Diễn biến lịch sử: GH Chính Thống Nga tại Ukraine thà giải tán quyết tâm cắt đứt liên hệ với Moscow

Tin thế giới

Tin thế giới

Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Ukraine cho biết như trên sau cuộc họp khoáng đại tập trung vào “sự xâm lược” của Nga, và tuyên bố chấm dứt sự phụ thuộc vào Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.
1. Diễn biến lịch sử: Giáo Hội Chính Thống trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa cắt đứt quan hệ với Nga vì cuộc xâm lược Ukraine.

Trong một diễn biến ngoại thường Giáo Hội Chính Thống trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa tuyên bố “độc lập hoàn toàn” khỏi Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Tổng Giám Mục Onufriy đã cho biết như trên vào cuối cuộc họp của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Ukraine.



“Chúng tôi không đồng ý với quan điểm về chiến tranh của Thượng phụ Kirill, là Thượng Phụ Mạc Tư Khoa và Toàn Nga”

“Thánh Công Đồng lên án chiến tranh, vì đó là vi phạm lệnh truyền của Thiên Chúa ‘Không được giết người’ và bày tỏ sự chia buồn với tất cả những người đã phải chịu đựng trong chiến tranh”

Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Ukraine cho biết như trên sau cuộc họp khoáng đại tập trung vào “sự xâm lược” của Nga, và tuyên bố chấm dứt sự phụ thuộc vào Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.

Chi nhánh Mạc Tư Khoa của Giáo Hội Chính thống Ukraine trước đây hoàn toàn liên kết với Thượng phụ Kirill, là người bày tỏ sự ủng hộ của ông với Putin và cuộc xâm lược Ukraine. Danh xưng của họ là Ukrainian Orthodox Church of the Mạc Tư Khoa Patriarchate, thường được viết tắt là UOC-MP. Từ nay, họ chỉ muốn được gọi là Ukrainian Orthodox Church, hay vắn tắt là UOC.

Quyết định trên được xem là rất khó khăn đối với Giáo Hội này, vì với quyết định này lập tức họ được xem là một Giáo Hội Chính Thống không được công nhận bởi cả Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa lẫn Tòa Thượng Phụ Đại Kết Constantinople.

Trong thời kỳ cộng sản, tại Ukraine chỉ có một Giáo Hội Chính Thống là Giáo Hội Chính Thống trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Sau khi cộng sản sụp đổ, tại Ukraine có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Hai nhóm Chính Thống Giáo thứ hai và thứ ba của Ukraine đã nhập lại thành một. Hôm 5 tháng Giêng, 2019, trước sự hiện diện của các thành viên phái đoàn chính phủ Ukraine Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Tòa Thượng Phụ Constantinope đã ký kết Tomos, tức là sắc lệnh công nhận Chính Thống Giáo Ukraine, gọi tắt là OCU, là một Giáo Hội Chính Thống độc lập, và trao Tomos cho Đức Thượng Phụ Epiphaniy của Kiev và Toàn Ukraine.

Các quan chức Ukraine coi nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa là một công cụ để điện Cẩm Linh tác động lên nội tình của Ukraine. Trước tình cảm bài Nga tại Ukraine, xu hướng sụp đổ của Chính Thống Giáo trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa là có thể thấy trước.

Với quyết định này, UOC của Tổng Giám Mục Onufriy, chắc chắn là tan rã vì Giáo Hội này không còn cơ sở pháp lý nào để tồn tại. Cho nên, để đưa ra một quyết định như thế này Đức Tổng Giám Mục Onufriy phải hết sức can đảm. Chắc chắn, trong những ngày tới, hàng loạt giáo phận và giáo xứ của UOC sẽ gia nhập OCU. Có thể là trong vài tháng tới Ukraine chỉ có một Giáo Hội Chính Thống duy nhất, do Đức Tổng Giám Mục Epiphanius lãnh đạo.

2. GIẢI THÍCH: Chiến tranh Nga-Ukraine liên quan đến tôn giáo như thế nào?

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây: EXPLAINER: How is Russia-Ukraine war linked to religion?. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Lịch sử chính trị đan quyện của Ukraine với Nga có một điểm tương đồng trong bối cảnh tôn giáo, với phần lớn dân số theo Chính Thống Giáo của Ukraine bị chia rẽ giữa một Giáo Hội có tư tưởng độc lập đặt trụ sở tại Kiev và một nhóm khác trung thành với giáo chủ của họ ở Mạc Tư Khoa.

