Công lý chiến thắng: Cựu bộ trưởng Nội Vụ tweet các câu Kinh Thánh, bị đưa ra tòa, đã được trắng án

Tin thế giới

Tin thế giới

Trong một tweet năm 2019, Räsänen đã đặt câu hỏi tại sao lãnh đạo của Giáo Hội Luther Phần Lan, mà cô ấy là một thành viên tích cực, lại tài trợ cho một sự kiện LGBT, gọi là “Tự hào đồng tính 2019.”
1. Nghị sĩ Phần Lan trắng án đối với các cáo buộc về lời nói căm thù vì đăng các câu Kinh thánh

Nghị sĩ Kitô Giáo đã bị xét xử vì một dòng tweet trong đó cô đặt câu hỏi tại sao Giáo hội Luther Phần Lan lại ủng hộ tuần lễ tự hào đồng tính của Phần Lan. Một giám mục cũng bị buộc tội phân phát một tập sách nhỏ mà nhà lập pháp đã viết.



Päivi Räsänen, một bác sĩ 62 tuổi, người đã phục vụ trong quốc hội Phần Lan từ năm 1995, và Juhana Pohjola, Giám mục của Giáo phận Truyền giáo Tin lành Lutheran ở Phần Lan, đã phải đối mặt với cáo buộc do một cuốn sách nhỏ dạy rằng hành vi đồng tính là trái với đức tin Kitô.

Một tòa án quận Helsinki nhất trí bác bỏ các cáo buộc, nói rằng tòa án không được hình thành để giải thích các khái niệm trong Kinh thánh. Tòa án đã yêu cầu công tố phải trả hơn 60,000 euro chi phí pháp lý và cho họ bảy ngày để kháng cáo phán quyết.

Räsänen, cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đã bị buộc tội “lời nói căm thù” vì chia sẻ quan điểm dựa trên đức tin của mình về hôn nhân và đạo đức tình dục trong một tweet năm 2019, và trong một cuộc tranh luận trên đài phát thanh năm 2019, cũng như trong một cuốn sách nhỏ năm 2004. Giám mục Pohjola phải đối mặt với cáo buộc xuất bản cuốn sách nhỏ của Räsänen cho cộng đoàn của mình hơn 17 năm trước.

Trong một tweet năm 2019, Räsänen đã đặt câu hỏi tại sao lãnh đạo của Giáo Hội Luther Phần Lan, mà cô ấy là một thành viên tích cực, lại tài trợ cho một sự kiện LGBT, gọi là “Tự hào đồng tính 2019.” Bài đăng trên mạng xã hội bao gồm những câu trong Kinh thánh lên án hành vi đồng tính luyến ái là tội lỗi. Dòng tweet đã dẫn đến các cuộc điều tra chống lại Räsänen, điều này đã phát hiện ra một cuốn sách nhỏ về Giáo Hội mà cô đã viết gần 20 năm trước.

Vào tháng 4 năm 2021, Tổng công tố Phần Lan đã đưa ra ba cáo buộc hình sự đối với Räsänen, người từng là chủ tịch đảng Dân chủ Kitô giáo từ năm 2004 đến năm 2015 và cũng từng là Bộ trưởng Bộ Nội vụ từ năm 2011-2015. Hai trong số ba cáo buộc mà Räsänen phải đối mặt được đưa ra sau khi cảnh sát đưa ra khuyến nghị mạnh mẽ không tiếp tục truy tố. Các tuyên bố của Räsänen cũng không vi phạm các chính sách của Twitter hoặc đài truyền hình quốc gia, đó là lý do tại sao chúng vẫn hiện diện trên nền tảng của họ.

Phiên tòa được tiến hành trong hai ngày - 24 tháng 1 và 14 tháng 2. Công tố đã cáo buộc vị giám mục và Räsänen sử dụng từ “tội lỗi” có thể “có hại”. Các luật sư bào chữa cho rằng việc kết án Räsänen có tội sẽ làm tổn hại đáng kể đến quyền tự do ngôn luận ở Phần Lan. Những gì Räsänen nói và viết là một biểu hiện của giáo huấn Kitô Giáo.

Tòa án, trong phán quyết dài 30 trang của mình, công nhận rằng mặc dù một số người có thể phản đối tuyên bố của Räsänen, nhưng “phải có một lý do xã hội quan trọng để can thiệp và hạn chế quyền tự do ngôn luận”. Tòa án kết luận không có sự biện minh nào như vậy.

“Tôi rất biết ơn tòa án đã nhận ra mối đe dọa đối với quyền tự do ngôn luận và phán quyết có lợi cho chúng tôi,” Räsänen nói sau chiến thắng của mình.

Vụ việc thu hút sự chú ý của quốc tế. Một số Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã viết một bức thư gửi tới Rashad Hussain, Đại sứ Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, bày tỏ mối quan ngại của họ về việc truy tố Räsänen là “đáng báo động”.

