Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức kêu gọi thay đổi Giáo lý hôn nhân. Những tiếng nói phản biện

Tin thế giới

Tin thế giới

Khi được hỏi liệu các mối quan hệ đồng giới có được phép hay không, vị Giám Mục người Đức trả lời: “Được, nếu nó được thực hiện với lòng trung thành và trách nhiệm thì không sao cả. Nó không ảnh hưởng đến mối quan hệ với Chúa”.
1. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Đức kêu gọi thay đổi Giáo lý về tình dục

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Đức đã kêu gọi thay đổi giáo huấn của Giáo hội về quan hệ tình dục ngoài hôn nhân và đồng tính luyến ái.


Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Bunte của Đức xuất bản vào ngày 4 tháng 3, Giám mục Georg Bätzing đồng ý với khẳng định của nhà báo rằng “không ai” tuân theo giáo huấn của Giáo hội rằng chỉ nên thực hành tình dục trong hôn nhân, ông nói: “Điều đó đúng. Và chúng ta phải thay đổi phần nào Giáo lý về vấn đề này. Tình dục là một món quà của Thiên Chúa. Và không phải là một tội lỗi”.

Khi được hỏi liệu các mối quan hệ đồng giới có được phép hay không, vị Giám Mục người Đức trả lời: “Được, nếu nó được thực hiện với lòng trung thành và trách nhiệm thì không sao cả. Nó không ảnh hưởng đến mối quan hệ với Chúa”.

Bätzing, giám mục của Limburg, miền tây nước Đức, nói thêm: “Làm thế nào một người sống cuộc sống cá nhân thân mật của họ không phải là việc của tôi.”

Ông nói, không ai được Giáo hội tuyển dụng phải sợ bị mất việc làm vì điều này.

Nhà thần học người Đức Martin Brüske đã chỉ trích gay gắt những bình luận của Bätzing trong một cuộc phỏng vấn với CNA Deutsch.

Ông nói: “Lập luận của Giám mục Georg Bätzing ở đây là khó hiểu. Ông ấy đang ngụ ý rằng Giáo lý và do đó truyền thống của Giáo hội bằng cách nào đó nói rằng tính dục là tội lỗi. Điều tôi muốn biết từ ông ta là: Ông tìm thấy câu nói như vậy ở đâu trong Sách Giáo Lý hoặc trong truyền thống của Giáo Hội? “

Trên thực tế, nhà thần học nói thêm, Giáo hội đã luôn bác bỏ một quan điểm như vậy là sai lầm.

“Bằng cách đối chiếu khẳng định sai lầm này với khẳng định thứ hai của ông ta - rằng tình dục không có giới hạn là món quà của Thiên Chúa, toàn bộ lĩnh vực này bị loại bỏ khỏi sự phản ánh đạo đức. Theo logic này, không còn cần thiết phải làm rõ hoặc phân biệt cách thực hành tình dục. Không còn phân biệt hành vi tình dục nào là hành vi tự phục vụ hay thể hiện sự chiếm đoạt lẫn nhau”.

Brüske nhấn mạnh rằng giáo huấn đạo đức của Giáo hội đã đề cao tính dục đối với tình yêu vợ chồng của một người nam và một người nữ. Điều 2362 nói: “Những hành vi thực hiện sự kết hợp thân mật và thanh khiết của đôi vợ chồng đều cao quý và chính đáng. Được thi hành cách thực sự nhân linh, những hành vi ấy biểu hiện và khích lệ sự hiến thân cho nhau nhờ đó hai người làm cho nhau thêm phong phú trong hoan lạc và biết ơn. Chính Đấng Sáng Tạo đã muốn rằng trong nhiệm vụ truyền sinh đôi vợ chồng cảm thấy một sự vui thú và thỏa mãn nơi thân xác và tinh thần. Vì vậy, vợ chồng chẳng làm điều gì xấu khi tìm kiếm và tận hưởng sự khoái lạc đó. Họ đón nhận những gì Đấng Sáng Tạo đã ban cho.”

Brüske nói rằng bằng cách từ bỏ hôn nhân bí tích như là nơi độc quyền của tình dục giữa người nam và người nữ, khuynh hướng hướng về Phúc âm cũng sẽ bị loại bỏ và thay thế bằng khuynh hướng hướng đến văn hóa đương đại.

