Hi hữu: Cuốn Kinh Thánh cứu 2 bé sơ sinh trong đường tơ kẽ tóc. Thay đổi trong Giáo triều Rôma

Tin thế giới

Tin thế giới

Khi cơn lốc hướng đến nhà của bà ở Hạt Hopkins, Clara Lutz, đặt hai đứa cháu của bà vào bồn tắm, trùm chăn và gối cho chúng và chèn thêm vào đó một cuốn Kinh thánh để chèn cho chặt.
1. Hai em bé trốn trong bồn tắm cùng với cuốn Kinh Thánh được tìm thấy còn sống sau cơn lốc xoáy

Bà ngoại của hai đứa bé may mắn này đã nhanh trí bế chúng đặt vào trong bồn tắm khi cơn lốc đang lù lù hướng đến ngôi nhà sắp bị triệt hạ tan tành của chúng.


Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, cho biết hai trẻ sơ sinh ở Kentucky đã sống sót sau trận lốc xoáy kinh hoàng nhờ sự nhanh trí của bà ngoại.

Khi cơn lốc hướng đến nhà của bà ở Hạt Hopkins, Clara Lutz, đặt hai đứa cháu của bà vào bồn tắm, trùm chăn và gối cho chúng và chèn thêm vào đó một cuốn Kinh thánh để chèn cho chặt.

Nhờ những hành động của bà, bé Kaden, 15 tháng và bé Dallas, 3 tháng, là hai cháu bé được bà chăm sóc, đã sống sót sau khi cơn bão san bằng ngôi nhà của Bà Lutz.

“Tôi cảm thấy tiếng ầm ầm, tôi cảm thấy ngôi nhà rung chuyển. Điều tiếp theo tôi còn nhận biết là cái bồn tắm đã được nâng lên và nó nằm ngoài tầm tay với của tôi. Tôi không thể giữ lại được, tôi chỉ kịp la lên – Lạy Chúa tôi”, Bà Lutz nói với 14 News.

Bà Lutz nói với đài 14 News rằng khi chiếc bồn tắm bị nâng lên khỏi nền nhà, bà cũng bị một cái gì đó đánh bất tỉnh, rồi sau đó khi tỉnh dậy bà không thể tìm thấy các cháu của mình, bà đã cầu nguyện xin Chúa cho bà tìm được chúng.

“Tôi đã tìm kiếm khắp nơi để xem cái bồn tắm rớt xuống chỗ nào. Tôi không có chút manh mối nào về việc những đứa trẻ này đang ở đâu. Tất cả những gì tôi có thể nói là ‘Chúa ơi, xin hãy mang các cháu của con về với con một cách an toàn. Xin Chúa, con cầu xin Chúa’”.

Khi cơn bão đi qua, lực lượng cứu cấp đã phát hiện ra chiếc bồn tắm bị lộn ngược, bên dưới là những đứa trẻ.

“Tôi lên xe của cảnh sát trưởng đậu ở cuối đường lái xe vào nhà tôi, và không lâu sau đó, họ mở cửa và đưa Kaden, đứa cháu 15 tháng tuổi của tôi ra. Và họ mang cho tôi đứa cháu Dallas, ba tháng tuổi. Họ đã đưa nó đến cho tôi. Nó bị một cục u trên đầu”, Bà Lutz nói với 14 News.

Chính cuốn Kinh Thánh đã cứu những đứa trẻ. Khi cái bồn tắm bị úp ngược xuống, cuốn Kinh Thánh rớt ra, cái bồn tắm cấn lên cuốn sách chừa ra một khoảng trống để hai đứa bé có thể thở được. Nếu không, chúng đã chết vì ngạt thở.

Các cơn lốc xoáy quét qua Kentucky, Arkansas, Missouri, Illinois và Tennessee trong hai ngày 10 và 11 tháng 12 đã khiến 89 người thiệt mạng. Riêng ở Kentucky, 76 người đã thiệt mạng.
Source:Aleteia

2. Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Turkson nguyên tổng trưởng Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện

Hôm thứ Năm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Peter Turkson trong cương vị tổng trưởng Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện.

Ngài đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Michael Czerny, Dòng Tên, người Canada 75 tuổi làm người đứng đầu tạm thời của bộ trong khi chờ bổ nhiệm “lãnh đạo mới”.

Hôm 23/12, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết các nhà lãnh đạo của tòa thánh phải nộp đơn từ chức cho Đức Giáo Hoàng sau khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm của các ngài. Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện được thành lập vào năm 2016, và Đức Hồng Y Turkson đã làm tổng trưởng từ đó đến nay.

“Trong khi chân thành cảm ơn Đức Hồng Y Peter Appiah Turkson và những người cộng tác của ngài vì sự phục vụ của họ và trong khi chờ đợi sự bổ nhiệm của ban lãnh đạo mới, Đức Thánh Cha đã giao phó việc quản lý thông thường của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện cho Đức Hồng Y Michael Czerny kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2022, với tư cách là tổng trưởng và Sơ Alessandra Smerilli, FMA, là thư ký”.

Đức Hồng Y Turkson từng là tổng giám mục của Cape Coast, Ghana, trước khi ngài được gọi đến Rôma vào năm 2009 để làm chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình.

Vị Hồng Y 73 tuổi, người nói được sáu thứ tiếng, đã trở thành chủ tịch đầu tiên của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện vào năm 2016 sau khi hội đồng giáo hoàng của ngài được sáp nhập vào cơ quan mới cùng với ba cơ quan khác.

