ĐHY Parolin nói về quan hệ Vatican - VN, TQ. Các Giám Mục thế giới cảnh báo tình trạng lầm lạc ở Đức

Tin thế giới

Tin thế giới

Hiệp định đã được gia hạn một lần thử nghiệm và cho đến nay đã có 6 giám mục được bổ nhiệm với sự thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Nhà Nước Trung Quốc. Năm nay sẽ quyết định có gia hạn thêm hay không.
1. Đức Hồng Y Parolin hy vọng có thể thay đổi hiệp định với Trung Quốc

Ngày 01 tháng Mười năm nay là hết hạn hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục và Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh hy vọng có thể thay đổi hiệp định này.



Hiệp định đã được gia hạn một lần thử nghiệm và cho đến nay đã có 6 giám mục được bổ nhiệm với sự thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Nhà Nước Trung Quốc. Năm nay sẽ quyết định có gia hạn thêm hay không.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Acistampa ở Ý, Đức Hồng Y Parolin cho biết nội dung hiệp định được bảo mật, và ngài không giải thích thêm, đồng thời nói rằng đại dịch đã làm cho cuộc đối thoại giữa Tòa Thánh và Trung Quốc bị gián đoàn và giờ đây, hai bên tìm cách mở lại các cuộc đối thoại một cách cụ thể, với những cuộc gặp gỡ mà Đức Hồng Y hy vọng sớm diễn ra, trong đó hai bên suy tư về những kết quả của hiệp định và nếu phải xác định rõ hơn, duyệt lại một số điểm.

Về tương quan với Việt Nam, Đức Hồng Y Parolin cho biết vẫn có những tiếp xúc và phái đoàn Tòa Thánh sắp đi Việt Nam, đồng thời nói thêm rằng: “Chúng tôi đang làm việc theo phương pháp đã được củng cố về những tương quan và đối thoại. Sau khi bổ nhiệm một đại diện Tòa Thánh không thường trú ở Việt Nam, nay phải tiến tới một bước tiến nữa, đó là có một vị đại diện Tòa Thánh thường trú tại Việt Nam.

Ký giả Andrea Gargliarducci, người phỏng vấn Đức Hồng Y Parolin, nhận xét rằng một trong các đặc điểm của chính sách ngoại giao của Tòa Thánh là không theo một phe chính trị nào, nhưng cổ võ đối thoại và dành ưu tiên cho thiện ích của dân chúng, hơn là những lợi lộc về địa lý chính trị.
Source:National Catholic Register

2. Đức Giáo Hoàng có thể sẽ gặp gỡ Kirill tại Giêrusalem

Vatican đang nghiên cứu khả năng kéo dài chuyến đi của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Li Băng vào tháng 6 để ngài có thể bay đến Giêrusalem để gặp Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill, người đã ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Nếu điều đó đó xảy ra, đây sẽ là cuộc gặp thứ hai của hai vị. Cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Cuba vào năm 2016, là lần đầu tiên giữa một giáo hoàng và một nhà lãnh đạo của Giáo Hội Chính thống giáo Nga kể từ khi cuộc đại ly giáo chia rẽ Kitô giáo thành các nhánh Đông phương và Tây phương vào năm 1054.

Kirill, 75 tuổi, đã chúc lành cho cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, một quan điểm đã chia rẽ Giáo hội Chính thống giáo trên toàn thế giới và gây ra một cuộc nổi loạn nội bộ mà các nhà thần học và học giả cho là chưa từng có.

Các nguồn tin giấu cho biết kế hoạch là vị giáo hoàng 85 tuổi, sẽ đến Li Băng trong hai ngày 12 và 13 tháng 6, trước khi bay đến Amman, Jordan vào sáng ngày 14 tháng 6.

Từ đó, Đức Thánh Cha sẽ đáp trực thăng đến Giêrusalem vào cùng ngày cho cuộc gặp với Kirill và sau đó quay trở lại Rôma từ Giêrusalem.

Một nguồn tin cho biết chuyến đi dường như là chắc chắn, trong khi nguồn tin khác nói rằng đó vẫn còn là một khả năng, tùy theo từ đây đến đó Kirill sẽ nói những gì và cuộc chiến tại Ukraine sẽ diễn tiến ra sao.

Trở về sau chuyến đi đến Malta vào tuần trước, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài hy vọng sẽ gặp Kirill ở đâu đó trong vùng Trung Đông trong năm nay nhưng không nói ở đâu.

