Cuốn sách gây bùng nổ của linh mục Dòng Tên: Nhận định của cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott, TS. Weigel

Tin thế giới

Tin thế giới

Hôm 5 tháng Giêng vừa qua, Linh mục Dòng Tên Pat Conroy, người từng là tuyên úy của Hạ viện từ tháng 5 năm 2011 đến tháng Giêng năm 2021, đã trả lời phỏng vấn được đăng trên tờ The Washington Post, trong đó ngài bảo vệ các chính trị gia Công Giáo, những người thúc đẩy việc tiếp cận phá thai. Ngài đã đi xa đến mức viện dẫn Thánh Thomas Aquinas về lương tâm để bảo vệ lập trường của mình.
Trước Cha Pat Conroy, một linh mục Dòng Tên khác là Cha Robert Drinan đã ra tranh cử Dân biểu Hạ Viện Hoa Kỳ và trong suốt thời gian từ năm 1971 đến 1981, ông liên tục bảo vệ cho những luật lệ cho phép phá thai. Tháng 6 năm 1996, ông đi xa đến mức viết một bài trên tờ New York Times ủng hộ luật phá thai bán phần khi sinh, tiếng Anh là Partial-birth abortion. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cho biết như sau:


Phá thai bán phần khi sinh, gọi tắt là PBA, là thuật ngữ Quốc hội đã sử dụng để mô tả một thủ thuật vượt ranh giới từ phá thai sang giết hại trẻ sơ sinh. Bác sĩ đưa một phần đáng kể đứa trẻ còn sống ra bên ngoài cơ thể của người mẹ - toàn bộ phần đầu trong ca “sinh nở đầu ra trước”; hoặc phần thân cho đến rốn trong ca “sinh nở chân ra trước” -- sau đó giết chết đứa trẻ bằng cách đập vỡ hộp sọ của nó hoặc loại bỏ não của đứa bé bằng máy hút.

Đức Hồng Y John O'Connor đã rất tức giận, và viết trên chuyên mục Công Giáo ở New York Times: “Tôi thành thật xin lỗi ông, Cha Drinan, nhưng ông đã sai, đã sai chết người. Ông lẽ ra đã phải cất lên tiếng nói có thần có thế của mình cho cuộc sống; nhưng ông đã cất lên tiếng nói cho cái chết. Một luật sư còn khó lòng đóng cái vai trò đó. Huống hồ là một linh mục như ông”.

Điều tệ hại là cả Cha Robert Drinan và Cha Pat Conroy đều cố làm cho người ta hiểu rằng họ đã nhận được sự chấp thuận của các bề trên Dòng Tên trong hành động đồng loã với tội ác phá thai. Đó là một sự dối trá. Một dòng đáng kính như Dòng Tên không thể ủng hộ phá thai.

Nhà xuất bản Ignatius, được thành lập bởi Cha Joseph Fessio, một linh mục Dòng Tên vừa cho ra mắt cuốn “Jesuit At Large: Essays and Reviews of Paul V. Mankowski, SJ” nghĩa là “Dòng Tên Tổng Lược: Những Bài Khảo Luận Và Phê Bình Của Paul V. Mankowski, SJ” trong đó Cha Paul Mankowski, cũng là một linh mục Dòng Tên lên tiếng bênh vực cho nhà Dòng và nêu đích danh những thành phần bất lương phản bội lại Dòng Tên trong mưu toan biến đảng Dân Chủ Mỹ thành đảng phá thai.

Cuốn sách gây nên một phản ứng tức giận từ nhiều phía. Ngay cả cựu thủ tướng Úc là ông Tony Abbott cũng lên tiếng.

Trong chương trình hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em các bài nhận định của cựu thủ tướng Úc Tony Abbott, và Tiến Sĩ George Weigel, người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

1.Nhận định của cựu thủ tướng Úc Tony Abbott

Cựu thủ tướng Úc Tony Abbott sinh ngày 4 tháng 11 năm 1957. Ông giữ chức thủ tướng thứ 28 của Úc từ năm 2013 đến năm 2015, và là lãnh đạo Đảng Tự do của Úc.