Nhưng mặc dù đã có những lời kêu gọi đối với chủ nghĩa dân tộc tôn giáo ở cả Nga và Ukraine, lòng trung thành tôn giáo không phản ánh sự trung thành chính trị giữa cuộc chiến sinh tồn của Ukraine.

Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin biện minh rằng cuộc xâm lược Ukraine của ông một phần là để bảo vệ Giáo Hội Chính thống giáo theo định hướng Mạc Tư Khoa, nhưng các nhà lãnh đạo của cả hai phái Chính thống Ukraine vẫn quyết liệt lên án cuộc xâm lược của Nga, cũng như thiểu số Công Giáo đáng kể của Ukraine.

Đức Tổng Giám Mục Epifany, người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Ukraine có trụ sở tại Kiev, tuyên bố: “Với lời cầu nguyện trên môi, với tình yêu dành cho Chúa, cho Ukraine, cho các nước láng giềng, chúng tôi chiến đấu chống lại cái ác - và chúng tôi sẽ thấy chiến thắng”.

Đức Tổng Giám Mục Onufry, người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Chính thống giáo Nga, cho biết: “Hãy quên đi những cãi vã và hiểu lầm lẫn nhau và... đoàn kết với tình yêu dành cho Chúa và Tổ quốc của chúng ta”.

Ngay cả mặt trận xem ra có vẻ như thống nhất đó cũng phức tạp. Một ngày sau khi đăng thông điệp của Tổng Giám Mục Onufry vào hôm thứ Năm, trang web Giáo Hội của ngài lại bắt đầu đưa ra các báo cáo tuyên bố rằng các nhà thờ và người dân của họ đang bị tấn công, đổ lỗi một cuộc tấn công cho các đại diện của Giáo Hội đối thủ.

Sự chia rẽ giữa các thực thể Chính thống giáo của Ukraine đã gây tai tiếng trên toàn thế giới trong những năm gần đây khi các Giáo Hội Chính thống phải vật lộn với việc làm thế nào và liệu có nên đứng về phía nào hay không. Một số người Chính thống giáo Hoa Kỳ hy vọng họ có thể gạt những xung đột như vậy sang một bên và đoàn kết để cố gắng kết thúc chiến tranh, đồng thời lo sợ chiến tranh có thể làm trầm trọng thêm sự chia rẽ.

Đâu là cảnh quan tôn giáo của Ukraine?

Các cuộc khảo sát ước tính phần lớn dân số Ukraine theo Chính thống giáo, với một thiểu số đáng kể là người Công Giáo Ukraine thờ phượng theo nghi lễ Byzantine tương tự như Chính thống giáo nhưng trung thành với Đức Giáo Hoàng. Dân số Ukraine cũng bao gồm tỷ lệ phần trăm nhỏ hơn những người theo đạo Tin lành, Do Thái Giáo và Hồi giáo.

Ukraine và Nga bị chia cắt bởi một lịch sử chung, cả về tôn giáo và chính trị.

Họ nhận tổ tiên của mình đến từ vương quốc thời trung cổ Kievan Rus, nơi Hoàng tử Vladimir (Ukraine gọi là Volodymyr) vào thế kỷ thứ 10 đã từ chối ngoại giáo, đã được rửa tội ở Crimea và chấp nhận Kitô Giáo làm quốc giáo.

Vào năm 2014, Putin đã viện dẫn lịch sử đó để biện minh cho việc chiếm Crimea, vùng đất mà ông gọi là “thiêng liêng” đối với Nga.

Trong khi Putin nói rằng Nga là người thừa kế thực sự của vương quốc Kievan Rus, người Ukraine nói rằng nhà nước hiện đại của họ có một phả hệ riêng biệt và Mạc Tư Khoa đã không nổi lên như một cường quốc cho đến nhiều thế kỷ sau đó.

Sự căng thẳng đó vẫn tồn tại trong các mối quan hệ Chính thống giáo.

Các Giáo Hội chính thống trong lịch sử được tổ chức theo các quốc gia, với các Thượng Phụ có quyền tự trị trong lãnh thổ của họ trong khi bị ràng buộc bởi một đức tin chung. Vị Thượng phụ Đại kết của Constantinople được coi là vị thứ nhất trong số các vị ngang hàng nhưng, không giống như một giáo hoàng Công Giáo, ngài không có thẩm quyền chung.

