ĐTGM thư ký của Đức Bênêđíctô phải vào bệnh viện. Tổng thống Trump được đề cử giải Nobel hòa bình

TT. Trump

TT. Trump

Một nhóm giáo dân của giáo xứ nhà thờ chính tòa đã phát hiện ra nhà tạm ở Công viên Centennial, nằm gần ngôi nhà thờ lớn này. Nhà tạm bị ngập một phần trong một con kênh, và bánh thánh trong bình đựng Mình Thánh Chúa đã bị mất.

1. Thư ký riêng của Đức Bênêđíctô XVI phải vào bệnh viện vì suy thận

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, 64 tuổi, thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã phải vào bệnh viện vì “các vấn đề nghiêm trọng về thận”. Những nguồn tin thân cận với Đức Bênêđíctô XVI nói với CNA Deutsch vào ngày 11 tháng 9.


Ngoài vai trò thư ký cho Đức Giáo Hoàng danh dự, Đức Tổng Giám Mục Gänswein còn là người đứng đầu phủ giáo hoàng.

Tháng 6 vừa qua, ngài đã tháp tùng Đức Bênêđíctô XVI đến Regensburg để thăm bào huynh của Đức Giáo Hoàng danh dự bị bệnh nặng và qua đời chỉ vài ngày sau đó.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein sau đó đã đại diện cho Đức Giáo Hoàng Danh dự tại đám tang của anh ngài vào ngày 8 tháng 7.
 


Source:Aleteia

2. Nhà thờ chính tòa Ontario tìm lại được nhà tạm sau vụ trộm

Nhà tạm của nhà thờ chính tòa Thánh Catherine thành Alexandria ở thành phố St. Catharines, Ontario đã được tìm thấy sau một ngày bị đánh cắp.

Một nhóm giáo dân của giáo xứ nhà thờ chính tòa đã phát hiện ra nhà tạm ở Công viên Centennial, nằm gần ngôi nhà thờ lớn này. Nhà tạm bị ngập một phần trong một con kênh, và bánh thánh trong bình đựng Mình Thánh Chúa đã bị mất.

Theo các phương tiện truyền thông địa phương, Thánh Thể không được tìm thấy trong nhà tạm, nhưng vì bị ngập nước nên có thể đã tan biến.

Mình Thánh Chúa một khi tan rã trong nước không được coi là bánh thánh đã được thánh hiến.

Sau Thánh lễ chiều Thứ Tư, có người đến cửa nhà xứ với một trong hai cánh cửa bằng đồng của nhà tạm. Người đàn ông này nói rằng anh ta đã được một người đàn ông khác ở Công viên Centennial tặng cho cánh cửa này trên đường phố.

Nhà tạm có hai cánh cửa, và cánh cửa kia vẫn chưa được tìm thấy.

Nhà tạm được tìm thấy một ngày sau khi Đức Cha Gerard Bergie, Giám Mục giáo phận St. Catharines đưa ra lời kêu gọi công khai về việc hoàn trả lại nhà tạm. Ngài nói rằng “sẽ không ai đặt bất cứ câu hỏi nào” nếu nhà tạm được mang trả lại. Đức Cha Bergie cũng lưu ý rằng nhà tạm này chỉ được làm bằng thép, chứ không phải bằng vàng, và có đem bán cũng không thu được bao nhiêu tiền.

Đoạn video an ninh của nhà thờ ghi lại cảnh hai người, một nam một nữ, đã đột nhập vào ngôi thánh đường vào khoảng 4h30 sáng ngày thứ Ba 8 tháng 9.

Cha Donald Lizzotti, cha sở của nhà thờ chính tòa, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng ngài tin rằng những tên trộm trước đó đã cạy cửa nhà thờ để xác định cách lấy trộm nhà tạm.

“Và họ quay lại sau đó và thực sự cạy nắp, bên trên nhà tạm đã cũ và làm bằng kim loại. Họ cạy nhà tạm ra và đặt trên sàn nhà. Họ lấy một cánh cửa nhà tạm bằng đồng ra khỏi đó, và sau đó quyết định lấy toàn bộ nhà tạm đi”.

Cha Lizzotti nói với CNA rằng cảnh sát không thể tìm thấy dấu vân tay và họ tin rằng những tên trộm này thuộc loại trộm chuyên nghiệp đã xóa sạch hiện trường.

Nhà thờ trước đây đã từng bị nhiều vụ trộm cắp và các hành vi phá hoại, trong đó có vụ trộm hai trụ đèn cầy bằng đồng vào năm 2019. Các trụ đèn đã được thu hồi sau khi bọn trộm định bán chúng cho một vựa phế liệu.

Không có nghi phạm nào được xác định trong vụ trộm nhà tạm hôm thứ Ba.


Source:Catholic News Agency

3. Hỏa hoạn lại bùng lên lần thứ hai tại cảng Beirut

Trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Sáu 11 tháng 9, Đức Hồng Y Bechara Boutros al-Rahi, là Đức Thượng Phụ thành Antiôkia của Công Giáo nghi lễ Maronite bày tỏ sự âu lo của ngài trước vụ hỏa hoạn kinh hoàng thứ hai diễn ra tại cảng Beirut một ngày trước đó.

