Hỡi ôi: Cha sở ngủ say quá trộm rinh tượng Thánh Gia khổng lồ mà ngài không hề hay biết

Tin thế giới

Tin thế giới

Bức tượng mô tả Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse đã được Jack và Theresa Fohn tặng cho nhà thờ bốn thập kỷ trước. Tất cả những ân nhân này nay đã qua đời.
1. Ngỡ ngàng: Sáng sớm ngủ dậy, cha sở thấy tượng Thánh Gia rất lớn biến mất

Cộng đoàn giáo xứ Thánh Margaret Mary đang cầu nguyện cho sự trả lại của một bức tượng linh thiêng mà họ tin rằng đã bị đánh cắp vào tuần trước. Sở cảnh sát San Antonio đã ra một thông báo yêu cầu bất cứ ai có thông tin xin liên lạc qua số 210-207-7660 hay 210-224-STOP.



Cha Jimmy Drennan, cha sở của nhà thờ nằm ở phía đông nam của trung tâm thành phố cho biết sau một đêm ngủ dậy pho tượng Thánh Gia đồ sộ của giáo xứ đã đột nhiên biến mất mà không thể giải thích được.

Bức tượng mô tả Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse đã được Jack và Theresa Fohn tặng cho nhà thờ bốn thập kỷ trước. Tất cả những ân nhân này nay đã qua đời.

“Khi tôi de chiếc xe tải của mình vào, tôi luôn nhìn qua bãi đậu xe, tôi đọc một lời cầu nguyện với Thánh Gia, nhưng vào ngày thứ Năm ngay trước thánh lễ, bức tượng đã biến mất,” Cha Drennan nói.

Drennan cho biết nhà thờ đã từng bị phá phách trước đây nhưng không thể so sánh với biến cố kinh hoàng như thế này.

Ngài nói: “Thật là quá ngỡ ngàng khi bức tượng Thánh Gia, đã ở đây với chúng tôi trong suốt 40 năm trước trung tâm mục vụ của chúng tôi, bị dỡ bỏ chỉ trong một đêm và biến mất không để lại tăm hơi”.

Với bức tượng nặng ít nhất 300 pound và ngồi cao trên nền bê tông, Cha Drennan tin rằng vụ trộm cắp này phải liên quan đến rất nhiều người.

“Tôi tưởng tượng rằng họ đã phải mất một nỗ lực toàn đội để làm được điều này. Chúng tôi đang cầu nguyện rằng họ khuyến khích nhau làm điều đúng đắn. Chúng tôi đang nghĩ bức tượng giờ đây có thể đang nằm trong một con hẻm, ai đó có thể đã lấy trộm nó như một trò chơi ú tim và quăng vàomột nơi nào đó”.

Cha Drennan cho biết sự vắng mặt của bức tượng là một bi kịch đối với tất cả mọi người.

“Bức tượng đại diện cho cộng đồng chúng tôi. Hình ảnh Thánh Gia thể hiện sự hiệp nhất của cộng đồng như một gia đình”.

Ngài cho biết cộng đoàn sẵn sàng tha thứ cho những người chịu trách nhiệm về vụ trộm, miễn là họ đem trả lại.

“Đầu tiên chúng ta phải cầu nguyện cho những người đã đánh cắp bức tượng, và sau đó làm bất cứ điều gì có thể để lấy lại bức tượng,” Cha Drennan nói. “Chúng tôi muốn họ biết rằng cánh cửa của chúng tôi luôn rộng mở và họ là một phần của cộng đồng này. Chúng tôi yêu mến họ và chúng tôi chỉ muốn bức tượng được đưa trở lại”.
Source:KSAT

2. Fátima: Đức Hồng Y D. António Marto mời gọi cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine

Hôm 21 tháng 2, tại Fatima, Đức Hồng Y António Marto đã kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine, khi nói chuyện với những người hành hương tụ tập để cử hành lễ kính hai Thánh Francisco và Jacinta Marto, là hai trong số ba thị nhân trong các cuộc hiện ra năm 1917.

“Từ Thánh địa Hòa bình này, tôi kêu gọi anh chị em hiện diện ở đây và tất cả những người Công Giáo trong nước hãy bắt đầu chuỗi Mân Côi trong tuần này, với tư cách cá nhân, một gia đình hoặc một cộng đồng, cho hòa bình ở Ukraine”, vị Giám quản Tông Tòa Giáo phận Leiria-Fátima, nói trong một lời kêu gọi được công bố trực tuyến và gửi đến Cơ quan ECCLESIA.