Ông nói: “Các vực thẳm của văn hóa đương đại hoàn toàn bị bỏ qua, đặc biệt là cái mà tôi gọi là xã hội học thực tế về dục vọng, trong đó con người thường bị xâm phạm trong lĩnh vực tình dục của họ.

Nhà đạo đức học, giảng dạy ở Thụy Sĩ, nói rằng Kitô giáo ban đầu, với khuynh hướng hướng về Chúa Giêsu, đưa ra một sự tương phản hoàn toàn so với văn hóa thời đó.

“Chính vì điều này, Kitô Giáo đã hấp dẫn, và giúp những người bị thương tìm được sự chữa lành”

Brüske nói với CNA Deutsch có vẻ như Giám Mục Bätzing không thấy được điều đó. “Ông ta rõ ràng là mù tịt cả về nguồn gốc lẫn hiện tại của chúng ta. Điều này khiến tôi buồn và bối rối. Và cũng có một chút tức giận. Bởi vì sự ngây thơ như vậy thực sự không được phép nơi một Giám Mục.”

Trong cuộc phỏng vấn với Bunte, Bätzing cũng lên tiếng ủng hộ việc bãi bỏ chế độ độc thân linh mục và phong chức cho phụ nữ - những quan điểm gần đây được những người tham gia “Tiến Trình Công Nghị” của Đức tán thành.

Brüske nói rằng thay vì đóng vai trò của một người điều tiết, “chủ tịch hội đồng giám mục Đức xác định một cách không dứt khoát với các yêu cầu sửa đổi toàn bộ đạo đức tình dục của Giáo hội, bãi bỏ chế độ độc thân, phong chức phụ nữ.”

Ông nói thêm rằng, với quan điểm của Tiến Trình Công Nghị gây tranh cãi, việc Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục đưa ra một chương trình nghị sự như vậy là một vấn đề rất nghiêm trọng.


Source:Catholic News Agency

2. Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York kêu gọi chấm dứt ngay cuộc chiến tại Ukraine

Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York, Đức Tổng Giám Mục Giordano Caccia, kêu gọi chấm dứt ngay các cuộc xung đột tại Ukraine, tái tìm kiếm đối thoại và ngoại giao, cũng như trợ giúp hàng trăm ngàn người tị nạn chiến tranh.

Đức Tổng Giám Mục Caccia bày tỏ lập trường trên đây của Tòa Thánh, trong hai bài tham luận: trước tiên tại khóa họp về “Lời kêu gọi chung về nhân đạo và đáp ứng kế hoạch giúp người tị nạn từ Ukraine”, tiếp đến tại khóa họp khẩn cấp thứ mười một của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Đức Tổng Giám Mục Caccia nhắc lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô hôm Chúa nhật, 27 tháng Hai vừa qua, trong đó ngài bày tỏ sự gần gũi với những người đang chịu đau khổ vì xung đột, và kêu gọi mở những hành lang nhân đạo cho người tị nạn, đồng thời Đức Tổng Giám Mục nói rằng “Tòa Thánh coi là một điều cơ bản phải đảm bảo cho các tổ chức nhân đạo được tự do và an ninh trong việc cứu trợ dân chúng đang gặp khó khăn tại Ukraine. Việc bảo vệ các thường dân, cũng như các nhân viên từ thiện, hợp với công pháp quốc tế về nhân đạo, phải được ưu tiên”. Từ đó, Tòa Thánh hiệp với nhiều quốc gia thành viên khác của Liên Hiệp Quốc kêu gọi ngưng chiến tức khắc và trở về với các hoạt động ngoại giao và đối thoại. Giáo Hội Công Giáo, với các tổ chức từ thiện của mình, đang và sẽ tiếp tục trợ giúp dân chúng”.

Tòa Thánh ca ngợi tất cả các quốc gia đang trợ giúp nhân đạo cho dân chúng gặp khó khăn từ Ukraine chạy đến, đặc biệt các nước láng giềng, nơi nhiều người dân Ukraine tìm đến để được an ninh.