Ông sinh tại ở London, Anh quốc, có mẹ là người Úc và cha là người Anh, và chuyển đến Sydney năm 2 tuổi. Ông học kinh tế và luật tại Đại học Sydney, và sau đó theo học Đại học Nữ hoàng, Oxford, nghiên cứu về Triết học, Chính trị và Kinh tế. Sau khi tốt nghiệp Oxford, Abbott trở về Úc và nói với gia đình về ý định theo đuổi chức linh mục. Năm 1984 ở tuổi 26, ông vào Chủng viện St Patrick, ở Manly. Ông Abbott đã không hoàn thành chương trình học của mình tại chủng viện, rời nhà trường vào năm 1987 để tham gia vào đời sống chính trị.

Trong một diễn biến đáng chú ý, nhà xuất bản Ignatius do linh mục Dòng Tên Joseph Fessio thành lập và điều hành vừa cho ra mắt cuốn Jesuit at Large của linh mục Dòng Tên Paul Mankowski. Trong cuốn sách, Cha Paul Mankowski cáo buộc linh mục Robert Drinan, tu sĩ Dòng Tên người Mỹ, đã ra tranh cử Hạ Viện Hoa Kỳ và làm Dân biểu từ năm 1971 đến 1981, với hai chủ trương chính là chống chiến tranh Việt Nam và phò phá thai.

Nhân dịp này, ngày 10 tháng Giêng, cựu thủ tướng Úc Tony Abbott đã viết một bài có nhan đề “American Jesuit”, nghĩa là “Dòng Tên tại Hoa Kỳ”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Khoảng một thập kỷ trước, khi ngài một lần nữa bị từ chối để trở thành thành viên đầy đủ của dòng Tên, tôi hỏi Cha Paul Mankowski tại sao ngài không theo đuổi chức linh mục của mình trong một khung cảnh nơi ngài sẽ được đánh giá cao hơn — chẳng hạn như Tổng giáo phận Sydney, khi đó do Đức Hồng Y George Pell cai quản. Như câu trả lời của ngài đã chỉ ra, câu hỏi của tôi đã hoàn toàn bỏ sót điểm đáng chú ý của cuộc đời ngài. Ơn gọi của ngài là trở thành một tu sĩ Dòng Tên Hoa Kỳ. Mục tiêu của ngài không phải để được đồng nghiệp ca ngợi hoặc để thoả mãn cá nhân. Đó là thực hiện nghĩa vụ của mình đối với Thiên Chúa bằng cách phục vụ một cách quên mình một Nhà Dòng hiếm khi che giấu sự khinh bỉ đối với ngài.

Bị sốc trước cái chết không đúng lúc của ngài vào tháng 9 năm 2020, bạn bè và những người ngưỡng mộ Cha Mankowski kể từ đó đã tìm cách kỷ niệm người đàn ông họ yêu mến, và tưởng nhớ cuộc đời phục vụ gương mẫu của ngài. Jesuit at Large, một bộ sưu tập các bài tiểu luận và bài phê bình của ngài — một số bài trong số đó được xuất bản lần đầu trên tạp chí First Things — do người bạn của ngài và đôi khi cũng là cộng tác viên, George Weigel, biên tập, là nỗ lực mới nhất của họ, nhưng đó không phải là nỗ lực cuối cùng của họ. Nó kích thích sự ao ước của chúng ta muốn có thêm hiểu biết về tính cách của người đàn ông tiên tri này.