Đức Hồng Y đã đề cập đến “bối cảnh hiện tại mà thế giới đã biết và đang trải qua, sau một thời gian dài của những xung đột, bất ổn, tang tóc và sợ hãi trong đó có cả nguy cơ chiến tranh”.

Ngài nhấn mạnh: “Cần phải thức tỉnh khỏi sự thờ ơ, khỏi sự mệt mỏi về tinh thần, khỏi sự chán nản có thể dẫn đến chủ nghĩa định mệnh”.

Theo Đức Hồng Y António Marto, cần phải phản bác lại ý kiến cho rằng “chỉ những cường quốc - các cường quốc kinh tế, tài chính và chính trị - mới có thể biến đổi thế giới”.

“Thiên Chúa trông cậy vào những người nhỏ bé và khiêm nhường, vào sức mạnh của đức tin nơi lòng thương xót của Người, vào chứng tá hoán cải và lòng trắc ẩn, vào sức mạnh của lời cầu nguyện để đổi mới thế giới. Chúng ta được kêu gọi nhìn về tương lai với sự tự tin, xây dựng lại mối quan hệ giữa con người và các dân tộc, với tư cách là những Người Samaritanô nhân hậu chăm sóc những người bị thương và giúp chữa lành vết thương của thời đại chúng ta”.

Nói về Thánh Francisco và Jacinta Marto, vị Hồng Y người Bồ Đào Nha nói rằng hai đứa trẻ chăn cừu nhỏ tuổi nhất là “nhân chứng sống động của con đường tâm linh này được giới thiệu bởi sự dịu dàng của Đức Mẹ sáng hơn mặt trời”.

“Họ đã để mình rơi vào vòng tay yêu thương của Thiên Chúa với tâm hồn của một đứa trẻ, không sợ hãi, hoàn toàn tin tưởng, thực sự hạnh phúc và đây là bí mật của cuộc sống thần bí kết hiệp với Chúa.”

Đức Hồng Y António Marto cho rằng “trải nghiệm này sẽ vực chúng ta dậy trong thời gian chúng ta quên Chúa, phai nhạt đức tin”. Ngài lưu ý rằng tình hình đại dịch hiện nay, “trong một thế giới đa nguyên, trong một môi trường xã hội và văn hóa của sự thờ ơ với tôn giáo, và đôi khi thù địch với tôn giáo, không có đức tin nào có thể đứng vững nếu không có chiều kích thần bí này”.

Hai em đã chết vì bệnh Cúm Tây Ban Nha, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô phong thánh vào ngày 13 tháng 5 năm 2017, trong lễ kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra, ở Cova da Iria.

Đây là lễ kỷ niệm cuối cùng mà Đức Hồng Y António Marto chủ sự tại Thánh địa Fátima, với tư cách là Giám Mục Giáo phận Leiria-Fátima.

Vào cuối lễ kỷ niệm, trong lời phát biểu trước các nhà báo, Đức Hồng Y nói rằng ngày 13 tháng 5 năm 2017, là “thời điểm đầy đủ và đáng chú ý nhất” trong thánh chức của ngài.

Đức Hồng Y cũng nhớ lại một khoảnh khắc khác, liên quan đến vụ lockdown đầu tiên do đại dịch Covid-19 hiện nay gây ra.

“Tôi sẽ không bao giờ quên, vì điều đáng chú ý là vào ngày 13 tháng 5 năm 2020 tôi phải chủ sự một cuộc hành hương mà tôi chưa bao giờ tưởng tượng với một Thánh địa không có khách hành hương, nhưng với toàn thế giới kết hợp với chúng tôi, để cầu xin lòng Chúa thương xót”.

Đức Hồng Y António Marto đã bày tỏ mối quan tâm của ngài với tình hình khủng hoảng hiện nay ở Đông Âu.

Ngài tuyên bố: “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà chúng ta chưa bao giờ tưởng tượng được, sau Thế chiến thứ hai, và tôi thực sự hy vọng rằng con người có thể suy ngẫm về lương tâm của mình và nhìn ra những bước họ phải tránh để không làm cho nhân loại đau khổ”.

Đức Giáo Hoàng đã bổ nhiệm Đức Cha José Ornelas Carvalho lãnh đạo giáo phận Bồ Đào Nha có một trong những đền thờ Đức Mẹ nổi tiếng nhất thế giới vào ngày 28 tháng Giêng.