Tin đồn về việc ngài từ chức xuất hiện vài tháng sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô ra lệnh kiểm tra bộ này do Đức Hồng Y Blase Cupich của Chicago dẫn đầu, sau đó là những thay đổi về nhân sự.

Đức Hồng Y Turkson nói với các nhà báo hôm thứ Ba rằng Đức Giáo Hoàng sẽ quyết định tương lai của mình sau khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm.

“Nếu Đức Thánh Cha quyết định để tôi tiếp tục, thì tôi sẽ tiếp tục. Nếu ngài quyết định chỉ định tôi vào công việc khác, tôi cũng sẽ tuân theo.”

“Tất cả chúng tôi đến đây để phục vụ và hỗ trợ Đức Thánh Cha trong sứ vụ của ngài, và chính là như vậy… Chúng tôi chỉ chờ Đức Thánh Cha xem ngài muốn chúng tôi làm gì”.

Đức Hồng Y Czerny, người sinh ra ở Brno, Tiệp Khắc, vào năm 1946, là Thứ trưởng phụ trách Bộ phận Người di cư và Tị nạn của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện kể từ năm 2017. Ngài nhận được chiếc mũ đỏ Hồng Y vào tháng 10 năm 2019.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Smerilli, một nhà kinh tế học người Ý và là thành viên của dòng các nữ tu Salêdiêng Don Bosco, làm thư ký lâm thời của bộ vào tháng Tám.

Sau khi Đức Hồng Y người Guinea Robert Sarah thôi giữ chức Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích vào tháng 2, Đức Hồng Y Turkson là người Phi Châu duy nhất lãnh đạo một bộ của Vatican.

Đây được cho là lần đầu tiên kể từ năm 1977, Vatican không có nhà lãnh đạo Phi Châu nào trong số những người đứng đầu tại giáo triều. Đức Hồng Y Bernardin Gantin, từ Benin, được bổ nhiệm vào năm 1977 để lãnh đạo Ủy ban Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, trở thành người Phi Châu đầu tiên lãnh đạo một cơ quan trung ương của Vatican.
Source:Catholic News Agency

3. Các biện pháp chống Covid mới khi vào các văn phòng Vatican và Giáo triều Rôma

Kể từ Thứ Năm ngày 23 tháng 12, chỉ những người có giấy chứng nhận đã được tiêm phòng hoặc phục hồi sau SARS-Cov-2 mới được phép vào các văn phòng của Giáo triều Rôma.

Một sắc lệnh tổng quát mới, do Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ký, đưa ra các quy định mới “xét vì tình trạng khẩn cấp y tế hiện tại vẫn tiếp tục tiếp diễn và thậm chí còn tồi tệ hơn và sự cần thiết phải thực hiện các biện pháp thích hợp để chống lại nó và bảo đảm việc tiến hành an toàn các hoạt động”.

Sắc lệnh mới - theo sau sắc lệnh về các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được công bố vào ngày 16 tháng 12 (số CDLXI) bởi Đức Tổng Giám Mục Fernando Vérgez Alzaga, là Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về quốc gia Thành Vatican, áp dụng cho nhân sự của tất cả các bộ, Hội đồng và các văn phòng của Giáo triều Rôma, cũng như các bộ phận liên quan đến Tòa thánh. Các quy tắc cũng được mở rộng cho các cộng tác viên bên ngoài, nhân viên của các công ty bên ngoài, khách truy cập và người dùng các dịch vụ.

Theo nghị định, nhân viên không có “thẻ xanh” hợp lệ chứng minh tình trạng tiêm chủng hoặc phục hồi sau vi rút, sẽ không thể tiếp cận nơi làm việc và sẽ bị coi là vắng mặt không có lý do, do đó sẽ bị đình chỉ thanh toán cho thời gian vắng mặt. Điều này sẽ không ảnh hưởng đến an sinh xã hội và các khoản khấu trừ phúc lợi, cũng như giảm trừ gia cảnh. Việc tiếp tục vắng mặt không có lý do sẽ phải gánh chịu những hậu quả được quy định trong Quy định chung của Giáo triều Rôma.

Tất cả những người tiếp xúc với công chúng, kể từ ngày 31 tháng Giêng năm 2022, sẽ có nghĩa vụ cung cấp tài liệu chính thức chứng minh họ đã nhận được đầy đủ vắc-xin chống Covid bao gồm cả liều tăng cường thứ ba.

Ngoài các quyền kiểm soát được giao cho Hiến binh Vatican, sắc lệnh quy định rằng mỗi cơ quan được yêu cầu xác minh sự tuân thủ các yêu cầu, với một loạt các thủ tục để tổ chức các cuộc kiểm tra này và xác định những người chịu trách nhiệm xác minh và tranh chấp các vi phạm nghĩa vụ. Liên quan đến các Bộ liên quan, các phụ tá tổng thư ký chịu trách nhiệm bảo đảm sự tuân thủ.

Bất kỳ đánh giá nào về các yếu tố dẫn đến việc có thể được miễn trừ các nghĩa vụ của sắc lệnh thuộc trách nhiệm của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và tùy thuộc vào ý kiến của Tổng cục Y tế và Vệ sinh.

Sắc lệnh cũng nêu rõ rằng các cơ quan y tế có thẩm quyền của Vatican có thể thấy cần thiết phải đưa ra những hạn chế hơn nữa đối với những người đến từ các quốc gia có nguy cơ lây nhiễm cao.
Source:Vatican News