Tôi không thể nghĩ có ai khác lại có thể tự tin tiến ra trước xu hướng thời đại trong những thời điểm đó: thể chất mạnh mẽ, ý chí kiên cường, tinh thần mạnh mẽ, trí tuệ quyết liệt, và cá tính khiêm tốn, nhưng cực kỳ tự tin vào sứ mệnh của Giáo Hội và vào Dòng của chính mình. —Thực tế, ngài tự tin hơn nhiều so với các nhà lãnh đạo của Nhà Dòng. Ngài sẽ vui lòng làm một Tông đồ giữa những kẻ ngoại đạo và là người đầy tớ cho các tín hữu (vì thực sự ngài có nhiều khả năng khác nhau, kể cả với tư cách là tuyên úy ở Jordan). Không ai được trang bị tốt hơn cho một cuộc sống với các nhân đức anh hùng — tuy nhiên ngài thường bị chính những đồng nghiệp của mình từ chối vì ngài không chấp nhận thái độ thoả hiệp khập khiễng của họ với một thế giới mà lẽ ra họ phải hoán cải.

Cha Phaolô là một người viết rất nhiều —các bức thư, tiểu phẩm, và các phản bác châm biếm cũng như các bài tiểu luận và các bài báo. Những điều này thường được xuất bản ẩn danh, bởi vì các cấp trên Dòng Tên của ngài đã cấm ngài viết dưới tên riêng của mình. Mặc dù vậy, bộ sưu tập này, quan trọng và đáng giá, hầu như không làm trầy xước bề mặt sở thích và sự uyên bác của ngài. Về cơ bản, mỗi tác phẩm phản ánh sự phản đối căn bản của ngài đối với chủ trương của Dòng Tên và nói chung là của Giáo Hội Tây phương theo đó các tôi tớ tuyên tín của Thiên Chúa đã bị gạt từ việc cử hành các Thánh lễ và ban phát các phép bí tích khác đầy đức tin sang các hình thái dịch vụ xã hội đúng đắn về mặt chính trị.

Có một nỗi thống thiết đối với những bài luận này. Cho dù đó là “Những cố gắng thuần hóa trong Đời sống Giáo sĩ,” các bề trên tôn giáo có mục đích chính là tránh làm chao đảo con thuyền hoặc cố chấp theo đuổi lập trường hơn là rao giảng Phúc Âm; hay các nữ tu cực đoan và thần học về tình dục của họ trong “Điều tôi thấy ở Học viện Tôn giáo Hoa Kỳ”, chủ đề cơ bản là sự thất vọng của Cha Phaolô trước việc đi sai hướng trong đời sống tôn giáo. Đối với Cha Phaolô, một trong những thủ phạm cao cấp là cố Linh mục Robert Drinan, tu sĩ Dòng Tên người Mỹ, người đã trải qua một thập kỷ tại Quốc hội Hoa Kỳ trong tư cách là một người bạn cánh tả của phe phò phá thai: theo suy nghĩ của Cha Phaolô, làm sao một linh mục được thụ phong lại có thể nghĩ dù chỉ một thoáng qua là được bầu vào chức vụ công quyền xứng đáng hơn là ban phát các phép bí tích, và làm thế nào một tu sĩ Dòng Tên khấn trọn lại có thể kết hợp việc quảng bá đức tin với chủ trương xã hội cánh tả?

40 trang cuối cùng của bộ sưu tập bao gồm “hồ sơ Drinan”, phần lớn là tường thuật của Cha Phaolô về sự qua lại giữa Cha Drinan, và giám tỉnh Dòng Tên của linh mục ấy và vị bề trên tổng quyền Dòng Tên lúc bấy giờ về việc liệu việc ứng cử chính trị của Drinan có được sự chấp thuận của Giáo Hội hay không. Với sự đồng ý của nhân viên lưu trữ Dòng Tên, Cha Phaolô đã nghiên cứu các hồ sơ của Dòng Tên, sau đó ngài đã sẵn sàng công bố. Điều hiển nhiên là đã có sự lừa dối và sự che dấu của hai tu sĩ dòng Tên cao cấp người Mỹ, cộng với sự yếu kém và xuề xòa của bề trên tối cao của họ. Phần thưởng dành cho Cha Phaolô đối với việc tố cáo này là nhiều thập kỷ bị tẩy chay, bị quy chụp là đã vi phạm “tính bảo mật”. Đương nhiên, lệnh trù dâp của Nhà Dòng đã được che đậy trong cáo phó chính thức của Dòng Tên dành cho ngài, trong đó, giữa những điều nhạt nhẽo vô vị, có ghi nhận bất ngờ rằng ngài “có những khác biệt về thần học, triết học và chính trị với nhiều anh em Dòng Tên của ngài và, đôi khi, cả với cấp trên”.