Đức Cha Ornelas đã lãnh đạo giáo phận Setúbal, tây nam Bồ Đào Nha, kể từ năm 2015 và được bầu làm chủ tịch hội đồng giám mục Bồ Đào Nha vào năm 2020.

“Đức Cha José Ornelas mang theo tài sản khổng lồ và độc nhất vô nhị để tạo động lực mới cho công cuộc đổi mới mục vụ của giáo phận và Đền thờ Fátima,” Đức Hồng Y Marto nói trong một video sau khi việc bổ nhiệm được công bố.

“Ngài là một giám mục có 'mùi chiên', có mối quan hệ mật thiết và trìu mến với các tín hữu trung thành của Chúa, giáo dân, linh mục và các thành viên của đời sống thánh hiến, cởi mở cho các cuộc đối thoại đại kết và liên tôn cũng như với những người ngoại đạo”.

Đức Hồng Y Marto nói rằng ngài đã nộp đơn từ chức trước khi tròn 75 tuổi vào ngày 5 tháng 5 do “hạn chế về sức mạnh thể chất và tinh thần để có thể thực hiện đầy đủ chức vụ, theo nhu cầu mục vụ của giáo phận và Đền thờ Fatima.”

Vị Hồng Y người Bồ Đào Nha đã làm giám mục Fatima trong gần 16 năm. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lần đầu tiên phong ngài làm giám mục vào năm 2000 và Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm ngài lãnh đạo giáo phận Leiria-Fátima vào năm 2006. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phong ngài làm Hồng Y vào năm 2018.

Đức Hồng Y Marto sẽ giữ chức vụ Giám Quản Tông Tòa của giáo phận cho đến khi Đức Cha Ornelas nhận tòa trong thánh lễ tại nhà thờ chính tòa ở Leiria vào ngày 13 tháng Ba.
Source:agencia.ecclesia.pt

3. Vô tín ngưỡng là thuốc phiện của quần chúng

Cộng sản nói: “tôn giáo là thuốc phiện ngu dân”, nhưng Kurt Hofer nói ngược lại. Trên tờ First Things, ông viết “Unbelief, the Opiate of the Masses”, nghĩa là “Vô tín ngưỡng, thuốc phiện của quần chúng”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

“Tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng”. Chỉ trong một cụm từ ngắn gọn, Marx đã tạo ra một cương lĩnh cho cánh tả thế tục. Thuốc phiện, tất nhiên, là ma tuý của những người nghiện; người nghiện không thể nhìn xa hơn sự phụ thuộc vào hóa chất của họ. Nhưng nếu họ tự nhốt mình trong phòng và đối diện với sự thật toát mồ hôi lạnh, những người nghiện có thể được giải thoát khỏi tai họa của họ. Bức màn của sự thiếu hiểu biết che mắt phán đoán của họ sẽ bị xé nát. Sự tỉnh táo duy lý sẽ cứu họ.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu vô tôn giáo chính là thuốc phiện thực sự của quần chúng — điều gì sẽ xảy ra nếu việc vô tín ngưỡng là thuốc an thần cho những người tự tuyên bố là dũng cảm?

Chủ nghĩa tự do chính trị hiện đại có thể đã bắt nguồn từ các nhân vật như Michel de Montaigne và Blaise Pascal. Cuộc đấu tranh biện chứng vĩ đại giữa lý trí và đức tin, những niềm vui tức thời và hạnh phúc vĩnh cửu, đã có trước Mác hàng thế kỷ, thậm chí cả chủ nghĩa thế tục của Phong trào Khai sáng.

Bởi vì nước Pháp thế kỷ mười sáu vốn bị khuấy động bởi sự đổ máu phe phái, nên Montaigne, tuy không bao giờ chính thức từ bỏ đức tin của mình, đã quả quyết rằng nguyên tắc hướng dẫn đời sống trong lĩnh vực công cộng phải là “sự hài lòng nội tại” — nghĩa là, theo đuổi các thú vui. Tất cả mọi người đều phải trở thành một người có sở thích hoặc một kẻ ăn chơi tài tử, đừng bao giờ quá quan trọng hóa bản thân và nên nhẩy từ thú vui này sang thú vui nọ. Nếu chủ nghĩa nhân bản thời Phục hưng ở thế kỷ XVI, ở một khía cạnh nào đó, là một cuộc chạy đua khô khan đối với chủ nghĩa duy vật lịch sử vốn thống trị tư tưởng cận đại, thì văn học và nghệ thuật Baroque thế kỷ XVII, về nhiều mặt, là tiền thân của cuộc phục hưng tôn giáo lãng mạn vĩ đại vào đầu thế kỷ XIX, đang có tiếng vang thời nay.