Hôm Chúa Nhật, Ông Kirill đã kêu gọi người Nga tập hợp xung quanh nhà độc tài Putin khi Mạc Tư Khoa theo đuổi cái mà họ gọi là “cuộc hành quân đặc biệt” ở Ukraine.

Giáo chủ Kirill trước đây đã đưa ra những tuyên bố bảo vệ các hành động của Mạc Tư Khoa ở Ukraine và coi cuộc chiến như một bức tường thành chống lại một nền văn hóa phương Tây tự do mà ông cho là suy đồi.

Hãng thông tấn Interfax dẫn lời ông Kirill nói trong một bài giảng ở Mạc Tư Khoa: “Xin Chúa giúp chúng ta đoàn kết trong thời điểm khó khăn này đối với Tổ quốc của chúng ta, và tập hợp xung quanh các nhà chức trách”.

Nga đã gửi hàng trăm nghìn quân vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2 để làm suy giảm khả năng quân sự của nước láng giềng phía nam và loại bỏ những người mà nước này gọi là những người theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm.

Đức Phanxicô đã bác bỏ thuật ngữ đó, gọi nó là một cuộc chiến.

Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, Đức Phanxicô chỉ đề cập đến Nga một cách rõ ràng trong các buổi cầu nguyện, chẳng hạn như trong một sự kiện toàn cầu đặc biệt vì hòa bình vào ngày 25 tháng 3. Nhưng ngài đã thể hiện rõ sự phản đối của mình đối với các hành động của Nga, sử dụng các từ ngữ xâm lược, gây hấn và tàn bạo.

Hôm Chúa Nhật, Đức Giáo Hoàng kêu gọi đình chiến trong lễ Phục sinh ở Ukraine, và trong một liên hệ rõ ràng với Nga, đã đặt câu hỏi về giá trị của việc cắm một lá cờ chiến thắng “trên một đống đổ nát”.

Trong một diễn biến gây sửng sốt cho nhiều người, Kirill đã gọi cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine là một cuộc thánh thiện nhằm kìm hãm những kẻ chống Chúa.

Trước đó, Kirill đã cử hành một buổi lễ cầu nguyện cho binh lính Nga vào hôm Chúa Nhật 3 tháng Tư, trong đó ông kêu gọi họ bảo vệ đất nước của mình “vì chỉ có người Nga mới có thể” bảo vệ được nước Nga.

Tại Nhà thờ Chính của Lực lượng Vũ trang được trang hoàng lộng lẫy được khai trương cách đây hai năm ở Kubinka, ngoại ô Mạc Tư Khoa, Thượng phụ Kirill nói với một nhóm quân nhân và nữ quân nhân rằng Nga là một quốc gia “yêu chuộng hòa bình” và đã phải hứng chịu nhiều thiệt hại do chiến tranh.

“Chúng tôi tuyệt đối không gây chiến hay làm bất cứ điều gì có thể gây tổn hại cho người khác”, Thượng Phụ Kirill, một đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin nói.

“Nhưng chúng ta đã được nuôi dưỡng trong suốt lịch sử của mình để yêu quê hương đất nước. Và chúng ta sẽ sẵn sàng bảo vệ nó, vì chỉ có người Nga mới có thể bảo vệ đất nước của mình”.

Sự ủng hộ của ông đối với cuộc can thiệp quân sự, trong đó hàng nghìn binh sĩ và dân thường Ukraine đã thiệt mạng, đã khiến một số người trong Giáo Hội Chính thống giáo trong nước cũng như các nhà thờ ở nước ngoài có liên hệ với Tòa Thượng phụ Moscow tức giận.

Lời tuyên bố của Thượng Phụ Kirill cho rằng Nga là quốc gia “yêu chuộng hòa bình” diễn ra trong bối cảnh thế giới bàng hoàng trước vụ thảm sát kinh hoàng ở thị trấn Bucha do quân Nga gây ra. Xác người nằm la liệt trên đường phố, tay bị trói giật ra sau và họ bị bắn đằng sau ót. Ít nhất 410 thi thể đã được tìm thấy. Nhiều người bị xô xuống hố chôn tập thể. Nhiều phụ nữ chết trần truồng chứng tỏ họ đã bị hiếp dâm trước khi bị giết chết.
Source:Reuters

3. Thư ngỏ Huynh đệ gửi Các Giám mục Anh em ở Đức

Hơn 70 giám mục từ khắp nơi trên thế giới đã công bố một “bức thư ngỏ trong tình huynh đệ” cho các giám mục của Đức cảnh báo rằng những thay đổi sâu rộng và liên tục đối với giáo huấn của Giáo hội được ủng hộ bởi cái được gọi là “Tiến Trình Công Nghị” có thể dẫn đến ly giáo.