Mặc dù những bài luận này, xứng đáng có lượng độc giả đông nhất có thể, đã có đầy đủ thông tin chi tiết và các hướng dẫn, nhưng cuộc đời của Cha Phaolô thậm chí còn mạnh mẽ hơn những lý lẽ của ngài. Nhiều người nên quen thuộc hơn với những lý lẽ ấy, bởi vì ngài đã nêu gương cho Giáo Hội tốt nhất và dũng cảm nhất. Không thể có chuyện dành thời gian cho ngài mà lại không được nâng cao tinh thần và tiếp thêm sinh lực. Ngài là bằng chứng sống cho thấy có thể trở thành một người đàn ông tốt cũng như một linh mục tốt, ngay cả trong những thời điểm khó căng thẳng nhất này. Khi chúng tôi cùng là sinh viên tại Đại học Oxford, tôi đã tham gia câu lạc bộ quyền anh theo sự thúc giục của ngài, về cơ bản là để dành nhiều thời gian hơn cho anh chàng Kitô hữu vai u thịt bắp tuyệt đỉnh này. Nơi Cha Phaolô, ít nhất ta có một cái nhìn thoáng qua về “Chúa Kitô, anh trai tôi”. Phần lớn nhờ vào nguồn cảm hứng của ngài, sau Oxford, tôi đã trải qua ba năm trong trường dòng trước khi nhận ra rằng đức tin vào các tôi tớ của Chúa không hoàn toàn giống với đức tin vào chính Chúa. Tuy nhiên, đó là một sự khởi đầu.

Phần giới thiệu tiểu sử của Weigel trích dẫn lá thư của Cha Phaolô gửi cho một thanh niên đã hỏi về việc gia nhập Dòng Tên. Bất chấp mọi thứ đã xảy ra, Cha Phaolô nói:

Nếu tôi phải làm lại tất cả... Tôi sẽ vào Dòng Tên vào ngày mai... (bởi vì) có lợi thế khi thuộc về (ngay cả) một dòng băng hoại và phần lớn là phá đổ.... Đầu tiên... là những người đàn ông chính thống mà bạn gặp, họ chính thống vì lý do đúng đắn: bởi vì họ tin rằng đó là sự thật, không phải vì đó là một động thái nghề nghiệp khôn ngoan.... Họ là những người đàn ông xuất sắc; tốt hơn ở bất kỳ mức độ nào so với những gì tôi xứng đáng có được với tư cách là bạn bè... người sẽ không rời bên bạn khi có vẻ như bạn đang đánh một trận thua.... Lời khấn dòng Tên... nói “Và như Ngài đã ban cho con ước muốn được phục vụ Ngài, thì cũng hãy ban cho con ân sủng để hoàn thành điều đó.” Ngài thực hiện.