Pascal nổi tiếng trong mắt người cận đại với luận điểm “đánh cuộc” của ông - tức là đặt cược vào Thiên Chúa, bạn không có gì để thua trái lại có mọi thứ để thắng. Nhưng suy nghĩ của Pascal còn nhiều điều hơn thế. “Cuộc đánh cược” mang tính triết học lớn hơn của Pascal không chỉ là chúng ta nên đặt cược vào Chúa, mà cuối cùng, còn là các suy nghĩ về vĩnh cửu – bất luận là cuộc sống vĩnh hằng hay hư vô vô tận – là những điều không thể tránh khỏi, cho dù chúng ta cố gắng đánh lạc hướng bản thân bằng cách giải trí đến đâu.

Pascal nói với chúng ta trong “Lá thư để tìm kiếm Thiên Chúa xa hơn”, “Chúng ta không cần một linh hồn được thăng hoa cao cả mới hiểu rằng ở đời này không có sự thỏa mãn thực sự và vững chắc; mọi thú vui của chúng ta chỉ là phù vân”.

Trong cùng một lá thư, ông tiếp tục mô tả hai loại người vô thần: những người tìm kiếm thực sự, chúng ta có thể gọi họ như thế, và những người dung túng thuốc phiện vô tín ngưỡng thiếu suy nghĩ:

“Sự bất tử của linh hồn là một điều rất quan trọng đối với chúng ta, một điều chạm vào chúng ta một cách sâu xa, đến nỗi chúng ta phải mất hết cảm giác mới có thể thờ ơ đối với việc biết các sự kiện của sự việc.... Vì vậy, mối quan tâm hàng đầu và nhiệm vụ chính của chúng ta là trở nên giác ngộ về chủ đề này, mà tất cả các hành vi của chúng ta đều phụ thuộc vào đó. Và đó là lý do tại sao, đối với những người không bị thuyết phục, tôi phân biệt rõ ràng giữa những người cố gắng hết khả năng của họ để thông tri cho bản thân và những người sống mà không hề bị vấn vương hay suy nghĩ về nó”.

Trong một thế giới mà bạn có thể đặt mua ma túy trao tận cửa nhà bạn và truy cập văn hóa khiêu dâm từ điện thoại thông minh của bạn, liệu bạn có còn hoài nghi gì về loại vô thần trên thực tế của xã hội ngày nay hay không? Há xã hội nói chung của chúng ta đã không mù chữ về tôn giáo, hay “thờ ơ” theo cách nói của Pascal, đối với các lập luận như của Thánh Tôma Aquinô trong cuốn Summa Theologica [Tổng luận Thần học] của ngài nhằm chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa đó sao? Chữ tiếng Pháp divertissement, có nghĩa entertainment (giải trí) trong tiếng Anh, cũng có gốc Latinh là “diversio” (chuyển hướng); “Quay đi, chuyển hướng, đi đường vòng, lạc đề.”

Vô tín ngưỡng là thuốc phiện thực sự của quần chúng. Bằng cách dấn thân vào các thú vui đa dạng, chúng ta thực sự đang rút chân ra; tất cả chúng ta đều là những người nhất thời lao vào chứng nghiện mà các hình thức giải trí lặt vặt, từ chạy bộ đến sử dụng ma túy, mang lại cho chúng ta.

Mỗi khi mở ly bia vào chiều thứ sáu, tôi nhận ra Montaigne trong chính mình; và mỗi khi thức trắng đêm vì lo lắng, tôi hình dung Các Suy tưởng của Pascal, những suy tư vốn dày vò ông, đã trở thành của tôi.

Có lẽ đã đến lúc cần thay đổi mô hình trong cách chúng ta suy nghĩ về Thiên Chúa ở phương Tây thế tục hiện đại. Sau hai thế kỷ, trong đó tôn giáo đã được nhiều người coi là “thuốc phiện của quần chúng”, nay đã đến lúc bắt đầu phải tăng áp lực đối với những người theo thuyết bất khả tri và vô thần thoải mái. Sự lười biếng tri thức là bệnh của họ. Như Pascal nói: “Chúng ta nên suy gẫm... và sau đó nói xem có phải điều tốt đẹp duy nhất đời này hệ ở niềm hy vọng ở đời sau”.
Source:First Things