Ai cai quản các Giáo Hội Chính Thống Ukraine ngày nay?

Điều đó phụ thuộc vào cách giải thích các sự kiện của hơn 300 năm trước.

Với việc nước Nga ngày càng hùng mạnh và Giáo Hội Constantinople suy yếu dưới sự cai trị của đế quốc Ottoman, Đức Thượng phụ Đại kết vào năm 1686 đã ủy quyền cho Đức Thượng phụ Mạc Tư Khoa thẩm quyền tấn phong Tổng Giám Mục Kiev [Hệ thống phẩm trật của Chính Thống Giáo bao gồm priest (linh mục), bishop (Giám Mục), metropolitan (Tổng Giám Mục) và patriarch (Thượng Phụ) – chú thích của người dịch]

Giáo Hội Chính thống Nga nói rằng đó là một cuộc chuyển giao quyền lực vĩnh viễn. Vị Thượng phụ Đại kết nói rằng đó chỉ là tạm thời.

Trong thế kỷ qua, Chính thống giáo Ukraine có tư tưởng độc lập đã thành lập các giáo hội riêng biệt mà không được công nhận chính thức cho đến năm 2019, khi Đức Thượng Phụ Đại Kết hiện nay là Bácthôlômêô công nhận Giáo hội Chính thống Ukraine độc lập với giáo chủ Mạc Tư Khoa – là người đã phản đối quyết liệt động thái này và coi đó là bất hợp pháp.

Tình hình ở Ukraine còn tồi tệ hơn trên thực tế.

John Burgess, tác giả cuốn sách “Holy Rus: The Rebirth of Orthodoxy in New Russia”, cho biết nhiều tu viện và giáo xứ vẫn nằm dưới quyền của giáo chủ Mạc Tư Khoa, mặc dù rất khó tìm được số liệu thống kê chính xác. Burgess nói: Ở cấp độ làng mạc, nhiều người thậm chí có thể không biết về giáo xứ của họ thuộc về Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa hay thuộc Tòa Thượng Phụ Kiev.

Liệu sự ly giáo này có phản ảnh sự tách biệt giữa hai quốc gia hay không?

Có, mặc dù nó phức tạp.

Ông Petro Poroshenko, cựu tổng thống Ukraine, đã vẽ ra một liên kết trực tiếp: “Sự độc lập của Giáo Hội chúng tôi là một phần trong các chính sách thân Âu Châu và phò Ukraine của chúng tôi”, ông nói vào năm 2018.

Nhưng Tổng thống đương nhiệm Vladimir Zelinskyy, người gốc Do Thái, đã không nhấn mạnh đến chủ nghĩa dân tộc tôn giáo. Hôm thứ Bảy, ông cho biết ông đã nói chuyện với cả các nhà lãnh đạo Chính thống giáo cũng như các đại diện Công Giáo, Hồi giáo và Do Thái. “Tất cả các nhà lãnh đạo cầu nguyện cho linh hồn của những người bảo vệ đã hy sinh mạng sống của họ cho Ukraine và cho sự thống nhất và chiến thắng của chúng tôi. Và điều đó rất quan trọng, “ ông nói.

Putin đã cố gắng tận dụng vấn đề này.

Trong bài phát biểu ngày 21 tháng 2 tìm cách biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine sắp xảy ra bằng một câu chuyện lịch sử bị bóp méo, Putin tuyên bố mà không có bằng chứng rằng Kiev đang chuẩn bị cho việc “phá hủy” Giáo Hội Chính thống Ukraine của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa.

Nhưng phản ứng của Đức Tổng Giám Mục Onufry, người đã so sánh chiến tranh với “tội lỗi của Cain”, nhân vật trong Kinh thánh đã sát hại em mình, cho thấy rằng ngay cả Giáo Hội hướng về Mạc Tư Khoa cũng có ý thức mạnh mẽ về bản sắc dân tộc Ukraine.

Để so sánh, Đức Thượng Phụ Kirill của Moscow đã kêu gọi hòa bình nhưng không đổ lỗi cho cuộc xâm lược.

Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa từ lâu đã có quyền tự trị rộng rãi. Thêm vào đó, nó ngày càng có bản sắc Ukraine.