Cha Paul Mankowski xứng đáng có một tiểu sử đầy đủ. Để làm cho niềm tin trở nên sống động đối với một khán giả phương Tây hoài nghi, khó có thể có một chủ đề nào tốt hơn; và, trong người bạn của cha ấy, khó có một tác giả nào tốt hơn là George Weigel, người viết tiểu sử của Thánh Gioan Phaolô II,. Vì vậy, quay lại với bạn, George — còn nhiều việc phải làm.
Source:First Things
2. Nhạn định của Tiến sĩ George Weigel

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nhân dịp ra mắt cuốn sách “Jesuit At Large: Essays and Reviews of Paul V. Mankowski, SJ” nghĩa là “Dòng Tên Tổng Lược: Những Bài Khảo Luận Và Phê Bình Của Paul V. Mankowski, SJ”, trên tờ First Things, ông có bài viết nhan đề “The Mighty Pen Of Father Paul Mankowski, S.J.”, hay “Ngòi Bút Mạnh Mẽ Của Linh Mục Dòng Tên Paul Mankowski”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.



Vào mùa hè trước khi Công đồng Vatican II khai mạc, Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đã gặp gỡ Đức Hồng Y Léon-Joseph Suenens tại dinh thự mùa hè của Giáo Hoàng tại Castel Gandolfo. “Tôi biết phần của tôi trong Công Đồng sẽ như thế nào,” Đức Giáo Hoàng nói với vị Tổng Giám Mục người Bỉ. “Tôi sẽ phải chịu đựng.” Đức Giáo Hoàng Gioan là người đã biết trước, và không chỉ vì những tuần lễ khai mạc của Công đồng sẽ gây tranh cãi; không lâu trước khi Công đồng Vatican II bắt đầu công việc, vị Giáo Hoàng được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư đau đớn sẽ giết chết ngài trong vòng chưa đầy một năm.

Khi Paul Mankowski, đang hoàn thành sự nghiệp đại học xuất sắc tại Đại học Chicago và đang mong đợi các nghiên cứu sau đại học và một cuộc sống hôn nhân viên mãn, bất ngờ anh nhận được lời kêu gọi từ Đấng Tối Cao từ bỏ kế hoạch của mình và gia nhập Dòng Tên, tôi không nghĩ anh ấy đã tưởng tượng rằng vai trò của mình trong Dòng Tên sẽ là phải chịu đựng: trong, vì, và cho cộng đồng mà anh đã trải qua 44 năm với tư cách là tập sinh, linh mục, học giả, và là dấu chỉ mâu thuẫn. Người đàn ông đã trở thành Cha Mankowski, SJ, rất cứng rắn, và là một cựu võ sĩ quyền anh, cha ấy biết rõ cách chịu đòn. Nhưng ngài không phải là một kẻ thích thú với những đau đớn, và ngài không cố ý tìm kiếm sự đau khổ. Nó đến với ngài, và ngài đã chịu đựng nó, vì cùng một lý do mà Đức Gioan XXIII đã chấp nhận đau khổ của mình: Đó là vì lợi ích của một điều tốt đẹp hơn và một vinh quang lớn hơn - vinh quang của Thiên Chúa.

Cái chết của Cha Mankowski vào tháng 9 năm 2020 là một nỗi kinh hoàng không lường trước được sau một năm chịu nhiều đòn đau. Chúng tôi đã nói chuyện qua điện thoại và trao đổi qua e-mail với mức độ thường xuyên đã đánh dấu tình bạn của chúng tôi trong ba thập kỷ; Tôi và bất kỳ người bạn nào khác của ngài đều không lường trước được rằng, khi Cha Paul Mankowski, 66 tuổi, ngồi vào ghế nha sĩ vào ngày 3 tháng 9 năm 2020, ngài sẽ ngã quỵ vì chứng phình động mạch não. Vài ngày sau, vẫn chưa thể hiểu được sao cha ấy đã ra đi một cách đột ngột như vậy, một suy nghĩ nảy ra trong tôi: Một số bài viết của Cha Mankowski nên được tập hợp lại thành một tuyển tập để những người khác có thể biết về tác giả đầy linh hứng này, cái nhìn sâu sắc, và không kém phần hóm hỉnh của ngài. Những người bạn của tôi tại nhà xuất bản Ignatius cũng đồng ý như vậy. Và nhờ công việc tốt của họ, Jesuit at Large: Essays and Reviews của Paul V. Mankowski, SJ mới được xuất bản cùng với phần giới thiệu tiểu sử của tôi.