“Chúng tôi rất lo ngại rằng việc sử dụng luật về lời nói căm thù của Phần Lan tương đương với luật báng bổ thế tục,” các thượng nghị sĩ viết. “Nó có thể mở ra cánh cửa cho việc truy tố những người theo Kitô Giáo, người Hồi giáo, người Do Thái và tín đồ của các tôn giáo khác vì đã công khai tuyên bố niềm tin tôn giáo của họ.”
Source:Aleteia

2. Tòa án bang Brazil cho phép lắp đặt tượng Đức Mẹ ở Aparecida

Tòa án Công lý São Paulo đã cho phép xây dựng một bức tượng Đức Mẹ ở Aparecida, sau cuộc chiến pháp lý kéo dài hơn hai năm liên quan đến một hiệp hội những người vô thần muốn ngăn cản việc lắp đặt tượng Đức Mẹ.

Bức tượng khổng lồ bằng thép không gỉ sét do nghệ sĩ Gilmar Pinna tặng vào năm 2017 cao khoảng 165 feet, tức là cao hơn gần 65 feet so với Tượng Chúa Cứu Thế ở Rio de Janeiro. Các phần của công trình, vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, nằm gần Rodovia Presidente Dutra, bên cạnh đường cao tốc chính giữa Sao Paulo và Rio de Janeiro.

Vào tháng 10 năm 2019, Thẩm phán Luciene Ferreira Allemand đã ra phán quyết ủng hộ đơn kiện của Hiệp hội những người theo chủ nghĩa vô thần và các nông dân Brazil nhằm cấm lắp đặt tác phẩm, với cáo buộc sử dụng công quỹ và hiến đất thành phố để quảng bá đức tin Công Giáo, vì điều này sẽ gây bất lợi cho nhà nước thế tục.

Tuy nhiên, thành phố đã kháng cáo quyết định này và vào ngày 9 tháng 3, các thẩm phán của Tòa án Tư pháp São Paulo đã đảo ngược phán quyết và xác định rằng tác phẩm nghệ thuật này là hợp lý vì trọng tâm kinh tế chính của Aparecida là tôn giáo, du lịch, thu hút hàng nghìn người và thúc đẩy thương mại địa phương.

Các thẩm phán cũng lưu ý rằng tại thời điểm đó nguyên tắc thế tục của nhà nước không bị vi phạm bởi thị trưởng.

“Aparecida là thủ đô của Đức Mẹ ở Brazil, và quyết định tư pháp này đã công nhận lòng sùng mộ tôn giáo của người dân Brazil,” thị trưởng cho biết sau phán quyết.

Phán quyết của tòa án cũng khẳng định rằng năm tác phẩm điêu khắc khác về Đức Mẹ Aparecida, được xây dựng bởi cùng một nghệ sĩ và được đặt ở các khu vực khác nhau của thành phố vào năm 2017 nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày tìm thấy bức tượng ban đầu của Đức Mẹ không thể bị gỡ bỏ.

Theo truyền thống, bức tượng ban đầu của Đức Mẹ Aparecida, được đặt trong Vương cung thánh đường Đức Mẹ Aparecida, được tìm thấy vào năm 1717 bởi ba người đánh cá, sau khi cầu nguyện với Đức Mẹ, đã bắt được nhiều cá một cách thần kỳ sau một buổi sáng không đánh bắt được gì cả.

Miguel da Costa Carvalho Vidigal, một luật sư và là giám đốc của Liên minh các luật gia Công Giáo của Sao Paulo, đã ca ngợi quyết định của Tòa án, “trước hết, vì trật tự quốc gia phải được tôn trọng, chống lại các hành vi gây tổn hại cho hoạt động tư pháp đang nổi lên trong thời đại của chúng ta”.

Và “thứ hai, bởi vì lịch sử của đất nước chúng ta, rất gắn bó với Công Giáo, đã được bảo tồn.”
Source:Catholic News Agency

3. Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo tại Australia giúp người tị nạn Ukraine

Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo ở Australia đang động viên trong chiến dịch cầu nguyện và lạc quyên, trợ giúp người tị nạn Ukraine tại các nước láng giềng, đặc biệt tại Ba Lan, Rumani và các nước khác.

Cha Brian Lucas, Giám đốc toàn quốc Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo ở Australia, cho biết “Kinh nguyện liên lỷ và hỗ trợ vật chất cho những người bị thảm trạng chiến tranh ở Ukraine là biểu lộ tình liên đới của Giáo hội hoàn vũ. “Chúng tôi đang cố gắng hết sức để mang lại hy vọng cho những người đang ở trong tình trạng đau thương như vậy”.

Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo ở Australia được gọi là “Catholic Mission” được thành lập năm 1847 nhắm góp phần tài trợ các dự án truyền giáo tại Á, Phi, Châu Đại Dương và Nam Mỹ. Trong số các dự án được tài trợ có việc huấn luyện tinh thần, chăm sóc mục vụ, giáo dục, y tế và các chương trình nông nghiệp.

Hội Catholic Mission hiện tại tại 27 giáo phận ở Australia, và cũng đảm trách việc huấn luyện tinh thần và linh đạo truyền giáo trong đời sống nghề nghiệp và bản thân của các tín hữu.