Bức thư bày tỏ “mối quan tâm ngày càng tăng của chúng tôi về bản chất của toàn bộ Tiến Trình Công Nghị của Đức,” mà những người ký tên cho rằng đã dẫn đến sự lầm lạc và hoang mang về giáo huấn của Giáo hội và dường như tập trung nhiều hơn vào ý muốn của con người hơn là thánh ý của Thiên Chúa.

Ngày 11 tháng 4, 2022

Trong thời đại truyền thông hoàn cầu nhanh chóng, các biến cố ở một quốc gia chắc chắn sẽ tác động đến đời sống giáo hội ở các nơi khác. Do đó, tiến trình “Con đường Thượng hội đồng”, hiện đang được người Công Giáo ở Đức theo đuổi, có ý nghĩa đối với Giáo hội trên toàn thế giới. Điều này bao gồm các Giáo hội địa phương mà chúng tôi chăn dắt và nhiều tín hữu Công Giáo mà chúng tôi chịu trách nhiệm.

Trong bối cảnh trên, các biến cố ở Đức buộc chúng tôi phải bày tỏ mối quan tâm ngày càng tăng của chúng tôi về bản chất của toàn bộ diễn trình “Con đường Thượng hội đồng” của Đức và nội dung của các tài liệu khác nhau của nó. Các nhận định của chúng tôi ở đây cố ý ngắn gọn. Chúng là lý do xác đáng, và chúng tôi đặc biệt khuyến khích, cho việc khai triển chi tiết hơn (chẳng hạn Thư ngỏ gửi các Giám mục Công Giáo trên thế giới của Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila) từ các giám mục riêng lẻ. Tuy nhiên, tính cấp thiết của những nhận xét chung của chúng tôi bắt nguồn từ thư gửi tín hữu Rôma 12, và đặc biệt là lời cảnh cáo của Thánh Phaolô: Đừng tuân theo thế gian này. Và sự nghiêm trọng của các nhận xét này bắt nguồn từ sự mơ hồ mà Con đường Thượng hội đồng đã và tiếp tục gây ra, và tiềm năng dẫn đến ly giáo trong đời sống Giáo hội chắc chắn sẽ xẩy ra.

Nhu cầu cải cách và đổi mới cũng lâu đời như chính Giáo hội. Ở gốc rễ của nó, sự thôi thúc này là đáng ngưỡng mộ và không bao giờ nên sợ hãi. Nhiều người trong số những người tham gia vào tiến trình Con đường Thượng hội đồng chắc chắn là những người có nhân cách trổi vượt. Tuy nhiên, lịch sử Kitô giáo luôn rải rác đó đây những cố gắng có chủ đích tốt nhưng đánh mất nền tảng của chúng trong Lời Chúa, trong cuộc gặp gỡ trung thành với Chúa Giêsu Kitô, trong sự lắng nghe Chúa Thánh Thần thực sự, và trong việc bắt ý chí ta phục tùng thánh ý Chúa Cha. Những cố gắng thất bại này đã làm ngơ sự hợp nhất, kinh nghiệm và sự khôn ngoan tích lũy của Tin mừng và của Giáo hội. Vì chúng không lưu ý đến lời của Chúa Giêsu, “Ngoài Thầy ra, các con chẳng làm được gì” (Ga 15: 5), nên chúng đã vô hiệu và làm hư hại cả sự hiệp nhất và sức sống Tin Mừng của Giáo Hội. Con đường Thượng hội đồng của Đức có nguy cơ dẫn đến chính ngõ cụt như thế.

Với tư cách là giám mục anh em của anh em, mối quan tâm của chúng tôi bao gồm nhưng không giới hạn ở những điều sau:

1. Không lắng nghe Chúa Thánh Thần và Tin mừng, các hành động của Con đường Thượng hội đồng làm suy yếu tính khả tín của thẩm quyền Giáo hội, bao gồm cả thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng Phanxicô; nhân học và luân lý tình dục Kitô giáo; và tính đáng tin cậy của Kinh thánh.