Đức Tổng Giám Mục Caccia nói rằng đối với Tòa Thánh, một trách nhiệm chung là “đón tiếp, bảo vệ và trợ giúp hàng trăm ngàn người tị nạn... Những nỗ lực đáp ứng nhu cầu của những người tị nạn tìm kiếm an ninh, phải được tiếp tục qua sự tôn trọng nguyên tắc không xua đuổi và là nghĩa vụ chung của chúng ta, theo công pháp quốc tế, kể cả quyền quốc tế của những người tị nạn và phải được thi hành dựa trên nguyên tắc không kỳ thị”.

Sau cùng, Tòa Thánh xác tín rằng “luôn luôn có thời gian cho thiện chí, vẫn còn có thể thương thuyết, luôn luôn có chỗ để thực thi sự khôn ngoan, giúp tránh để cho quyền lợi phe phái trổi vượt, bảo tồn được những khát vọng của mỗi người và tránh cho thế giới khỏi những điên rồ và khủng khiếp của chiến tranh”.

3. Tổ chức bác ái Trợ giúp các Giáo hội đau khổ, phân bộ Ý, báo động rằng tự do tôn giáo tại Ukraine, đặc biệt tại vùng Lugansk và Donetsk, bị đe dọa.

Ông Alessandro Monteduro, Giám đốc phân bộ Ý của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, đưa ra lời báo động rằng tự do tôn giáo tại Ukraine, đặc biệt tại vùng Lugansk và Donetsk, bị đe dọa. Lugansk và Donetsk tuyên bố là hai Cộng hòa độc lập với Ukraine và Quốc hội Nga đã công nhận nền độc lập của hai vùng này.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho mạng Nuova Bussolo Quotidiana, nghĩa là “Địa bàn mới hằng ngày”, truyền đi ngày 03 tháng Ba năm 2022, ông Monteduro nói rằng tại bán đảo Crimea, trước khi bị Nga sáp nhập cách đây tám năm, có 50 tổ chức tôn giáo hoạt động tại đây, nhưng năm năm sau đó, 2019, chỉ còn lại chín tổ chức tôn giáo.

Ông cho biết tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” đã hoạt động từ 59 năm nay (1963) tại Ukraine, và nâng đỡ nhiều cộng đoàn Công Giáo và Kitô khác. Tại Ukraine, có 4.879 linh mục và tu huynh, cùng với 1350 nữ tu. Hôm thứ Sáu, 25 tháng Hai vừa qua, khi chiến tranh mới bùng nổ, chúng tôi đã dành một triệu Euro như trợ giúp cấp thời cho các Giáo hội tại Ukraine. Trong quá khứ, chúng tôi đã dành hàng chục triệu Euro để hỗ trợ việc huấn luyện các chủng sinh. Trong mười năm gần đây, các chủng sinh đã nhận được sáu triệu rưỡi Euro từ Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ. Từ năm 1994, chúng tôi đã hỗ trợ việc kiến thiết và bảo trì các chủng viện Công Giáo Latinh và Đông phương, với hơn chín triệu Euro, tiếp đến có 15 triệu 600.000 Euro được dành cho việc xây cất và tu bổ các đan viện và tu viện. Chúng tôi hy vọng có thể tiếp tục công trình này, cũng nhờ lòng quảng đại của các ân nhân.

Giám đốc Trợ giúp các Giáo hội đau khổ ở Ý nói đến những khó khăn của các cộng đồng Công Giáo ở Ukraine, từ khi chiến tranh bùng nổ, sau khi kho dự trữ bắt đầu cạn, họ đang cần những nhu yếu phẩm. Tình trạng bi thảm nhất có lẽ tại Kharkov, thành phố ở miền đông Ukraine và lớn thứ hai của nước này, với khoảng một triệu dân cư. Đức Giám Mục Công Giáo Latinh tại đây trong những ngày qua đang phải trú ẩn với các gia đình trong hầm trú bom đạn. Cũng vậy đối với vị giám mục Chính thống giáo ở địa phương.

Ông Monteduro đặc biệt nói đến những khó khăn của các cộng đồng Kitô ở miền đông Ukraine. Nhiều tổ chức tôn giáo không đăng ký trước ngày 15 tháng Mười năm 2018, đã bị nhà cầm quyền cấm cản hoạt động và bị xách nhiễu. Ví dụ năm 2019, nhà thờ hoặc các cơ sở của tổ chức không đăng ký bị cúp khí đốt, hạn chế điện nước. Nhiều chứng từ xác nhận tự do tôn giáo đã bị thương tổn.