Oái oăm: Mời ĐTC sang thăm nhưng nhà thờ hàng trăm năm ông vẫn ủi. Giáng Sinh giữa tâm bão

Tin thế giới

Tin thế giới

Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người Chúa thương
1. Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người Chúa thương

Mỗi dịp Giáng Sinh về tại Ý thường rộ lên việc tranh cãi giữa hai câu “Gloria a Dio nell'alto dei cieli e pace in terra agli uomini di buona volontà.” nghĩa là “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm”, và “Gloria a Dio nell'alto dei cieli e pace in terra agli uomini amati dal Signore.” nghĩa là “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người Chúa thương”.


Gloria a Dio nell'alto dei cieli e pace in terra agli uomini amati dal Signore

Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người Chúa thương

Ý kiến của chính Đức Thánh Cha là câu thứ hai mới đúng. Thật vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích điều này trong bài giảng Thánh Lễ Nửa Đêm diễn ra lúc 12 giờ khuya ngày 24/12/2005 tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Trước đây, vào dịp Giáng Sinh, chúng ta thường đọc:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời

Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Với những thay đổi trong Phụng Vụ, giờ đây, chúng ta đọc:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời

Bình an dưới thế cho người Chúa thương”.

Dưới đây là lời giải thích của vị đứng đầu Giáo Hội:

Chữ “bình an” mang đến cho chúng ta một điểm then chốt thứ ba trong phụng vụ đêm hôm nay. Hài Nhi được tiên tri Isaia tiên báo là “Hoàng Tử Bình An”. Vương quốc của Ngài được đề cập đến như một nơi “an bình bất tận”. Các mục đồng trong Tin Mừng nghe lời hoan ca “Vinh danh Thiên Chúa trên trời” và “bình an dưới thế...” Có một thời chúng ta thường nói: “cho người thiện tâm”. Ngày nay, chúng ta nói : “cho người Chúa thương”. Thay đổi này nghĩa là gì? Thiện tâm không còn quan trọng nữa sao? Chúng ta có lẽ nên hỏi: ai là người Chúa thương, và tại sao Ngài thương họ? Thiên Chúa cũng thiên vị sao? Thiên Chúa thích một loại người nào đó và bỏ rơi những kẻ khác sao?

Tin Mừng trả lời những câu hỏi này bằng cách chỉ ra những người đặc biệt mà Chúa thương. Có những cá nhân như Đức Maria, Thánh Giuse, bà Êligiabét, ông Giêcharia, ông Simêon, bà Anna. Nhưng cũng có hai nhóm: các mục đồng và những nhà thông thái Phương Đông, “những nhà đạo sĩ”. Đêm nay, chúng ta hãy nhìn đến những mục đồng. Họ là loại người nào? Trong thế giới vào thời của họ, những người mục đồng thường bị coi rẻ; họ thường bị xem là không đáng tin cậy và không được chấp nhận như những nhân chứng trước tòa. Nhưng thực sự, họ là ai? Chắc chắn, họ không phải là các vị thánh cao cả, nếu chúng ta xem thánh nghĩa là những người có nhân đức anh hùng. Họ chỉ là những người với tâm hồn giản đơn. Tin Mừng chiếu soi một điểm mà sau đó, trong ngôn ngữ của Chúa Giêsu, đóng một vai trò quan trọng đặc biệt: họ là những người canh thức. Điều này rất đúng theo cách thế bề ngoài: họ canh chừng đàn gia súc về đêm. Nhưng nó cũng đúng cách sâu xa hơn: họ sẵn sàng đón nhận Lời Chúa. Đời họ không đóng kín trong chính nó; con tim họ mở rộng. Cách nào đó, thẳm sâu bên trong, họ đang mong chờ Ngài. Sự tỉnh thức của họ là một thứ sẵn sàng - sự sẵn sàng lắng nghe và cất bước lên đường. Họ đang mong chờ ánh sáng soi đường cho họ. Điều này là quan trọng đối với Thiên Chúa. Ngài yêu thương mọi người vì mọi người đều là tạo vật của Ngài. Nhưng một số người đóng cửa tâm hồn họ; không có cửa nào cho tình yêu của Ngài có thể tiến vào. Họ nghĩ họ không cần đến Thiên Chúa, cũng chẳng muốn Ngài. Những người khác, từ quan điểm luân lý, có lẽ không kém tồi tệ và tội lỗi, nhưng tối thiểu cũng cảm nhận được chút gì là hối tiếc. Họ trông đợi Thiên Chúa. Họ nhận thức rằng họ cần đến lòng nhân lành của Ngài, dù rằng họ không ý thức rõ rệt điều đó nghĩa là gì. Ánh sáng của Thiên Chúa có thể dõi chiếu vào tâm hồn đang mong đợi của họ, và cùng với ánh sáng này là bình an của Ngài. Thiên Chúa tìm kiếm những ai có thể là những thuyền bè hay những sứ giả chuyển tải bình an của Ngài. Chúng ta hãy cầu nguyện sao cho Thiên Chúa không thấy tâm hồn chúng ta đóng kín. Chúng ta hãy cố gắng trở nên những sứ giả tích cực cho hòa bình của Ngài - trong thế giới hôm nay.