Alexei Krindatch, điều phối viên quốc gia của Ủy ban Thống kê về các Giáo Hội Chính Thống Giáo của Hoa Kỳ cho biết: “Bất kể sự gắn bó với Giáo Hội nào, chúng ta có rất nhiều giáo sĩ mới lớn lên ở Ukraine độc lập. Krindatch, người lớn lên ở Liên Xô cũ, cho biết: “Sở thích chính trị của họ không nhất thiết phải tương quan với các khu vực pháp lý chính thức của giáo xứ.”

Những người Công Giáo nằm ở đâu trong bức tranh này?

Người Công Giáo Ukraine chủ yếu sống ở miền Tây Ukraine.

Người Công Giáo bắt đầu xuất hiện vào năm 1596 khi một số người Ukraine theo Chính thống giáo, khi đó nằm dưới sự cai trị của Khối thịnh vượng chung Ba Lan-Litva do Công Giáo thống trị, đệ trình lên Tòa Thánh một thỏa thuận xin hiệp thông trọn vẹn với Rôma miễn là Tòa Thánh cho phép họ giữ các thực hành đặc biệt như phụng vụ Byzantine của họ và cho phép các linh mục lập gia đình.

Các nhà lãnh đạo Chính thống giáo từ lâu đã lên án những thỏa thuận như thế và cáo buộc Công Giáo và nước ngoài xâm phạm đàn chiên của họ.

Người Công Giáo Ukraine có một lịch sử đặc biệt mạnh mẽ trong việc chống lại sự đàn áp của các Nga hoàng và cộng sản.

Mariana Karapinka, người đứng đầu bộ phận truyền thông của Công Giáo Ukraine ở Philadelphia cho biết: “Mỗi khi Nga chiếm Ukraine, Giáo Hội Công Giáo Ukraine đều bị triệt hạ”.

Người Công Giáo Ukraine đã bị đàn áp nghiêm trọng bởi Liên Xô, thậm chí một số nhà lãnh đạo đã tử vì đạo. Nhiều người Công Giáo Ukraine đã phải thờ phượng thầm lặng, và Giáo Hội đã phục hồi mạnh mẽ kể từ khi chủ nghĩa cộng sản chấm dứt.

Với lịch sử như vậy, người Công Giáo Ukraine có thể có lý do chính đáng để chống lại một cuộc tiếp quản khác của Mạc Tư Khoa. Nhưng họ không đơn độc, Karapinka nói. Bà nói: “Người Công Giáo Ukraine không phải là nhóm duy nhất bị Liên Xô đàn áp. Rất nhiều nhóm có lý do để chống lại người Nga.”

Các Đức Giáo Hoàng gần đây đã cố gắng làm tan băng quan hệ với Giáo Hội Chính thống Nga trong khi cố gắng bảo vệ quyền của người Công Giáo theo nghi lễ Đông phương và người Ukraine nói chung.

Vatican cho biết, trong một cử chỉ đặc biệt của Đức Giáo Hoàng chưa hề có tiền lệ, sau khi Nga xâm lược Ukraine, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Đại sứ quán Nga vào hôm thứ Sáu để đích thân “bày tỏ mối quan tâm của mình về cuộc chiến”.

Giáo Hội độc lập Ukraine phát triển như thế nào bên ngoài Ukraine?

Giáo Hội Chính thống Nga đã quyết định “phá vỡ sự hiệp thông Thánh Thể” với Đức Thượng Phụ Đại kết của Constantinople vào năm 2018 khi ngài chuyển sang công nhận một Giáo Hội độc lập ở Ukraine. Điều đó có nghĩa là các thành viên của các Giáo Hội trực thuộc Mạc Tư Khoa không thể rước lễ tại các nhà thờ của Constantinople, và ngược lại.

Các tranh chấp đã lan sang các Giáo Hội Chính thống giáo Đông phương ở Phi Châu, nơi Chính thống giáo Nga đã tìm cách thành lập một Tòa Thượng Phụ mới sau khi Đức Thượng Phụ Alexandria bao gồm Ai Cập và toàn Phi Châu công nhận nền độc lập của giáo hội Ukraine.

Nhưng nhiều Giáo Hội khác đã tìm cách tránh xung đột. Ở Mỹ, nơi có nhiều nhóm Chính thống giáo khác nhau, hầu hết các nhóm vẫn hợp tác và thờ phượng chung với nhau.