Một số bài tiểu luận được sưu tầm đưa chúng ta đi sâu vào các cuộc chiến phụng vụ, đáng tiếc, đã một lần nữa bùng lên trong Giáo Hội. Là một nhà kinh điển được đào tạo, người hiểu rõ một số bản dịch các bản văn Thánh lễ sang tiếng địa phương tệ hại như thế nào, Cha Paul Mankowski đã cử hành cả hai hình thức của Nghi thức Rôma với lòng tôn kính và hân hoan. Ngài cũng có thể nói rõ tại sao vị linh mục cử hành lại là người tôi tớ cho phụng vụ, chứ không phải chủ nhân của nó — và tại sao thứ phụng vụ tự biên tự diễn lại là một hành vi xúc phạm đến Thiên Chúa và là một thực hành đáng ghét và cao ngạo trong chủ nghĩa giáo sĩ.

Có lẽ chỉ có Cha Paul Mankowski mới có thể giải thích sự bất đồng chính kiến với thông điệp Humanae Vitae – Sự Sống Con Người - và giáo huấn của thông điệp ấy về các phương tiện phù hợp luân lý để điều hoà sinh sản trong hôn nhân đã làm băng hoại đời sống thánh hiến của những người không kết hôn. Và không ai có thể xiên lại với nhau những ngớ ngẩn của các phường hội trí thức đương thời như Cha Mankowski. Một trong những bài luận trong Jesuit at Large, “Điều tôi thấy ở Học viện Tôn giáo Hoa Kỳ”, vừa mang tính hài hước vừa là một cuộc mổ xẻ khoa học về đời sống trí thức ngày nay, được viết nhiều thập kỷ trước khi “woke” – “thức tỉnh” - trở thành một phần của từ vựng quốc gia.

Là một nhà phê bình sách, Cha Paul Mankowski không có đồng nghiệp: khi được thông tin sâu sắc về chủ đề của một cuốn sách nhất định (cho dù là tiểu sử văn học hoặc phân tích Kinh Qur'an, một cuốn tiểu thuyết ngớ ngẩn của Norman Mailer hoặc một nghiên cứu khoác lác về Chúa Giêsu của AN Wilson); ngài viết vô cùng dí dỏm; và với một văn phong tạo nên sự khác biệt. Trong bài đánh giá về Evelyn Waugh: A Life Revisited của Philip Eade, ngài đã viết rằng “trong độ tuổi từ mười lăm đến mười bảy, [Waugh] đã có được khả năng thông thạo văn xuôi tiếng Anh gần như thành thục một cách kỳ lạ [và] trong suốt quãng đời còn lại của mình, ông có hết mọi thứ chỉ thiếu khả năng viết một câu nhàm chán”. Tôi không biết ngài có được kỹ năng này ở độ tuổi nào, nhưng điều tương tự có thể nói về Cha Paul Mankowski, người có những câu nói vừa lấp lánh vừa hướng đạo.

Cha Mankowski sẽ còn đạt được nhiều hơn thế nữa nếu các bề trên của ngài không ngăn cản ngài xuất bản trong nhiều năm. Quyết định đó đã tước đi một trong những cây bút mạnh mẽ nhất của thế giới Công Giáo nói tiếng Anh. Tôi hy vọng rằng Jesuit at Large sẽ giúp nhiều người trong số những người bị tước đoạt như vậy khám phá ra một trong những linh hồn sáng chói nhất và những người con cao quý nhất của Giáo Hội Hoa Kỳ, vào ngày kỷ niệm đầu tiên ngài qua đời trong Chúa Giêsu Kitô.
Source:First Things