2. Các vụ bạo lực chống các tín hữu Kitô đang gia tăng ở Ấn Độ.

Một báo cáo do tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cho biết, các tín hữu Kitô ở 21 trong số 28 bang của Ấn Độ đang phải đối mặt với sự ngược đãi.

Theo bản báo cáo, chỉ nội trong 9 tháng đầu năm 2021, các tín hữu Kitô ở Ấn Độ đã là mục tiêu của 305 vụ tấn công bạo lực. Nếu tính từng tháng thì tháng 9 có 69 vụ, tháng 8 có 50 vụ.

Ông A.C. Michael, điều phối viên của diễn đàn Thiên Chúa Giáo nói: “Điều này chỉ ra rằng bạo lực có tổ chức chống lại những người Thiên Chúa Giáo ở Ấn Độ đang lan rộng trên toàn quốc”.

Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc, bị xếp hạng thứ 10 trong danh sách các nước đàn áp các tín hữu Kitô.

Theo điều tra dân số năm 2011, 79.8% trong số 1.38 tỷ dân của Ấn Độ theo Ấn Giáo, 14.2% theo Hồi Giáo và 2.3%, tức khoảng 20 triệu ngừời theoThiên Chúa Giáo, bao gồm người Công Giáo theo nghi lễ Latinh và Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar

Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, vào năm 2020 đã liệt kê Ấn Độ vào danh sách “quốc gia đặc biệt quan tâm” về tự do tôn giáo.

Vì sao Ấn Độ bị liệt kê vào danh sách các quốc gia cần quan tâm về tự do tôn giáo? Bản báo cáo giải thích:

Lý do là chính phủ Ấn Độ hiện nay do Đảng Bharatiya Janata lãnh đạo, đã thúc đẩy các chính sách dân tộc chủ nghĩa của người Ấn Giáo, dẫn đến vi phạm tự do tôn giáo có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng.

Về mặt ngoại giao, Thủ tướng Narendra Modi đã mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô thăm Ấn Độ trong cuộc gặp gỡ tại Vatican vào tháng 10 vừa qua. Ông là vị thủ tướng Ấn Độ thứ hai đến thăm một vị Giáo Hoàng tại Vatican. Trước đó Thủ Tướng Atal Bihari Vajpayee gặp Đức Gioan Phaolô II trong chuyến thăm chính thức đến Ý vào năm 2000.

Tưởng cũng nên nói thêm : Ấn Độ và Tòa thánh thiết lập quan hệ ngoại giao sau khi Ấn Độ giành được độc lập từ Anh Quốc vào năm 1948. Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục là vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm Ấn Độ vào năm 1964, khi ngài tham dự Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Mumbai, khi đó còn được gọi là Bombay.

Vị Giáo Hoàng cuối cùng đến Ấn Độ là Đức Gioan Phaolô II. Ngài đã có chuyến công du đến New Delhi vào năm 1999.

3. Đức Hồng Y Tổng giám mục Westminster kêu gọi đừng đóng cửa các nhà thờ vì Covid

Lãnh đạo Công Giáo của Anh và xứ Wales kêu gọi chính phủ đừng thắt chặt các quy tắc đối với các nơi thờ tự

Nhà lãnh đạo Công Giáo hàng đầu ở Anh và xứ Wales, là Đức Tổng Giám Mục của Westminster, đã thúc giục chính phủ đừng áp dụng lại các hạn chế đối với các nhà thờ trong bối cảnh tỷ lệ nhiễm Covid-19 tăng cao đến mức kỷ lục.

Dữ liệu được công bố hôm thứ Năm, cho thấy chủng Omicron có thể gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn so với biến thể Delta trước đây, đã làm dấy lên suy đoán ở Westminster rằng Thủ tướng Boris Johnson sẽ chống lại việc áp đặt thêm các hạn chế ở Anh sau Giáng Sinh.

Đức Hồng Y Vincent Nichols nói rõ ràng rằng những không gian rộng lớn như nhà thờ “không phải là nơi lây lan vi rút”.

“Tôi chân thành kêu gọi chính phủ đừng xem xét việc đóng cửa các nhà thờ và nơi thờ tự một lần nữa,” Đức Tổng Giám Mục nói với BBC trước thánh lễ lúc nửa đêm tại nhà thờ chính tòa Westminster.

“Tôi nghĩ đất nước này đã chứng tỏ rằng mọi người có thể tự mình đưa ra những đánh giá đúng đắn,” ngài nói thêm.

“Chúng ta đang ở thời điểm có thể nói rằng chúng ta hiểu được các rủi ro. Chúng ta biết những gì chúng ta nên làm. Hầu hết mọi người đều là những người hợp lý và thận trọng. Chúng ta không cần những áp đặt mạnh mẽ hơn để dạy chúng ta phải làm gì”.

