ĐTC tiếp cha Maccalli, vừa được tự do sau hai năm bị bắt cóc ở châu Phi

ĐTC tiếp cha Pierluigi Maccalli

ĐTC tiếp cha Pierluigi Maccalli

Ngày 9/11 vừa qua Đức Thánh Cha đã gặp cha Pierluigi Maccalli, nhà truyền giáo người Ý bị bắt cóc tại Niger vào năm 2018 và được trả tự do tại Mali vào tháng trước. Đối với cha Maccali, đây là cuộc gặp gỡ tuyệt vời. Đức Thánh Cha nói với cha Maccalli rằng rằng Giáo hội đã nâng đỡ cha, nhưng cha cũng đã nâng đỡ Giáo hội.
Chia sẻ với Vatican News, cha Maccali, 59 tuổi, cho biết, khi chào cha, Đức Thánh Cha không chỉ bắt tay nhưng còn hôn tay cha. Đây là một cử chỉ mà cha Maccalli không ngờ tới.

Cha Maccali thuộc Hội Truyền giáo châu Phi, bị bắt cóc tại giáo xứ của cha ở miền tây nam Niger, gần biên giới với Burkina Faso, vào đêm 17/9/2018.

Giáo hội đã nâng đỡ cha, nhưng cha cũng đã nâng đỡ Giáo hội

Cha miêu tả cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha rất là tuyệt vời. “Tôi đã rất xúc động khi nói với Đức Giáo hoàng về những gì tôi đã trải qua và phó thác vào lời cầu nguyện của ngài, trên hết, những cộng đoàn mà tôi đã đến và hiện đã không có sự hiện diện của một nhà truyền giáo, một linh mục trong hơn hai năm.” Cha xin Đức Thánh Cha cầu nguyện cho Giáo hội Công giáo tại Niger và ngài đã lắng nghe rất chăm chú. Nhà truyền giáo đã cảm ơn Đức Thánh Cha đã cầu nguyện cho cha, và cảm ơn những người tham gia vào việc phóng thích cho ngài. Đức Thánh Cha đã trả lời rằng Giáo hội đã nâng đỡ cha, nhưng cha cũng đã nâng đỡ Giáo hội.

Những giọt nước mắt tưới gội miền đất khô cằn của những con tim thù hận

Cha Maccali cho biết trong hai năm bị cầm tù, cha đã khóc rất nhiều; những giọt nước mắt, cha miêu tả, như là “lương thực” và lời cầu nguyện “khi cha không biết nói gì”. Cha dâng những giọt nước mắt cho Chúa “để tưới gội miền đất truyền giáo khô cằn, cả miền đất khô cằn của những con tim thù hận, gây nên chiến tranh và bạo lực”.

Bình an, sự tha thứ và tình huynh đệ

Theo cha, sa mạc nhắc nhở cha về điều thiết yếu: “Ở đó bạn nhận ra rằng điều quan trọng là có nước uống, có gì đó để ăn, ngay cả khi phải ăn hàng ngày cùng một loại thực phẩm, hành tây và đậu lăng và cá mòi.” Cha nói tiếp: “Nhưng bạn thấy rằng không phải là những món ăn ngon làm nên bản chất. Đó cũng là cách thức trong đời sống thiêng liêng: điều quan trọng là bình an, sự tha thứ và tình anh em, và với tư cách là một nhà truyền giáo, tôi càng cảm thấy được thúc đẩy trở thành nhân chứng của hòa bình, tình anh em và sự tha thứ, hôm nay và luôn luôn”. 

Tác giả bài viết: Hồng Thủy