xứ, đọc một kinh Lạy Cha và một kinh Tin Kính, thì được hưởng một ơn đại xá “Portiuncula”, với những điều kiện thường lệ là xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.
Source:Vatican News