Đức Hồng Y đưa ra lập trường trên sau khi có thêm 122,186 trường hợp Covid-19 được ghi nhận ở Anh vào lúc 9 giờ sáng ngày 24 tháng 12. Đó là một kỷ lục hàng ngày mới.

Ở Scotland, các hộp đêm sẽ phải đóng cửa ít nhất ba tuần kể từ ngày 27 tháng 12 như một phần của các biện pháp kiểm soát sự lây lan của vi rút, trong khi các câu lạc bộ ở Wales và Bắc Ireland sẽ đóng cửa từ ngày 26 tháng 12.

Nhưng ở Anh, chính phủ có thể chọn ban hành các hướng dẫn theo thể thức tự nguyện hơn là các áp đặt gây ra tổn hại khác cho nền kinh tế.

Thủ tướng cho biết ông sẽ không ngần ngại hành động sau Giáng Sinh nếu được yêu cầu - với dự kiến hôm thứ Hai là cơ hội đầu tiên để các bộ trưởng xem xét liệu có cần thay đổi các biện pháp hiện có hay không.
Source:The Guardian

4. Phi Luật Tân đón Giáng Sinh sau cơn bão chết người

Hàng trăm nghìn người ở Phi Luật Tân, quốc gia Công Giáo lớn nhất Á Châu, đã đánh dấu Giáng Sinh vào hôm thứ Bảy mà không có nhà cửa, thực phẩm, điện, nước, và kết nối điện thoại di động sau khi một cơn bão mạnh khiến ít nhất 375 người chết vào tuần trước và tàn phá hầu hết các tỉnh đảo miền Trung.

Trước khi cơn bão Rai đổ bộ vào ngày 16 tháng 12, hàng triệu người Phi Luật Tân đã đổ xô trở lại các trung tâm mua sắm, công viên công cộng và nhà thờ sau khi mức tăng đột biến đáng báo động về bệnh nhiễm trùng trong tháng 9 đã giảm bớt đáng kể.

Thống đốc Arthur Yap của tỉnh Bohol bị ảnh hưởng nặng nề, nơi có hơn 100 người chết trong trận bão và khoảng 150,000 ngôi nhà bị hư hại hoặc phá hủy, hôm thứ Bảy đã yêu cầu các cơ quan cứu trợ nước ngoài giúp cung cấp nơi trú ẩn tạm thời và hệ thống lọc nước để bổ sung viện trợ của chính phủ Phi Luật Tân..

“Tôi từ chối tin rằng không có tinh thần Giáng Sinh hôm nay trong người dân của chúng ta. Họ là những người Công Giáo bảo thủ. Nhưng rõ ràng là rất im ắng. Đó là nỗi sợ hãi bao trùm, không có quà, không có bữa tối đêm Giáng Sinh, không có gì cả ngày hôm nay”, Yap nói với Associated Press.

Yap cho biết anh rất vui vì nhiều người Phi Luật Tân có thể đón Giáng Sinh an toàn hơn sau khi trường hợp COVID-19 giảm xuống, nhưng anh cầu xin: “Xin đừng quên chúng tôi.”

Tại Manila, nơi không bị ảnh hưởng bởi cơn bão, người Công Giáo Phi Luật Tân rất yên tâm khi có thể trở lại nhà thờ vào dịp Giáng Sinh, mặc dù chỉ một phần nhỏ được phép vào bên trong và các tín hữu phải đeo khẩu trang và đứng cách xa nhau một khoảng cách an toàn.

Lễ Giáng Sinh đã giảm bớt ở phần lớn Ấn Độ, với nhiều đồ trang trí hơn là đám đông vì mọi người lo ngại một làn sóng mới của biến thể omicron có khả năng quét qua đất nước trong những tuần tới.

Các nhà chức trách áp dụng lại lệnh giới nghiêm vào ban đêm và hạn chế tụ tập hơn 5 người ở các thành phố lớn như New Delhi và Mumbai. Mọi người tham dự thánh lễ lúc nửa đêm ở Mumbai và những nơi khác nhưng với số lượng ít hơn.

Kitô Hữu chỉ chiếm hơn 2% trong tổng số gần 1.4 tỷ người của Ấn Độ.

Cái nóng mùa hè có thể làm nản lòng những bữa tiệc Giáng Sinh ngoài trời ở một số nơi. Nhiệt độ ở thành phố Perth của tiểu bang Tây Úc dự kiến sẽ chạm ngưỡng 42 độ C vào thứ Bảy, khiến Giáng Sinh năm nay là Giáng Sinh nóng nhất kể từ khi các kỷ lục bắt đầu được ghi lại hơn một thế kỷ trước.

Vào đêm Giáng Sinh, một thanh niên 17 tuổi vẫn còn đang học, chưa có bằng lái xe ở Lãnh thổ phía Bắc đã đánh cắp một chiếc xe đông lạnh chứa một số lớn giăm bông Giáng Sinh trị giá hơn 10,000 đô la. Khi cảnh sát tìm được chiếc xe, số giăm bông đã biến mất.

“Hành vi này chỉ có thể được mô tả là hành vi của tên Grinch,” thám tử cảnh sát Mark Bland nói.
Source:Crux