Một ngọn lửa đã bùng lên tại địa điểm xảy ra vụ nổ kinh hoàng tại Beirut, buộc mọi người phải tháo chạy tán loạn khỏi khu vực vì lo sợ về một vụ nổ khác. Trực thăng của quân đội vần vũ trên bầu trời trong cố gắng dập tắt trận hỏa hoạn kinh hoàng, trong khi còi báo động vang lên trong thành phố như thể quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh.

Khói từ đám cháy lan tỏa khắp các văn phòng và nhà dân xung quanh thành phố khi nó bùng cháy trong ít nhất năm giờ.

Vụ hỏa hoạn xảy ra một tháng sau khi một vụ nổ hôm 4 tháng 8, tàn phá Cảng Beirut khiến ít nhất 190 người thiệt mạng và hơn 6000 người bị thương.

Vụ việc làm dấy lên những lo ngại về an toàn đối với cảng, với những nghi ngờ rằng đây là sản phẩm của sự bất lực của chính phủ.

Li Băng đang đối mặt với một thời gian hết sức khó khăn.

Hàng trăm nghìn người có nhà cửa và cuộc sống của họ bị phá hủy bởi vụ nổ hôm 4 tháng 8 tại một nhà kho chứa 2, 750 tấn ammonium nitrate

Đất nước đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất với hàng triệu việc làm bị mất, người dân bị cắt lương và tiền tiết kiệm biến mất.

Đây là thời khắc nguy hiểm cho quốc gia này.


Source:Sky News Australia

4. Tổng thống Trump được đề cử giải Nobel Hòa bình sau hiệp định Israel và Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất

Tổng thống Trump đã được đề cử Giải Nobel Hòa bình vì đã giúp môi giới một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Fox News đưa tin rằng Christian Tybring-Gjedde, thành viên Quốc hội Na Uy và là Chủ tịch Hội đồng Nghị viện NATO, đã đệ trình việc đề cử này.

“Vì công lao của ông ấy, tôi nghĩ ông ấy đã cố gắng kiến tạo hòa bình giữa các quốc gia nhiều hơn so với hầu hết những người được đề cử Giải Hòa bình khác,” Tybring-Gjedde nói với Fox News.

Trong lá thư gửi Ủy ban Nobel, Tybring-Gjedde viết rằng chính quyền Trump đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập quan hệ giữa hai quốc gia.

“Theo dự kiến các nước Trung Đông khác sẽ theo bước chân của Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất, thỏa thuận này có thể là một thay đổi lớn biến Trung Đông thành một khu vực hợp tác và thịnh vượng,” ông viết trong lá thư đề nghị.

Tybring-Gjedde cũng trích dẫn “vai trò quan trọng của tổng thống Trump trong việc tạo điều kiện tiếp xúc giữa các bên xung đột và… tạo ra động lực mới trong các cuộc xung đột kéo dài khác, chẳng hạn như tranh chấp biên giới Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan, và xung đột giữa Bắc và Nam Hàn, cũng như đối phó với khả năng hạt nhân của Bắc Hàn.”

Và ông ca ngợi tổng thống đã rút một số lượng lớn lực lượng Hoa Kỳ khỏi Trung Đông.

“Tổng thống Trump đã phá vỡ kỷ lục trong 39 năm qua của các Tổng thống Mỹ là những người đã từng khởi đầu chiến tranh hoặc đưa Hoa Kỳ vào một cuộc xung đột vũ trang quốc tế. Tổng thống cuối cùng tránh làm như vậy là Jimmy Carter, người đoạt giải Hòa bình.”

Tổng thống Trump hồi tháng trước đã đưa ra tuyên bố về thỏa thuận hòa bình lịch sử sẽ mở đường cho việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa Israel và Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất.

Với thỏa thuận này, Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất trở thành quốc gia Ả Rập thứ ba, sau Ai Cập và Jordan, có quan hệ ngoại giao đầy đủ với nhà nước Do Thái.

Kể từ khi thỏa thuận được công khai, Israel đã báo hiệu rằng họ sẵn sàng tìm hiểu các cơ hội kinh doanh với Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất, đặc biệt trong các lĩnh vực không gian thương mại và công nghệ cao.

Trước đây, giải Nobel hòa bình đã được trao cho tổng thống Obama, bất ngờ đến mức chính ông Obama không hiểu tại sao mình được đoạt giải.

Dưới những chống đối tại Hoa Kỳ và trên trường quốc tế, Tổng thống Trump không mấy lạc quan về khả năng đoạt giải. Hồi tháng 2 năm 2019, ông nhận xét rằng: “ Có lẽ tôi sẽ không bao giờ được ai trao giải này.”

Ông Tybring-Gjedde cũng đã từng nộp đơn đề cử giải Nobel cho Tổng thống Trump cùng với một quan chức Na Uy khác vào năm 2018 sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore giữa tổng thống với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hay còn gọi là Kim Chính Ân.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã đề cử Tổng thống Trump là người xứng đáng được trao giải Nobel Hòa bình.

Theo trang web chính thức của giải Nobel, đã có 318 ứng cử viên cho Giải Hòa bình năm 2020.

Ủy ban Nobel Na Uy bao gồm năm thành viên do Storting, tức là Quốc hội Na Uy, bổ nhiệm.

Source:New York Post