Cha Alexander Rentel, Chưởng ấn của Giáo Hội Chính thống giáo ở Mỹ, có nguồn gốc từ Nga nhưng hiện độc lập với Mạc Tư Khoa nhận định rằng chiến tranh có thể tạo ra một điểm thống nhất giữa các giáo hội Chính Thống Giáo ở Hoa Kỳ nhưng có thể kiểm tra thêm mối quan hệ.

Ngài nói: “Sự chia rẽ diễn ra trong Chính thống giáo thế giới là một sự kiện khó khăn đối với Giáo hội Chính thống giáo. Bây giờ nó sẽ trở nên khó khăn hơn vì cuộc chiến này.”
Source:AP

3. George Weigel: GH phải lên án, không úp mở về Kirill để tránh một Mariupol trong lòng các tín hữu

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết đăng trên tờ First Things có nhan đề “The Pope And The Patriarch Of Moscow”, nghĩa là “Đức Giáo Hoàng và Thượng Phụ Mạc Tư Khoa”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Đức Thánh Cha Phanxicô chắc chắn rất đau buồn trước cuộc tàn sát ở Ukraine. Và khi chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng đại kết của Giáo Hội Công Giáo, Đức Hồng Y Kurt Koch, nói với các nhà báo rằng ngài chia sẻ niềm tin của Đức Giáo Hoàng rằng những lời biện minh tôn giáo dành cho hành vi xâm lược là “báng bổ” — tức là cách sử dụng xấu xa những điều thuộc về Chúa — chúng ta có thể chắc chắn rằng điều này cũng là quan điểm của Đức Phanxicô.

Vậy thì tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô nên gặp Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga, như một số cá nhân và phong trào trong Giáo hội đã từng thúc giục? Kể từ cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2, Kirill đã liên tục đưa ra các biện minh tôn giáo cho cuộc tấn công man rợ của Nga vào Ukraine. Vậy thì Kirill có phải là một kẻ báng bổ không?

Một số người trong số những người cổ vũ cho cuộc gặp gỡ lần thứ hai giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Kirill có khả năng nghĩ mắc chứng “ảo ảnh”. Họ đã tưởng tượng rằng khi hai nhà lãnh đạo tôn giáo gặp nhau trong thời chiến để cầu nguyện cho hòa bình, thì điều đó thể hiện một cách sinh động cho khả năng của người Kitô, nhân danh đức tin Phục sinh và các chuẩn mực đạo đức phổ quát, có thể vượt lên trên lòng căm thù dân tộc và lòng yêu nước. Tuy nhiên, điều đó chỉ là tưởng tượng dựa trên sự nguỵ biện.

Kirill Gundayev bắt đầu sự nghiệp giáo hội của mình tại Hội đồng Giáo Hội Thế giới trong một công việc chỉ được giao cho một người hoàn toàn được tin cậy và có khả năng làm việc với KGB, là cơ quan tình báo bí mật của Liên Xô. Trong những năm làm giáo chủ Chính thống giáo Nga, Kirill đã thúc đẩy một tầm nhìn mở rộng về “thế giới Nga”, làm sai lệch lịch sử Kitô giáo của người Slav phía đông, và cổ vũ cho sự phục hưng chủ nghĩa đế quốc dựa trên chủ nghĩa Sa hoàng và chủ nghĩa Stalin. Kirill cũng là cơ quan ngôn luận trong chiến dịch thông tin sai lệch của Nga, trong đó tuyên bố bạo chúa Vladimir Putin là vị cứu tinh của nền văn minh chống lại sự suy đồi của phương Tây – đó là một lời nói dối đã đánh lừa được quá nhiều người Công Giáo.

Một cuộc gặp gỡ giữa Giám mục đương nhiệm của Rôma và Đức Thượng phụ đương nhiệm của Mạc Tư Khoa sẽ không phải là cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo tôn giáo. Đó sẽ là một cuộc gặp giữa một nhà lãnh đạo tôn giáo và một công cụ quyền lực của nhà nước Nga.