2. Trong khi chúng biểu lộ một lớp gỉ các ý tưởng và từ vựng tôn giáo, các tài liệu về Con đường Thượng hội đồng Đức dường như phần lớn được truyền cảm hứng không phải từ Kinh thánh và Truyền thống – những nguồn, đối với Công đồng Vatican II, là “một kho tàng thiêng liêng duy nhất của Lời Chúa” - nhưng từ việc phân tích xã hội học và chính trị đương thời, bao gồm cả phái tính, các ý thức hệ. Chúng nhìn Giáo hội và sứ mệnh của Giáo hội qua lăng kính thế gian hơn là qua lăng kính những sự thật được mạc khải trong Kinh thánh và Truyền thống có thẩm quyền của Giáo hội.

3. Nội dung của Con đường Thượng hội đồng dường như cũng diễn giải lại, và do đó làm giảm đi, ý nghĩa của tự do Kitô giáo. Đối với Kitô hữu, tự do là kiến thức, sự sẵn lòng và khả năng làm điều đúng đắn. Tự do không phải là “quyền tự chủ”. Tự do chân chính, như Giáo hội dạy, gắn liền với chân lý và được sắp xếp cho sự tốt lành và cuối cùng là hạnh phước. Lương tâm không tạo ra sự thật, lương tâm cũng không phải là vấn đề của sở thích cá nhân hay sự tự khẳng định. Lương tâm được đào tạo đúng đắn của Kitô hữu luôn tuân theo sự thật về bản tính con người và các qui tắc sống công chính do Thiên Chúa mạc khải và được Giáo hội của Chúa Kitô dạy dỗ. Chúa Giêsu là sự thật, Đấng giải thoát chúng ta (Ga 8).

4. Niềm vui Tin Mừng - điều thiết yếu đối với đời sống Kitô hữu, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường nhấn mạnh - dường như hoàn toàn vắng bóng trong các cuộc thảo luận và văn bản của Con đường Thượng hội đồng, một thiếu sót đáng kể đối với nỗ lực tìm kiếm sự canh tân bản thân và giáo hội.

5. Diễn trình Con đường Thượng hội đồng, ở hầu hết mọi bước, là công việc của các chuyên gia và ủy ban: nặng tính bàn giấy, phê phán một cách đầy ám ảnh, và hướng nội. Do đó, bản thân nó phản ảnh một hình thức xơ cứng rộng rãi của Giáo hội và oái oăm thay, trở thành phản Tin mừng trong âm điệu. Trong hiệu quả của nó, Con đường Thượng hội đồng cho thấy sự phục tùng và vâng lời đối với thế gian và các ý thức hệ hơn là đối với Chúa Giêsu Kitô trong tư cách Chúa và là Đấng cứu thế.

6. Sự tập trung của Con đường Thượng hội đồng vào “quyền lực” trong Giáo hội gợi ý một tinh thần, trong căn bản, đi ngược lại bản chất thực sự của đời sống Kitô giáo. Cuối cùng, Giáo hội không chỉ đơn thuần là một “thể chế” mà là một cộng đồng hữu cơ; không bình đẳng nhưng có tính gia đình, bổ sung, và phẩm trật - một dân tộc được niêm phong với nhau bởi tình yêu của Chúa Giêsu Kitô và tình yêu dành cho nhau nhân danh Người. Việc cải cách các cơ cấu hoàn toàn không giống như việc cải tạo tâm hồn. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, như thấy trong Tin Mừng và trong cuộc đời của các thánh trong suốt lịch sử, đã thay đổi tâm hồn và trí óc, mang lại sự chữa lành, quay lưng lại với cuộc sống tội lỗi và bất hạnh, và chứng tỏ sức mạnh của Tin Mừng.

7. Vấn đề cuối cùng và cũng là vấn đề đau đầu nhất ngay lúc này với Con đường Thượng hội đồng Đức là một điều hết sức mỉa mai. Qua điển hình phá hoại của nó, nó có thể dẫn một số giám mục, và sẽ dẫn nhiều tín hữu giáo dân không tin tưởng vào chính ý niệm “tính thượng hội đồng”, do đó càng gây cản trở cho cuộc đối thoại cần thiết của Giáo Hội về việc hoàn thành sứ mệnh hoán cải và thánh hóa thế giới.

Trong thời kỳ mơ hồ hỗn độn này, điều cuối cùng mà cộng đồng đức tin của chúng ta cần cũng vẫn y nguyên. Khi anh em biện phân thánh ý của Chúa đối với Giáo hội ở Đức, anh em hãy yên tâm chúng tôi sẽ cầu nguyện cho anh em.