Nhưng, một số có thể nhanh nhẩu trả lời, đó, vấn đề chính là ở chỗ đó. Bằng cách tiếp tục cuộc đối thoại cá nhân với Kirill mà ngài đã mở ra ở Havana vào năm 2015, Đức Phanxicô sẽ trao quyền cho Kirill để có tác động kiềm chế Putin trong khi định vị Vatican là nhà môi giới trung thực trong việc dàn xếp một hòa bình đàm phán ở Ukraine.

Đó cũng là một điều tưởng tượng, ảo ảnh cuộc đời.

Thứ nhất, trong mối quan hệ Putin-Kirill, Thượng Phụ Kirill không có đòn bẩy thực sự. Tổng thống bạo chúa không tìm đến Thượng Phụ để tìm lời khuyên chiến lược, và chắc chắn ông ta cũng không tìm đến ngài Thượng Phụ để hoán cải đạo đức. Ông ta trông đợi Kirill tạo ra vỏ bọc cho mình và hỗ trợ. Là những gì ông ta nhận được.

Thực tế đáng buồn là sự phụ thuộc đối với nhà nước ngăn cản việc lãnh đạo Chính thống giáo Nga nói sự thật với quyền lực Điện Cẩm Linh, hoặc kêu gọi vị sa hoàng thời hậu cộng sản hoán cải. Những gì Kirill và các cộng sự của ông ta (như Tổng Giám Mục Hilarion Alfeyev, chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại) đưa ra là một lời biện minh giả danh tôn giáo cho tham vọng đế quốc của Putin, đồng thời bảo đảm với những người Nga thực hiện các hành động bạo lực khủng khiếp chống lại thường dân rằng, họ là những người yêu nước thực sự, và là những người con của Tổ quốc Nga.

Thứ hai, ý tưởng về Vatican là nhà môi giới trung thực toàn cầu dựa trên một quan niệm sai lầm về cách Tòa thánh có thể gây ảnh hưởng trong thế giới ở thế kỷ 21. Vatican ngày nay không phải là Quốc gia của Đức Giáo Hoàng đầu thế kỷ 19: một cường quốc Âu Châu cấp ba vẫn sử dụng đòn bẩy tại các sự kiện như Đại hội Vienna năm 1814–1815. Quốc gia Đức Giáo Hoàng không còn tồn tại, và thế giới của Metternich, Castlereagh, và Hồng Y Ercole Consalvi, bộ trưởng ngoại giao tài giỏi và hiệu quả của Đức Giáo Hoàng Pius Đệ Thất cũng không còn.

Tuy nhiên, như Đức Gioan Phaolô II đã chứng minh, Tòa Thánh có quyền lực trong thế giới ngày nay: quyền lực của chứng nhân đạo đức, bắt đầu bằng cách gọi mọi thứ bằng đúng tên của chúng. Bài bình luận của Vatican trong cuộc chiến Ukraine vào tháng thứ hai đã sử dụng một từ vựng chân thực hơn những gì được hiển thị trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến. Tuy nhiên, kể từ Lễ Phục sinh, tiếng nói của Đức Giáo Hoàng và Vatican vẫn là tiếng than thở hơn là tiếng nói tiên tri tố cáo hành vi xâm lược và chỉ đích danh kẻ xâm lược. Lỗ hổng đó được kết hợp bởi những lời lẽ thiếu thận trọng gợi ý rằng không có cuộc chiến tranh nào là hợp pháp về mặt đạo đức, điều này không đúng với việc Ukraine bảo vệ lãnh thổ của mình và về sự chuyển đổi văn hóa và chính trị của đất nước bắt đầu với cuộc Cách mạng Nhân phẩm Maidan ở Kyiv vào hai năm 2013 và 2014.

Bằng việc tàn sát dã man những người vô tội ở Bucha, ở Mariupol, và trên khắp Ukraine, Vladimir Putin đã tự bêu xấu mình bằng dấu ấn của Cain. Kirill đã cố gắng che đậy dấu ấn đó. Việc Giám mục Rôma đã gặp Kirill như thể ông Thượng Phụ người Nga này là một nhà lãnh đạo tôn giáo thực sự sẽ khiến những người Ukraine theo Công Giáo và Chính thống giáo thất vọng một cách cay đắng, những người sẽ coi đó là một sự phản bội một cách vô lý; nó sẽ làm cạn kiệt vốn đạo đức của Tòa thánh trong các vấn đề thế giới; và nó sẽ không đóng góp gì cho hòa bình.
Source:First Things